Đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc là nghĩa vụ mà người sử dụng lao động phải đóng cho người lao động khi tham gia làm việc tại doanh nghiệp của mình. Thông thường, những người lao động tham gia ký kết hợp đồng lao động là những người lao động từ đủ 18 tuổi trở lên. Vậy trong trường hợp người lao động chưa đủ 18 tuổi có được đóng bảo hiểm xã hội không?
1. Thế nào là bảo hiểm xã hội?
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 thì bảo hiểm xã hội được quy định là một khoản tiền bảo đảm về việc bù đắp hoặc thay thế một phần thu nhập cho người lao động khi họ bị ốm đau khiến cho họ bị giảm hoặc mất thu nhập, người lao động hưởng chế độ thai sản, tai nạn lao động, bị bệnh nghề nghiệp, hết tuổi tham gia lao động hoặc bị chết trên cơ sở người đó đã đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội.
2. Người chưa đủ 18 tuổi có được đóng bảo hiểm xã hội không?
Căn cứ theo quy định tại Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 thì đối tượng điều chỉnh của luật này được xác định là:
– Thứ nhất, người lao động là công dân Việt Nam tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 thì đối tượng này phải bảo đảm các điều kiện sau:
+ Người lao động làm việc theo chế độ Hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc Hợp đồng lao động xác định thời hạn;
+ Người lao động làm một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng;
+ Hợp đồng lao động ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người lao động dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật lao động. Cụ thể, tại khoản 4 Điều 18 Bộ luật Lao động năm 2019 thì người lao động tham gia giao kết hợp đồng lao động phải đảm bảo thuộc một trong những trường hợp sau: người lao động từ đủ 18 tuổi trở lên; người lao động từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi giao kết hợp đồng lao động phải có sự đồng ý bằng văn bản của người đại diện theo pháp luật của người đó; người lao động chưa đủ 15 tuổi phải được giao kết hợp đồng lao động bởi người đại diện theo pháp luật của người đó hoặc người lao động được nhưng người lao động trong cùng nhóm uỷ quyền giao kết hợp đồng lao động;
+ Người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 02 tháng đến dưới 03 tháng;
+ Cán bộ, công chức, viên chức;
+ Công nhân quốc phòng, công nhân công an hoặc người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu,..
Và một số trường hợp phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc khác được quy định tại khoản 1 Điều luật này.
– Thứ hai, công dân Việt Nam tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Căn cứ theo quy định tại khoản 4 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 thì nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện này phải đảm bảo điều kiện về độ tuổi là từ đủ 15 tuổi trở lên và không phải là đối tượng thuộc diện đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Như vậy, theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2019 và Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 đã phân tích ở trên thì người chưa đủ 18 tuổi vẫn được tham gia đóng bảo hiểm xã hội. Cụ thể, đối với việc tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc thì pháp luật không quy định về độ tuổi tham gia tối thiểu mà chỉ quy định là người lao động chưa đủ 15 tuổi được người đại diện theo pháp luật giao kết hợp đồng lao động với người sử dụng lao động. Còn đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thì pháp luật đặt ra yêu cầu là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên được tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
3. Trình tự, thủ tục tham gia bảo hiểm xã hội hiện nay:
3.1. Trình tự, thủ tục tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc:
Việc đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động là nghĩa vụ của người sử dụng lao động. Theo đó, bên phía người sử dụng lao động khi tiếp nhận người lao động làm việc cho mình cho chế độ hợp đồng lao động được pháp luật quy định phải thực hiện theo trình tự, thủ tục sau để đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Cụ thể, người sử dụng lao động sẽ thực hiện đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động theo trình tự, thủ tục sau:
3.1.1. Chuẩn bị hồ sơ tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động:
Theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội hiện hành thì trước hết người lao động phải chuẩn bị hồ sơ gồm các giấy tờ, tài liệu sau để nộp cho đơn vị sử dụng lao động của mình:
– Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế thực hiện theo mẫu TK1-TS;
– Đối với người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc có từ 02 sổ bảo hiểm xã hội trở lên có thời gian tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp trùng nhau thì cần bổ sung thêm các Sổ bảo hiểm xã hội hiện có.
Sau khi chuẩn bị hồ sơ gồm giấy tờ, tài liệu nêu trên thì người lao động sẽ nộp hồ sơ về cho đơn vị sử dụng lao động. Sau khi tiếp nhận hồ sơ từ phía người lao động, người sử dụng lao động sẽ lập hồ sơ danh sách người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm các giấy tờ, tài liệu sau:
– Tờ khai đơn vị tham gia, điều chỉnh thông tin bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế thực hiện theo Mẫu TK3-TS;
– Báo cáo tình hình sử dụng lao động và danh sách người lao động tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp được thực hiện theo Mẫu D02-LT;
– Bảng kê thông tin thực hiện theo Mẫu D01-TS.
