Phân tích tâm trạng người chiến sĩ cách mạng (Khi con tu hú)

Tố Hữu được ví như như lá cờ đầu của thơ ca Cách mạng Việt Nam. Bài thơ “Khi con tu hú” là một bài thơ mang âm hưởng cách mạng như thế. Bài viết dưới đây sẽ phần nào làm rõ vấn đề trên trong khi phân tích về tâm trạng của người chiến sĩ cách mạng trong bài thơ “Khi con tu hú’

1. Khái quát về thơ thơ ca cách mạng:

Thơ ca cách mạng được ra đời gắn với những cuộc đấu tranh của nhân dân ta với những dấu mốc lịch sử quan trọng. Trong những thời kì ấy, thơ ca đã trở thành vũ khí mạnh mẽ, uy lực để chiến đấu với kẻ thù. Đồng thời, nó không chỉ là sản phẩm mang đậm vẻ hào hùng, tráng lệ với những hình tượng người lính, theo sát bước chân của cách mạng và lịch sử mà còn là thú vui khích lệ, cỗ vũ, vỗ về tâm hồn những người chiến sĩ cách mạng trong các cuộc đấu tranh của dân tộc ta

Mỗi thời kỳ, văn học tồn tại với mỗi chức năng khác nhau. Vẻ đẹp của văn chương nằm ở chỗ, dẫu thời gian có vô tình lướt trôi, dẫu những biến cố bất ngờ ập tới thì nó vẫn tỏa sáng vẹn nguyên những giá trị của nó. Và trong thơ ca cách mạng, văn chương là viên ngọc sáng của dân tộc, lưu giữ trọn vẹn một thời đau thương nhưng hào hùng của dân tộc. Bài thơ “Khi con tu hú” chính là được sáng tác trong thời kì ấy, mang những giá trị trường tồn về một thời đại vẻ vang của dân tộc.

2. Dàn ý phân tích tâm trạng người chiến sĩ cách mạng (Khi con tu hú):

2.1. Mở bài:

Dẫn những câu nói nổi tiếng hoặc khái quát về chủ đề văn học cách mạng để dẫn vào đề phân tích tâm trạng người chiến sĩ

Nêu yêu cầu của đề bài và giới hạn tác giả tác phẩm: tâm trạng của người chiến sĩ cách mạng trong bào thơ “ Khi con tu hú” của tác giả Tố Hữu.

Bày tỏ cảm xúc, cảm nhận về bài thơ

2.2. Thân bài:

Giới thiệu, khái quát tác giả tác phẩm

Khái quát về bức tranh phong cảnh ngày hè trước đó

Phân tích tâm trạng của người chiến sĩ cách mạng

+) Khi nghe hè dậy bên lòng, khi nghe tiếng gọi của tự do thôi thúc để rồi người tù cách mạng, người chiến sĩ ấy bừng dậy tình yêu đời và khát vọng tự do đập tan cánh cửa ngục tù.

+) Người chiến sĩ cách mạng đã vượt lên những nỗi đau, những thiếu thốn về vật chất, hướng con người, tâm trí của mình ra ngoài thế giới rực rỡ ngoài kia.

+) Nỗi đau dày xéo tâm can của người chiến sĩ đang bị giam cầm ấy là nỗi đớn đau của con người chứng kiến cảnh mất nước, nhà tan. Một con người khát khao khám phá, vươn đến chân trời của tự do, khát vọng nhưng lại bị mất đi cuộc sống tự do yên bình vốn hằng ao ước nên mới muốn đạp đổ mọi thứ” phá cũi sổ lồng” để chiến đấu cho cách mạng, đập tan cái chế độ dã man đang cầm tù cả một dân tộc.

