Cảm nhận về tình yêu của Chí Phèo và Thị Nở hay chọn lọc

Tình yêu là đề tài muôn thuở trong văn chương, nhưng tình yêu xuất phát từ bát cháo hành chắc chỉ nhà văn Nam Cao mới có. Thật vậy, để có thể hiểu rõ hơn về tình yêu của Chí và Thị trong tác phẩm Chí Phèo của Nam Cao, chúng ta hãy cùng tham khảo bài viết dưới đây.

1. Mở bài Cảm nhận về tình yêu của Chí Phèo và Thị Nở hay chọn lọc:

Tình yêu là gia vị trong cuộc sống và cũng là một đề tài chẳng bao giờ nhạt nhòa trong văn chương. Tình yêu cha mẹ, tình yêu quê hương đất nước, tình yêu lứa đôi…văn chương đều có cả. Nhưng để phải nói về tình yêu lứa đôi chỉ với bát cháo hành nhưng đã thức tỉnh lương tri của cả một con người đang trên con đường tha hóa biến chất thành quỷ dữ chắc cũng chỉ có văn chương của Nam Cao, cái tài của nam cao mới làm được. Thật vậy, tình yêu của Chí Phèo và Thị Nở kì diệu đến vậy đấy, hồi sinh cả con người lương thiện.

2. Thân bài Cảm nhận về tình yêu của Chí Phèo và Thị Nở hay chọn lọc:

2.1. Lí luận văn học và khái quát đề bài:

Nhà văn Nga Tolstoi đã từng viết: “Một tác phẩm nghệ thuật là kết quả của tình yêu”. Nữ văn sĩ Pháp Elsa Trisolet thì diễn tả tình yêu ấy bằng hình ảnh thật cụ thể: “Nhà văn là người cho máu”. Tình yêu đó của người nghệ sĩ xuất phát từ trái tim đi đến nơi người đọc. Tình yêu ấy có thể có rất nhiều cách thức khác nhau để thể hiện nhưng với Nam Cao một người bề ngoài lạnh lùng, dửng dưng nhưng bên trong lại chan chứa tình yêu thương con người lại có cách thể hiện tình yêu đó một cách vô cùng đặc biệt. Tình yêu thương con người được thể hiện qua tình yêu giữa Chí và Thị mà tình yêu chí thị lại xuất phát đơn xơ từ tình thương con người. Tình yêu ấy chính là hiện thân cho giá trị nhân đạo, tấm lòng cao cả của nhà văn Nam Cao nói riêng và những người nghệ sĩ chân chính  nói chung.

2.2. Phân tích mối tình Chí – Thị:

Chí và Thị đã gặp nhau trong một đêm gió mát, rười rượi ánh trăng ở vườn chuối cạnh bờ sông. Đêm trăng lãng mạn đang tác thành cho họ. Chí Phèo uống rượu ở nhà Tự Lãng đã say từ nửa đường; thị Nở đi kín nước cũng hớ hênh tựa vào gốc chuối ngủ trong cái gió mát như quạt hầu. Dường như đây chính là cuộc gặp gỡ định mệnh giữa hai người. Nhưng Nam Cao dựng lên mối tình “người – ngợm” này không phải để câu khách rẻ tiền mà làm rực rỡ tình người, tình yêu thương và sự săn sóc ấm áp của một người đàn bà xấu xí ngoại hình nhưng lại có một tấm lòng yêu thương vô giá.

Đời Chí tưởng chừng sẽ trượt dài triền miên trong hình hài, nhân tính của một con quỷ dữ thì cuộc gặp gỡ với Thị – một người xấu đến ma chê quỷ hờn đã tạo ra một bước ngoặt đánh thức phần người trong Chí. Nều trước khi gặp Thị đời chỉ là một cơn say dài triền miên và vô tận. Ăn trong lúc say, ngủ trong lúc say, thức dậy vẫn còn say thì khi gặp thị lần đầu tiên trong cuộc đời mà Chí tỉnh. Lần đầu tiên chí cảm nhận được tiếng chim hót, tiếng người dân lao động đang sinh hoạt, tiếng anh thuyền chài gõ mái chèo đuổi cá và vô vàn thứ âm thanh khác nữa mà trước đây ngày nào chẳng có nhưng hắn không hề nhận ra.

