1.Nội dung công việc trong giai đoạn thực hiện đầu tư

Nội dung công việc trong giai đoạn thực hiện đầu tư gồm:

Thực hiện việc khảo sát bổ sung (nếu cần thiết).

Thỏa thuận sử dụng tần số, tài nguyên số quốc gia (nếu yêu cầu phải có thỏa thuận về sử dụng tần số, tài nguyên số theo quy định của pháp luật có liên quan).

Lập, thẩm định, phê duyệt hồ sơ thiết kế chi tiết, trừ trường hợp dự án thực hiện lập báo cáo kinh tế – kỹ thuật.

Tổ chức lựa chọn nhà thầu và thực hiện các hợp đồng.

Kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện các hợp đồng.

Quản lý thực hiện dự án.

Kiểm thử hoặc vận hành thử.

Bàn giao sản phẩm, hạng mục công việc của dự án.

Đào tạo hướng dẫn sử dụng, triển khai, hỗ trợ, quản trị, vận hành và khai thác.

Nghiệm thu, bàn giao dự án.

Lập hồ sơ hoàn thành, lưu trữ hồ sơ của dự án theo quy định.

2.Khảo sát bổ sung

Chủ đầu tư có trách nhiệm xem xét, quyết định việc khảo sát bổ sung.

Nhiệm vụ khảo sát bổ sung được lập theo các nội dung nêu tại khoản 1 Điều 13 Nghị định này.

Nội dung báo cáo kết quả khảo sát bổ sung, nội dung nghiệm thu kết quả khảo sát bổ sung được thực hiện theo quy định tại Điều 14 và khoản 2 Điều 15 Nghị định này.

Báo cáo kết quả khảo sát bổ sung phải được chủ đầu tư kiểm tra, nghiệm thu và là cơ sở cho triển khai lập hoặc thay đổi, điều chỉnh, bổ sung thiết kế chi tiết hoặc thiết kế cơ sở của báo cáo nghiên cứu khả thi.

3.Lập thiết kế chi tiết

Chủ đầu tư tự thực hiện hoặc thuê các tổ chức, cá nhân lập thiết kế chi tiết và dự toán. Trong quá trình thiết kế, được phép sử dụng thiết kế điển hình cho các mô hình ứng dụng công nghệ thông tin tương tự nhau.

Tài liệu làm căn cứ để thiết kế chi tiết

a) Quyết định phê duyệt dự án và báo cáo nghiên cứu khả thi được duyệt, trừ trường hợp dự án thực hiện theo hình thức báo cáo kinh tế – kỹ thuật;

b) Danh mục quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn công nghệ thông tin được áp dụng;

c) Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam, Kiến trúc Chính phủ điện tử cấp bộ hoặc Kiến trúc Chính quyền điện tử cấp tỉnh;

d) Báo cáo kết quả khảo sát;

đ) Báo cáo kết quả khảo sát bổ sung (nếu có) và các yêu cầu khác (nếu cần thiết).

Tổ chức, cá nhân thiết kế chi tiết phải thực hiện công tác giám sát tác giả trong suốt quá trình triển khai, nghiệm thu sản phẩm của dự án khi chủ đầu tư yêu cầu.

Tổ chức, cá nhân thiết kế chi tiết không được sử dụng danh nghĩa của các tổ chức, cá nhân thiết kế chi tiết khác dưới bất kỳ hình thức nào.

Tổ chức, cá nhân thiết kế chi tiết và dự toán phải bàn giao cho chủ đầu tư hồ sơ thiết kế chi tiết với số lượng đủ bảo đảm phục vụ cho công tác quản lý đầu tư và lưu trữ.

Hồ sơ thiết kế chi tiết được duyệt phải được lưu trữ theo quy định của pháp luật về lưu trữ.

4.Nội dung chính của hồ sơ thiết kế chi tiết

Nội dung chính của thiết kế chi tiết

a) Đối với xây lắp mạng, lắp đặt thiết bị công nghệ thông tin và các phụ kiện:

– Các chỉ tiêu kỹ thuật áp dụng trong triển khai lắp đặt, cài đặt, kiểm tra và hiệu chỉnh thiết bị;

– Danh mục thiết bị lắp đặt, cài đặt và các thông số kỹ thuật của thiết bị;

– Thống kê khối lượng công tác xây lắp, thiết bị của các hạng mục đầu tư chính và phụ; khối lượng đào tạo hướng dẫn sử dụng, quản trị, vận hành và các công tác khác có liên quan;

– Chỉ dẫn biện pháp triển khai (đối với trường hợp triển khai phức tạp);

– Biện pháp an toàn vận hành, phòng, chống cháy, nổ (nếu có);

– Sơ đồ mặt bằng hiện trạng;

– Sơ đồ và thuyết minh chi tiết giải pháp thiết kế mạng, đường truyền, hạ tầng kỹ thuật, an toàn thông tin, cấp điện, chống sét, hệ thống làm mát, tính toán băng thông đường truyền;

– Sơ đồ và thuyết minh quy hoạch địa chỉ mạng IP;

– Sơ đồ lắp đặt thiết bị: vị trí, khoảng cách, cao độ lắp đặt (nếu có); các vị trí đấu nối; thống kê vật liệu, vật tư phục vụ lắp đặt, cài đặt thiết bị;

– Sơ đồ xây lắp mạng: đi dây, lắp đặt máng cáp bảo vệ, chống sét lan truyền, sử dụng vật tư, vật liệu trong lắp đặt mạng, liên kết giữa các phần hệ mạng với nhau và kết nối ra hệ thống bên ngoài với các kích thước và vật liệu chủ yếu;

– Đối với mạng xây lắp theo tuyến (nếu có): thể hiện phương án tuyến, góc đổi hướng tuyến, cao độ và tọa độ lắp đặt, sự giao cắt chính trên tuyến, hành lang bảo vệ tuyến với các kích thước và vật liệu chủ yếu.

b) Đối với các hạng mục hoặc dự án mua sắm dự phòng, thay thế các thiết bị phần cứng thuộc hệ thống hạ tầng kỹ thuật hiện có, mua sắm thiết bị không cần lắp đặt, phần mềm thương mại, nội dung chính của thiết kế chi tiết bao gồm:

– Danh mục thiết bị phần cứng, phần mềm thương mại và các yêu cầu về kỹ thuật của thiết bị;

– Thống kê khối lượng các thiết bị phần cứng, phần mềm thương mại.

c) Đối với phần mềm nội bộ:

– Nội dung mô tả yêu cầu kỹ thuật cần đáp ứng của phần mềm nội bộ trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư;

– Phân tích và mô tả chức năng của phần mềm;

– Yêu cầu về mức độ chịu đựng sai hỏng đối với các lỗi cú pháp lập trình, lỗi lô-gic trong xử lý dữ liệu, lỗi kiểm soát tính đúng đắn của dữ liệu đầu vào;

– Yêu cầu về tính sẵn sàng với IPv6 hoặc giải pháp nâng cấp bảo đảm sẵn sàng với IPv6 nếu hoạt động trên môi trường Internet; trường hợp không kết nối Internet, khuyến khích khả năng tương thích hỗ trợ IPv6 hoặc có giải pháp nâng cấp bảo đảm sẵn sàng với IPv6;

– Yêu cầu về mỹ thuật, kỹ thuật cần đạt được của các giao diện chương trình;

– Các yêu cầu về năng lực của cán bộ tham gia xây dựng, phát triển, nâng cấp, mở rộng phần mềm;

– Các yêu cầu phi chức năng khác.

d) Yêu cầu chi tiết về việc đào tạo hướng dẫn sử dụng; triển khai, hỗ trợ, quản trị, vận hành sản phẩm hoặc hạng mục công việc của dự án trước khi nghiệm thu bàn giao (nếu có); yêu cầu về bảo hành và bảo trì.

Dự toán được lập theo quy định tại Điều 28 Nghị định này.

5.Dự toán

Dự toán là toàn bộ chi phí thực hiện dự án được xác định ở giai đoạn thực hiện đầu tư theo từng dự án cụ thể phù hợp với báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế chi tiết và các yêu cầu công việc khác phải thực hiện.

a) Dự toán là một nội dung trong hồ sơ thiết kế chi tiết; dự toán chi tiết hạng mục đầu tư được duyệt là cơ sở để xác định giá gói thầu đối với trường hợp chỉ định thầu hoặc tự thực hiện và các công việc thực hiện không thông qua hợp đồng;

b) Đối với gói thầu hỗn hợp, dự toán gói thầu được xác định trên cơ sở giá hợp đồng đã ký kết;

c) Trường hợp sử dụng thiết kế điển hình, dự toán được xác định trên cơ sở dự toán của thiết kế điển hình quy định tại khoản 1 Điều 26 Nghị định này.