Đánh giá nghệ thuật

2.3. Kết bài:

Khẳng định lại vẻ đẹp tâm hồn của người chiến sĩ cách mạng

Bày tỏ cảm nghĩ giá trị của tác phẩm mà nhà thơ mang tới

3. Bài mẫu về đoạn phân tích tâm trạng của người chiến sĩ cách mạng trong bài thơ “Khi con tu hú” hay nhất:

Thơ ca cách mạng Việt Nam từ bao đời nay đã trở thành dòng suối tưới mát tâm hồn biết bao thế hệ bạn đọc. Ở đó ta không chỉ thấy đồng cảm xót xa trước những đau thương mà dân tộc phải gánh chịu, thấy dịu dàng vỗ về những tấm lòng yêu nước nồng nàn, dũng cảm mà trên hết ta còn thấy được những lí tưởng khát vọng tươi đẹp của con người và thời đại. Và thật đúng như vậy, qua vài dòng thơ ngắn trong bài thơ “Khi con Tu hú” nhà thơ Tố Hữu đã đưa ta về với những lí tưởng, nỗi niềm cao đẹp của người chiến sĩ cách mạng xưa kia:

Ta nghe hè dậy bên lòng

Mà chân muốn đạp tan phòng, hè ôi.

Ngột làm sao, chết uất thôi

Con chim tu hú ngoài trời cứ kêu!

Bức tranh thiên nhiên đồng quê vô cùng khoáng đạt, thanh bình, nên thơ khi có bầu trời xanh lồng lộng. Có sắc vàng của bắp, sắc đào của nắng. Có cánh chim tu hú chao liệng….phải chăng đã làm cho người chiến sĩ trong phía ngục tù vô cùng phấn khởi. Đó là vẻ đẹp của sức sống đang căng tràn, vẻ đẹp của tạo vật đang sôi nổi sinh động biết bao nhiêu. Để rồi người chiến sĩ chỉ qua những âm thanh cách vách cao của nhà tù, qua ánh nhìn trong tâm trí về màu sắc, về độ rộng lớn bao la bát ngát của trời kia mà phải thốt lên hè đã dậy bên trong lòng ta. Đại từ nhân xưng “ta” đã bộc bạch một cái tôi mạnh mẽ như đang muốn thét lên cảm nhận, xúc cảm, hào hứng cao độ về mùa hè ấy. Bức tranh ấy không chỉ là sống động bên ngoài nữa mà dường như nó đang trào ra, tràn trề trong cả chính tâm hồn người chiến sĩ cách mạng lúc bấy giờ. Tố Hữu cũng đã từng có những câu thơ thể hiện được niềm vui cao độ như thế khi tìm được lí tưởng cách mạng thực sự rằng:

Mặt trời chân lí chói qua tim

Tâm hồn tôi là một vườn hoa lá

Rất đậm hương và rộn tiếng chim

Nếu ở những vần thơ ấy, người chiến sĩ cách mạng vui sướng với lí tưởng cách mạng đã được giác ngộ khi những vần thơ trong “Khi con tu tú” còn có sự căm phẫn, bức bối, ngột ngạt. Ngột ngạt, bức bối vì sự tù túng sự chật hẹp của căn ngục tù tăm tối, nó đã ngăn cản bước chân người chiến sĩ đến với thế giới ngoài kia, ngăn người tận hưởng bức tranh rực rỡ ngày hè. Nhưng ngăn được không? Không, Không thể ngăn nổi, người chiến sĩ ấy muốn dùng hành động “đạp” để thể hiện sự phản kháng của mình. Người muốn phá tung mọi cái chật hẹp, tăm tối, tù túng trong kia để vươn mình ra ngoài thê giới bao la rộng lớn, để có thể tận hưởng vẻ đẹp của ngày hè trọn vẹn. Khi nghe hè dậy bên lòng, cùng là khi nghe tiếng gọi của tự do thôi thúc để rồi người tù cách mạng, người chiến sĩ ấy bừng dậy tình yêu đời và khát vọng tự do đập tan cánh cửa ngục tù, đạp tan xiềng xích ghìm chân mình.