Hắn đã biết buồn, đã biết nhớ về ngày xưa, rằng mình từng là một người có mơ ước, ươc mơ về một gia đình nhỏ hạnh phúc. Hắn nhận thức về cuộc đời mình để rồi dấy lên một cảm xúc buồn sợ hãi khi nghĩ về quá khứ trượt dài, hiện tại mình đã già nua còn tương lai cũng sẽ đến dốc bên kia của cuộc đời trong đơn độc. Có thể nói chính cuộc gặp gỡ với Thị đã thức tỉnh con người lương tri trong Chí.

Tình yêu của hai người nảy nở đơm hoa bởi một bát cháo hành có vẻ tưởng như là một điều không tưởng. Cảm xúc đầu tiên trong Chí khi nhận được tô cháo hành là sự ngạc nhiên bởi xưa nay muốn có bất kì thứ gì hắn đều phải đe dọa, cướp giật mới có được. Đây là lần đầu tiên trong cuộc đời Chí được một người đàn bà cho. Thứ Thị cho đi không đơn thuần là một bát cháo, đó là tình thương yêu con người, thứ tình cảm chân quý hơn vàng.

Thị Nở, một người đàn bà xấu đến ma chê quỷ hờn, ngoài ba mươi tuổi vẫn chưa lấy chồng. Một người đàn bà như thế sống trong xã hội xưa luôn bị hắt hủi. Nhưng bù lại có lẽ không ai có tình yêu thương như Thị. Khi cả làng vũ đại nghe tiếng chửi của chí, mọi người dân xung quanh chỉ tự nhủ rằng: à chắc là hắn không chửi mình. Họ thờ ơ, vô cảm, không xem Chí như một con người nhưng Thị thì khác. Thị đã ân cần chăm sóc Chí. Bát cháo hành mà Chí được ăn là bát cháo của tình thương. Chính nó đã làm cho y cảm động muốn khóc. Mắt Chí hình như ươn ướt. Tình yêu tình thương ấy còn làm cho Chí cảm thấy ăn năn, hối hận về những việc mà hắn đx làm. Hắn làm nũng với thị như với mẹ và lúc này hắn hiền lành đến khó tin. Ai dám bảo đây là con quỷ dữ của làng Vũ Đại? Ai dám bảo đây là kẻ chuyên đi rạch mặt ăn vạ, ở tù. Lúc này đây chỉ có một anh chàng lương thiện, ngây ngô như đứa trẻ mới tập biết yêu.

Tình yêu ấy mãnh liệt và có một sức mạnh phi thường. Bát cháo hành Thị đưa vừa là minh chứng cho tình yêu, tình người, vừa là sự khẳng định sức mạnh của tình yêu tình người ấy. Bát cháo hành đã giải độc tha hóa của Chí theo tuyến mồ hôi để chỉ còn lại trong tâm kia sự hồi sinh mãnh liệt của con người lương thiện. Giờ đây Chí khao khát được làm người lương thiện, khát khao có một mái ấm gia đình. Hắn nghĩ Thị có thể sống được với hắn tại sao người khác lại không. Quãng thời gian bên Thị là quãng thời gian hạnh phúc nhất đời Chí. Hạnh phúc vì được người khác yêu, được sống trong vòng tay của người tình “giá cứ thế này mãi thì thích nhỉ”, “hay là mình sang đây ở với tớ một nhà cho vui. Những lời nói thật giản dị, mộc mạc nhưng vô cùng chân thành ẩn chứa tình người, niềm khát khao của một con người về gia đình hạnh phúc.

