Thu nhập bao nhiêu thì được quyền nuôi con? 2023

Thu nhập là một trong những yếu tố quan trọng để Tòa án quyết định ai được quyền nuôi con, và nếu không có thu nhập ổn định thì có thể sẽ trở thành bất lợi trong việc giành quyền nuôi con.

Khi giành quyền nuôi con, nhiều người lấy ưu thế về thu nhập để yêu cầu Tòa án giao con cho mình nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục. Vậy thu nhập bao nhiêu thì được quyền nuôi con? Khách hàng quan tâm vui lòng theo dõi nội dung bài viết để có thêm thông tin hữu ích.

Thu nhập bao nhiêu mới được quyền nuôi con?

Khoản 2 Điều 81 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định: Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

Về nguyên tắc, quyền nuôi con sau ly hôn có thể được các bên đương sự (vợ, chồng) tự thỏa thuận với nhau và được tòa án ghi nhận trong bản án. Sau khi ly hôn, người được quyền nuôi con có nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con khi chưa thành niên (dưới 18 tuổi) hoặc đã thành niên nhưng bị tàn tật, mất năng lực hành vi nhân sự, hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình. Người không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng (mức cấp dưỡng tùy theo điều kiện kinh tế hoặc theo thỏa thuận) để người kia chăm sóc, nuôi dưỡng đến khi trưởng thành.

Trong trường hợp, hai vợ chồng không thể thỏa thuận được ai sẽ nuôi dưỡng con cái thì lúc này Tòa án sẽ có quyền phán xét, giao quyền nuôi con cho một bên vợ hoặc chồng. Quyết định của tòa án căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt và hướng tới tương lai tốt đẹp của con. Một số quyền lợi được xét đến như: điều kiện học tập, điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng, đi lại…

Như vậy, xét một cách cơ bản thì người nào có điều kiện tốt hơn về thu nhập, tài sản, công việc sẽ giành được quyền nuôi con. Do đó, thu nhập của bố, mẹ cũng chỉ là một trong những tiêu chí để Tòa án căn cứ và xem xét giao con cho ai nuôi dưỡng sau khi ly hôn. Bởi vậy, không có quy định cụ thể về mức thu nhập bao nhiêu thì sẽ giành được quyền nuôi con.

Không có thu nhập ổn định, có được giành quyền nuôi con?

Theo Khoản 2 Điều 81 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 thì khi xem xét giao con cho cha hoặc mẹ trực tiếp nuôi dưỡng, Tòa án sẽ căn cứ vào thỏa thuận của cha và mẹ.

Con dưới 36 tháng tuổi sẽ được giao cho mẹ trực tiếp nuôi con nhưng nếu người mẹ không đủ điều kiện để trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con… thì Tòa án sẽ không giao con cho người mẹ.

Trong trường hợp con từ đủ 36 tháng tuổi trở lên mà vợ chồng không thỏa thuận được về người trực tiếp nuôi con thì Tòa án sẽ xác định ai là người trực tiếp nuôi con.

Tòa án sẽ xác định ai là người trực tiếp nuôi con trên các tiêu chí như:

– Điều kiện vật chất: mức thu nhập, điều kiện kinh tế có đủ cho con ăn học, nuôi dưỡng, chăm sóc…con tốt không.

– Điều kiện tinh thần: có giành thời gian quan tâm, yêu thương, chăm sóc, nuôi dạy con tốt không.

– Những điều kiện khác: môi trường sống lành mạnh, nơi ở cố định…để có điều kiện nuôi dạy con phát triển tốt.

Vì vậy, thu nhập là một trong những yếu tố quan trọng để Tòa án quyết định ai được quyền nuôi con, và nếu không có thu nhập ổn định thì có thể sẽ trở thành bất lợi trong việc giành quyền nuôi con.

Khi vợ/chồng ngoại tình, giành quyền nuôi con thế nào?

Ngoại tình là việc một người đang có vợ hoặc có chồng mà chung sống với người khác như vợ chồng. Đây là hành vi vi phạm pháp luật và sẽ bị phạt tiền từ 01 – 03 triệu đồng theo khoản 1 Điều 48 Nghị định 110/2013/NĐ-CP.

Thậm chí, nghiêm trọng hơn, nếu làm cho vợ hoặc chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát; đã có quyết định buộc chấm dứt việc chung sống như vợ chồng của Tòa án mà vẫn duy trì mối quan hệ đó… thì có thể bị phạt tù đến 03 năm (Điều 182 Bộ luật Hình sự năm 2015).

Do đó, vợ hoặc chồng ngoại tình có thể coi là căn cứ của việc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ chồng, là nguyên nhân khiến cuộc hôn nhân không thể tiếp tục duy trì.

Người thực hiện hành vi ngoại tình cũng không thể tạo mọi điều kiện tốt nhất cho con được, thậm chí còn thường xuyên bỏ bê gia đình, không quan tâm đến con cái…Do đó, nếu có bằng chứng cho thấy vợ hoặc chồng ngoại tình thì đây có thể là căn cứ để Tòa án xem xét việc không giao con cho người này nuôi dưỡng, chăm sóc sau khi ly hôn.

Bởi vậy, khi vợ hoặc chồng ngoại tình, để giành quyền nuôi con, người kia phải nộp cho Tòa án những giấy tờ như sau:

– Đơn xin giành quyền nuôi con

– Bằng chứng, chứng cứ về việc vợ/chồng ngoại tình: Tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được, dữ liệu điện tử, vật chứng, lời khai, biên bản ghi kết quả thẩm định tại chỗ… (Theo Điều 93 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015);

– Tài liệu, chứng cứ chứng minh bản thân có đầy đủ điều kiện về kinh tế, tinh thần: Thu nhập hàng tháng, nhà cửa ổn định, trình độ học vấn, văn hóa, ứng xử…

Tòa án sẽ căn cứ vào những giấy tờ, bằng chứng và điều kiện thực tế của hai bên để quyết định giao con cho người nào.

Trên đây là một số chia sẻ của chúng tôi về Thu nhập bao nhiêu thì được quyền nuôi con? Khách hàng quan tâm theo dõi nội dung bài viết, có vướng mắc khác vui lòng phản hồi trực tiếp để được hỗ trợ.

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com