Trong cuộc sống rất nhiều người muốn sau khi họ chết đi sẽ để lại tài sản cho một người nào đó nhất định, chính vì vậy họ đã lập di chúc để thể hiện ý nguyện của bản thân về vấn đề này. Bài viết dưới đây sẽ phân tích làm rõ về mẫu di chúc không cần công chứng vẫn có hiệu lực pháp luật.
1. Di chúc không công chứng, chứng thực có hiệu lực pháp lý khi nào?
Di chúc là văn bản hoặc lời nói thể hiện ý chí, nguyện vọng của một người trong việc định đoạt tài sản, chuyển dịch quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản cho người khác sau khi chết.
Theo quy định tại Điều 628 Bộ luật dân sự 2015, di chúc bằng văn bản bao gồm các hình thức sau: Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng; Di chúc bằng văn bản có người làm chứng; Di chúc bằng văn bản có công chứng; Di chúc bằng văn bản có chứng thực.
Theo quy định này thì di chúc bằng văn bản không bắt buộc phải công chứng và phải tuân thủ theo các quy định dưới đây.
Theo quy định tại Điều 630 Bộ luật dân sự 2015, di chúc hợp pháp khi đảm bảo đủ các điều kiện sau đây:
– Điều kiện 1: Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép;
– Điều kiện 2: Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật.
– Điều kiện 3: Di chúc của người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi phải được lập thành văn bản và phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc.
– Điều kiện 4: Di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ phải được người làm chứng lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực.
– Điều kiện 5: Di chúc bằng văn bản không có công chứng, chứng thực chỉ được coi là hợp pháp, nếu có đủ các điều kiện được quy định tại khoản 1 Điều này.
– Điều kiện 6: Di chúc miệng được coi là hợp pháp nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng.
Như vậy, theo quy định tại điều luật trên, pháp luật vẫn công nhận tính có hiệu lực của di chúc không được công chứng, chứng thực. Di chúc không được công nhận, chứng thực vẫn được công nhận là hợp pháp khi đủ hai điều kiện như sau: Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép. Và nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật.
Đối với trường hợp di chúc viết tay không công chứng, cần người làm chứng khi người lập di chúc có vấn đề về sức khỏe, không tự mình viết toàn bộ nội dung di chúc được, phải nhờ người viết hộ. Lúc này sẽ cần người làm chứng, chứng minh rằng nội dung di chúc được viết ra dựa trên ý chí tự nguyện của người lập di chúc. Ngược lại, trong trường hợp người lập di chúc đảm bảo về sức khỏe, tự viết tay nội dung di chúc, thì không cần người làm chứng.
Thực tế hiện nay, có rất nhiều vướng mắc xoay quanh vấn đề di chúc không được công chứng, chứng thực có hiệu lực pháp lý hay không? Di chúc là văn bản pháp lý, thể hiện ý chí, mong muốn của cá nhân với tài sản của mình khi họ mất đi. Chính vì vậy, di chúc liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể liên quan đến nó. Xét theo thực tiễn, mục đích lập di chúc là để cá nhân được quyền định đoạt với tài sản của mình, để tài sản của mình cho các chủ thể mà họ yêu quý. Vậy nên, đôi khi việc lập di chúc được thực hiện dựa trên sự ngẫu nhiên của tư duy, ý chí. Chỉ cần họ minh mẫn, sáng suốt trong giai đoạn để lại di chúc, và nội dung di chúc không trái với quy định của pháp luật thì vẫn được công nhận là hợp pháp. Quy định này của luật giúp việc lập di chúc được dễ dàng và thuận tiện hơn. Nó tạo điều kiện để các cá nhân được thể hiện mong muốn, nguyện vọng của bản thân đối với tài sản của mình một cách hợp pháp.
2. Mẫu di chúc không cần công chứng vẫn có hiệu lực pháp luật:
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập Tự do – Hạnh phúc
DI CHÚC
Hôm nay, ngày… tháng …. năm …., tại …………
Tôi là: …………
Ngày sinh: …………
CMND/CCCD/Hộ chiếu số: cấp ngày ……/….. tại ………
Nơi đăng ký hộ khẩu thường trú: ………
Nay trong trạng thái tinh thần hoàn toàn minh mẫn, sáng suốt, không bị bất kỳ một sự lừa dối, đe dọa hoặc cưỡng ép nào, tôi lập di chúc này để định đoạt tài sản của tôi sau khi chết đi như sau:
Tài sản
Tài sản của tôi được định đoạt trong di chúc này bao gồm:
1/…….;
2/…….;
3/…….;
Định đoạt tài sản
Sau khi tôi chết, toàn bộ tài sản nêu trên của tôi được để lại cho:
1/…….;
2/…….;
3/…….;
Ngoài ông/bà ………, tôi không để lại tải sản nêu trên của mình cho bất cứ ai khác.
Sau khi tôi qua đời ……….. được toàn quyền làm các thủ tục theo quy định của pháp luật để được đứng tên số tài sản nói trên theo bản di chúc này.
Di chúc này do tự tay tôi viết, thể hiện đầy đủ, dứt khoát ý chí của tôi, được lập thành …. (…) bản, mỗi bản gồm … (…) trang… (…) tờ.
Người lập di chúc
(ký, ghi rõ họ tên)
Người làm chứng
(ký, ghi rõ họ tên)
3. Các lưu ý khi lập di chúc:
Di chúc thể hiện ý chí, mong muốn của người lập một cách khách quan, toàn diện. Trong bản di chúc, người lập sẽ bày tỏ mong muốn về sự định đoạt tài sản của mình khi họ mất đi. Do đó, việc lập di chúc cũng phải đảm bảo những quy tắc nhất định trong cách lập như sau:
– Về nội dung, bản di chúc phải đảm bảo đầy đủ các thông tin sau đây:
+ Bản di chúc phải ghi rõ thời gian, địa điểm lập bản di chúc.
+ Nội dung di chúc phải ghi rõ họ và tên, ngày tháng năm sinh, địa chỉ thường trú của người lập di chúc.
+ Các thông tin giấy tờ về nhân thân của người lập di chúc, ngày tháng năm cấp và cơ quan cấp giấy tờ đó cũng phải được cập nhật đầy đủ.
+ Người lập di chúc phải đảm bảo cung cấp đầy đủ thông tin về các tài sản định đoạt trong di chúc, bao gồm thông tin và các giấy tờ chứng minh toàn bộ tài sản riêng và phần tài sản của người để lại di sản trong khối tài sản chung. Nếu tài sản mà cá nhân lập di chúc là bất động sản thì phải có thông tin chi tiết về vị trí thửa đất, số tờ bản đồ, số thừa, diện tích đất, nguồn gốc sử dụng đất, … diện tích xây dựng, diện tích sàn, số tầng, năm hoàn thành xây dựng … của căn nhà, thông tin về giấy tờ sở hữu như cơ quan cấp, ngày tháng cấp…
Trường hợp tài sản là động sản như xe ô tô, xe máy thì phải nêu được thông tin về biển số xe, số giấy đăng ký, ngày tháng năm cấp đăng ký xe, thông tin về chủ sở hữu, nhãn hiệu, số loại, màu sơn, số khung, số máy, loại xe… Trường hợp tài sản là thẻ tiết kiệm thì phải nêu được thông tin chi tiết về ngân hàng nơi lập thẻ tiết kiệm, số tiền tiết kiệm, kỳ hạn gửi tiết kiệm, lãi suất gửi tiết kiệm.
+ Người lập di chúc phải ghi chi tiết về thông tin nhân thân của người được hưởng di sản thừa kế (tên của người được hưởng di sản thừa kế theo di chúc) và phần di sản mà họ sẽ được hưởng sau khi người lập di chúc để lại di sản chết. Đặc biệt là phần di sản mà cá nhân được hưởng khi người lập di chúc trên. Bởi, đây sẽ là căn cứ để tiến hành phân chia di sản thừa kế, đồng thời tránh những mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh xảy ra.
– Về hình thức: Khi lập di chúc, người lập di chúc phải đảm bảo tuân thủ yêu cầu về mặt hình thức theo mẫu di chúc chung. Khi thể hiện mong muốn, ý chí của mình về việc phân chia tài sản trong bản di chúc, người lập cần thể hiện một cách rõ ràng, ngắn gọn, khoa học, tránh trình bày lan man, gây khó hiểu.
Khi đảm bảo đầy đủ các yêu cầu khi lập di chúc nêu trên, bản di chúc sẽ có hiệu lực về mặt pháp luật. Đồng thời, tại thời điểm mở di chúc, những thông tin liên quan đến người nhận di sản, tài sản thừa kế sẽ được thể hiện rõ ràng nhất, tránh gây hiểu nhầm, tranh cãi.
Một điểm cần lưu ý rằng, nếu mẫu di chúc trên được đánh máy, tức người lập chỉ điền và ký đầy đủ thông tin của mình, thì nên cần nhờ người làm chứng để đảm bảo tính pháp lý cao của nội dung di chúc đó.
4. Di chúc không được công chứng có hiệu lực khi nào?
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 643 Bộ luật Dân sự năm 2015, di chúc có hiệu lực từ thời điểm mở thừa kế. Vậy nên, có thể hiểu, thời điểm có hiệu lực của di chúc là thời điểm mở thừa kế, không phụ thuộc vào thời gian bố bạn viết di chúc cách đây bao nhiêu năm. Mà theo quy định tại khoản 1 Điều 611 Bộ luật Dân sự năm 2015, thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết.
Như vậy, di chúc sẽ có hiệu lực tại thời điểm người lập di chúc chết.
Thực tế, có rất nhiều người hiểu lầm rằng di chúc có hiệu lực tại thời điểm lập. Quan điểm này là sai. Di chúc được lập dựa trên ý chí của người lập, và nó được thay đổi bất cứ lúc nào mà người lập di chúc muốn. Chỉ khi người lập di chúc chết, nguyện vọng cuối cùng của họ được thể hiện trong di chúc mới được công nhận và thực hiện. Điều này tạo nên sự khách quan, chặt chẽ trong giá trị của di chúc, tránh những rủi ro pháp lý có thể xảy ra.
Văn bản pháp lý sử dụng trong bài viết: Bộ luật dân sự 2015.