Phân biệt giấy uỷ quyền và hợp đồng uỷ quyền theo luật dân sự

Trên thực tế vẫn có nhiều người nhầm lẫn giữa hai khái niệm Giấy ủy quyền và Hợp đồng ủy quyền. Vậy giữa chúng có sự khác nhau như thế nào? Cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây.

1. Khái niệm hợp đồng ủy quyền và giấy ủy quyền:

Uỷ quyền được hiểu là hoạt động mà tại đó cá nhân, tổ chức cho phép cá nhân, tổ chức khác có quyền đại diện mình quyết định, thực hiện một hành động pháp lý nào đó và vẫn phải chịu trách nhiệm đối với việc cho phép, uỷ quyền đó. Đây được xem là căn cứ làm phát sinh quan hệ giữa người đại diện và người được đại diện, đồng thời nó cũng là cơ sở để người ủy quyền tiếp nhận các kết quả pháp lý do hoạt động ủy quyền mang lại.

– Hợp đồng ủy quyền là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền, bên ủy quyền chỉ phải trả thù lao nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.

Ví dụ: Anh Nguyễn Văn B (32 tuổi), muốn thành lập Công ty TNHH một thành viên. Do bận rộn, không nắm bắt được rõ ràng các thông tin, vấn đề liên quan đến pháp luật nên anh đã thuê LVN Group Phạm Văn M hỗ trợ mình. Anh A làm hợp đồng ủy quyền cho LVN Group M. Trong hợp đồng ghi rõ, anh A ủy quyền cho LVN Group thực hiện đăng ký thành lập tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. LVN Group sẽ nhận ủy quyền và hoàn thành việc đăng ký thành lập doanh nghiệp cho anh A. Ngược lại, anh A sẽ trả phí nhận ủy quyền cho LVN Group M.

– Giấy ủy quyền là hình thức đại diện theo ủy quyền một cách đơn phương và thực hiện những công việc theo nội dung ủy quyền trong văn bản.

Ví dụ: Anh Phạm Văn B là giám đốc của công ty TNHH một thành viên MInh An. Anh Phạm Văn K là trưởng phòng nhân sự của công ty. Tin tưởng anh K, nên anh B thường xuyên làm giấy ủy quyền cho anh K thay mình thực hiện các giao dịch liên quan đến hoạt động của công ty. Khi nhận được giấy ủy quyền, anh K sẽ thay mặt anh B hoàn thành các công việc được giao.

2. Thực tế áp dụng hình thức ủy quyền tại nước ta hiện nay:

Hiện nay, hình thức ủy quyền được áp dụng khá phổ biến tại nước ta. Khi thực hiện ủy quyền, các cá nhân, tổ chức có thể để cá nhân, tổ chức khác thực hiện các giao dịch liên quan, đảm bảo bảo vệ lợi ích, quyền lợi của họ (bao gồm cả các vấn đề liên quan đến nhân thân và tài sản).

Thực tế, có rất nhiều tình huống phát sinh trong quan hệ dân sự. Đặc biệt là các vấn đề liên quan đến tranh chấp dân sự hay giao dịch dân sự. Trước những tình huống này, những chủ thể có quyền và lợi ích liên quan theo quy định của pháp luật phải đứng ra giải quyết theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, trong nhiều hoàn cảnh đặc biệt, những chủ thể này không thể trực tiếp tham gia vào các quan hệ này. Do đó, họ cần một người đứng ra, đại diện mình để thực hiện các giao dịch liên quan. Ở đây chính là ủy quyền.

Như đã phân tích ở trên, giấy ủy quyền và hợp đồng ủy quyền là hình thức pháp lý phổ biến nhất của hoạt động ủy quyền. Tùy vào trường hợp cụ thể, các cá nhân, tổ chức sẽ lựa chọn hình thức văn bản phù hợp nhất để thực hiện các vấn đề pháp lý liên quan.

Hoạt động ủy quyền có ý nghĩa, vai trò như sau:

– Thứ nhất, nó giúp các hoạt động, giao dịch dân sự được diễn ra một cách ổn định và đúng quy định của pháp luật. Bởi thực tế, không phải giao dịch hay hoạt động dân sự nào các cá nhân, tổ chức có thể tham gia trực tiếp.

– Thứ hai, thông qua ủy quyền, các cá nhân, tổ chức vừa gián tiếp tham gia các hoạt động dân sự, quan hệ pháp luật, vừa đảm bảo thực hiện được các nhiệm vụ quan trọng khác.

– Thứ ba, hoạt động ủy quyền giúp hoạt động dân sự được hoàn thiện. Thông thường, cá nhân, tổ chức sẽ lựa chọn những người có năng lực chuyên môn để thay mình thực hiện các giao dịch liên quan. Khi nhận ủy quyền, các chủ thể này sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Điều này đưa đến một kết quả tốt cho giao dịch dân sự.

Chính bởi những lý do khách quan này, hiện nay, việc ủy quyền được diễn ra một cách phổ biến tại nước ta.

3. Phân biệt giấy uỷ quyền và hợp đồng uỷ quyền theo luật dân sự:

 

Tiêu chí so sánh 

Hợp đồng ủy quyền 

Giấy ủy quyền 

Căn cứ pháp lý

Bộ luật dân sự 2015 

Chỉ được thừa nhận trong thực tế không có văn bản nào quy định cụ thể.

Chủ thể tham gia 

Hợp đồng ủy quyền được thực hiện bởi người ủy quyền và người được ủy quyền

Giấy ủy quyền được thực hiện người ủy quyền. Tức người ủy quyền lập và ký vào giấy ủy quyền. 

Bản chất 

Hợp đồng ủy quyền thực chất là một hợp đồng, có sự thỏa thuận thống nhất ý chí giữa các bên. Tức các bên thỏa thuận, chuyển giao quyền và lợi ích với nhau.

Giấy ủy quyền là hành vi pháp lý đơn phương của bên ủy quyền.

Thời hạn ủy quyền 

Thời hạn uỷ quyền của hợp đồng ủy quyền do các bên thỏa thuận hoặc do pháp luật quy định. Trong trường hợp không có thoả thuận và pháp luật không có quy định thì hợp đồng uỷ quyền có hiệu lực một năm, kể từ ngày xác lập việc uỷ quyền.

Thời hạn ủy quyền do Người ủy quyền quy định hoặc do pháp luật quy định 

Quy tắc thực hiện 

– Hợp đồng ủy quyền được thực hiện bởi bên ủy quyền và bên nhận ủy quyền.

– Việc lập hợp đồng ủy quyền đòi hỏi bên nhận ủy quyền phải đồng ý và có giá trị bắt buộc phải thực hiện các công việc đã nêu trong hợp đồng, đồng thời bên nhận ủy quyền có thể được nhận thù lao (theo thỏa thuận, nếu có)

– Khi ủy quyền, không cần có sự tham gia của bên nhận ủy quyền.

– Việc lập giấy ủy quyền không đòi hỏi bên nhận ủy quyền phải đồng ý và  không có giá trị bắt buộc bên nhận ủy quyền phải thực hiện các công việc ghi trong giấy.

Quyền và nghĩa vụ của các bên 

– Quyền và nghĩa vụ của bên được  ủy quyền: 

+ Nghĩa vụ: Thực hiện công việc theo ủy quyền và báo cho bên ủy quyền về việc thực hiện công việc đó; Báo cho người thứ ba trong quan hệ thực hiện ủy quyền về thời hạn, phạm vi ủy quyền và việc sửa đổi, bổ sung phạm vi ủy quyền;  Bảo quản, giữ gìn tài liệu và phương tiện được giao để thực hiện việc ủy quyền; Giữ bí mật thông tin; bàn giao lại cho bên ủy quyền tài sản đã nhận…

+ Quyền: Yêu cầu bên ủy quyền cung cấp thông tin, tài liệu và phương tiện cần thiết để thực hiện công việc ủy quyền; Được thanh toán chi phí hợp lý mà mình đã bỏ ra để thực hiện công việc ủy quyền; hưởng thù lao, nếu có thỏa thuận.

– Quyền và nghĩa vụ của bên ủy quyền:

+ Nghĩa vụ: Cung cấp thông tin, tài liệu và phương tiện cần thiết để bên được ủy quyền thực hiện công việc; Chịu trách nhiệm về cam kết do bên được ủy quyền thực hiện trong phạm vi ủy quyền;  Thanh toán chi phí hợp lý mà bên được ủy quyền đã bỏ ra để thực hiện công việc được ủy quyền; trả thù lao cho bên được ủy quyền, nếu có thỏa thuận về việc trả thù lao.

+ Quyền:  Yêu cầu bên được ủy quyền thông báo đầy đủ về việc thực hiện công việc ủy quyền; Yêu cầu bên được ủy quyền giao lại tài sản, lợi ích thu được từ việc thực hiện công việc ủy quyền, trừ trường hợp có thỏa thuận khác; Được bồi thường thiệt hại, nếu bên được ủy quyền vi phạm nghĩa vụ.

Giấy ủy quyền không quy định quyền và nghĩa vụ các bên

Ủy quyền lại 

Bên được ủy quyền được ủy quyền lại cho người khác trong trường hợp sau: Có sự đồng ý của bên ủy quyền; Do sự kiện bất khả kháng nếu không áp dụng ủy quyền lại thì mục đích xác lập, thực hiện giao dịch dân sự vì lợi ích của người ủy quyền không thể thực hiện được. Đồng thời, việc ủy quyền lại không được vượt quá phạm vi ủy quyền ban đầu.

Người được ủy quyền không được ủy quyền lại, trừ trường hợp pháp luật có quy định

Đơn phương chấm dứt hoạt động ủy quyền 

Hợp đồng ủy quyền quy định rõ ràng về nghĩa vụ của bên được ủy quyền, và nếu có thiệt hại thì phải bồi thường nếu đơn phương chấm dứt hợp đồng ủy quyền.

Sau khi Giấy ủy quyền được lập mà bên nhận ủy quyền không thực hiện công việc thì bên ủy quyền cũng không có quyền yêu cầu bên nhận ủy quyền phải thực hiện, kể cả việc bồi thường thiệt hại.

Trên đây là những tiêu chí cơ bản nhất để phân biệt hợp đồng ủy quyền và giấy ủy quyền. Mặc dù đều hướng tới mục đích ủy quyền và nhận ủy quyền giữa hai chủ thể với nhau, song nội dung và hình thức của hai loại văn bản này lại có những điểm khác biệt nhất định. Nếu hợp đồng ủy quyền là hình thức hợp đồng song phương, được lập nên bởi sự trao đổi quyền và nghĩa vụ giữa các bên, thì giấy ủy quyền là loại văn bản đơn phương, do bên ủy quyền lập và ký.

Văn bản pháp luật sử dụng trong bài viết: Bộ luật dân sự 2015.

Theo dõi chúng tôi trên
5/5(1
bình chọn
)

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com