Nghĩa vụ quân sự là trách nhiệm và nghĩa vụ của công dân khi đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật. Thực tế có những công dân gương mẫu chấp hành nhưng cũng không ít trường hợp nhiều người cố tình tìm mọi lý do để trốn tránh, trì hoãn việc thực hiện nghĩa vụ quân sự. Vậy đóng thay bao nhiêu tiền thì không phải đi nghĩa vụ quân sự?
1. Đóng bao nhiêu tiền thì không phải đi nghĩa vụ quân sự?
Căn cứ tại Điều 6 Luật nghĩa vụ quân sự 2015 quy định về nghĩa vụ phục vụ tại ngũ như sau:
+ Công dân nam trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự có nghĩa vụ phục vụ tại ngũ trong Quân đội nhân dân. Mà độ tuổi gọi nhập ngũ được quy định đối với công dân đủ 18 tuổi được gọi nhập ngũ; độ tuổi gọi nhập ngũ được quy định từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi; đối với những công dân được đào tạo trình độ cao đẳng, đại học đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ thì độ tuổi gọi nhập ngũ đến hết 27 tuổi.
– Công dân nữ trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự trong thời bình nếu tự nguyện và quân đội có nhu cầu thì được phục vụ tại ngũ.
Hiện nay, không có quy định cho phép công dân được phép nộp tiền để thực hiện nghĩa vụ quân sự. Chính vì vậy, đối với công dân nam ngoài đáp ứng đủ điều kiện độ tuổi còn phải đáp ứng các điều kiện tiêu chuẩn tại Điều 31 Luật nghĩa vụ quân sự năm 2015, được hướng dẫn tại Điều 4 Thông tư 148/2018/TT-BQP sau đây thì phải thực hiện nghĩa vụ quân sự:
– Về tiêu chuẩn chính trị:
+ Tiêu chuẩn chính trị tuyển chọn công dân vào phục vụ trong Quân đội nhân dân Việt Nam thực hiện theo Thông tư liên tịch số 50/2016/TTLT-BQP-BCA ngày 15 tháng 4 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng – Bộ trưởng Bộ Công an;
+ Thực hiện tuyển chọn theo quy định của Bộ Quốc phòng đối với các cơ quan, đơn vị và vị trí trọng yếu cơ mật trong Quân đội. lực lượng Tiêu binh, Nghi lễ, lực lượng Vệ binh và Kiểm soát quân sự chuyên nghiệp.
– Về tiêu chuẩn sức khỏe:
+ Quy định việc khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự được tuyển chọn những công dân có sức khỏe loại 1, 2, 3 theo quy định tại Thông tư liên tịch số 16/2016/TTLT-BYT-BQP ngày 30 tháng 6 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Y tế – Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
+ Đối với các cơ quan, đơn vị, vị trí trọng yếu cơ mật trong Quân đội. lực lượng Tiêu binh, Nghi lễ, lực lượng Vệ binh và Kiểm soát quân sự chuyên nghiệp, thực hiện tuyển chọn bảo đảm tiêu chuẩn riêng theo quy định của Bộ Quốc phòng.
+ Với những công dân có sức khỏe loại 3 tật khúc xạ về mắt (cận thị 1,5 diop trở lên, viễn thị các mức độ), nghiện ma túy, nhiễm HlV, AIDS thì không gọi nhập ngũ vào Quân đội.
– Về tiêu chuẩn văn hóa:
+ Tuyển chọn những công dân có trình độ văn hóa lớp 8 trở lên, lấy từ cao xuống thấp. Chỉ được tuyển chọn số công dân có trình độ văn hóa lớp 7 đối với những địa phương có khó khăn không đảm bảo đủ chỉ tiêu giao quân.
+ Được tuyển không quá 25% công dân có trình độ văn hóa cấp tiểu học, còn lại là trung học cơ sở trở lên đối với các xã thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật. đồng bào dân tộc thiểu số dưới 10.000 người.
Như vậy, việc thực hiện nghĩa vụ quân sự là nghĩa vụ của công dân nam còn đối với công dân nữ thì việc tham gia thực hiện nghĩa vụ dựa trên tin thần tự nguyện. Chính vì vậy, những công dân nam khi đáp ứng đủ các tiêu chuẩn về độ tuổi, về tiêu chuẩn chính trị, về tiêu chuẩn sức khỏe, về tiêu chuẩn văn hóa thì phải tham gia nghĩa vụ quân sự theo đúng quy định của pháp luật. Nếu công dân đó trốn tránh không thực hiện thì tùy từng trường hợp có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
2. Xử phạt vi phạm về đăng ký nghĩa vụ quân sự:
Xử phạt vi phạm đăng ký nghĩa vụ quân sự theo khoản 2, 3 Điều 4 Nghị định 120/2013/NĐ-CP (sửa đổi bởi khoản 7 Điều 1 Nghị định 37/2022/NĐ-CP) được quy định như sau
– Phạt cảnh cáo đối với công dân nam đủ 17 tuổi trong năm thuộc diện phải đăng ký nghĩa vụ quân sự nhưng người đủ điều kiện đó không đăng ký nghĩa vụ quân sự lần đầu;
– Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với:
+ Không thực hiện đăng ký nghĩa vụ quân sự lần đầu, trừ trường hợp đã phạt cảnh cáo nêu trên;
+ Không thực hiện đăng ký phục vụ trong ngạch dự bị theo đúng quy định;
+ Không đăng ký nghĩa vụ quân sự bổ sung khi có sự thay đổi về chức vụ công tác, trình độ chuyên môn, trình độ học vấn, tình trạng sức khỏe và thông tin khác có liên quan đến nghĩa vụ quân sự theo quy định;
+ Không thực hiện đăng ký nghĩa vụ quân sự khi thay đổi nơi cư trú hoặc nơi làm việc học tập, theo quy định;
+ Không thực hiện đăng ký nghĩa vụ quân sự tạm vắng theo quy định.
Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc thực hiện thủ tục đăng ký nghĩa vụ quân sự lần đầu; đăng ký nghĩa vụ quân sự trong ngạch dự bị; đăng ký nghĩa vụ quân sự bổ sung, đăng ký khi thay đổi nơi cư trú hoặc nơi làm việc, học tập; đăng ký tạm vắng.
3. Vi phạm về kiểm tra, khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự bị phạt bao nhiêu?
Căn cứ Điều 6 Nghị định 120/2013/NĐ-CP (sửa đổi bởi khoản 8 Điều 1 Nghị định 37/2022/NĐ-CP), đối với những hành vi phạm về kiểm tra, khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự sẽ bị xử lý như sau:
– Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với hành vi không có mặt đúng thời gian hoặc địa điểm mà không có lý do chính đáng để thực hiện việc kiểm tra, khám sức khỏe được ghi trong lệnh gọi kiểm tra hoặc khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự của Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự.
– Phạt tiền từ 12.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi không có lý do chính đáng mà cố ý không nhận lệnh gọi kiểm tra, khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự của Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự.
– Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với các trường hợp có hành vi sau đây:
+ Người được khám sức khỏe nhằm trốn tránh nghĩa vụ quân sự mà có hành vi gian dối làm sai lệch kết quả phân loại sức khỏe của mình;
+ Đưa tiền, tài sản, hoặc lợi ích vật chất khác trị giá đến dưới 2.000.000 đồng cho cán bộ, nhân viên y tế hoặc người khác để người đó làm sai lệch kết quả phân loại sức khỏe của người được khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự hoặc người được kiểm tra nhằm trốn tránh nghĩa vụ quân sự.
– Phạt tiền từ 25.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện chấp hành lệnh gọi kiểm tra, khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự.
4. Nộp phạt rồi có phải đi nghĩa vụ quân sự:
Theo quy định tại khoản 9 Điều 1 Nghị định 37/2022/NĐ-CP, người vi phạm về nghĩa vụ quân sự sẽ bị xử phạt. Cụ thể,
– Phạt tiền từ 10-12 triệu đồng đối với hành vi không có lý do chính đáng mà không có mặt đúng thời gian hoặc địa điểm kiểm tra, khám sức khỏe ghi trong lệnh gọi kiểm tra hoặc khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự của Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự.
– Phạt tiền từ 12-15 triệu đồng đối với hành vi không có lý do chính đáng mà cố ý không nhận lệnh gọi kiểm tra, khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự của Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự.
– Phạt tiền từ 30-40 triệu đồng đối với hành vi không có lý do chính đáng mà không có mặt đúng thời gian hoặc địa điểm tập trung ghi trong lệnh gọi nhập ngũ.
– Phạt tiền từ 40-50 triệu đồng đối với trường hợp sau khi đã có kết quả khám tuyển sức khỏe nghĩa vụ quân sự đủ điều kiện nhập ngũ theo quy định mà có hành vi gian dối nhằm trốn tránh thực hiện lệnh gọi nhập ngũ.
Ngoài ra, người không thực hiện nghĩa vụ quân sự còn bị buộc thực hiện nghĩa vụ quân sự sau khi bị phạt mặc dù người đó không thực hiện việc khám tuyển nghĩa vụ quân sự đã bị phạt.
Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 332 Bộ luật hình sự năm 2015 về tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự như sau:
+ Khoản 1: Phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm đối với trường hợp người nào không chấp hành đúng quy định của pháp luật về đăng ký nghĩa vụ quân sự, không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ, lệnh gọi tập trung huấn luyện, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
+ Khoản 2: Phạt tù từ 01 năm đến 05 năm đối với người phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau: Tự gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của mình; Phạm tội trong thời chiến; Lôi kéo người khác phạm tội.
Như vậy, việc thực hiện nghĩa vụ quân sự là bắt buộc mà công dân đủ điều kiện không thể chấp nhận nộp phạt hay đóng tiền thay thế để khỏi thực hiện nghĩa vụ quân sự. Nếu công dân có hành vi cố tình trốn tránh thì ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính, còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Các văn bản pháp luật có liên quan đến bài viết:
Nghị định 120/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu.