Xức Dầu Thánh là gì? Khái quát về Bí tích Xức Dầu Thánh?

Xức dầu thánh là một trong những tín ngưỡng của người Kito giáo. Bài viết dưới sẽ cung cấp: Ý niệm về Bí Tích Xức Dầu Bệnh Nhân? Tính Bí tích của việc xức dầu bệnh nhân? Ý nghĩa cử hành xức dầu bệnh nhân? Hiệu quả của bí tích xức dầu bệnh nhân?

1.  Ý niệm về Bí Tích Xức Dầu Bệnh Nhân:

Bí tích xức dầu bệnh nhân viết tắt là BT, trong đó người tín hữu nhận được hồng ân của Thiên Chúa, để nhận được ơn cứu độ siêu nhiên cho linh hồn và cũng thường được nhận ơn cứu độ tự nhiên phần xác, nhờ qua hành động xức dầu phép và lời cầu nguyện của linh mục.

2. Tính Bí tích của việc xức dầu bệnh nhân:

2.1. Tín điều:

Vào thời Trung cổ, có nhiều giáo phái xem nhẹ việc “xức dầu” như nhóm Catharer, Waldenser, Wiclifiten, Hussiten, và họ không muốn nhận; bên cạnh đó, giáo phái Tin Lành lại phủ nhận tính Bí Tích của việc xức dầu này, và họ cho rằng đấy chỉ là phong tục do các giáo phụ để lại, không có mệnh lệnh nào của Chúa cả họ coi đó “tựa như bí tích”.

Chống lại giáo phái Tin Lành, Công đồng Tridentinô tuyên bố: SI QUIS DIXERIT, EXTREMEM UNCTIONEM NON ESSE VERE ET PROPRIE SACRAMENTUM A CHRISTO DOMINO NOSTRO INSTITUTUM ET A BEATO JACOBO APOSTOLO PROMULGATUM, SED RITUM TANTUM ACCEPTUM A PATRIBUS AUT FIGMENTUM HUMANUM, ANATHEMA SIT.

Đức giáo hoàng Piô X kết án lý thuyết duy tân, cho rằng thánh Giacôbê Tông Đồ trong lá thư của ngài, không có ý công bố một BT do Đức giáo Kitô thiết lập, nhưng chỉ ra lệnh thực thi như một thói quen đạo đức.  

2.2. Chứng cứ Thánh Kinh: 

Bí tích xức dầu bệnh nhân đã được nói đến và ghi dấu trong đoạn Mc 6,13 trong Thánh Kinh, được chỉ thị và công bố ở đoạn Gc 5,14t “Ai trong anh em đau yếu ư? Người ấy hãy mời các kỳ mục của Hội Thánh đến; họ sẽ cầu nguyện cho người ấy, sau khi xức dầu nhân danh Chúa. Lời cầu nguyện do lòng tin sẽ cứu người bệnh; người ấy được Chúa nâng dậy, và nếu người ấy đã phạm tội, thì sẽ được Chúa thứ tha.”

Trong đoạn Gc 5,14-15, có thể thấy những điểm căn bản của một BT:

– Một dấu chỉ ân sủng bên ngoài, gồm việc thực hiện xức với dầu (Materia) và cầu nguyện của vị cư mục trên người bệnh (Forma);

– Một hiệu quả ân sủng bên trong, được nói rõ ràng trong việc tha thứ tội lỗi qua việc trao ban ân sủng. Theo văn mạch và cách sử dụng ngôn từ đặc biệt thì việc cứu độ và cứu chữa không chỉ nhằm giúp cho thân xác được khỏe khoắn, mà còn đem lại ơn cứu độ cho linh hồn khỏi bị diệt vong đời đời và cứu chữa linh hồn khỏi bị bầm dập và khủng hoảng.

– Mặc dù trong thuật ngữ “nhân danh Chúa” không trực tiếp nói đến việc Chúa Kitô thiết lập, nhưng được ngầm hiểu là như vậy. Chỉ có Thiên Chúa, đặc biệt là Thiên-Nhân Giêsu Kitô, nhờ chính uy quyền của mình, mới có thể nối kết việc ban ân sủng thiên linh với một nghi thức này.  

