Nhà nước có toàn quyền trong việc quyết định các vấn đề của doanh nghiệp.Vậy Pháp luật về doanh nghiệp nhà nước như thế nào?
Doanh nghiệp nhà nước hiện nay được điều chỉnh thống nhất trong Luật Doanh nghiệp năm 2014 về mô hình tổ chức, tư cách pháp lý, trách nhiệm tài sản,… nhưng xuất phát từ tính đặc thù về chủ sở hữu và nguồn vốn đầu tư, doanh nghiệp nhà nước bên cạnh áp dụng những quy định chung còn chịu sự điều chỉnh bởi những quy định riêng biệt.
Thành lập doanh nghiệp nhà nước
Để tránh tình trạng doanh nghiệp nhà nước được thành lập tràn lan, kém hiệu quả, gây lãng phí tài sản nhà nước, luật hiện hành đã đưa ra những quy định chặt chẽ để thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn nhà nước một thành viên, bao gồm những điều kiện chủ yếu sau:
Một là: Ngành nghề, lĩnh vực thành lập doanh nghiệp nhà nước
Hiện nay, doanh nghiệp nhà nước chỉ hoạt động trong bốn lĩnh vực’, bao gồm:
– Ngành, lĩnh vực cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu cho xã hội như dịch vụ bưu chính, xuất bản, quản lý hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị, bảo đảm hàng hải,… .
– Ngành, lĩnh vực trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh như sản xuất thuốc nổ, vật liệu nổ phục vụ quốc phòng, an ninh; sản xuất hóa chất và vật tư hóa chất chuyên dụng; sản xuất các sản phẩm, vật tư, vật liệu và quân trang đặc chủng phục vụ quốc phòng, an ninh…
– Ngành, lĩnh vực độc quyền tự nhiên như kinh doanh xổ số; in, đúc tiền, sản xuất vàng miếng và các vật phẩm lưu niệm bằng vàng;
– Ngành, lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao, đầu tư lớn, tạo động lực phát triển nhanh cho các ngành, lĩnh vực khác và nền kinh tế.
Hai là: Điều kiện về vốn điều lệ
Vốn là yếu tố quan trọng để bảo đảm sự hoạt động của doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp nhà nước nói riêng. Tùy thuộc vào hình thức tồn tại của doanh nghiệp nhà nước mà pháp luật đưa ra những quy định về quy mô vốn điều lệ cho phù hợp.
– Đối với doanh nghiệp nhà nước là công ty mẹ của tập đoàn kinh tế, vốn điều lệ phải bảo đảm trên 10.000 tỷ đồng. Mức vốn quy định trên được đánh giá là thấp hơn so với quy mô công ty mẹ của các tập đoàn kinh tế nhà nước hiện nay, không phản ánh đúng nhu cầu vốn của các tập đoàn kinh tế.
Thực tế, có một số tập đoàn, quy mô vốn của công ty mẹ rất lớn như công ty mẹ của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam tại thời điểm điểm thành lập là 177.628.383.625.944 đồng (một trăm bảy mươi bảy nghìn, sáu trăm hai mươi tám tỷ, ba trăm tám mươi ba triệu, sáu trăm hai mươi lăm nghìn, chín trăm bốn mươi bốn đồng)” hay vốn điều lệ công ty mẹ của Tập đoàn Điện lực Việt Nam tại thời điểm 31 tháng 12 năm 2012 là 143.404 tỷ đồng (một trăm bốn mươi ba nghìn bốn trăm lẻ bốn tỷ đồng),…
Ngược lại, cũng có những tập đoàn kinh tế nhà nước mà quy mô vốn của công ty mẹ không bảo đảm số vốn theo quy định của nhà nước, như vốn điều lệ công ty mẹ Tập đoàn Hóa chất Việt Nam là 8.000 tỷ đồng (tám nghìn tỷ đồng), vốn điều lệ công ty mẹ Tập đoàn Dệt may Việt Nam là 3.400 tỷ đồng (ba nghìn bốn trăm tỷ đồng)”. Tuy nhiên, Nhà nước ta chưa có biện pháp xử lý hay khắc phục đối với những doanh nghiệp nhà nước không bảo đảm vốn theo quy định.
