Trăng quầng là gì? Trăng tán là gì? Trăng quầng và trăng tán được hình thành như thế nào? Ý nghĩa của câu tục ngữ “Trăng quầng thì hạn trăng tán thì mưa”? Những câu ca dao, tục ngữ dự báo thời tiết?
Từ xa xưa, ông cha ta đã biết cách dự đoán tình hình thời tiết dựa vào việc quan sát những hiện tượng của tự nhiên như trăng, trời, gió, mây, hay các loài động thực vật xung quanh chúng ta. Trong dân gian có câu tục ngữ “Trăng quầng thì hạn, trăng tán thì mưa” để dự báo thời tiết cho những ngày tháng tiếp theo. Cho đến nay, cách dự báo thời tiết này của ông cha ta cũng có độ chính xác không hề nhỏ. Vậy khi nào chúng ta sẽ gọi là “trăng quầng” và “trăng tán”? Câu tục ngữ “Trăng quầng thì hạn, trăng tán thì mưa” có ý nghĩa như thế nào? Chúng ta cùng nhau tìm hiểu về ý nghĩa của câu tục ngữ “Trăng quầng thì hạn, trăng tán thì mưa” trong bài viết dưới đây nhé!
1. Trăng quầng là gì?
Quầng: được hiểu là vầng sáng tròn, có nhiều màu sắc bao quanh các nguồn sáng, được tạo ra do ánh sáng nhiễu xạ trên các hạt nhỏ có cùng một kích thước.
Trăng quầng (Lunar Corona) là hiện tượng Mặt Trăng xuất hiện cùng với một quầng sáng có nhiều màu sắc gần giống với cầu vồng bao sát xung quanh Mặt Trăng, có kích thước bán kính không quá 22 độ (Có đường kính rộng 44 độ).
Trăng quầng còn được gọi với cái tên là Nguyệt Hoa. Nếu quang hoa xuất hiện bao sát xung quanh Mặt Trời thì được gọi là Nhật Hoa (hiện tượng này khác với một Nhật Hoa khác của Mặt Trời xuất hiện khi có hiện tượng nhật thực toàn phần).
2. Trăng tán là gì?
Tán: được hiểu là vòng sáng mờ nhạt có nhiều màu sắc bao xung quanh Mặt Trăng hay Mặt Trời do sự khúc xạ và phản chiếu ánh sáng qua màn mây.
Trăng tán (Lunar Halo) là hiện tượng Mặt Trăng xuất hiện cùng với một vòng hào quang nhiều màu sắc giống với cầu vồng nằm và không tách biệt ra bên ngoài đĩa sáng Mặt Trăng. Khoảng ở giữa từ vòng hào quang này tới Mặt Trăng là vùng khoảng trống và có màu đen tối như màu nền bầu trời.
Trăng tán còn được gọi với cái tên là Nguyệt Quang. Nếu tán này xuất hiện bao xung quanh Mặt Trời thì được gọi là Nhật Quang.
3. Trăng quầng và trăng tán được hình thành như thế nào?
Giải thích hình ảnh “Trăng quầng”
Khi ánh sáng xuyên qua các tinh thể băng (các tinh thể băng này thường là có hình khối lăng trụ lục giác) bị khúc xạ cho tia ló lệch góc có kích thước khoảng 22 độ. Do vậy, bao sát xung quanh nguồn sáng của Mặt Trời hay Mặt Trăng ta sẽ thấy xuất hiện hiện tượng một quầng sáng, về bản chất đây là quỹ đạo các tia ló được Mặt Trời chiếu sáng qua các tinh thể băng. Quầng này tách biệt với nguồn sáng có kích thước bán kính góc khoảng 22 độ.
Hiện tượng quầng xảy ra là do mây có chứa các tinh thể băng hay còn được gọi là mây ti tầng. Mây ti tầng có dạng trong và trắng nhạt, dạng sợ tơ ở độ cao khoảng 7 km, nhiệt độ trong đám mây tầm khoảng -20 độ C.