2.3. Chứng cứ Thánh Truyền:

Chứng cứ của các giáo phụ về việc Bí tích xức dầu bệnh nhân không có nhiều.  

– Dựa vào đoạn Gc 5,14-15, Origenes có nói về việc tha thứ tội lỗi, nhưng lại không phân biệt rõ với việc tha tội nhờ BT Thống Hối (In Lev.hom. 2,4). Quyển Kỷ luật Hội Thánh của Hippolyt thành Rôma ghi một lời nguyện ngắn để thánh hiến dầu, trong đó Hội thánh cầu xin “sự củng cố cho mọi người được xức và sức khỏe cho những ai cần thiết”. Từ những hiệu quả tín ngưỡng mong chờ khi sử dụng dầu, thì người ta cũng áp dụng cho việc Xức Dầu bệnh nhân.  

– Quyển EUCHOLOGION của SERAPION thành THMUIS có ghi một lời thánh hiến dầu tỉ mỉ, trong đó nói rõ hiệu quả của việc Xức Dầu bệnh nhân là với mục đích giải thoát cho thân xác khỏi bệnh tật, yếu đuối; xua đuổi mọi thần ô uế; trao ban ân sủng và tha thứ tội lỗi.

– Trong lá thư gởi cho DECENTIUS thành EUGUBIUM (D 99), Đức Giáo Hoàng Innocentê I (401-417) nhắm vào các tín hữu đau yếu: dầu xức cho bệnh nhân phải được giám mục thánh hiến; việc xức dầu cho bệnh nhân không những dành cho linh mục, mà còn dành cho giám mục; và việc xức dầu bệnh nhân này là một “Bí Tích”.

– Cesarius thành Arles cảnh cáo giáo dân, nếu như đau yếu, không được phép đến với các thầy bói và phù thủy, cũng không được phép sử dụng tà thuật mà phải đến với Hội Thánh để lãnh nhận Mình và Máu thánh Chúa Kitô, đồng thời tự xức dầu do linh mục thánh hiến cho mình.

– Như BEDA VENERABILIS (+735) và các tác giả thời Charlesmagne minh chứng việc xức dầu này là do linh mục thực hiện. Quan điểm này đồng ý với Đức Innocentê I, Beda cho phép việc xức dầu riêng tư, nhưng phải bằng dầu do giám mục thánh hiến. Vào thời Charlesmagne các giám mục và các công đồng cảnh cáo giáo dân chớ bỏ qua việc lãnh nhận Xức Dầu cuối cùng này.

3. Ý nghĩa cử hành xức dầu bệnh nhân:

Bệnh tật và đau khổ là những thử thách nặng nề nhất, thứ mà có thể làm cho con người xao xuyến, bi quan, đôi khi là sự tuyệt vọng và nổi loạn chống lại Thiên Chúa. Bệnh tật liên lụy đến thân xác nhưng cũng ảnh hưởng tới tinh thần của nhân loại và nhiều khi cũng làm tắc nghẽn những liên hệ với tha nhân. Chúa Ki-tô tận tâm chữa lành con người cả hồn lẫn xác (chữa bệnh và tha tội) biết cách liên kết chúng ta với cuộc khổ nạn cứu độ của Người.

Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi chúng ta trong cơn hoạn nạn.  Bí tích Xức Dầu bệnh nhân làm dịu sự đau khổ và trấn an tinh thần của những tín đồ ở những khắc khoải lo âu. Bí tích này không có ý thay thế thuốc men và sự chữa trị y khoa; nhưng có mục đích thánh hóa làm cho việc săn sóc chữa trị bệnh nhân có một ý nghĩa tôn giáo to lớn. Một sự thật cho thấy nỗ lực chữa trị của con người không luôn luôn thành công vì thân xác con người chúng ta vốn mỏng dòn và đời sống trần thế chúng ta không phải là vô cùng vô tận. Vì thế, “chúng ta đặt tất cả hy vọng của chúng ta trong Thiên Chúa Hằng Sống” và niềm tin vào tín ngưỡng.

