Những đối tượng nào được hưởng ưu đãi xã hội? 2023

Người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945 là người được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền công nhận đã tham gia tổ chức cách mạng trước ngày 1/1/1945.

Các đối tượng được hưởng ưu đãi xã hội rất đa dạng. Những đối tượng nào được hưởng ưu đãi xã hội?

Người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945 

Người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945 là người được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền công nhận đã tham gia tổ chức cách mạng trước ngày 1/1/1945.

Khi có kết quả xác nhận, sở lao động, thương binh và xã hội, nơi người hoạt động cách mạng đang cư trú trình chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra quyết định công nhận và hưởng trợ cấp ưu đãi. Riêng những người thuộc lực lượng vũ trang thì do bộ chủ quản xem xét và quyết định việc hưởng chế độ. 

Người hoạt động cách mạng từ ngày 1/1/1945 đến trước Tổng khởi nghĩa 19/8/1945 

– Người hoạt động cách mạng từ ngày 1/1/1945 đến trước tổng khởi nghĩa 19/8/1945 là người được cơ quan tổ chức có thẩm quyền công nhận đứng đầu một tổ chức quần chúng cách mạng cấp xã hoặc thoát ly hoạt động cách mạng kể từ ngày 1/1/1945 đến trước Tổng khởi nghĩa 19/8/1945. 

Liệt sĩ

Là người đã hy sinh vì sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế hoặc hy sinh vì lợi ích của Nhà nước, của nhân dân và được Nhà nước truy tặng bằng Tổ quốc ghi công”. Nói cụ thể hơn, đó là những người đã hy sinh thuộc một trong các trường hợp sau đây: 

– Chiến đấu hoặc trực tiếp phục vụ chiến đấu; 

– Trực tiếp đấu tranh chính trị, đấu tranh binh vẫn có tổ chức với địch; 

– Hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt, tra tấn vẫn không chịu khuất phục, kiên quyết đấu tranh hoặc thực hiện chủ trương vượt tù, vượt ngục mà hy sinh; 

– Làm nghĩa vụ quốc tế;

– Đấu tranh chống tội phạm; 

– Dũng cảm thực hiện công việc cấp bách, nguy hiểm phục vụ quốc phòng, an ninh, dũng cảm cứu người, cứu tài sản của Nhà nước và nhân dân; 

– Do ốm đau, tai nạn khi đang làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh ở địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn; 

– Khi đang trực tiếp làm nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ do cơ quan có thẩm quyền giao; 

– Trực tiếp làm nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu hoặc diễn tập phục vụ quốc phòng, an ninh có tính chất nguy hiểm; 

– Thương binh hoặc người hưởng chính sách như thương binh quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 19 của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng chết vì thương tích tái phát.

– Người mất tin, mất tích trong các trường hợp quy định tại 7 trường hợp đầu. 

Hồ sơ ban đầu và thủ tục để công nhận liệt sĩ phải bao gồm: Giấy xác nhận trường hợp hy sinh do cơ quan giao nhiệm vụ, chính quyền nơi xảy ra sự việc… xác nhận theo quy định: Giấy báo tử đề nghị công nhận liệt sĩ do cơ quan, đơn vị quản lý người hy sinh ký.

Người hy sinh trước ngày 01/01/1995, không có các giấy tờ xác nhận trường hợp hy sinh thì phải thay bằng đơn phát hiện và đề nghị của gia đình kèm theo giấy chứng nhận của hai người, có địa chỉ rõ ràng và họ biết trường hợp hy sinh của người đó.

Đơn này phải có xác nhận của chính quyền xã, gửi đến cơ quan chủ quản của người hy sinh yêu cầu làm thủ tục. Đó là cơ sở để hội đồng xác nhận ở xã, nơi có người hy sinh tiến hành phiên họp tập thể xác nhận, ghi biên bản, đưa vào hồ sơ xác nhận.

Nếu là trường hợp mất tin, mất tích thì cũng phải có đơn trình bày cùng các chứng cứ khác do gia đình người đó cung cấp, có biên bản của hội đồng xác nhận nêu trên để cơ quan quản lý người trước khi mất tin, mất tích (ban chỉ huy quân sự, công an huyện hoặc đơn vị quản lý trực tiếp khác) xác minh và kết luận.