– Đối với doanh nghiệp nhà nước là công ty mẹ của tổng công ty phải bảo đảm vốn điều lệ trên 1.800 tỷ đồng;
– Đối với các doanh nghiệp nhà nước độc lập, tại thời điểm thành lập phải có mức vốn điều lệ không thấp hơn 100 tỷ đồng.
Ngoài ra, trong trường hợp kinh doanh những ngành, nghề đòi hỏi phải có vốn pháp định thì vốn điều lệ của doanh nghiệp nhà nước khi thành lập không thấp hơn mức vốn pháp định quy định đối với ngành, nghề kinh doanh đó. Tuy nhiên, đối với doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong một số ngành, lĩnh vực, địa bàn đặc thù hoặc sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích thì vốn điều lệ có thể thấp hơn
mức quy định nếu có ý kiến chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ.
Ba là: Thủ tục thành lập doanh nghiệp nhà nước
Những quy định về thành lập doanh nghiệp nhà nước ngày càng được thay đổi, hoàn thiện theo hướng hạn chế đầu mối có thẩm quyền đề nghị thành lập doanh nghiệp nhà nước, đồng thời, quy định rõ trách nhiệm của từng chủ thể trong việc thành lập doanh nghiệp nhà nước. Với mỗi loại doanh nghiệp nhà nước cụ thể, pháp luật cũng có những quy định riêng về quy trình thành lập nhưng có thể khái quát gồm những bước sau:
Bước 1: Đề nghị thành lập doanh nghiệp nhà nước
Việc thành lập doanh nghiệp nhà nước phải được Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc chính phủ; chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch, công ty của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu (trong trường hợp thành lập công ty con là doanh nghiệp nhà nước) đề nghị.
Người đề nghị phải căn cứ vào danh mục những ngành, lĩnh vực, địa bàn được xem xét thành lập mới doanh nghiệp nhà nước đã được chính phủ phê duyệt để xây dựng đề án và lập hồ sơ thành lập doanh nghiệp nhà nước.
Hồ sơ thành lập doanh nghiệp nhà nước bao gồm: tờ trình đề nghị thành lập, đề án thành lập công ty và dự thảo điều lệ doanh nghiệp nhà nước.
Bước 2: Lập hội đồng thẩm định hồ sơ
Trước khi ra quyết định thành lập doanh nghiệp nhà nước, người có thẩm quyền quyết định thành lập phải lập hội đồng thẩm định để thẩm định hồ sơ thành lập doanh nghiệp nhà nước nhằm kiểm tra, đánh giá về sự phù hợp của việc thành lập doanh nghiệp với các quy định pháp lý, quy hoạch, chiến lược phát triển ngành, lĩnh vực.
Hội đồng thẩm định bao gồm cơ quan chủ trì và các cơ quan khác tham gia ý kiến như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ quản lý ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi doanh nghiệp dự định đặt trụ sở. Tuy nhiên, thẩm định hồ sơ chỉ có ý nghĩa làm cơ sở cho người có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Bước 3: Quyết định thành lập doanh nghiệp nhà nước
Trên cơ sở kết quả thẩm định, chủ thể có quyền thành lập doanh nghiệp nhà nước ra quyết định thành lập.
Thẩm quyền quyết định thành lập doanh nghiệp nhà nước được quy định khác nhau, phù hợp với loại doanh nghiệp nhà nước cụ thể.
– Thủ tướng chính phủ quyết định thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là tập đoàn kinh tế nhà nước và tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước có
– Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty quyết định thành lập công ty con là doanh nghiệp nhà nước HÀ – Những trường hợp thành lập doanh nghiệp nhà nước khác thuộc thẩm quyền của bộ trưởng, chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thẩm quyền đồng thời quyết định phê duyệt điều lệ công ty, bổ nhiệm chủ tịch và thành viên hội đồng thành viên hoặc chủ tịch công ty trong doanh nghiệp nhà nước.
Bước 4: Đăng ký doanh nghiệp
Đăng ký kinh doanh là thủ tục pháp lý bắt buộc để “khai sinh ra doanh nghiệp nói chung. Do đó, sau khi có quyết định thành lập, để được thực hiện hoạt động sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp nhà nước cũng phải tiến hành các thủ tục cần thiết để đăng ký doanh nghiệp.