4.  Người ban và người nhận bí tích xức dầu bệnh nhân:

Theo bức thư của thánh Gia-cô-bê viết cho các giáo đoàn và căn dặn:

– “Ai trong anh em đau yếu ư? Người ấy hãy mời các kỳ mục của Hội Thánh đến; họ sẽ cầu nguyện cho người ấy, sau khi xức dầu nhân danh Chúa. Lời cầu nguyện do lòng tin sẽ cứu người bệnh; người ấy được Chúa nâng dậy, và nếu người ấy đã phạm tội, thì sẽ được Chúa thứ tha”. Bản văn cho thấy Hội Thánh đã hiểu và thực thi mệnh lệnh của Chúa Giê-su đã truyền cho các môn đệ: “Anh em hãy chữa lành người đau yếu!” (Mt 10,8). Do vậy, chỉ có linh mục (hay Giám mục) mới có quyền ban Bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân.

– “Xức Dầu Bệnh Nhân không phải chỉ là Bí tích dành cho những người hấp hối. Do đó, thời gian thích hợp để lãnh nhận Bí tích Xức Dầu Thánh là khi người tín hữu bắt đầu lâm cơn nguy tử vì bệnh tật hay già yếu”. Trong cùng một cơn bệnh, một người có thể lãnh nhận Bí tích này nhiều lần, cứ mỗi lần trở nặng, trước khi chịu đại phẫu, hoặc người lớn tuổi, suy yếu cũng nên lãnh nhận Bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân. 

5.  Hiệu quả của bí tích xức dầu bệnh nhân:

Ân sủng trợ giúp đặc biệt của Chúa Thánh Thần:

Ơn căn bản của Bí tích này là sức mạnh, bình an và can đảm để vượt qua những khó khăn do bệnh tật hay tuổi già, chống trả các cám dỗ, không sợ chết, thêm tin tưởng và phó thác vào Thiên Chúa. Chiến đấu chống lại bệnh tật là một cách muốn chiến thắng ‘sự dữ’, bởi bệnh tật là kết quả hiển nhiên của ‘sự dữ’ mà con người phải gánh chịu vì hậu quả tội nguyên tổ. “Ngoài ra, nếu bệnh nhân đã phạm tội thì sẽ được Chúa thứ tha” (Gc 5,15; GLHTCG 1520). Thật vậy, bí tích này là hành vi tượng trưng thể hiện sự tha thứ các tội mà bệnh nhân vì cơn bệnh không thể xưng thú lỗi lầm và đồng thời tha cho việc đền tội phải làm.

Kết hiệp với Đức Ki-tô chịu khổ nạn:

Nhờ kết hiệp với Chúa Ki-tô trong chịu khổ nạn, các tín đòo được thánh hiến để sinh hoa trái cứu độ. Bệnh nhân dễ dàng chấp nhận những bất trắc trong lúc chữa trị và an tâm đón nhận ý Chúa trong việc nhận niềm tin và ơn đức của Người.

Ân sủng mang tính Hội Thánh:

Khi cử hành Bí tích này, trong sự hiệp thông của Dân Thánh, Hội Thánh cầu nguyện cho bệnh nhân và bệnh nhân nhờ ân sủng của Bí tích, góp phần thánh hóa Hội Thánh và mưu cầu hạnh phúc cho mọi người. Qua tác vụ của Hội Thánh, Chúa Ki-tô hằng sống tỏ cho bệnh nhân thấy tình yêu và sự trìu mến của Người khi họ liên kết đức tin của mình với đức tin của Hội Thánh.

Chuẩn bị cho cuộc ra đi lần cuối:

Việc xức dầu lần cuối cùng của mỗi tín đồ giúp họ an tâm trong cuộc chiến đấu cuối cùng trước khi về Nhà Cha. Y khoa có thể chữa lành nhiều bệnh tật, nhưng chỉ một mình Chúa Giê-su mới có thể toàn thắng bệnh tật và tội lỗi bí tích Xức Dầu bệnh nhân là dấu chỉ của ơn thánh có sức chữa lành và cứu độ.

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com