Nam Cao đã xây dựng hình tượng nhân vật thị rất độc đáo để người đọc có thể vỡ lẽ biết bao điều về tình yêu. Tình yêu ấy không nhìn ở vẻ bề ngoài, tình yêu ấy được cảm nhận ở tận đáy trái tim, bằng tất cả tình yêu thương của của con người. Một người phụ nữ xấu như thế, ngờ nghệch như thế ấy vậy mà lại giàu tình thương đến vô cùng. Ai thương một kẻ ăn vạ, một kẻ từng bị cầm tù? Vậy mà Thị vẫn thương hắn. Vì ánh nhìn xuất phát từ tình yêu thương vô hạn nên Thị mới nhận ra rằng: “cái thằng liều lĩnh ấy kể ra thì đáng thương, còn gì đáng thương bằng đau ốm mà nằm còng queo một mình” để rồi cũng thấy yêu cái con người đáng thương ấy “Thị thấy như yêu hắn: đó là cái lòng yêu của một người làm ơn. Nhưng cũng có cả lòng yêu của một người chịu ơn”.

Thế nhưng tình yêu ấy dù cao đến đâu vẫn chưa thể vượt ra ngoài những định kiến của xã hội lúc bấy giờ. Câu nói của bà cô Thị nở rằng “lấy ai mà đi lấy cái thằng Chí Phèo, một thằng không cha, không mẹ, một thằng chỉ có một nghề rạch mặt ra mà ăn vạ” đã đóng sầm cánh cửa, mơ ước mới chớm hồi sinh về một tình yêu, về một gia đình hạnh phúc trong Chí. Ban đầu khi bị Thị chửi, hắn vui vô cùng, vui như một đứa trẻ được mẹ mắng yêu. Hắn cảm nhận được hạnh phúc mà mình đang có bởi trước nay không ai quan tâm đến hắn, giờ lại có một người lo lắng quan tâm mỗi khi hắn phạm sai lầm. Sau khi hắn nhận ra sự cự tuyệt của Thị, những định kiến đay nghiến của xã hội xưa, hắn vẫn cố bấu víu, nỗ lực chạy theo nắm lấy tay Thị nhưng cuối cùng đã bị Thị dúi cho một cái ngã nhào xuống đất.

Bị thị Nở cự tuyệt, hắn phẫn uất, cùng cực tìm đến rượu để được say, để quên đi hết những đau đớn của cuộc đời. Thế nhưng bấy giờ hắn càng uống lại càng tỉnh, càng uống chẳng thấy hơi rượu mà chỉ thấy mùi cháo hành đang sộc thẳng vào tinh thần hắn. Vì sao tình yêu ấy đến nhưng chưa kịp kết trái đã vội tàn phai? Vì sao hắn không thể có được tình yêu thương, sự cảm thông chia sẻ bao dung của xã hội? Chí khóc rưng rức trong tuyệt vọng, trong những tỳ vết tâm hồn. Những dấu rạch chằng chịt trên khuôn mặt vốn hiền lành lương thiện ấy mãi chẳng thể tài phai để rồi cuối cùng hắn phải đi đến tìm đến cái chết để được giải thoát “Ai cho tao lương thiện? … Tao không thể làm người lương thiện nữa…”

3. Kết bài Cảm nhận về tình yêu của Chí Phèo và Thị Nở hay chọn lọc:

Tình yêu của Chí và Thị là thứ tình cảm vô cùng chân quý trong xã hội, là thứ tình cảm cao thượng đáng được ngợi ca. Thế nhưng đứng trước những định kiến cay nghiện, đứng trước cái hiện thực bế tắc, khốc liệt và tàn nhẫn của xã hội phong kiến xưa, tình yêu đó cũng chẳng thể nào đơm hoa kết trái. Qua đó ta cũng cảm nhận phần nào tài năng trong việc xây dựng hình tượng cũng như tư tưởng, tình cảm thấm nhuần sâu sắc mà nhà văn Nam Cao đã gửi gắm thông qua mối tình Chí Thị.

Theo dõi chúng tôi trên
5/5(1
bình chọn
)

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com