Như chúng ta đã biết, quang phổ mặt trời là một dải liên tục từ đỏ đến tím, khi nó bị khúc xạ qua các tinh thể băng, thì nó sẽ có hiện tượng bị tán sắc như khi qua lăng kính. Đây chính là lý do, tại sao khi ta nhìn thấy vòng tròn gồm có 7 màu chính đó là màu đỏ, da cam, vàng, lục, lam, chàm, tím. Trong đó, ở vành trong cùng có màu đỏ và vành bên ngoài cùng có màu tím.
Do ánh sáng mặt trời mạnh hơn Mặt Trăng nên quầng Mặt Trời thường rõ hơn quầng Mặt Trăng. Hiện tượng trăng quầng chủ yếu chỉ thấy một vòng sáng trắng, hôm nào trăng thanh gió mát ta mới có thể thấy sự phân định màu đỏ tím. Đôi khi thấy một quầng lớn, mờ hơn và bán kính góc lớn hơn bình thường xấp xỉ bằng 45 độ, đây chính là kết quả của sự khúc xạ nhiều lần qua tinh thể băng.
Khi quầng trăng xuất hiện là dấu hiệu báo trước một thời kỳ không mưa sẽ diễn ra, có thể gây ra tình trạng thiếu nước, hạn hán kéo dài.
Giải thích hình ảnh “Trăng tán”
Tán trăng là các vòng tròn có kích thước nhỏ, do ánh sáng bị nhiễu xạ khi qua các hạt mưa làm cho nó không tách biệt với Mặt Trăng và cũng không tách biệt với nhau.
Do các tia sáng nhiễu xạ qua các giọt nước mưa, tạo thành các vòng có kích thước bán kính góc nhỏ, sát nguồn sáng, tuy nhiên ta thường chỉ thấy đó là một vành đai sáng rộng bao sát xung quanh Mặt Trời hay Mặt Trăng, đó được gọi là tán.
Khi trăng tán xuất hiện là dấu hiệu báo trước trời có nhiều mây và rất dễ có mưa.
Tuy nhiên, hiện tượng trăng tán và trăng quầng cũng có thể xảy ra cùng một lúc.
4. Ý nghĩa của câu tục ngữ “Trăng quầng thì hạn trăng tán thì mưa.”
Trong câu tục ngữ “Trăng quầng thì hạn, trăng tán thì mưa”, ông cha ta cũng đã dùng hiện tượng “trăng quầng’, “trăng tán” để dự đoán thời tiết mưa hay là nắng.
“Trăng quầng” là hiện tượng có một quầng sáng trắng bao sát xung quanh Mặt Trăng. Đây là một hiện tượng quang học do khi đi vào khí quyển ánh sáng do Mặt Trời chiếu sáng từ Mặt Trăng qua các tinh thể băng bị khúc xạ. Trên phương diện khoa học, khi thời tiết khô oi nóng, ít hơi nước, mật độ nước đóng băng trên tầng cao khí quyển thấp thì khi đó ánh sáng Mặt Trăng đi qua sẽ bị khúc xạ, tạo thành vòng sáng trắng bao xung quanh Mặt Trăng. Theo kinh nghiệm của cha ông ta, khi hiện tượng trăng quầng xuất hiện, người ta dự đoán rằng thời tiết sẽ ít mây, oi bức, khô, nóng nực. Tuy nhiên, hiện tượng trăng quầng có thể là nguyên nhân dẫn tới áp suất chênh lệch trong khí quyển, sinh ra gió, mưa và bão.
Ngược lại, khi trên tầng cao khí quyển có nhiều mây, chứa nhiều nước đóng băng, ánh sáng Mặt Trăng đi qua bị khúc xạ nhiều lần tán sắc rõ ràng không tạo thành một góc khúc xạ duy nhất nên tạo ra thành vùng sáng có nhiều màu bao xung quanh và không tách biệt khỏi Mặt Trăng. Đây chính là hiện tượng “trăng tán” được ông cha ta nhắc đến trong câu tục ngữ “Trăng quầng thì hạn, trăng tán thì mưa”. Khi hiện tượng trăng tán xuất hiện, người ta dự báo rằng trời sẽ rất dễ có mưa và sắp có mưa.
