Dàn ý cho đoạn văn nêu lí do thích hoặc không thích một nhân vật? Đoạn văn nêu lí do thích một nhân vật điểm cao? Đoạn văn nêu lí do thích một nhân vật chọn lọc? Đoạn văn nêu lý do không thích một nhân vật chọn lọc? Đoạn văn nêu lí do không thích một nhân vật ngắn gọn?
Đây là dạng đề khá phổ biến ở chương trình học môn ngữ văn cơ sở. Ở bài viết này, chúng tôi sẽ cung cấp cho các bạn những lưu ý khi làm dạng đề này và một số đoạn văn mẫu để các bạn tham khảo.
1. Dàn ý cho đoạn văn nêu lí do thích hoặc không thích một nhân vật:
Mở bài: Giới thiệu trực tiếp hoặc gián tiếp về nhân vật em thích hoặc không thích:
Đó là nhân vật nào? Nhân vật đó xuất hiện trong câu chuyện, bộ phim, bài hát, vở kịch, cuốn sách… nào? (Thạch Sanh trong truyện cổ tích Thạch Sanh, mụ dì ghẻ trong truyện cổ tích Tấm Cám, anh chàng Jack trong bộ phim huyền thoại Titanic, anh chàng dế Mèn trong Dế mèn phiêu lưu ký của nhà văn Tô Hoài…)
Thân bài: Giải thích lí do em thích hoặc không thích nhân vật đó:
– Khái quát, nhận xét nhân vật đó là người như thế nào? (Tốt bụng, xấu xa, hiền lành, đanh đá, chua ngoa, chăm chỉ, lười biếng, ham ăn,…)
– Điều gì khiến em thích nhất hoặc ghét nhất ở nhân vật đó? (Chăm chỉ, kiên cường vươn lên trong mọi hoàn cảnh, sẵn sàng hi sinh vì người mình yêu, thông minh trân trọng tình bạn, ác độc bất chấp thủ đoạn…).
– Em học được điều gì từ nhân vật đó? (Đức tính tốt đẹp, phẩm chất quý giá, cách đối nhân xử thế, trân trọng những người yêu thương mình, lên án những hành vi xấu xa,….)
Kết bài: Khái quát cảm nhận, tình cảm dành cho nhân vật ấy một lần nữa.
2. Đoạn văn nêu lí do thích một nhân vật điểm cao:
Em là một độc giả trung thành của nhà văn Tô Hoài. Em ấn tượng với những câu chuyện mộc mạc, giản dị mà sinh động, gần gũi của ông. Trong đó, em dành một tình yêu to lớn cho nhân vật Dế mèn trong truyện Dế mèn phiêu lưu ký – một trong những tác phẩm thành công nhất trong sự nghiệp của nhà văn.
Dế Mèn được Tô Hoài miêu tả là một chàng dế đẹp trai, khỏe mạnh và cường tráng. Dế Mèn có thế mạnh về vẻ đẹp hình thể. Điều này được thể hiện qua “đôi càng mẫm bóng, thân hình rắn rỏi ra dáng con nhà võ”. Không chỉ vậy, việc sống xã mẹ từ sớm đã giúp cho Dế Mèn có khả năng tự xây dựng tổ ấm và sinh sống tự lập. Bên cạnh vẻ đẹp ngoại hình, Dế Mèn còn mang trong mình khí chất, bản lĩnh của một chàng Dế có phần ngang tàng, mạnh mẽ và kiêu ngạo. Thực ra lúc đầu truyện em không có nhiều cảm tình với Dế Mèn bởi cậu chưa học được những bài học về phẩm chất đạo đức, cách đối nhân xử thế kính trên nhường dưới trong cuộc sống. Điển hình như Dế Mèn luôn giữ thái độ khinh thường cậu bạn hàng xóm Dế Choắt, không coi Choắt ngang hàng với mình, thậm chí còn chê Choắt “hôi như chuột”. Lần khác Dế Mèn trêu chọc chị Cốc nhưng lại không nhận lỗi và kết cục Dế Choắt đã chết khi còn rất trẻ. Đây cũng là “bài học đường đời đầu tiên”, là sự kiện khiến Dế Mèn ân hận và ghi nhớ suốt một đời – cái gọi là bài học về thái độ sống khiêm nhường. Điều em ấn tượng ở đây là Dế Mèn đã nhận ra lỗi lầm của mình và tự nhủ sẽ thay đổi chứ không phải thái độ khinh khi, chối bỏ trách nhiệm. Kể từ đó, tính khí kiêu căng, ngạo mạn của cậu chàng cũng đã được giảm bớt rất nhiều. Mang theo “bài học đường đời đầu tiên”, Dế