Nếu xác định được đó là liệt sĩ, cơ quan này lập giấy báo tử đề nghị công nhận liệt sĩ. Cơ quan, đơn vị quản lý sau khi ký giấy báo tử phải hoàn tất và bàn giao hồ sơ đề nghị công nhận liệt sĩ cho sở lao động, thương binh và xã hội, nơi gia đình liệt sĩ cư trú, làm thủ tục. 

Sở chuyên giấy báo tử về phòng lao động, thương binh và xã hội huyện để hướng dẫn cấp xã, nơi thân nhân liệt sĩ cư trú, lập giấy chứng nhận tình hình thân nhân liệt sĩ đồng thời ghi sổ quản lý, chuyển hồ sơ về bộ để trình Chính phủ tặng bằng “Tổ quốc ghi công”.

Thân nhân của liệt sĩ 

Thân nhân của liệt sĩ thuộc diện được hưởng chế độ ưu đãi là vợ hoặc chồng, con, cha mẹ đẻ, người có công nuôi liệt sĩ và được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp “Giấy chứng nhận gia đình liệt sĩ.

Con liệt sĩ gồm con đẻ, con nuôi hợp pháp và con ngoài giá thú theo quy định của pháp luật. Còn người có công nuôi dưỡng liệt sĩ là người đã thực sự nuôi dưỡng liệt sĩ khi còn dưới 16 tuổi, đối xử như con đẻ, thời gian nuôi từ mười năm trở lên.

Bà mẹ Việt Nam anh hùng: Là những bà mẹ có nhiều cống hiến và hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế.

Theo Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lện hiệu vinh dự nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” ngày 20/10/2012, những bà mẹ thuộc một trong các trường hợp sau đây được tặng hoặc truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”: 

– Có 2 con trở lên là liệt sĩ;

– Chỉ có 2 con mà 1 con là liệt sĩ và 1 con là thương binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;

– Chỉ có 1 con mà người con đó là liệt sĩ;

– Có 1 con là liệt sĩ và có chồng hoặc bản thân là liệt sĩ;

– Có 1 con là liệt sĩ và bản thân là thương binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên. Như vậy, không chỉ những bà mẹ còn sống được tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” mà cả những bà mẹ đã mất cũng có thể được truy tặng danh hiệu này. 

Người con là liệt sĩ nói ở đây bao gồm con đẻ và con nuôi hợp pháp của bà mẹ và đã được Chính phủ tặng bằng “Tổ quốc ghi công”.

Nếu liệt sĩ vừa là con đẻ, vừa là con nuôi của hai bà mẹ thì bà mẹ nào có đủ tiêu chuẩn sẽ được xét giải quyết. Nếu cả hai bà mẹ đều đủ điều kiện thì xét đề nghị đối với một bà mẹ nhưng phải đảm bảo sự nhất trí trong gia đình, họ tộc.

Như vậy, chỉ mẹ đẻ hay mẹ nuôi của liệt sĩ mới thuộc diện xét, mẹ chồng hoặc mẹ vợ của liệt sĩ không thuộc danh sách đề nghị phong tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”.

Người chồng là liệt sĩ là người đã được Chính phủ tặng bằng “Tổ quốc ghi công”. Tuy nhiên vấn đề được đặt ra là trong trường hợp người liệt sĩ vừa có mẹ vừa có vợ thì ai sẽ là người được đề nghị xét phong tặng, truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”.

Theo công văn số 1088/CSTBLS ngày 29/3/1995 của Bộ lao động, thương binh và xã hội về việc xét phong tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” thì nếu một trong hai bà mẹ đủ điều kiện theo quy định sẽ xét đề nghị cho người có đủ điều kiện. Trường hợp cả hai bà mẹ đủ điều kiện thì đều được đề nghị xét phong tặng.

Những bà mẹ được tuyên dương danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” mà thuộc một trong bốn trường hợp nói trên thì vẫn được tặng hoặc truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”.

Điều đáng lưu ý là, danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” của người được tặng có thể bị xoá bỏ nếu người đã được tặng tỏ ra không còn xứng đáng với danh hiệu ấy nữa.

Trong trường hợp này, Chủ tịch nước quyết định xoá bỏ danh hiệu đã tặng, thu hồi bằng và huy chương của người đã nhận. 

“Bà mẹ Việt Nam anh hùng”, một câu hỏi đặt ra là liệu có thể coi là bà mẹ chỉ có một con mà người con đó là liệt sĩ không, khi bà mẹ đó có nhiều con nhưng các con đó đều đã chết trước hoặc chết sau người là liệt sĩ. 