Chủ sở hữu nhà nước và cơ chế đại diện chủ sở hữu nhà nước Chủ sở hữu nhà nước
Với tư cách là chủ sở hữu duy nhất tại các doanh nghiệp nhà nước, Nhà nước có toàn quyền trong việc quyết định các vấn đề của doanh nghiệp, bao gồm những nội dung chủ yếu sau:
– Quyết định “số phận” của doanh nghiệp nhà nước như thành lập hay cơ cấu lại các doanh nghiệp
– Quyết định nội dung điều lệ công ty, sửa đổi, bổ sung điều lệ công ty
– Quyết định chiến lược phát triển và kế hoạch kinh doanh hằng năm của công ty
– Quyết định cơ cấu tổ chức quản lý doanh nghiệp, bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm người quản lý doanh nghiệp.
* Cơ chế đại diện chủ sở hữu nhà nước
Nhà nước là chủ sở hữu tài sản nhưng Nhà nước lại là một thực thể pháp lý trừu tượng, một thực thể nhận định, như những tổ chức khác khi tiến hành góp vốn đầu tư, Nhà nước chỉ có thể thực hiện quyền chủ sở hữu thông qua những tổ chức, con người cụ thể, tức là Nhà nước cần cử ra tổ chức hoặc cá nhân có thẩm quyền đại diện cho Nhà nước, thực hiện các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu.
Tổ chức hay cá nhân được ủy quyền sẽ thực hiện các quyền và nghĩa vụ được Nhà nước ủy quyền, chịu trách nhiệm trước Nhà nước trong việc sử dụng và phát triển vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp nhà nước.
– Có hai vấn đề liên quan đến cơ chế đại diện chủ sở hữu nhà nước, đó là: (i) đại diện chủ sở hữu nhà nước trong quản lý hoạt động đầu tư vào doanh nghiệp nhà nước nói chung, (ii) người đại diện chủ sở hữu trực tiếp tại doanh nghiệp nhà nước.
* Đại diện chủ sở hữu nhà nước trong quản lý hoạt động đầu tư vào doanh nghiệp nhà nước.
Trong phạm vi quyền hạn, nhiệm vụ của mình, có nhiều chủ thể cùng tham gia trong việc đại diện nhà nước quản lý tại doanh nghiệp, cụ thể bao gồm:
– Chính phủ: có quyền ban hành Điều lệ, sửa đổi, bổ sung Điều lệ đối với doanh nghiệp nhà nước do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập; quy định việc quản lý tài chính đối với doanh nghiệp nhà nước; quy định tiêu chí đánh giá kết quả thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ được giao, kết quả hoạt động, hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh, doanh đối với doanh nghiệp nhà nước,…
– Thủ tướng Chính phủ: có trách nhiệm trực tiếp với công ty mẹ của tập đoàn kinh tế nhà nước và doanh nghiệp có chức năng đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước về các nội dung quyết định thành lập, tổ chức lại, chuyển đổi sở hữu, quyết định vốn điều lệ cũng như điều chỉnh vốn điều lệ…
– Bộ quản lý ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh – đóng vai trò là cơ quan đại diện chủ sở hữu – có quyền quyết định thành lập, tổ chức lại, chuyển đổi sở hữu, giải thể, phá sản cũng như ban hành, sửa đổi Điều lệ tại những doanh nghiệp do cơ quan này quyết định đầu tư vốn hoặc được Nhà nước phân công; ngoài ra, bộ quản lý ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có quyền quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật, tiền lương, thù lao, tiền thưởng và quyền lợi khác của Chủ tịch và thành viên hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, kiểm soát viên,…
– Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC): dù là doanh nghiệp nhà nước nhưng SCIC có vai trò đặc biệt khi tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại các doanh nghiệp được chuyển giao về tổng công ty; đồng thời, đóng vai trò chủ sở hữu đối với vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước do tổng công ty tiếp nhận và trực tiếp đầu tư,…
* Người đại diện chủ sở hữu trực tiếp tại doanh nghiệp,
Tại doanh nghiệp nhà nước, thành viên hội đồng thành viên, chủ tịch công ty đóng vai trò đại diện chủ sở hữu trực tiếp tại doanh nghiệp. Những chủ thể này có những quyền chủ yếu sau:
– Đề nghị cơ quan có thẩm quyền quyết định việc điều chỉnh vốn điều lệ; sửa đổi, bổ sung điều lệ; tổ chức lại, chuyển đổi sở hữu, giải thể, phá sản doanh nghiệp.
– Quyết định quy chế quản lý nội bộ của doanh nghiệp; tiền lương, thù lao, tiền thưởng và quyền lợi khác đối với Tổng giám đốc hoặc Giám đốc.
– Sau khi cơ quan đại diện chủ sở hữu phê duyệt, Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty có quyền quyết định chiến lược, kế hoạch đầu tư phát triển năm năm và kế hoạch sản xuất, kinh doanh hằng năm của doanh nghiệp; bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật đối với Tổng giám đốc hoặc Giám đốc; huy động vốn, đầu tư, xây dựng, mua, bán tài sản cố định, dự án đầu tư ra ngoài doanh nghiệp,…
– Tổ chức hoạt động kiểm toán nội bộ và quyết định thành lập đơn vị kiểm toán nội bộ của công ty.
Mô hình tổ chức quản lý doanh nghiệp nhà nước
Dù được tổ chức dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên và được quy định thống nhất trong Luật Doanh nghiệp (2014) nhưng doanh nghiệp nhà nước vẫn có những đặc thù riêng trong tổ chức, quản lý. Cụ thể, theo quyết định của cơ quan đại diện chủ sở hữu, doanh nghiệp nhà nước được tổ chức quản lý và hoạt động theo một trong hai mô hình sau:
– Mô hình có Chủ tịch công ty, Giám đốc/Tổng giám đốc và Kiểm soát viên
– Mô hình có Hội đồng thành viên, Giám đốc/Tổng giám đốc và Kiểm soát viên.
Hội đồng thành viên
Đây là cơ quan đại diện trực tiếp chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp, có quyền nhân danh công ty thực hiện các quyền và nghĩa vụ của công ty.
Hội đồng thành viên bao gồm Chủ tịch và các thành viên khác, các thành viên phải làm việc theo chế độ chuyên trách. Số lượng thành viên Hội đồng thành viên do cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định nhưng không quá bảy người; đồng thời, thành viên Hội đồng thành viên cũng do cơ quan đại diện chủ sở hữu bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức hoặc khen thưởng, kỷ luật. Nhiệm kỳ của thành viên Hội đồng thành viên không quá năm năm, có thể được bổ nhiệm lại nhưng chỉ được bổ nhiệm làm thành viên Hội đồng thành viên của một công ty
Ngoài ra, để bảo đảm hiệu quả hoạt động cũng như sự độc lập của Hội đồng thành viên, Điều 92 Luật Doanh nghiệp (2014) có quy định cụ thể về tiêu chuẩn, điều kiện đối với thành viên hội đồng thành viên, theo đó, thành viên không phải là “người nhà nước” hoặc người liên quan (vợ, chồng, cha đẻ, cha nuôi, mẹ đẻ, mẹ nuôi,…) của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan đại diện chủ sở hữu hay người quản lý trong doanh nghiệp,…
Ngoài ra, người được bổ nhiệm cần trình độ chuyên môn, kinh nghiệm trong quản trị kinh doanh hoặc trong lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp; chưa từng bị cách chức và đáp ứng đủ những tiêu chuẩn khác theo Điều lệ từng doanh nghiệp cụ thể. Không chỉ quy định về tiêu chuẩn của thành viên Hội đồng thành viện, Điều 91 Luật Doanh nghiệp (2014) cũng quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ của Hội đồng thành viên.
Hội đồng thành viên làm việc theo chế độ tập thể; có thể họp thường xuyên hoặc họp bất thường. Mọi vấn đề thuộc quyền, nghĩa vụ của Hội đồng thành viên được xem xét và quyết định theo đa số tại cuộc họp hoặc lấy ý kiến bằng văn bản.
Cuộc họp lấy ý kiến các thành viên của Hội đồng thành viên hợp lệ khi có ít nhất hai phần ba tổng số thành viên Hội đồng thành viên tham dự. Nghị quyết của Hội đồng thành viên được thông qua khi có quá nửa tổng số thành viên tham dự biểu quyết tán thành; trường hợp có số phiếu ngang nhau thì nội dung có phiếu tán thành của Chủ tịch hội đồng thành viên hoặc người được Chủ tịch Hội đồng thành viên ủy quyền chủ trì cuộc họp là nội dung được thông qua. Trường hợp lấy ý kiến các thành viên Hội đồng thành viên bằng văn bản thì nghị quyết của Hội đồng thành viên được thông qua khi có hơn một nửa tổng số thành viên tán thành.
– Trong doanh nghiệp nhà nước hoạt động theo mô hình có Hội đồng thành viên thì Chủ tịch Hội đồng thành viên đóng vai trò là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp nhà nước, trừ trường hợp Điều lệ doanh nghiệp có quy định khác.
Chủ tịch công ty
Chủ tịch công ty do cơ quan đại diện chủ sở hữu bổ nhiệm theo quy định của pháp luật. Chủ tịch công ty có nhiệm kỳ không quá năm năm và có thể được bổ nhiệm lại nhưng không quá hai nhiệm kỳ. Tiêu chuẩn, điều kiện và các trường hợp miễn nhiệm, cách chức Chủ tịch công ty được quy định tương tự với thành viên của Hội đồng thành viên.
Trong mô hình này, Chủ tịch công ty thực hiện các quyền và nghĩa vụ tương đương với Hội đồng thành viên trong mô hình thứ nhất. Đồng thời, nếu điều lệ công ty không quy định, Chủ tịch công ty đóng vai trò là người đại diện theo pháp luật của công ty.
Giám đốc hoặc Tổng giám đốc
Hội đồng thành viên hay Chủ tịch công ty đảm nhận vai trò đại diện chủ sở hữu, có quyền quyết định các vấn đề quan trọng của công ty, trong khi đó, việc điều hành các hoạt động hàng ngày của doanh nghiệp được tiến hành bởi Giám đốc hoặc Tổng giám đốc.
Cần lưu ý là, đối với mô hình có Hội đồng thành viên, khác với những công ty trách nhiệm hữu hạn thông thường, Chủ tịch hội đồng thành viên trong doanh nghiệp nhà nước không thể đồng thời là Giám đốc của công ty, mà Giám đốc phải do Hội đồng thành viên bổ nhiệm hoặc thuê.
Đối với mô hình có Chủ tịch công ty, Chủ tịch công ty kiêm Giám đốc/Tổng giám đốc hoặc bổ nhiệm các cá nhân đủ tiêu chuẩn, điều kiện trở thành Giám đốc/Tổng giám đốc tại doanh nghiệp”.
Ban kiểm soát hoặc Kiểm soát viên
Căn cứ quy mô của doanh nghiệp, cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định bổ nhiệm một Kiểm soát viên hoặc thành lập Ban kiểm soát gồm ba đến năm kiểm soát viên. Nhiệm kỳ Kiểm soát viên không quá năm năm và được bổ nhiệm lại nhưng mỗi cá nhân chỉ được bổ nhiệm làm Kiểm soát viên của một công ty không quá hai nhiệm kỳ.
Kiểm soát viên phải thỏa mãn một số yêu cầu như không phải người lao động của doanh nghiệp, được đào tạo chuyên ngành phù hợp, không phải người liên quan của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan đại diện chủ sở hữu hoặc người quản lý trong
Ban kiểm soát hoặc Kiểm soát viên có nhiệm vụ giám sát và đánh giá việc thực hiện các quyền, nghĩa vụ của thành viên Hội đồng thành viên và Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc công ty; giám sát và đánh giá hiệu lực và mức độ tuân thủ quy chế kiểm toán nội bộ, quy chế quản lý và phòng ngừa rủi ro, quy chế báo cáo và các quy chế quản trị nội bộ khác của công ty; giám sát tính hợp pháp, tính hệ thống và trung thực trong công tác kế toán, sổ kế toán, trong nội dung báo cáo tài chính, các phụ lục và tài liệu liên quan,…
Quản lý vốn đầu tư tại doanh nghiệp nhà nước
Để bảo đảm cho quá trình đầu tư và sử dụng nguồn vốn nhà nước hiệu quả, Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản quy định chi tiết về vấn đề quản lý vốn đầu tư của nhà nước nói chung, tại các doanh nghiệp nhà nước nói riêng. Nội dung các văn bản tập trung vào một số vấn đề sau:
– Quy định các nguyên tắc đầu tư vốn, những ngành nghề, lĩnh vực được thành lập doanh nghiệp nhà nước.
– Cách thức huy động vốn cũng như quản lý nợ tại các doanh nghiệp nhà nước; điều kiện để doanh nghiệp nhà nước tiến hành đầu tư.
– Trách nhiệm giám sát của Quốc hội; thanh tra, kiểm tra của chính phủ và các cơ quan đại diện chủ sở hữu tại các doanh nghiệp nhà nước; ngoài ra, các doanh nghiệp nhà nước cũng thực hiện việc giám sát nội bộ hoạt động của mình.
Bên cạnh đó, để phục vụ cho thực hiện việc quản lý cũng như minh bạch trong đầu tư, sử dụng vốn nhà nước, các doanh nghiệp nhà nước có trách nhiệm định kỳ công bố trên trang thông tin điện tử của công ty và của cơ quan đại diện chủ sở hữu các thông tin về báo cáo tài chính (hằng năm và giữa năm), báo cáo đánh giá về kết quả thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh, báo cáo về thực trạng quản trị, cơ cấu tổ chức công ty,… hay doanh nghiệp nhà nước phải công bố các thông tin bất thường của doanh nghiệp liên quan đến tạm ngừng một phần hoặc toàn bộ hoạt động kinh doanh; bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, sửa đổi, bổ sung nội dung giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, thay đổi người quản lý công ty,…
Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước
Dù luôn được xác định đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế nhưng khu vực doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là các tập đoàn và tổng công ty nhà nước chưa đạt được kết quả khả quan như kỳ vọng, nhiều doanh nghiệp thua lỗ kéo dài.
Để bảo đảm hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước cũng như bảo đảm sự tự chủ trong sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, Nhà nước đã và đang thực hiện chủ trương cơ cấu lại nền kinh tế Nhà nước, thực hiện thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp không thuộc diện Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, tiến tới giảm phạm vi hoạt động cũng như số lượng doanh nghiệp nhà nước trên thực tế. Việc thoái vốn hay cơ cấu lại các doanh nghiệp nhà nước được thực hiện bằng những hình thức sau:
– Chuyển đổi sở hữu và sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước.
Chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp nhà nước được thực hiện dưới hình thức cổ phần hóa hoặc bán một phần hoặc bán toàn bộ vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Thực tế, khi ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp không còn là ngành nghề kinh doanh đặc biệt quan trọng, một trong những cách thức được lựa chọn là chuyển đổi sở hữu tại doanh nghiệp đó, đây là ví dụ đã xảy ra tại Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex). Cụ thể, Tập đoàn Dệt may Việt Nam được thành lập từ năm 2005. Năm 2013, Chính phủ ban hành Nghị định số 118/2013/NĐ-CP ngày 09/10/2013 về Điều lệ Tập đoàn Dệt may Việt Nam, trong đó xác định công ty mẹ – Tập đoàn Dệt may Việt Nam hoạt động theo hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ. Tuy nhiên, do ngành may mặc không thuộc ngành nghề kinh doanh đặc biệt quan trọng theo Quyết định 14/2011/QĐ-TTg ngày 04/3/2011, công ty mẹ của Tập đoàn Dệt may Việt Nam đã tiến hành cổ phần hóa theo Quyết định số 646/2014/QĐ-TTg ngày 06/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ, theo đó, Nhà nước chỉ còn năm 51% vốn điều lệ tại công ty mẹ.
