Xin cấp lại tờ rời Bảo hiểm xã hội ở đâu? Cấp lại tờ rời online trên VssID? Thời gian để xin cấp lại tờ rời sổ bảo hiểm xã hội?
Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã ứng dụng rất tốt sự phát triển của công nghệ thông tin để cho ra đời ứng dụng VssID, đây chính là một nỗ lực rất đáng khích lệ của ngành bảo hiểm. Chính sự ra đời của ứng dụng VssID đã làm minh bạch các thông tin về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, đồng thời đã giảm bớt được giấy tờ, thủ tục hành chính cho người dân khi thực hiện các thủ tục liên quan đến Bảo hiểm xã hội. Vậy người tham gia bảo hiểm xã hội sẽ làm thủ tục xin cấp lại tờ rời sổ bảo hiểm xã hội ở đâu? Nếu không nộp hồ sơ trực tiếp thì người tham gia có được thực hiện cấp lại tờ rời online trên ứng dụng VssID hay không, nếu được thì các bước được thực hiện như thế nào?
Căn cứ pháp lý:
– Luật Bảo hiểm xã hội 2014;
– Quyết định 595/QĐ-BHXH 2017 quy định về thu BHXH, BHYT, BHTN; quản lý sổ BHXH, thẻ BHYT được sửa đổi bổ sung bởi Quyết định 505/QĐ-BHXH 2020.
LVN Group tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.0191
1. Xin cấp lại tờ rời bảo hiểm xã hội ở đâu?
Tờ rời Bảo hiểm xã hội chính là một phần không thể thiếu và không thể tách rời của sổ bảo hiểm xã hội nhằm mục đích để xác nhận một số thông tin về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế của người lao động khi tham gia lao động tại các doanh nghiệp, tổ chức. Các trang của tờ rời sổ BHXH ghi tất cả quá trình đóng BHXH của những người tham gia bao gồm có: tờ rời hàng năm và tờ rời chốt sổ. Trong đó, tờ rời chốt sổ sẽ được cơ quan bảo hiểm xã hội cấp khi người tham gia ngừng đóng để bảo lưu khoảng thời gian đóng BHXH, còn đối với tờ rời hàng năm được cơ quan bảo hiểm xã hội cấp sau mỗi năm mà người lao động đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp và là cơ sở để xác nhận quá trình tham gia BHXH, BHTN đã được chính các đơn vị của người lao động nộp đủ tiền tính đến ngày 31/12 của năm tài chính.
Theo Quyết định 595/QĐ-BHXH 2017 quy định về thu BHXH, BHYT, BHTN; quản lý sổ BHXH, thẻ BHYT được sửa đổi bổ sung bởi Quyết định 505/QĐ-BHXH 2020 có quy định khi đóng tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế thì người lao động nhận được sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế và các tờ rời sổ bảo hiểm xã hội hàng năm.
Cũng theo Quyết định 595/QĐ-BHXH 2017 quy định về thu BHXH, BHYT, BHTN; quản lý sổ BHXH, thẻ BHYT được sửa đổi bổ sung bởi Quyết định 505/QĐ-BHXH 2020 có quy định cơ quan bảo hiểm xã hội cấp quận/huyện sẽ thực hiện in tờ rời sổ bảo hiểm xã hội trong các trường hợp sau:
– Cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận sổ BHXH cho những người lao động khi họ dừng đóng bảo hiểm xã hội hay giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội.
– Cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận quá trình đóng đối với bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đến thời điểm mà người tham gia bị tai nạn lao động, bị bệnh nghề nghiệp.
– Cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận hay xác nhận lại quá trình đóng bảo hiểm thất nghiệp cho những người tham gia khi họ còn thời gian chưa hưởng.
– Cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận quá trình đóng bảo hiểm xã hội, quá trình đóng bảo hiểm thất nghiệp khi có đề nghị của đơn vị hoặc của cơ quan thanh tra, kiểm tra.
– Cơ quan Bảo hiểm xã hội thực hiện điều chỉnh thông tin tham gia bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp (kể cả trong các trường hợp đã giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội).
Tại Điều 46 Quyết định 595/QĐ-BHXH 2017 quy định về thu BHXH, BHYT, BHTN; quản lý sổ BHXH, thẻ BHYT được sửa đổi bổ sung bởi Quyết định 505/QĐ-BHXH 2020 có quy định về cấp và quản lý sổ BHXH thì trường hợp được cấp lại tờ rời sổ BHXH khi tờ rời hoặc sổ bảo hiểm xã hội bị mất, hỏng.
Khi tờ rời hoặc sổ bảo hiểm xã hội của người tham gia bị mất thì họ phải làm thủ tục để cấp lại tờ rời sổ BHXH. Tại khoản 2 Điều 27 Quyết định 595/QĐ-BHXH 2017 quy định về thu BHXH, BHYT, BHTN; quản lý sổ BHXH, thẻ BHYT được sửa đổi bổ sung bởi Quyết định 505/QĐ-BHXH 2020 thì trước khi người tham gia nộp hồ sơ đến cơ quan chức năng có thẩm quyền để xin cấp lại tờ rời sổ BHXH họ phải chuẩn bị trước các loại giấy tờ sau:
– Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (Mẫu TK1-TS).
– Căn cước công dân/CMTND bản sao chứng thực
Căn cứ điểm c khoản 1 Điều 31 Quyết định 595/QĐ-BHXH 2017 quy định về thu BHXH, BHYT, BHTN; quản lý sổ BHXH, thẻ BHYT được sửa đổi bổ sung bởi Quyết định 505/QĐ-BHXH 2020 quy định về nơi nộp hồ sơ thì sau khi người tham gia chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, giấy tờ để xin cấp lại tờ rời sổ BHXH thì người tham gia có thể nộp tại các nơi sau:
– Trong trường hợp người tham gia đang làm việc cho một doanh nghiệp, tổ chức thì có thể nộp cho doanh nghiệp, tổ chức nơi đang làm việc hoặc có thể nộp trực tiếp cho cơ quan BHXH
– Trong trường hợp người đang bảo lưu thời gian đóng BHXH hoặc là đã được giải quyết chế độ hưởng lương hưu, chế độ trợ cấp BHXH thì nộp cho cơ quan BHXH trên toàn quốc.
2. Cấp lại tờ rời online trên VssID:
Tại Công văn số 3717/BHXH-CNTT về việc triển khai ứng dụng VssID có quy định VssID chính là ứng dụng BHXH số trên nền tảng của thiết bị di động do chính BHXH Việt Nam xây dựng lên, phát hành và quản lý.
Ứng dụng VssID ra đời đã mang lại nhiều tính năng, tiện ích cho người dùng, cụ thể như:
– Cung cấp thông tin: cung cấp các thông tin về thẻ bảo hiểm y tế, quá trình tham gia BHXH,….
– Cung cấp các tiện ích tra cứu: tra cứu mã số BHXH; tra cứu cơ sở khám, chữa bệnh có ký hợp đồng khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế;…
– Cung cấp các dịch vụ công trực tuyến: Cấp lại bìa sổ và tờ rời sổ bảo hiểm xã hội, điều chỉnh thông tin cá nhân của người tham gia BHXH,….
Như vậy, qua các tính năng của ứng dụng VssID thì người tham gia có thể xin cấp lại tờ rời sổ bảo hiểm xã hội ngay trên dịch vụ công trực tuyến ở ứng dụng này chứ không nhất thiết phải nộp hồ sơ tới những nơi đã nêu ở trên.
Các bước cấp lại tờ rời sổ Bảo hiểm xã hội online trên ứng dụng VssID được thực hiện như sau:
Bước 1: tải ứng dụng VssID về máy
Bước 2: Đăng ký tài khoản cá nhân
Bước 3: Đăng nhập vào tài khoản VssID
Tại bước này, người dùng phải đăng nhập bằng chính mã số BHXH của mình và mật khẩu cá nhân đã được thiết lập ở bước đăng ký tài khoản. Hoặc người dùng có thể đăng nhập bằng mã vân tay.
Bước 4: Xin cấp lại tờ rời sổ bảo hiểm xã hội
Sau khi người dùng thực hiện đăng nhập thành công, tại màn hình chính sẽ hiện ra giao diện quản lý cá nhân, tại đây người dùng nhấn chọn mục “dịch vụ công”. Sau khi nhấn chọn thì giao diện dịch vụ công sẽ hiện lên, người dùng thực hiện nhấn chọn mục “cấp lại sổ BHXH không thay đổi thông tin”
Bước 5: chọn phương thức nhận kết quả và tiến hành điền thông tin cần thiết
Sau khi giao diện “cấp lại sổ BHXH không thay đổi thông tin” hiện lên người dùng cần phải chọn một trong các phương thức nhận kết quả, có hai phương thức chọn nhận kết quả đó là nhận kết quả tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả hoặc qua dịch vụ bưu chính. Nếu người dùng tích chọn nhận kết quả qua dịch vụ bưu chính thì phải điền các thông tin cần thiết bao gồm: số nhà; tổ/thôn/xóm; khu phố; điền tên quận/huyện; điền tên tỉnh/TP nhằm để nhận kết quả trả về từ cơ quan BHXH.
Bước 6: Người dùng kiểm tra kỹ thông tin một lần nữa và nhấn chọn phần “gửi”. Ngay tại thời điểm người dùng đã gửi thì hệ thống sẽ thông báo kết quả đến người dùng gửi thành công để xác nhận đã gửi thành công hay không
3. Thời gian để xin cấp lại tờ rời sổ bảo hiểm xã hội:
Khoản 2 Điều 29 Quyết định 595/QĐ-BHXH 2017 quy định về thu BHXH, BHYT, BHTN; quản lý sổ BHXH, thẻ BHYT được sửa đổi bổ sung bởi Quyết định 505/QĐ-BHXH 2020 có quy định về cấp sổ bảo hiểm xã hội quy định trong trường hợp người dùng thực hiện cấp lại sổ BHXH do thay đổi họ, tên, chữ đệm; thay đổi ngày, tháng, năm sinh; thay đổi giới tính, dân tộc; thay đổi quốc tịch; sổ BHXH do mất, hỏng; hoặc cộng nối thời gian nhưng không phải đóng BHXH hoặc gộp sổ BHXH thì thời hạn không quá 10 ngày kể từ ngày cơ quan bảo hiểm xã hội tiếp nhận đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định. Trong trường hợp cơ quan bảo hiểm xã hội cần phải xác minh quá trình đóng BHXH của người tham gia ở tỉnh khác hoặc ở nhiều đơn vị nơi người lao động có khoảng thời gian làm việc thì thời hạn không quá 45 ngày nhưng cơ quan bảo hiểm xã hội phải có văn bản thông báo cho người lao động biết.
Như vậy, thời hạn để người tham gia xin cấp lại tờ rời sổ bảo hiểm xã hội là không quá 10 ngày, còn đối với trường hợp cần phải xác minh lại thông tin thì thời hạn không quá 45 ngày, nhưng cơ quan BHXH phải có thông báo bằng văn bản cho người tham gia biết.