Theo công văn số 1088/CSTBLS ngày 29/3/1995 của Bộ lao động, thương binh và xã hội về việc xét phong tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” thì về nguyên tắc chỉ xét đối với những bà mẹ có những con khác nhưng đều đã chết lúc chưa đến tuổi thành niên và trước khi liệt sĩ tham gia cách mạng. 

Để công nhận và tặng danh hiệu bà mẹ Việt Nam anh hùng, chủ tịch uỷ ban nhân dân cấp xã, với sự giúp đỡ của các đoàn thể quần chúng, lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn trong địa bàn quản lý để gửi lên cấp huyện thẩm tra, xác minh.

Trên cơ sở đó, chủ tịch uỷ ban nhân dân cấp tỉnh lập bản đề nghị tặng hoặc truy tặng danh hiệu, kèm theo danh sách gửi tới Bộ lao động, thương binh và xã hội, Bộ quốc phòng, Viện thi đua khen thưởng để trình Thủ tướng duyệt, cấp bằng và huy chương “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”; sau đó, chủ tịch uỷ ban nhân dân cấp tỉnh ra quyết định trợ cấp ưu đãi.

Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động trong thời kỳ kháng chiến

Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân là người được Nhà nước tuyên dương anh hùng vì có thành tích đặc biệt xuất sắc trong chiến đấu hoặc phục vụ chiến đấu.

Anh hùng lao động trong thời kỳ kháng chiến là người được Nhà nước tuyên dương anh hùng vì có thành tích đặc biệt xuất sắc trong lao động, sản xuất phục vụ kháng chiến. 

Khi có bản sao giấy chứng nhận danh hiệu anh hùng, chủ tịch uỷ ban nhân dân cấp tỉnh hoặc sở lao động, thương binh và xã hội (nếu được uỷ quyền) ra quyết định trợ cấp để làm thủ tục hưởng chế độ ưu đãi. 

Thương binh, bệnh binh, người được hưởng chính sách như thương binh

Thương binh là quân nhân, công an nhân dân mất sức lao động từ 21% trở lên và được cơ quan, đơn vị có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận thương binh” và “Huy hiệu thương binh” thuộc một trong các trường hợp sau: 

– Chiến đấu hoặc trực tiếp phục vụ chiến đấu; 

– Bị địch bắt, tra tấn vẫn không chịu khuất phục, kiên quyết đấu tranh, để lại thương tích thực thể; 

– Làm nghĩa vụ quốc tế;

– Đấu tranh chống tội phạm; 

– Dũng cảm thực hiện công việc cấp bách, nguy hiểm phục vụ quốc phòng, an ninh, dũng cảm cứu người, cứu tài sản của Nhà nước và nhân dân; 

– Làm nhiệm vụ quốc phòng an ninh ở địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, 

– Khi đang trực tiếp làm nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ do cơ quan có thẩm quyền giao; 

– Trực tiếp làm nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu hoặc diễn tập phục vụ quốc phòng, an ninh có tính chất nguy hiểm. 

Thương binh loại B là quân nhân, công an nhân dân bị thương làm suy giảm khả năng lao động từ 21% trở lên trong khi tập luyện, công tác đã được cơ quan, đơn vị có thẩm quyền công nhận trước ngày 31/12/1993. 

Đối với thương binh, nếu sau 2 năm vết thương tái phát sẽ được xem xét giới thiệu đi giám định lại (giám định phúc quyết lần 1). Nếu sau khi giám định lại mà tỷ lệ thương tật giảm hay tăng hoặc vẫn giữ nguyên tỷ lệ thương tật, giám đốc sở lao động-Thương binh và xã hội ra quyết định điều chỉnh thương tật.

Đối với một số trường hợp đặc biệt (có các vết thương ở một số bộ phận cơ thể như vết thương ở sọ não, ở ngực…) mặc dù đã được giám định phúc quyết lần 1 nhưng sau 2 năm vết thương vẫn tái phát, sức khoẻ biểu hiện sa sút thì được xem xét giám định phúc quyết lần 2.

Thủ tục và hồ sơ giám định lại đối với thương binh được quy định tại Thông tư liên tịch số 20/2000/TTLT/BLĐTBXH-BYT của Bộ Lao động-Thương binh và xã hội và Bộ y tế hướng dẫn về việc giám định lại thương tật đối với người bị thương và giám định lại khả năng lao động đối với bệnh binh. 

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com