Văn học Việt Nam giai đoạn từ năm 1945 đến năm 1975 là những trang văn chương mang cảm hứng sử thi lãng mạn từ cuộc kháng chiến của nhân dân ta. Trong nguồn cảm hứng bất tận ấy, người lính được khắc họa rõ nét trong lòng bạn đọc. Hai đoạn thơTây Tiến của Quang Dũng và Việt Bắc của Tố Hữu là minh chứng cho vẻ đẹp sáng ngời ấy:

“Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc

Quân xanh màu lá giữ oai hùm

Mắt trừng gửi mộng qua biên giới

Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm

Rải rác biên cương mồ viễn xứ

Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”

(Tây Tiến – Quang Dũng)

Và:

“Những đường Việt Bắc của ta

Đêm đêm rầm rập như là đất rung

Quân đi điệp điệp trùng trùng

Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan

Dân công đỏ đuốc từng đoàn

Bước chân nát đá muôn tàn lửa bay”

(Việt Bắc – Tố Hữu)

Quang Dũng là nhà thơ sống một đời lính oanh liệt vì vậy mà đời lính ăn sâu vào đời thơ. Bài thơ “Tây Tiến”được sáng tác năm 1948 in trong tập thơ “Mây đầu ô”. Trong khi đó, Tố Hữu là nhà thơ của lý tưởng cộng sản của nền thơ ca cách mạng Việt Nam. “Việt Bắc” là đỉnh cao của thơ Tố Hữu được viết trong cảm hứng của buổi chia tay lịch sử sau đại thắng Điện Biên Phủ.

3. Thân bài So sánh hình ảnh đoàn quân qua bài thơ Tây Tiến và Việt Bắc hay nhất:

Trước hết chúng ta đến với những vần thơ trong Tây Tiến:

Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc

Quân xanh màu lá dữ oai hùm

Hai câu thơ gợi lên vẻ đẹp bi tráng từ ngoại hình của người lính tiều tụy, đầu trọc, da xanh như màu lá với hai cách hiểu khác nhau. Người lính Tây Tiến với dáng vẻ đầu trọc da xanh là hậu quả của những cuộc hành quân vất vả, là dấu ấn của những trận sốt rét ác khiến tóc không mọc lại được, da dẻ như tàu lá. Cách hiểu thứ hai là bộ đội cạo trọc đầu để sinh hoạt dễ dàng hơn. Thời kháng Pháp những chàng lính là anh “Vệ trọc”, “Vệ túm”. “Quân xanh màu lá” là trang phục áo lính, cũng có thể là màu xanh của lá ngụy trang.

Bên cạnh đó thủ pháp đối lập giữa ngoại hình và tâm hồn đã làm nên khí chất trong người lính: “Đoàn binh không mọc tóc”. Câu thơ tả người lính có chút đùa vui, hóm hỉnh. Lại có thêm “Quân xanh màu lá”, tương phản với hình ảnh “dữ oai hùm” khiến những người lính Tây Tiến rất lạc quan, coi thường gian khổ. Họ vẫn quắc thước hiên ngang, đánh giáp lá cà “dữ oai hùm” khiến  giặc Pháp kinh hồn bạt vía. Chữ “đoàn binh” cũng gợi lên được sự mạnh mẽ của “Quân đi điệp điệp trùng trùng”, gợi lên dáng vẻ oai phong lẫm liệt. Người lính Tây Tiến làm chủ tình hình, chế ngự mọi khắc nghiệt xung quanh.

Đoạn thơ để lại dấu ấn lãng mạn về những chàng trai Hà Nội:

Mắt trừng gửi mộng qua biên giới

Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm

Hai chữ “mắt trừng” mang tính chất liên tưởng: luôn nhìn về phía kẻ thù với lời thề sống chết với kẻ thù. Còn đôi mắt “gửi mộng qua biên giới” là đôi mắt thao thức nhớ về Hà Nội với dáng kiều thơm trong mộng trong mơ. Người lính Tây Tiến không chỉ biết cầm súng theo tiếng gọi của non sông mà giữa bao nhiêu gian khổ họ vẫn rung độngvề vẻ đẹp của Hà Nội hay chính xác là “dáng kiều thơm”. Đó là một vẻ đẹp của tấm lòng hướng về Thủ đô, luôn hướng về Tổ quốc. Chính quê hương là sức mạnh để họ chiến đấu.

Vì thế càng khó khăn mất mát, họ càng quyết tâm:

Rải rác biên cương mồ viễn xứ

Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh

Ra đi chiến đấu là “quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”, là “đầu không ngoảnh lại” nên “chẳng tiếc đời xanh”. Thật cao đẹp cho lý tưởng sống ấy của người chiến binh.

Sáu câu thơ được viết bằng bút pháp sử thi lãng mạn. Ngòi bút Quang Dũng hướng về những con người phi thường với các biện pháp nghệ thuật như: tương phản, đối lập, ẩn dụ… mang đến hình ảnh đoàn quân gian khổ nhưng rất đỗi hào hùng.