Tuy nhiên, câu tục ngữ “Trăng quầng thì hạn, trăng tán thì mưa” do cha ông ta đúc kết lại chỉ mang tính chất tương đối, không nên coi là tuyệt đối đúng trong mọi trường hợp. Bởi vì, có trường hợp Mặt Trăng có thể đồng thời xuất hiện tượng “quầng” và “tán” cùng một lúc, do mật độ và số lượng tầng mây trên khí quyển thay đổi. Hay hiện tượng trăng quầng” có thể là nguyên nhân dẫn tới áp suất chênh lệch trong khí quyển, sinh ra gió, mưa và bão.
5. Những câu ca dao, tục ngữ dự báo thời tiết:
1. “Sao dày thì mưa, sao thưa thì nắng.”
2. “Sao ló trời nắng, sao vắng trời mưa.”
3. “Tháng Giêng rét dài, tháng Hai rét lộc, tháng Ba rét nàng Bân.”
4. “Đầu năm sương muối, cuối năm gió nồm.”
5. “Mây xanh thì nắng, mây trắng thì mưa.”
6. “Gió bấc thì hanh, gió nồm thì ẩm.”
7. “Tháng bảy kiến bò chỉ lo lại lụt.”
8. “Tháng ba mưa đám, tháng tám mưa cơn.”
9. “Ráng mỡ gà, ai có nhà thì chống.”
10. “Tháng chín mưa rươi, tháng mười mưa cữ.”
11. “Gió thổi là đổi trời.”
12. “Quạ tắm thì ráo, sáo tắm thì mưa.”
13. Chớp đông nhay nháy, gà gáy thì mưa.”
14. “Cỏ gà màu trắng, điểm nắng đã hết.”
15. “Đêm tháng Năm chưa nằm đã sáng
Ngày tháng Mười chưa cười đã tối.”
16. “Cơn đằng Đông vừa trông vừa chạy
Cơn đằng Nam vừa làm vừa chơi”
17. “Chuồn chuồn bay thấp thì mưa
Bay cao thì nắng, bay vừa thì râm.”
18. “Cò bay ngược, nước vô nhà
Cò bay xuôi nước lui ra biển.”
19. “Giông bể Đông bắt nồi rang thóc
Giông bể tây đổ thóc ra phơi.”
20. “Chớp đằng đông nước đồng tràn ngập
Chớp đằng tây mua dây mà tát.”
21. “Ông tha mà bà chẳng tha
Bà cho cái lụt hăm ba tháng Mười.”
22. “Mây kéo xuống biển thì nắng chang chang
Mây kéo lên ngàn thì mưa như trút.”
23. “Én bay thấp mưa ngập cầu ao,
Én bay cao mưa rào lại tạnh.”
24. “Kiến đắp thành thì bão
Kiến ẵm con chạy vào thì mưa.”
25. “Mây càng bay cao trời càng đẹp
Hoa cúc cụp cánh lại trước khi trời mưa.”
26. “Bao giờ Hòn Đỏ mang tơi
Hòn Hèo đội mũ thì trời sắp mưa.”
27. “Lạy ông nắng lên
Cho trẻ nó chơi
Cho già bắt rận
Cho tôi đi cày.”
28. “Chiều hôm mây kéo bối bừa
Trời còn nắng ráo ta chưa vội gì
Bao giờ kéo vẩy tê tê
Sắp gồng, sắp gánh ta về kẻo mưa.”
29. “Mưa tháng Bảy gãy cành trám
Nắng tháng Tám, rám trái bưởi.”
30. “Mồng chín tháng chín có mưa
Thì con sắm sửa cày bừa làm ăn
Mồng chín tháng Chín không mưa
Thì con bán cả cày bừa đi buôn.”