Chia thừa kế trường hợp di chúc không có hiệu lực pháp luật

Nếu như người mất đi có để lại di chúc. Tuy nhiên di chúc không có hiệu lực thì giải quyết chia thừa kế như thế nào? Mời bạn đọc tham khảo bài viết dưới đây: 

1. Di chúc không có hiệu lực trong trường hợp nào? 

Căn cứ theo quy định tại Khoản 2 Điều 643 Bộ luật dân sự năm 2015, di chúc không có hiệu lực toàn bộ hoặc một phần trong các trường hợp sau, cụ thể là: 

– Người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc. 

– Vào thời điểm mở thừa kế, cơ quan, tổ chức được chỉ định là người thừa kế không còn tồn tại. 

Trường hợp di sản để lại cho người thừa kế không còn vào thời điểm mở thừa kế. Hoặc di sản để lại cho người thừa kế chỉ còn một phần thì phần di chúc về phần di sản còn lại vẫn có hiệu lực.

– Trong di chúc, có một phần không hợp pháp, nếu như phần đó không có gây ảnh hưởng gì đến những phần còn lại của di chúc thì những phần còn lại vẫn có hiệu lực, chỉ có phần không hợp pháp sẽ không có hiệu lực. 

– Khi một người với khối tài sản của mình để lại nhiều di chúc thì bản di chúc cuối cùng có hiệu lực. 

2. Chia thừa kế trường hợp di chúc không có hiệu lực pháp luật:

Căn cứ theo quy định tại Điều 650 Bộ luật dân sự năm 2015, thực hiện phân chia thừa kế theo pháp luật trong các trường hợp sau:

– Người chết đi không để lại di chúc. 

– Người chết đi có để lại di chúc nhưng di chúc không hợp pháp, hay nói cách khác là di chúc không có hiệu lực pháp luật. 

– Những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc.

– Vào thời điểm mở thừa kế, cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại.

– Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

Do vậy, theo quy định trên về nguyên tắc, có di chúc nhưng di chúc đó không có hiệu lực pháp luật thì sẽ phải tiến hành phân chia thừa kế theo pháp luật. Thừa kế theo pháp luật được hiểu là phân chia di sản theo hàng thừa kế, mọi trình tự cũng như điều kiện sẽ tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật.

Những phần di sản sau sẽ được áp dụng trong trường hợp phân chia thừa kế theo pháp luật:

– Phần di sản nếu như không được định đoạt trong di chúc.

– Phần di sản có liên quan đến phần di chúc không có hiệu lực pháp luật.

– Phần di sản liên quan đến một người được thừa kế theo di chúc nhưng thực tế họ lại không có quyền được hưởng di sản hay họ từ chối việc nhận di sản đó; hoặc họ chết trước hay chết cùng thời điểm với người lập di chúc.

Hoặc vào thời điểm mở thừa kế  phần di sản có liên quan đến cơ quan, tổ chức được hưởng di sản theo di chúc, nhưng họ không còn tồn tại.

Đối tượng được phân chia di sản thừa kế theo pháp luật bao gồm:

– Hàng thừa kế thứ nhất, bao gồm đối tượng là vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết.

– Hàng thừa kế thứ hai, bao gồm đối tượng là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại.

– Hàng thừa kế thứ ba, bao gồm đối tượng là cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

Nguyên tắc phân chia di sản thừa kế theo pháp luật:

– Với những người thừa kế cùng hàng khi phân chia sẽ được phân chia di sản bằng nhau.

– Những người ở hàng thừa kế phía sau chỉ được hưởng nếu như hàng thừa kế thứ nhất không còn ai do đã chết, hoặc không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

3. Hồ sơ, thủ tục tiến hành khai nhận di sản thừa kế trong trường hợp di chúc không có hiệu lực pháp luật:

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ:

Người có nhu cầu nằm trong hàng thừa kế được hưởng di sản chuẩn bị hồ sơ bao gồm những giấy tờ sau:

Phiếu yêu cầu công chứng theo mẫu.

Giấy tờ xác nhận người để lại di sản đã chết: giấy chứng tử hoặc văn bản xác nhận khác.

Dự thảo văn bản khai nhận di sản thừa kế hoặc văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế.