– Trong thời gian sắp tới, cùng với việc ban hành Quyết định số 58/2016/QĐ-TTg ngày 28 tháng 12 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó xác định mười một ngành, lĩnh vực quan trọng Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, những ngành, lĩnh vực khác (như quản lý khai thác cảng hàng không, sân bay; tìm kiếm thăm dò, phát triển mỏ và khai thác dầu khí; sản xuất hóa chất cơ bản,…) sẽ được đẩy mạnh chuyển đổi sở hữu trong thời gian tới.
Bên cạnh chuyển đổi sở hữu, nhiều doanh nghiệp nhà nước cũng thực hiện sắp xếp lại bằng cách hợp nhất, sáp nhập, chia tách hoặc giải thể, phá sản. Tuy nhiên ở nước ta, số lượng doanh nghiệp nhà nước giải thể, phá sản không nhiều bởi Nhà nước thường lựa chọn các cách thức khác để cơ cấu lại khi doanh nghiệp gặp khó khăn trong kinh doanh.
– Chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp
Chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu có thể bao gồm: (i) chuyển giao giữa các cơ quan đại diện chủ sở hữu; (ii) chuyển giao giữa cơ quan đại diện chủ sở hữu và doanh nghiệp có chức năng đầu tư, kinh doanh vốn nhà nước; (iii) Chuyển giao một phần vốn, tài sản giữa các doanh nghiệp; (iv) Chuyển giao dự án, công trình đầu tư công từ cơ quan, tổ chức quản lý dự án, công trình đầu tư công về doanh nghiệp.
Tuy nhiên, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước thông qua việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp trên thực tế tiến hành không dễ dàng. Việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp từ các bộ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) được đánh giá là giải pháp quan trọng trong quá trình cơ cấu lại khu vực doanh nghiệp nhà nước; góp phần nâng cao hiệu quả quản lý tài sản nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư cho doanh nghiệp.
Việc chuyển đổi trên đã được chỉ đạo nhiều của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân như lợi ích của chủ sở hữu vốn nhà nước cũng như quy phạm pháp luật về chế tài xử lý các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thực hiện việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu chưa đầy đủ và thiếu rõ ràng nên chưa bảo đảm để các chủ thể có liên quan thực hiện.
Giải thể doanh nghiệp nhà nước
Giải thể doanh nghiệp là thủ tục pháp lý chấm dứt sự tồn tại của doanh nghiệp và doanh nghiệp bị xóa tên trong sổ đăng ký kinh doanh. Việc giải thể công ty trách nhiệm hữu hạn Nhà nước một thành viên phải phù hợp với đề án tổng thể về sắp xếp, đổi mới, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; trường hợp việc giải thể công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên chưa được quy định tại đề án tổng thể sắp xếp, đổi mới, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, cơ quan quyết định thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên phải trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
– Doanh nghiệp nhà nước bị xem xét giải thể trong các trường hợp sau đây:
– Kết thúc thời hạn hoạt động đã ghi trong Điều lệ công ty mà không có quyết định gia hạn.
– Bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
– Kinh doanh thua lỗ ba năm liên tiếp và có số lỗ lũy kế bằng ba phần tư vốn nhà nước tại công ty trở lên, nhưng chưa lâm vào tình trạng phá sản.
– Không thực hiện được các nhiệm vụ do Nhà nước giao trong thời gian hai năm liên tiếp sau khi đã áp dụng các biện pháp cần thiết .
– Việc tiếp tục duy trì công ty là không cần thiết. Doanh nghiệp nhà nước chỉ được thành lập trong một số ngành nghề, lĩnh vực nhất định, do đó, khi không cần thiết phải nắm giữ doanh nghiệp kinh doanh trong ngành nghề, kinh vực đó, Nhà nước có thể chấm dứt sự tồn tại của doanh nghiệp nhà nước.
Về nguyên tắc, người quyết định thành lập doanh nghiệp nhà nước cũng là người có thẩm quyền quyết định giải thể doanh nghiệp. Đồng thời, trước khi tiến hành giải thể, người có thẩm quyền quyết định giải thể phải thành lập hội đồng giải thể, có chức năng tham mưu cho người quyết định giải thể về việc quyết định giải thể công ty và tổ chức thực hiện giải thể.
Cũng tương tự như những doanh nghiệp thông thường, để được giải thể, doanh nghiệp nhà nước phải bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác.