Quy định sử dụng súng săn tại Việt Nam 2023

Súng săn là súng được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, được sử dụng để săn bắn, bao gồm: súng kíp, súng hơi và đạn sử dụng cho các loại súng này.

Pháp luật Việt Nam nghiêm cấm việc cá nhân sở hữu vũ khí (bao gồm cả vũ khí quân dụng, súng săn, vũ khí thể thao) và công cụ hỗ trợ. Điều này được quy định tại khoản 1 Điều 5 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017.

Các loại súng được quy định trong pháp luật Việt Nam

Theo Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017 thì súng có thể được xếp thành 4 loại như sau:

Súng là vũ khí quân dụng, bao gồm: súng cầm tay (súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên, súng trung liên, súng chống tăng, súng phóng lựu) và vũ khí hạng nhẹ (súng đại liên, súng cối, súng ĐKZ, súng máy phòng không).

Súng săn là loại súng được các cá nhân, tổ chức chế tạo, sản xuất một cách thủ công hoặc công nghiệp. Mục đích của loại súng này là được sử dụng để săn bắn, súng săn bao gồm các loại súng: súng kíp, súng hơi.

Súng là vũ khí thể thao, bao gồm: súng trường hơi, súng trường bắn đạn nổ, súng ngắn hơi, súng ngắn bắn đạn nổ, súng thể thao bắn đạn sơn, súng bắn đĩa bay.

Súng là công cụ hỗ trợ, bao gồm: súng bắn điện, hơi ngạt, chất độc, chất gây mê, từ trường, laze, lưới; súng phóng dây mồi; súng bắn đạn nhựa, nổ, cao su, hơi cay, pháo hiệu, hiệu lệnh, đánh dấu.

Những đối tượng nào được trang bị súng?

Để tìm hiểu về Quy định sử dụng súng săn tại Việt Nam thì điều quan trọng nhất mà chúng ta cần nắm rõ đó quy định về những đối tượng được pháp luật quy định về việc được trang bị và sử dụng súng.

Đối với vũ khí quân dụng, khoản 1 Điều 18 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017 quy định đối tượng được trang bị bao gồm:

– Quân đội nhân dân;

– Dân quân tự vệ;

– Cảnh sát biển;

– Công an nhân dân;

– Cơ yếu;

– Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao;

– Kiểm lâm, Kiểm ngư;

– An ninh hàng không;

– Hải quan cửa khẩu, lực lượng chuyên trách chống buôn lậu của Hải quan

Đối với vũ khí thể thao, khoản 1 Điều 24 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017 quy đối tượng được trang bị bao gồm:

– Quân đội nhân dân;

– Dân quân tự vệ;

– Công an nhân dân;

– Câu lạc bộ, cơ sở đào tạo, huấn luyện thể thao có giấy phép hoạt động;

– Trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh;

– Cơ quan, tổ chức khác được thành lập, cấp phép hoạt động trong luyện tập, thi đấu thể thao.

Đối với công cụ hỗ trợ, khoản 1 Điều 55 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017 quy định đối tượng được trang bị bao gồm:

– Quân đội nhân dân;

– Dân quân tự vệ;

– Cảnh sát biển;

– Công an nhân dân;Cơ yếu;

– Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao;

– Cơ quan thi hành án dân sự;

– Kiểm lâm, lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách, Kiểm ngư, lực lượng trực tiếp thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành thủy sản;

– Hải quan cửa khẩu, lực lượng chuyên trách chống buôn lậu của Hải quan;

– Đội kiểm tra của lực lượng Quản lý thị trường;

– An ninh hàng không, lực lượng trực tiếp thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành giao thông vận tải;

– Lực lượng bảo vệ cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo vệ;

– Ban Bảo vệ dân phố;

– Câu lạc bộ, cơ sở đào tạo, huấn luyện thể thao có giấy phép hoạt động;

– Cơ sở cai nghiện ma túy;

– Các đối tượng khác có nhu cầu trang bị công cụ hỗ trợ thì căn cứ vào tính chất, yêu cầu, nhiệm vụ, Bộ trưởng Bộ Công an quyết định.

Có thể thấy, những đối tượng được pháp luật cho phép trang bị súng vừa nêu đều có những đặc trưng đó là phục vụ cho lực lượng quân đội, công an sẵn sàng chiến đấu với các tội phạm, bảo vệ trật tự an ninh xã hội hay hoạt động trong đơn vị mang tính chất đặc thù cần sử dụng súng.

Ngoài ra, người được giao sử dụng súng trên còn phải đáp ứng đủ các điều kiện theo khoản 1 Điều 7 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017:

– Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;

– Có phẩm chất đạo đức tốt, đủ sức khỏe phù hợp với công việc được giao;

– Không đang trong thời gian bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính, bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đã được xóa án tích trong trường hợp bị kết tội theo bản án, quyết định của Tòa án;

– Đã qua đào tạo, huấn luyện và được cấp giấy chứng nhận về sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

Pháp luật Việt Nam nghiêm cấm việc cá nhân sở hữu vũ khí (bao gồm cả vũ khí quân dụng, súng săn, vũ khí thể thao) và công cụ hỗ trợ. Điều này được quy định tại khoản 1 Điều 5 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017. Do đó, chỉ những đối tượng được quy định tại Điều 18, Điều 24, Điều 55 và đáp ứng đủ điều kiện tại khoản 1 Điều 7 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017 mới được trang bị, sử dụng súng là vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao, công cụ hỗ trợ.

Bên cạnh đó, nếu muốn trang bị, sử dụng các loại súng này thì tùy từng loại súng, cá nhân, tổ chức phải có Giấy phép trang bị, Giấy phép sử dụng hoặc khai báo với cơ quan có thẩm quyền.

Cần lưu ý, khoản 2 Điều 5 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017 quy định nghiêm cấm hành vi tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí (trong đó có súng săn) mà không quy định đối tượng được trang bị, sử dụng súng săn. Nên có thể hiểu, việc sở hữu, tàng trữ, sử dụng súng săn là trái pháp luật.

Sử dụng súng săn trái phép xử phạt như thế nào?

Khoản 3 Điều 3 Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ nêu rõ: Súng săn là súng được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, được sử dụng để săn bắn, bao gồm: súng kíp, súng hơi và đạn sử dụng cho các loại súng này.

Theo Khoản 2 Điều 5 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ quy định về những hành vi bị nghiêm cấm:

“2. Nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sửa chữa, sử dụng trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ hoặc chi tiết, cụm chi tiết để lắp ráp vũ khí, công cụ hỗ trợ.”

Như vậy cần nắm rõ Quy định sử dụng súng săn tại Việt Nam, bởi việc các cá nhân sử dụng súng săn không có giấy phép là vi phạm quy định của pháp luật. Khi này sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính như sau:

Theo quy đinh tại Điểm h Khoản 3 Điều 11 Nghị định 144/2021/NĐ-CP :

“3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

……

h) Sử dụng các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ mà không có giấy phép;”

Ngoài việc bị xử phạt tiền từ 5 đến 10 triệu đồng thì bạn sẽ phải chịu hình thức phạt bổ sung là tịch thu súng theo quy định tại Điểm a Khoản 7 Điều 10 Nghị định 144/2021/NĐ-CP:

“7. Hình thức xử phạt bổ sung:

a)Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại các điểm d và đ khoản 1; các điểm a, b, c, e và g khoản 2; các điểm a, c, d, đ, e, h, i và k khoản 3; các điểm a, b, c, d, đ, e, h và i khoản 4 và khoản 5 Điều này.”

Xử lý hình sự với sử dụng súng săn?

Điều 306. Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ

1. Người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao, vũ khí khác có tính năng, tác dụng tương tự như súng săn, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Có tổ chức;

b) Vật phạm pháp có số lượng lớn;

c) Vận chuyển, mua bán qua biên giới;

d) Làm chết người;

đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

g) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

h) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Vật phạm pháp có số lượng rất lớn hoặc đặc biệt lớn;

b) Làm chết 02 người trở lên;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên;

d) Gây thiệt hại về tài sản 500.000.000 đồng trở lên.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.

Trên đây là một số chia sẻ của chúng tôi về Quy định sử dụng súng săn tại Việt Nam. Khách hàng theo dõi bài viết có vướng mắc gì khác vui lòng phản hồi trực tiếp để được nhân viên hỗ trợ nhanh chóng tận tình.

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com