Mèn quyết chí đi chu du thiên hạ, làm những việc có ý nghĩa cho bản thân và cuộc sống. Qua chuyến đi này, em thấy được ở sâu trong tâm hồn của Dế Mèn vẫn luôn có lòng nhân hậu, cậu có tính thương người, sẵn sàng giúp đỡ kẻ yếu. Chi tiết này được thể hiện qua việc cậu chàng đã ra tay hiệp nghĩa, cứu chị Nhà Trò nhỏ bé, yếu ớt khỏi họ nhà Nhện. Trên chuyến hành trình của mình, Dế Mèn kết tình anh em cùng Dế Trũi – một người bạn tốt, giỏi võ, vui tính và hai người đã đồng hành cùng nhau trong rất nhiều chuyến phiêu lưu, mạo hiểm. Dế Mèn rất yêu quý, trân trọng và sẵn sàng bảo vệ Dế Trũi. Em rất thích tình bạn và cách cư xử giữa hai người, cứ như thể họ là anh em ruột vậy. Sau khi trải qua rất nhiều chuyến phiêu lưu, gặp rất nhiều khó khăn thử thách, kết bạn với nhiều người, học được nhiều bài học thì đến cuối truyện, Dế Mèn đã làm được một việc hết sức ý nghĩa. Đó là kêu gọi các loài vật kết tình anh em (với sự giúp đỡ của họ nhà Kiến). Việc này đã giúp cho các loài vật trở nên đoàn kết, đồng sức đồng lòng. Kể từ ấy, thế giới trở nên tươi đẹp, vui vẻ hơn, cuộc sống trở nên có ý nghĩa hơn và đâu đâu cũng tràn ngập tình yêu thương cùng sự sẻ chia, đồng lòng.
Chắc hẳn rằng, ai đọc Dế Mèn phiêu lưu ký cũng cảm thấy yêu mến anh chàng Dế Mèn đôi lúc đáng giận nhưng nhiều hơn là đáng yêu. Em cũng rút ra được rất nhiều bài học từ cuộc hành trình éo le, sinh động và hấp dẫn của chàng Dế Mèn.
3. Đoạn văn nêu lí do thích một nhân vật chọn lọc:
Em đã từng nghe ai đó nói rằng: “Truyện cổ tích là thế giới hiện thực biết ước mơ”. Quả đúng là như vậy, truyện cổ tích nói riêng và văn học dân gian Việt Nam nói chung là tiếng nói, là nỗi niềm, tiếng lòng của người bình dân trong xã hội cũ. Truyện cổ tích “Tấm Cám” là một câu chuyện thể hiện rõ niềm tin của nhân dân lao động về việc người tốt sẽ được sống hạnh phúc và kẻ ác sẽ bị trừng trị thích đáng. Nhân vật chính trong truyện là cô Tấm có số phận bất hạnh nhưng mang trong mình vẻ đẹp tâm hồn ngời sáng.
Tấm mồ côi từ nhỏ và phải ở chung với mẹ con dì ghẻ (mẹ con Cám). Tấm đã bị số phận cướp đi rất nhiều thứ: mất đi cha mẹ, mất đi cái yếm đẹp, mất đi tình yêu thương mà Tấm luôn khao khát có được. Thế nhưng Tấm không để bản thân mình trở nên xấu xa, độc ác mà vẫn chăm chỉ, miệt mài làm lụng, vẫn nhỏ nhẹ, ngoan ngoãn lịch sự. Em rất thương Tấm và mong chờ một tương lai tươi sáng, tốt đẹp hơn cho cô gái ấy. Trời không phụ lòng người, nhờ Bụt, Tấm từ một cô gái mồ côi đã trở thành hoàng hậu, sống hạnh phúc với vua trong cung điện xa hoa. Lúc này, Tấm vẫn không đối xử cay độc với mẹ con Cám. Tấm vẫn về thăm nhà và với thân phận là hoàng hậu, Tấm vẫn tự mình trèo cây cau để tỏ lòng hiếu thuận với cha. Nhưng mẹ con dì ghẻ lại hãm hại Tấm lần nữa. Tấm là một con người sẵn sàng đấu tranh để giành lại hạnh phúc cho chính mình qua việc gửi hồn mình vào chim Vàng Anh, cây xoan đào, khung cửi, quả thị,… sau bao lần hóa thân, bị hãm hại, Tấm trở lại làm người. Thông qua các cuộc đấu tranh của Tấm, em nhận thấy thông điệp, niềm tin, ước muốn về khát khao đổi đời, về việc cái thiện sẽ chiến thắng cái ác mà nhân dân lao động gửi gắm. Cuối cùng, “con giun xéo lắm cũng quằn”, Tấm tự tay trừng trị mẹ con Cám, để mẹ con Cám phải nhận cái kết thích đáng.