Các giấy tờ, tài liệu chứng minh về tài sản của người để lại di sản bao gồm: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; sổ tiết kiệm, Giấy đăng ký xe; Giấy chứng nhận cổ phần,…

Các giấy tờ, tài liệu chứng minh về quan hệ nhân thân để xác định nằm trong hàng thừa kế được hưởng di sản, bao gồm: Giấy chứng nhận đăng kí kết hôn (xác nhận quan hệ vợ chồng); Giấy khai sinh (xác nhận quan hệ cha mẹ con ruột); Giấy chứng nhận đăng kí nhận nuôi con nuôi (xác nhận quan hệ cha mẹ con nuôi); sổ hộ khẩu; hoặc giấy xét nghiệm ADN;…

Giấy tờ tùy thân của những người khai nhận di sản bao gồm chứng minh thưa nhân dân hoặc căn cước công dân; hộ chiếu còn giá trị sử dụng;…

Bước 2: Nộp hồ sơ để thực hiện công chứng văn bản khai nhận di sản thừa kế hoặc văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế:

Người có nhu cầu nộp hồ sơ đến Văn phòng công chứng chứng thực để thực hiện công chứng văn bản.

Công chứng viên tiếp nhận hồ sơ, nếu hồ sơ không đầy đủ, không hợp lệ thì phải có văn bản hướng dẫn khách hàng bổ sung, hoàn thiện hồ sơ.

Với trường hợp hồ sơ đầy đủ và hợp lệ thì tiến hành thực hiện các bước sau đây.

Bước 3: Tiến hành niêm yết thông tin tại Ủy ban nhân dân cấp xã/phường:

Sau khi hồ sơ được tiếp nhận, tổ chức hành nghề công chứng sẽ tiến hành niêm yết công khai tại trụ sở của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thường trú cuối cùng của người để lại di sản.

Nếu như không xác định được nơi thường trú cuối cùng thì niêm yết tại nơi tạm trú có thời hạn cuối cùng của người đó.

Thời gian niêm yết là 15 ngày.

Bước 4: Ký và hoàn thiện văn bản khai nhận di sản thừa kế hoặc văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế:

Sau thời gian niêm yết mà không có khiếu nại, tố cáo thì tổ chức hành nghề công chứng thực hiện giải quyết hồ sơ, công chứng viên yêu cầu người thừa kế xuất trình bản chính các giấy tờ đã nêu ở Bước 1 để đối chiếu trước khi ký xác nhận vào lời chứng và từng trang của Văn bản khai nhận di sản thừa kế hay văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế.

4. Trường hợp có tranh chấp trong việc phân chia di sản thừa kế thì giải quyết như thế nào?

Tranh chấp thừa kế hiện nay là một trong những vấn đề xảy ra rất phổ biến trong xã hội. Bao giờ hướng đầu tiên khi xảy ra tranh chấp là có thể xem xét tư vấn hướng các bên trong gia đình tự thỏa thuận lại với nhau.

Nếu không tự thỏa thuận được thì sẽ phải tiến hành giải quyết tranh chấp tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền, cụ thể là thẩm quyền thuộc về Tòa án nhân cấp huyện (điều 26 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015).

Trường hợp có tranh chấp thừa kế có yếu tố nước ngoài thì thẩm quyền giải quyết tranh chấp sẽ thuộc về Tòa án nhân dân cấp tỉnh.

Theo đó, thẩm quyền giải quyết vụ án tranh chấp dân sự theo lãnh thổ, bao gồm:

– Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc. Nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức thì nơi giải quyết là Tòa án nơi bị đơn có trụ sở.

– Các đương sự có quyền tự thỏa thuận với nhau bằng văn bản yêu cầu Tòa án nơi cư trú, làm việc của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cá nhân hoặc nơi có trụ sở của nguyên đơn

– Tòa án nơi có bất động sản có thẩm quyền giải quyết nếu như đối tượng tranh chấp là bất động sản.

Như vậy đối với các tranh chấp mà tài sản thừa kế là động sản thì thẩm quyền giải quyết tranh chấp thừa kế sẽ là tòa án nơi cư trú của bị đơn có thẩm quyền.

Còn trường hợp tranh chấp thừa kế là bất động sản thì Tòa án có thẩm quyền thẩm quyền giải quyết là nơi có bất động sản.

Do đó, người có yêu cầu tiến hành làm đơn khởi kiện đến Tòa án nhân dân cấp có thẩm quyền như phân tích như trên. 

Hồ sơ khởi kiện kèm theo: 

– Đơn khởi kiện. 

– Các tài liệu chứng từ về việc chia thừa kế. 

– Giấy chứng tử của người để lại di sản. 

Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết: 

Bộ luật dân sự năm 2015. 

Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015. 

Luật đất đai năm 2013. 

Theo dõi chúng tôi trên
5/5(1
bình chọn
)

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com