Nội dung dự toán gồm các chi phí: chi phí xây lắp, chi phí thiết bị, chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn đầu tư, chi phí khác và chi phí dự phòng.

a) Chi phí xây lắp:

Chi phí xây lắp được xác định bằng cách lập dự toán trên cơ sở định mức, phương pháp lập định mức theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông và các quy định có liên quan.

b) Chi phí thiết bị được xác định trên cơ sở số lượng, chủng loại thiết bị cần mua sắm và giá thiết bị trên thị trường. Chi phí xây dựng, phát triển, nâng cấp, mở rộng phần mềm nội bộ được xác định theo phương pháp so sánh hoặc phương pháp chuyên gia hoặc phương pháp tính chi phí hoặc theo báo giá thị trường hoặc kết hợp các phương pháp. Chi phí lắp đặt, cài đặt thiết bị, tạo lập cơ sở dữ liệu, đào tạo hướng dẫn sử dụng, quản trị, vận hành; chi phí vận chuyển, bảo hiểm thiết bị; chi phí triển khai, hỗ trợ, quản trị, vận hành sản phẩm hoặc hạng mục công việc của dự án trước khi nghiệm thu bàn giao (nếu có) và các chi phí khác có liên quan (nếu có) được xác định bằng cách lập dự toán;

c) Chi phí quản lý dự án và chi phí tư vấn đầu tư được xác định trên cơ sở đinh mức chi phí theo tỷ lệ hoặc bằng cách lập dự toán;

d) Chi phí khác bao gồm các chi phí chưa quy định tại các điểm a, b và c khoản này và được xác định bằng cách lập dự toán hoặc theo định mức chi phí theo tỷ lệ;

đ) Chi phí dự phòng cho khối lượng công việc phát sinh được tính bằng tỷ lệ phần trăm (%) trên tổng các chi phí quy định tại các điểm a, b, c và d khoản này. Chi phí dự phòng cho yếu tố trượt giá được tính trên cơ sở độ dài thời gian đầu tư của dự án.

Việc áp dụng các phương pháp lập dự toán, tính chi phí, xác lập định mức, đơn giá trong từng thời kỳ và quản lý chi phí được thực hiện theo các công bố, hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Bộ Thông tin và Truyền thông công bố đơn giá nhân công trong quản lý chi phí đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin.

Nội dung hồ sơ phục vụ xác định chi phí và phương pháp xác định chi phí phần mềm nội bộ, kiểm thử phần mềm nội bộ thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Tổ chức thẩm định và phê duyệt thiết kế chi tiết và dự toán

Nội dung thẩm định thiết kế chi tiết

a) Sự phù hợp về thành phần, quy cách của thiết kế chi tiết so với quy định của pháp luật, bao gồm: các nội dung chính của thiết kế chi tiết, các tài liệu khảo sát và các hồ sơ khác theo quy định của pháp luật có liên quan;

b) Sự phù hợp với thiết kế cơ sở trong báo cáo nghiên cứu khả thi được duyệt và quy định của pháp luật có liên quan, trừ trường hợp dự án thực hiện lập báo cáo kinh tế – kỹ thuật;

c) Sự phù hợp với các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật được áp dụng;

d) Sự tuân thủ Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam, Kiến trúc Chính phủ điện tử cấp bộ hoặc Kiến trúc Chính quyền điện tử cấp tỉnh;

đ) Sự hợp lý của giải pháp, thiết bị (nếu có);

e) Sự phù hợp của biện pháp an toàn vận hành, phòng, chống cháy, nổ (nếu có).

Nội dung thẩm định dự toán

a) Sự phù hợp giữa khối lượng thiết kế chi tiết và khối lượng dự toán;

b) Sự phù hợp của việc áp dụng các định mức kinh tế – kỹ thuật, mức chi, đơn giá; việc vận dụng định mức, đơn giá, phương pháp tính, các chế độ, chính sách có liên quan và các khoản mục chi phí trong dự toán theo quy định.

Chủ đầu tư tổ chức thẩm định và được phép thuê tổ chức, cá nhân có năng lực, kinh nghiệm thực hiện thẩm tra thiết kế chi tiết và dự toán để làm cơ sở thẩm định đối với các phần việc mà mình thực hiện, trừ trường hợp dự án thực hiện lập báo cáo kinh tế – kỹ thuật.

Thẩm quyền phê duyệt thiết kế chi tiết và dự toán

a) Chủ đầu tư phê duyệt thiết kế chi tiết và dự toán đối với trường hợp thiết kế 02 bước;

b) Việc phê duyệt thiết kế chi tiết và dự toán được thực hiện đồng thời, không tách riêng thiết kế chi tiết với dự toán.

Hồ sơ thiết kế chi tiết được phê duyệt là cơ sở để chủ đầu tư quản lý chất lượng, tiến độ, biện pháp tổ chức triển khai dự án.

Tổ chức, cá nhân thực hiện thẩm định, thẩm tra, phê duyệt thiết kế chi tiết và dự toán phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả thẩm định, thẩm tra, phê duyệt của mình.

Trường hợp điều chỉnh dự án dẫn tới phải điều chỉnh thiết kế chi tiết và dự toán, các nội dung điều chỉnh phải được chủ đầu tư tổ chức thẩm định, phê duyệt lại theo quy định tại Điều này.