Cuối cùng thì cô Tấm nết na đã giành lại hạnh phúc của mình, có cái kết viên mãn. Qua nhân vật cô Tấm, em cũng rút ra nhiều bài học cho bản thân.
4. Đoạn văn nêu lý do không thích một nhân vật ấn tượng:
Truyện cổ tích Thạch Sanh thuộc loại truyện cổ tích dân gian vô cùng hấp dẫn. Bên cạnh tuyến nhân vật chính diện mà em rất thích như: Thạch Sanh, công chúa,… thì em không có cảm tình với nhân vật phản diện Lý Thông.
Nhìn chung, Lý Thông là một kẻ mưu mô nham hiểm, tham lam, giả tạo và vô cùng xảo quyệt. Nhân vật Lý Thông làm nghề buôn bán rượu, một lần hắn gặp Thạch Sanh gánh củi về gốc cây đa thì biết được Thạch Sanh mồ côi, không nơi nương tựa lại khoẻ mạnh cường tráng, hiền lành, thật thà nên hắn ngỏ ý muốn kết nghĩa anh em với Thạch Sanh để sau này có cơ hội lợi dụng chàng. Âm mưu này đã được thể hiện qua các chi tiết: Lý Thông lừa gạt để Thạch Sanh đi thay mình tới miếu hiến mạng cho chằn tinh; sau khi Thạch Sanh giết chằn tinh thì hắn lại khuyên Thạch Sanh trốn vào rừng để cướp lấy phần thưởng vua ban. Lòng tham của nhân vật này thật là vô đáy! Hắn còn mưu mô, bạc tình bạc nghĩa ở chỗ sau khi Thạch Sanh xuống hang sâu cứu công chúa, hắn đỡ công chúa ra khỏi miệng hang rồi ngay lập tức ra lệnh lấy đá chặn lối ra hòng giết chết người em kết nghĩa. May mắn thay, kẻ gian ác luôn phải trả giá cho hành động của mình. Cuối cùng mọi chuyện cũng bại lộ, Lý Thông và bà mẹ trở về căn nhà cũ, trên đường về thì cả hai bị sét đánh trúng biến thành con bọ hung hôi thối, xấu xí.
Qua nhân vật Lý Thông, em học được nhiều bài học sâu sắc, nhất là việc rèn luyện đạo đức, không để lòng tham chiếm lấy tâm trí và phải sống thật lòng với mọi người.
5. Đoạn văn nêu lí do không thích một nhân vật ngắn gọn:
“Ông lão đánh cá và con cá vàng” là câu chuyện gắn liền với tuổi thơ của em. Tuy nhiên trong truyện có một nhân vật mà em cảm thấy không thích, đó là nhân vật người vợ của ông lão đánh cá. Lý do là vì nhân vật này không chỉ tham lam mà còn độc ác. Sau khi nghe chồng mình kể về chuyện con cá vàng, bà ta đã bắt ông lão đến xin điều ước của cá vàng. Điều ước sau lại lớn hơn và khó thực hiện hơn điều ước trước: từ cái máng lợn mới, ngôi nhà mới rồi đến cả tòa lâu đài. Thậm chí, bà ta còn ra tay đánh đập, bạo lực gia đình với ông lão đánh cá. Để rồi cuối cùng, người vợ đã bị trừng phạt và mất hết tất cả, trở lại cuộc sống nghèo khổ như xưa. Nhân vật này đã nhắc nhở em bài học về tác hại của sự tham lam trong cuộc sống.