Với Tố Hữu, nhà thơ trữ tình chính trị, cuộc chia tay giữa cán bộ, chiến sĩ với nhân dân Việt Bắc là đề tài trong bài thơ “Việt Bắc”. Trong bài thơ Tố Hữu nhắc về những kỷ niệm với con người và thiên nhiên Việt Bắc. Trong hồi ức ấy, nhà thơ không quên nhắc đến khí thế của quân và dân ta :

Những đường Việt Bắc của ta

Đêm đêm rầm rập như là đất rung

Quân đi điệp điệp trùng trùng

Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan

Dân công đỏ đuốc từng đoàn

Bước chân nát đá muôn tàn lửa bay

Đoạn thơ miêu tả cuộc kháng chiến của dân tộc, là những ấn tượng chung về sức mạnh của dân tộc trong kháng chiến, là đoàn quân ra trận điệp trùng, là hình ảnh của cuộc chiến tranh nhân dân những đêm kháng chiến.

Trước hết đó là ấn tượng về sức mạnh chung của dân tộc ta trong hai câu thơ đầu:

Những đường Việt Bắc của ta

Đêm đêm rầm rập như là đất rung

Câu thơ đầu tiên rất đỗi tự hào về những con đường Việt Bắc. Hai chữ sở hữu “của ta” khẳng khái, chắc nịch khi nói về “Những đường Việt Bắc”:

Ta đi giữa ban ngày

Trên đường cái, ung dung ta bước.

Đường ta rộng thênh thang tám thước

Đường Bắc Sơn, Đình Cả, Thái Nguyên

Đường qua Tây Bắc, đường lên Điện Biên

Đường cách mạng, dài theo kháng chiến…

Đến hôm nay đường xuôi về biển

Mới tinh khôi màu đất đỏ tươi

Đẹp vô cùng, Tổ quốc ta ơi!

Đó là những con đường đầy ý nghĩa tượng trưng cho cả một quá trình của kháng chiến.

Con đường đầy lửa máu ấy là một con đường “Đêm đêm rầm rập như là đất rung”. Đọc câu thơ ta đã thấy âm hưởng hùng tráng của bài ca kháng chiến từ những từ láy “đêm đêm”, “rầm rập” cùng hình ảnh “đất rung” tạo nên bức tranh về sức mạnh Việt Nam

Hình ảnh Việt Bắc hào hùng bỗng trở nên rực sáng bởi hình ảnh của những đoàn quân ra trận:

“Quân đi điệp điệp trùng trùng

Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan”.

Sự hùng tráng, của đoàn quân được thể hiện qua điệp từ “điệp điệp”, “trùng trùng” tạo ấn tượng về sức mạnh khổng lồ của quân đội Việt Nam khi đương đầu với mọi hành động gây hấn của kẻ thù. Đoàn quân trên những con đường Việt Bắc đông đảo như trải dài khắp mọi nẻo đường Việt Bắc.

Hình ảnh đoàn quân tạo nên tầm vóc vũ trụ từ hình ảnh “ánh sao đầu súng” rất thực nhưng cũng rất lãng mạn. Dưới trời sao, đầu súng thép ánh lên lấp lánh, và cũng có thể là những ngôi sao trên mũ chiến sĩ cách. Cả đất trời đang hành quân cùng người lính ra. Nếu như khẩu súng tượng trưng cho chiến tranh, chiếc mũ là nói về người lính như dựng lên trước mắt người đọc những đoàn binh ra trận đang đi về phía tiền phương.

Trong bức tranh về sức mạnh của dân tộc ta, Tố Hữu đã khái quát thêm sức mạnh của đoàn dân công cùng quân đội ta làm nên trang sử vang dội cho dân tộc:

“Dân công đỏ đuốc từng đoàn

Bước chân nát đã muôn tàn lửa bay”

Câu thơ cho ta thấy sự điệp trùng ấy của đoàn quân. Mở đầu câu thơ là hình ảnh “dân công”, cuối câu thơ là hình ảnh “từng đoàn” gợi ra sự điệp trùng của những đoàn dân công. Bên cạnh đó “Bước chân nát đá muôn tàn lửa bay” gợi cho cho sức mạnh của đoàn người gắn liền với những chặng cách mạng.

4. Kết bài So sánh hình ảnh đoàn quân qua bài thơ Tây Tiến và Việt Bắc hay nhất:

Như vậy cả hai bài thơ đều viết về thời kỳ chống Pháp và sử dụng bút pháp sử thi lãng mạn. Nhưng nếu người lính trong thơ Quang Dũng mang cái đẹp bi hùng, lãng mạn hào hoa thì Tố Hữu chủ yếu miêu tả cái đẹp hướng tới số đông.

Nét riêng ở đây là, Quang Dũng viết “Tây Tiến” hình ảnh người lính hiện lên hiện thực với nhiều khó khăn gian khổ nhưng vẫn giữ chất thép vốn có của lính những cũng rất đỗi mộng mơ Hà Thành. Bài thơ “Việt Bắc” là hồn thơ trữ tình chính trị ngợi ca, biểu dương hình ảnh đoàn quân ra trận mang tầm vóc lớn lao của “Bốn mươi thế kỷ cùng ra trận”.

Tóm lại, cùng viết hình ảnh đoàn quân ra trận nhưng cảm hứng của hai nhà thơ rất khác nhau nên hình ảnh người lính thời chống Pháp của hai tác phẩm vừa có điểm chung vừa có điểm khác  biệt mang đến cho đọc giả  những ấn tượng độc đáo.