Hoàng Trung Thông là một tác giả tiêu biểu của nền thơ ca cách mạng Việt Nam. Tác phẩm Những cánh buồm là một trong những tác phẩm tiêu biểu mang phong cách thơ của tác giả. Bài phân tích dưới đây sẽ đưa ra những cảm nhận về tác phẩm Những cánh buồm.
1. Đôi nét về tác giả Hoàng Trung Thông:
Nhà thơ Hoàng Trung Thông sinh năm 1925 và mất năm 1993; ông sinh ra tại xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, Việt Nam; Bút danh của ông là Đặc Công, Bút Châm.
Sự nghiệp văn học:
– Ông là một gương mặt thơ tiêu biểu có vị trí đại diện cho nền thơ cách mạng của nước Việt Nam mới; nguyên Tổng biên tập báo Văn nghệ Hội Nhà văn Việt Nam; nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Văn học; nguyên Vụ trưởng Vụ Văn nghệ thuộc Ban Tuyên huấn Trung ương, nguyên Viện trưởng Viện Văn học giai đoạn (1976-1985).
– Nhà nghiên cứu – giáo sư Phan Ngọc đã từng viết về ông: “Trong thâm tâm, anh là con người nhỏ bé, của những con người nhỏ bé. Trong thơ, anh chỉ là nhà thơ của những người nhỏ bé” và “Chỉ có một Hoàng Trung Thông nhỏ bé, không hài lòng với chính mình. Đó là cái lớn của Hoàng Trung Thông”.
– Thơ ca của ông giúp con người sống tốt hơn, tâm hồn trong sạch hơn, đánh thức tình yêu với con người, nỗ lực đấu tranh vì những lý tưởng nhân đạo và sự tiến bộ của con người. Thơ Hoàng Trung Thông ảnh hưởng mạnh mẽ và tác động tới đời sống nhiều thế hệ
Tác phẩm chính: Một số tập thơ như Quê hương chiến đấu, Đường chúng ta đi, Những cánh buồm, Đầu sóng, … và một số tiểu luận phê bình: Chặng đường mới của văn học chúng ta, Cuộc sống thơ và thơ cuộc sống, Những người thân những người bạn, ….
2. Đôi nét về tác phẩm Những cánh buồm:
Hoàn cảnh xuất xứ: Bài thơ được in vào năm 1964 trong tập thơ Những cánh buồm.
Thể loại: Bài thơ được viết theo thể thơ tự do
Nội dung chính: Bài thơ tập trung khai thác về ước mơ của cha người ta và người con của mình khi đứng trước không gian mênh mông của biển vô tận thấy những cánh buồm kiêu hãnh ngoài biển khơi, người con muốn có một cánh buồm trắng, sẽ đi thật xa để khám phá chân trời bất tận ngoài kia. Điều đó làm người cha nhớ lại tới ước mơ thuở bé của mình.
Bố cục gồm hai đoạn:
Đoạn 1: Từ đầu đến “Nghe con bước, lòng vui phơi phới”: Cảnh hai cha con đi dạo trên bãi biển.
Đoạn 2. Phần còn lại: Cuộc trò chuyện của hai cha con.
3. Cảm xúc về bài thơ Những cánh buồm hay nhất:
“Những cánh buồm” là một áng thơ ca viết về tình cha con mộc mạc, tha thiết mà sâu đậm nhất trong lòng em. Bằng những ngôn từ mộc mạc, không hoa mĩ hay câu chuyện to lớn, nhưng vẫn khiến người đọc thổn thức không thôi về tình cảm cha con ấm áp. Người cha trong bài thơ yêu thương con của mình vô cùng, vô tận. Tình yêu ấy thể hiện qua từng cử chỉ của cha dịu dàng mỉm cười xoa tóc con, âu yếm dắt con đi trên bờ cát, và kiên nhẫn trả lời những câu hỏi ngô nghê của con. Ngược lại, người con cũng rất kính trọng yêu thương và quấn quýt cha mình. Cậu bé đặt ra những câu hỏi, nắm tay cha và nói về những ước mơ của mình. Bầu không khí ấm áp đã khắc họa tình cha con mộc mạc và giản dị, nhưng vô cùng chân thật. Nó như một dòng nước hiền hòa chảy vào trái tim em, gợi lên trong em những tình cảm và kỉ niệm hạnh phúc cùng người cha yêu dấu của mình.
4. Đoạn văn cảm xúc về bài thơ Những cánh buồm:
Những cánh buồm của Hoàng Trung Thông là bài thơ giàu chất suy tư, trầm lắng bởi hình ảnh thơ hai cha con với những hoài bão trong sáng, lớn lao làm xúc động lòng người. Hình ảnh những cánh buồm thể hiện cho ước mơ được bay về phía xa xa của nhà thơ. Nó xuyên suốt cả bài thơ. Bóng dáng hai cha con bước đi trên cát, chan chứa một hơi ấm lan truyền chan hòa trong sắc trời đại dương. Nó làm nổi bật hẳn với sự bé nhỏ của con người trước khung cảnh thiên nhiên bao la. Hình ảnh đối lập thật dễ thương đó là bóng lênh khênh của cha bên cái bóng tròn chắc nịch của con hay chính là sự đại diện cho điểm khác biệt giữa hai thế hệ cha con đang trên cùng một hướng đi.
Khung cảnh tác giả vẽ lên thật diệu kỳ. Đại dương bao la chứa chang huyền diệu. Những gì mà cha mơ ước ngày trước chưa thể thực hiện một cách trọn vẹn thì ngày sau người con lại tiếp tục đưa ước mơ đó của người cho bay xa. Người cha chỉ dẫn cho con đi trong thế giới màu hồng của một chân trời trong tương lai rộng mở.Với tâm trạng náo nức của người con làm cho người cha muốn đưa con trai mình đi tìm ước mơ mới, bay ca và xa hơn nữa. Và những lời tâm sự của cha, nó như nguồn động lực mạnh mẽ tiếp cho con thêm hi vọng và niềm tin cho ước mơ của mình, là những ước táo bạo của người con muốn khám phá những cánh buồm đầy ước mơ. Muốn đi khắp nơi, muốn xông pha trên biển cả rộng lớn.
Tác giả đã thể hiện một cách tinh tế và đặc sắc một cách khát vọng sống đang cháy bổng trong mỗi con người. Bài thơ đã gieo vào lòng thế hệ trẻ những ước mơ, thúc giục chúng ta tìm tòi, học hỏi và khám phá để vươn tới chiếm lĩnh chinh phục thế giới vũ trụ. Nó động viên chúng ta phải không ngừng phấn đấu để vươn tới tầm cao của thời đại. Bài thơ thể hiện một mạch cảm xúc gây xúc động cho người đọc, nó đã thổi cho cánh buồm của tuổi thơ một phần hơi gió của cuộc sống mà tương lai lớp trẻ sẽ căng phồng vượt xa đến chân trời mới đang rộng mở. Đó là những ấn tượng đặc sắc của em với đoạn thơ.
5. Bài văn cảm xúc về bài thơ Những cánh buồm siêu hay:
Bài thơ “Những cánh buồm” của Hoàng Trung Thông đã đem đến cho người đọc nhiều cung bậc cảm xúc. Đây là tác phẩm được rút ra từ tập thơ cùng tên, được đánh giá là một trong những tác phẩm hay về ngôn từ, âm hưởng và có sức gợi cảm, mang đậm phong cách thơ của Hoàng Trung Thông. Sự độc đáo của tác phẩm là sự hòa quyện tinh tế, khéo léo của thiên nhiên và hình ảnh con người. Giọng thơ mang đến sự trầm lắng giống như tiếng sóng vỗ êm đềm của đại dương trong một ngày đẹp trời; cùng với hình ảnh hai cha con được nhà thơ khắc họa vô cùng chân thực, người cha dắt con bước đi trên bãi biển với chiếc bóng của cha dài lênh khênh, còn bóng của người con tròn chắc nịch – một hình ảnh đáng yêu cho thấy sự gắn bó, yêu thương của tình cha con.
Đây cũng là hình ảnh đại diện cho sự khác biệt của hai thế hệ. Khi lắng nghe tiếng chân con bước, lòng cha cảm thấy sung sướng và khát vọng khám phá thế giới của đứa con thơ khiến cha cảm thấy bồi hồi, hạnh phúc khi bắt gặp chính mình của trước đây. Lời của con hay cũng chính là tiếng lòng của cha khi còn là một cậu bé, cũng từng mong ước được khám phá thế giới rộng lớn ngoài kia. Dường như, những ước mơ chưa thể thực hiện của người cha nay được gửi gắm trong con. Và đứa con sẽ tiếp tục thực hiện ước mơ đó thay cho người cha.
Như vậy, bài thơ “Những cánh buồm” đã thể hiện niềm tự hào của người cha khi thấy con đang ấp ủ những ước mơ cao đẹp, cũng là những ước mơ lớn lao mà người cha chưa có cơ hội thực hiện. Qua đó, Hoàng Trung Thông còn muốn ca ngợi ước mơ được khám phá cuộc sống của trẻ thơ – đó là những ước mơ làm cho cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn.
6. Cảm xúc về bài thơ Những cánh buồm ngắn gọn:
Trải qua biết bao bước ngoặt cuộc đời, con người dễ dàng bị chìm đắm trong cõi nhân gian đầy gian khổ nhưng vẫn không quên những mơ ước một thời vẫn mãi đeo đuổi, bay bổng vượt thời gian đến với các thế hệ sau một cách tuyệt vời. Hương vị của tinh thần tốt đẹp ấy được thể hiện sâu sắc trong bài thơ Những cánh buồm của Hoàng Trung Thông. Bài thơ giàu chất suy tư, sâu lắng trong từng nhịp thơ, thầm thì như tiếng sóng vỗ êm đềm của đại dương, nhưng vẫn huyền diệu trong hình ảnh thơ “hai cha con” với những hoài bão, khát vọng trong sáng.
Hoàng Trung Thông gửi gắm ước mơ được bay xa tới những vùng trời mơ ước của hai thế hệ trong hình tượng cánh buồm căng phồng lao đang lưới trên mặt biển mênh mông chưa thấy điểm dừng. Hình ảnh hai cha con tiếp bước song song trên bãi cát làm chan chứa một hồi âm lan truyền chan hòa trong sắc trời đại dương kì diệu. Thật hạnh phúc khi cả hai cha con đều trong một tâm trạng phơi phới, háo hức muốn tìm hiểu về biển. Khổ thơ là lời tâm sự trìu mến của người cha đối với con, mỗi con người, ai cũng từng trải qua tuổi thơ ngây ngô với những ước mơ vô tận và đẹp đẽ.
Với tư cách người dẫn đường, người cha từng bước tiếp tục tạo điều kiện chắp cánh cho ước mơ của con. Họ đã bước đi rất lâu, như hòa nhập trong lòng biển, trong nhịp bước song song trên cát từ buổi bình minh của ngày mới đến lúc nắng đã lên cao. Bài thơ cũng là niềm gửi gớm những khao khát về ước mơ to lớn của nhà thơ, nhưng vẫn đậm nét đẹp truyền thống và tình yêu thương gia đình tha thiết thông qua hình ảnh hai cha con sóng ngang.