Dòng máu của lòng uất hận đang tuôn trào cuồn cuộn trong cơ thể khiến người chiến sĩ muốn thoát khỏi không gian tù túng chật hẹp ấy để được lao ra ngoài hòa mình vào thiên nhiên rộng lớn. Người chiến sĩ ấy muốn đạp tung song sắt nhà tù bởi quá bức bối, ngột ngạt, khó thở, muốn vươn mình để được tận hưởng thế giới xung quanh tươi đẹp ấy. Thế nhưng hiện thực tàn nhẫn đã kiến người chiến sĩ ấy chẳng thể hòa mình với thiên nhiên mênh mông bát ngát, đầy sắc hương, âm hưởng ngoài kia. Sự uất hận được nhen nhóm giữa sự đối lập về mong muốn và hiện thực khiến cho người chiến sĩ ấy phải thốt lên rằng ” Ngột làm sao chết mất thôi”. Đây không phải là sự than vãn mà là một sự bộc bạch cảm xúc tột độ. Điều đó cho ta thấy được tình yêu của người chiến sĩ đối với cuộc sống, mong ước được hòa cùng vào biển trời thiên nhiên kia của người chiến sĩ lớn đến nhường nào, lớn đến cảm thấy nếu không làm được điều đó mà phải giữ mình trong không gian trật hẹp tù túng đó thì chỉ muốn chết đi mà thôi.

Phải chăng tiếng kêu tu hú đó không chỉ là tiếng chi của loài chim thông thường, nó đã trở thành một mật thư mà chỉ người chiến sĩ mới hiểu. Giam cầm trong nhà tù không chỉ là ngắt đi bước chân của người chiến sĩ tận hưởng thế giới ngoài kia mà quan trọng nhất đó chính là nó đã cản bước người chiến sĩ trên con đường cách mạng, đấu tranh giải phóng dân tộc. Nếu tiếng chim tu hú ở phần đầu báo hiệu mùa hè tới với biết bao tươi vui thì tiếng chim tu hú ở cuối bài lại chính là nỗi lòng ngột ngạt của nhà thơ khi tiếng chim gọi mời liên tục, cứ kêu, cứ kêu như thế, tâm hồn rạo rực vì tiếng chim nhưng trở về hiện thực vẫn bị song sắt nhà tù giam cầm.

Thế nhưng nhà tù có thực sự là nấm mồ chôn chân lí tưởng, mơ ước của người chiến sĩ cách mạng? Chưa bao giờ. Bác Hồ thân yêu của chúng ta cũng đã từng bị giam cầm như thế trên con đường hoạt động cách mạng của mình nhưng người luôn khẳng định rằng:

Thân thể ở trong lao

Tinh thần ở ngoài Lao

Muốn nên sự nghiệp lớn

Tinh thần càng phải cao

Bởi thế nên song sắt nhà tù chỉ cản nổi thân thể của người chiến sĩ cách mạng chứ không thể nhốt nỗi ý chí tinh thần của họ dù cho Tố Hữu biết rằng đó là một con đường, một lý tưởng gian lao, nhưng ông vẫn nguyện dấn thân vởi vì dòng máu người Việt đang chảy trong người mình:

“Đời cách mạng từ khi tôi đã hiểu

Dấn thân vô phải chịu kiếp tù đày

Là dao kề cổ, súng kề vai

Là thân chết chỉ còn một nửa “

Qua bức tranh thiên nhiên đầy sức sống, hương sắc đã thể hiện được tình yêu với đời, với cách mạng của những người chiến sĩ. Từ ngữ, hình ảnh vô cùng giản dị, kết hợp với những động từ mạnh “đạp” như khẳng định được nỗi uất hận cũng như khao khát, tinh thần chiến đấu mãnh liệt của các anh. Từ đó ta cùng thêm trân trọng khâm phục hơn tài năng cũng như lí tưởng cao đẹp của nhà thơ – nhà cách mạng – Tố Hữu

Theo dõi chúng tôi trên
5/5(1
bình chọn
)

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com