3.1.2. Nộp hồ sơ tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc:
Sau khi chuẩn bị hồ sơ gồm đầy đủ giấy tờ, tài liệu nêu trên thì đơn vị sử dụng lao động và người lao động có từ 02 sổ bảo hiểm xã hội đóng trùng sẽ nộp 01 bộ hồ sơ cho cơ quan bảo hiểm xã hội có thẩm quyền giải quyết thông qua một trong các hình thức sau:
– Hình thức thứ nhất: Nộp trực tiếp tại Bộ phận Một cửa của cơ quan Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh, cấp huyện hoặc tại Trung tâm Phục vụ Hành chính công các cấp nơi đơn vị sử dụng lao động đóng trụ sở;
– Hình thức thứ hai: Nộp hồ sơ thông qua đường bưu điện đến cơ quan Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh, cấp huyện hoặc tại Trung tâm Phục vụ Hành chính công các cấp nơi đơn vị sử dụng lao động đóng trụ sở;
– Hình thức thứ ba: Thực hiện nộp hồ sơ điện tử tại Cổng thông tin điện tử Bảo hiểm xã hội Việt Nam hoặc thực hiện qua tổ chức I-VAN.
3.1.3. Giải quyết hồ sơ:
Việc thực hiện giải quyết hồ sơ tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện cho người lao động sẽ thực hiện theo hình thức mà đơn vị sử dụng lao động đã đăng ký. Việc giải quyết sẽ thực hiện trong thời hạn không quá 10 ngày kể từ ngày đơn vị giải quyết nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
3.2. Trình tự, thủ tục tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện:
Công dân Việt Nam không phải người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động hoặc những trường hợp khác được quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 thì được tham gia đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện khi từ đủ 15 tuổi trở lên. Theo đó, công dân Việt Nam khi đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thì sẽ thực hiện theo trình tự, thủ tục sau:
3.2.1. Chuẩn bị hồ sơ đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện:
Công dân Việt Nam khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện sẽ chuẩn bị hồ sơ bao gồm giấy tờ, tài liệu sau:
– Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế được thực hiện theo Mẫu TK01-TS.
– Trong trường hợp người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thông qua Đại lý thu thì đại lý thu sẽ phải lập Danh sách người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được thực hiện theo Mẫu D05-TS.
3.2.2. Nộp hồ sơ đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết:
Trong trường hợp người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đóng trực tiếp tại cơ quan Bảo hiểm xã hội thì có thể nộp hồ sơ tại Cơ quan bảo hiểm xã hội có thẩm quyền giải quyết thông qua một trong hai hình thức sau:
– Nộp trực tiếp hồ sơ tại Bộ phận Một cửa của cơ quan Bảo hiểm xã hội cấp quận/ huyện nơi mình đang cư trú hoặc tại Trung tâm Phục vụ Hành chính công các cấp nơi mình cư trú;
– Nộp hồ sơ qua dịch vụ bưu điện công ích tới Bộ phận Một cửa của cơ quan Bảo hiểm xã hội cấp quận/ huyện nơi mình đang cư trú hoặc tại Trung tâm Phục vụ Hành chính công các cấp nơi mình cư trú.
Nếu người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện tham gia qua Đại lý thu thì người đó phải nộp tờ khai cho Đại lý và Đại lý thu đó sẽ nộp hồ sơ tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thông qua phần mềm kê khai của Bảo hiểm xã hội Việt Nam hoặc Tổ chức I-VAN.
Để được giải quyết hồ sơ thì khi thực hiện nộp hồ sơ, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện sẽ phải thực hiện song song với nghĩa vụ tài chính. Theo đó, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện có thể lựa chọn nộp tiền thông qua một trong các cách sau:
– Nộp tiền mặt trực tiếp tại cơ quan Bảo hiểm xã hội cấp quận/ huyện nơi mình cư trú;
– Nộp tiền mặt cho Đại lý thu;
– Chuyển khoản đến số tài khoản ngân hàng của cơ quan Bảo hiểm xã hội được cung cấp.
3.2.3. Giải quyết hồ sơ và nhận kết quả:
Khi hồ sơ tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thì người tham gia bảo hiểm xã hội sẽ nhận được kết quả giải quyết theo phương thức nộp hồ sơ đã nêu tại mục 3.2.2. Theo đó, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện nộp hồ sơ ở đâu thì sẽ được nhận kết quả giải quyết ở đó.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật Lao động năm 2019;
– Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014.