Đọc hiểu bài Cuốc kêu cảm hứng (Nguyễn Khuyến) hay nhất

Cuốc kêu cảm hứng là một trong những tiêu biểu của nhà thơ Nguyễn Khuyến, thể hiện tâm trạng đau xót, tủi nhục của nhà thơ trước thực trạng nước mất nhà tan. Bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn bạn đọc đi vào tìm hiểu và trả lời một số câu hỏi về phần đọc hiểu để ôn luyện chuẩn bị cho các bài kiểm tra tại các kì thi.

1. Khái quát về bài thơ Cuốc kêu cảm hứng:

Bài thơ Nôm Cuốc kêu cảm hứng rút từ tập Quốc văn tùng ký, từng được sử dụng trong chương trình văn học 11. Đây là một trong những bài thơ của nhà thơ Nguyễn Khuyến được nhiều độc giả yêu thích và truyền tụng.

Nguyễn Khuyến đã tận dụng ưu thế của thể thơ Đường luật như kết cấu mạch lạc, ý tứ hàm súc, đối ngẫu chặt chẽ, nhất là từ ngữ uyển chuyển mà chính xác gợi cảm đã giãi bày tấm lòng son sắc thủy chung, nhưng chứa đầy bi kịch: Hồn nước gọi, giục giã mà mình thì bất lực, trăm chiều bối rối.

2. Mẫu câu hỏi đọc hiểu bài Cuốc kêu cảm hứng (Nguyễn Khuyến) thường gặp nhất:

Câu 1. Bài thơ trên được viết theo thể thơ nào? Chỉ ra phong cách ngôn ngữ và phương thức biểu đạt của bài thơ?

Câu 2. Chỉ ra 3 từ diễn tả tâm trạng, cảm xúc của nhân vật trữ tình trong bài thơ.

Câu 3. Nêu hiệu quả của phép đối được sử dụng trong hai câu thơ: Năm canh máu chảy đêm hè vắng/Sáu khắc hồn tan bóng nguyệt mờ

Câu 4. Tâm sự của tác giả trong hai câu thơ: Có phải tiếc xuân mà đứng gọi/ Hay là nhớ nước vẫn nằm mơ gợi cho anh/chị suy nghĩ gì?

Câu 5. Nội dung chính của bài thơ trên?

Câu 6. Hãy trình bày một bài học mà em rút ra được sau khi đọc xong bài thơ trên.

3. Mẫu hướng dẫn đọc hiểu và câu trả lời bài thơ Cuốc kêu cảm hứng hay nhất:

Câu 1:

– Thể thơ: Thất ngôn bát cú.

– Phong cách ngôn ngữ nghệ thuật.

– Các phương thức biểu đạt gồm: miêu tả, biểu cảm, tự sự.

Câu 2: Ba từ diễn tả tâm trạng, cảm xúc của nhân vật trữ tình trong bài thơ:

+ Khắc khoải

+ Sầu

+ Ngẩn ngơ

Bổ sung ý nghĩa:

– Âm thanh Cuốc kêu “khắc khoải” – “sầu” gợi lại tâm trạng buồn sầu, lặp đi lặp lại triền miên, thê  lương, khiến người nghe càng buồn khắc khoải, da diết.

– “Ngẩn ngơ”: chính tiếng cuốc kêu ròng rã kiến cho khách giang hồ bồn chồn ngẩn ngơ, từ láy gợi ra tấm lòng yêu nước nhưng bất lực trước thời cuộc.

Câu 3: Câu thơ sử dụng “phép đối” đã góp phần diễn tả không gian và thời gian mang đầy tính nghệ thuật, nó giúp người đọc, người nghe cảm nhận được nỗi đau như máu chảy tương ứng với nỗi buồn như nát ruột hồn tan.

+ Hình ảnh “năm canh, sáu khắc” đối xứng với nhau giúp tạo nên cảm giác tiếng cuốc kêu triền miên suốt canh này sang khắc khác, gợi ra thời gian và không gian ám ảnh đến triền miên, không dứt.

+ Hai hình ảnh đối “đêm hè vắng” và “bóng nguyệt mờ” tạo sự hô ứng, đối xứng, câu thơ diễn tả nỗi đau, nỗi buồn như thấm vào thời gian, toả rộng trong không gian. Trước tiếng cuốc buồn thương, ám ảnh, không gian bóng trăng cũng phải mờ đi và không gian đêm hè cũng trở nên “vắng” lặng hơn.

Câu 4: Hai câu thơ đã bày tỏ được nỗi lòng của nhà thơ dành cho đất nước. Ông khắc khoải cho hồn cốt của đất nước, câu thơ thể hiện một nỗi buồn khắc khoải đến bơ vơ, nhớ nước như thấm đượm vào từng câu chữ của người thi sĩ. Vì nhớ nước mà tâm trạng của Nguyễn Khuyến hết tiếc rồi lại nhớ, hết đứng rồi lại nằm, hết gọi rồi lại mơ, đó là tâm trạng bồn chồn, đau xót của một hồn thơ yêu nước, chính trực.

Câu 5. Nội dung chính của bài thơ Cuốc kêu cảm hứng: Qua hình ảnh tiếng Cuốc kêu, nhà thơ Nguyễn Khuyến đã giãi bày một tấm lòng yêu nước không nguôi, một tâm trạng đầy bi kịch, xót xa đau buồn, tủi nhục vì nước mất nhà tan.

Câu 6: Bài học rút ra: Để con cháu cảm thông với nỗi lòng ông cha, trân trọng và tự hào về giá trị của độc lập tự do với bao nhiêu máu, nước mắt mà cả dân tộc phải trả.

4. Mẫu hướng dẫn đọc hiểu và câu trả lời của bài thơ Cuốc kêu cảm hứng chuẩn nhất:

Câu 1: Thể thơ trong bài thơ: thất ngôn bát cú

Câu 2: Ba từ ngữ diễn tả tâm trạng, cảm xúc của nhân vật trữ tình trong bài thơ: khắc khoải, sầu, ngẩn ngơ.

Câu 3: Hai câu thơ có sử dụng phép đối góp phần tạo ra không gian và thời gian mang đầy tính nghệ thuật khi tác giả Nguyễn Khuyến cảm nhận âm thanh của tiếng cuốc kêu, gợi cho người đọc nỗi đau như máu chảy tương ứng với nỗi buồn như nát ruột hồn tan. Cùng với đó, những từ “năm canh, sáu khắc” tạo ra âm thanh vang vọng, khắc khoải ám ảnh vào không gian và thời gian. Hai hình ảnh đối nhau là “Đêm hè vắng” và “bóng nguyệt mờ” giúp diễn tả nỗi buồn đau của người thi sĩ, dường như không gian bóng trăng cũng phải mờ đi và không gian đêm hè cũng phải “vắng” đi.

Câu 4: Hai câu thơ đã diễn tả được nỗi lòng của nhà thơ, luôn khắc khoải một nỗi nhớ dành cho đất nước khi đêm đêm vẫn nằm mơ mà nhớ nước. Nỗi buồn, khắc khoải đến bơ vơ, nhớ nước như thấm đượm vào từng câu chữ, vì nhớ mà tâm trạng của Nguyễn Khuyến hết tiếc rồi lại nhớ, hết đứng rồi lại nằm, hết gọi rồi lại mơ. Đó là trạng thái bồn chồn, đau xót của một con người yêu nước, chính trực.

Câu 5:

Nội dung chính bài thơ: Thể hiện nỗi nhớ nước, niềm tiếc thương cho đất nước của nhà thơ Nguyễn Khuyến, được thể hiện thông qua tiếng Quốc kêu khắc khoải, da diết.

Câu 6:

Bài thơ cho thấy giá trị của sự độc lập dân tộc và tự do trong nhân dân. Thông qua nỗi tiếc thương, nỗi nhớ khắc khoải của Nguyễn Khuyến trước tình cảnh đất nước, chúng ta phải biết ơn, quý trọng những giá trị mà ngày nay chúng ta được hưởng,  phải nhớ ơn những anh hùng dân tộc đã hi sinh vì nền độc lập ngày hôm nay.

5. Mẫu bài Bình giảng về bài thơ:

Nguyễn Khuyến là một nhà thơ mang tâm hồn thi sĩ sâu sắc, thâm trầm. Ông vốn là người tài cao học rộng, mang danh tiến sĩ, nhưng sinh ra trong cảnh đất nước bị xâm lăng, ông cũng đành bó tay, bất lực, phải lui về ở ẩn để tránh nhìn cảnh đau xót. Tâm hồn nhạy cảm của người thi sĩ luôn rạo rực trước thời cuộc và nhà thơ thường gửi tâm tư vào trong những câu thơ những nỗi lòng suy tư, một cách thật sâu kín. Cuốc kêu cảm hứng là một trong những bài thơ tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật và hồn thơ của ông.

Đọc nhan đề Cuốc kêu cảm hứng, ta có thể hiểu sâu sắc được nỗi lòng của nhà thơ. Nếu xét về tâm trạng và bối cảnh ra đời có lẽ ta nên hiểu đó là nhà thơ nghe tiếng cuốc kêu mà tìm được “cảm hứng” viết bài thơ này. Mở đầu bài thơ, âm thanh của tiếng chim cuốc thật thê lương, nó vừa khắc khoải như nhấn sâu vào tâm hồn con người, lại vừa lửng lơ, đó là tiếng kêu mang theo cái nỗi buồn mênh mang, xót xa lại day dứt trong lòng nhà thơ. Tiếng cuốc còn gợi nhớ về một sự tích xưa, khi Thục đế vì làm mất nước mà đau đớn đến chết đi, rồi hóa thân thành con cuốc, ngày ngày cất tiếng kêu thê thảm, lầm lũi. Âm thanh khắc khoải ấy là nỗi đau của một oan hồn, vấn vương cho đến muôn đời sau, đó là nỗi đau chẳng thể xóa nhòa, để một oan hồn đã “thác tự bao giờ” vẫn phải đau đớn đến ngẩn ngơ, ngày ngày lang thang dưới bóng một loài chim lầm lũi.

Trong hai câu thơ thực, Nguyễn Khuyến diễn tả một khung cảnh nghệ thuật, có phần ghê rợn, ám ảnh bởi tiếng cuốc khắc khoải vọng lại:

“Năm canh máu chảy đêm hè vắng

Sáu khắc hồn tan bóng nguyệt mờ”

Giữa “đêm hè vắng” lặng, âm thanh tiếng cuốc kêu chi mà đau xót, một nỗi đau có màu đỏ chói mắt của “máu chảy”, đã thế cái “vắng” buổi đêm lại càng làm cho cái tiếng cuốc gọi hè trở nên ám ảnh sâu đậm, thêm tha thiết, vang vọng khắp không gian tĩnh mịch, oi bức. Đã thế tiếng cuốc còn gợi một nỗi đau lớn hơn, đó là nỗi đau mất nước. Tưởng tượng nếu đứng dưới khung cảnh ấy mà nghe tiếng cuốc thì phải thấy chán chường, khủng hoảng và đau đớn đến độ nào, nhưng âm thanh tiếng cuốc ấy cũng chẳng phải chỉ kêu ngày một ngày hai mà kêu dai dẳng suốt ngày suốt đêm, kêu suốt “năm canh-sáu khắc” lại khắc khoải trong mỗi buổi đêm yên tĩnh như tiếng kêu khóc thê thảm, gợi lên trong tâm hồn người không ngủ một nỗi đau đớn, một nỗi xót xa dai dẳng, bứt rứt vô cùng.

“Có phải tiếc xuân mà đứng gọi,

Hay là nhớ nước vẫn nằm mơ?”

Đến hai câu luận, người đọc dường như nhận ra một nỗi niềm băn khoăn, day dứt sâu trong tâm hồn tác giả. Tâm trạng của nhà thơ mang nỗi đau đời, đau vì mất nước, đau vì bất lực, đau vì nghịch cảnh tồi tàn của dân tộc lúc bấy giờ. Ông tự hỏi tiếng cuốc kia rốt cuộc là do còn hoài xuân hay là tiếng than nhớ nước của oan hồn Thục đế năm xưa, hay nghĩ sâu xa hơn, thì đó cũng chính là tâm trạng của thi nhân Nguyễn Khuyến, ông tiếc nhớ một đất nước vốn từng thịnh vượng sung sức như cái khí tiết trời xuân.

Tình cảnh thê lương ấy khiến tâm hồn nhà thơ chẳng được yên giấc mộng.

“Thâu đêm ròng rã kêu ai đó?

Giục khách giang hồ dạ ngẩn ngơ.”

Hai câu kết cuối bài tưởng nhà thơ đang hỏi con cuốc kêu chi mà ròng rã vậy, nhưng hóa ra, nó lại chính là lời tự hỏi của tác giả dành cho bản thân mình. Tiếng cuốc kêu dài trong đêm vắng, người thi nhân vẫn bồn chồn, ngẩn ngơ không ngủ được vì đau đáu một nỗi niềm sắt son với nước, thương dân đến tột cùng. Tiếng cuốc kêu như giục giã, xoáy sâu vào tâm hồn, ý thức nhà thơ trước thế sự ngổn ngang này. Nhưng người thi sĩ khi lắng nghe tiếng cuốc giục giã như rỉ máu, như hồn tan, như kêu khóc ấy lại phải chịu bó tay bất lực, chẳng thể làm được gì, chỉ biết ngẩn người đau đớn, thở dài. Phải chăng, đó là tâm trạng khó chịu, bức bối đến nhường nào trong cái đêm hè vắng lặng.

Theo dõi chúng tôi trên
5/5(1
bình chọn
)

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com