Hiện nay, khi thực hiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì phải đảm bảo công chứng theo đúng quy định. Vậy hồ sơ công chứng chuyển nhượng quyền sử dụng đất gồm gì? Mời bạn đọc tham khảo bài viết dưới đây:
1. Chuyển nhượng quyền sử dụng đất có cần công chứng không?
Căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 2 Luật công chứng năm 2014, công chứng được hiểu là việc công chứng viên của một đơn vị tổ chức hành nghề công chứng chứng nhận đối với hợp đồng, giao dịch dân sự để nhằm xác nhận tính xác thực, hợp pháp; nhằm xác nhận những bản dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt về tính chính xác, hợp pháp, không trái đạo đức xã hội. Những văn bản này theo quy định của pháp luật phải được công chứng hoặc trên cơ sở yêu cầu tự nguyện công chứng, chứng thực của các nhân.
Đồng thời, theo căn cứ theo quy định tại Khoản 3 Điều 167 Luật đất đai năm 2013, những thủ tục liên quan đến quyền sử dụng đất phải công chứng bao gồm:
– Hợp đồng thực hiện chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất.
– Hợp đồng cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, hợp đồng chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp.
– Công chứng hoặc chứng thực theo yêu cầu của các bên đối với hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất mà một bên hoặc các bên tham gia giao dịch là tổ chức hoạt động kinh doanh bất động sản được.
– Văn bản về khai nhận thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất.
Do đó, theo căn cứ trên thì hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất sẽ phải được công chứng hoặc chứng thực.
2. Hồ sơ công chứng chuyển nhượng quyền sử dụng đất gồm gì?
Căn cứ theo quy định tại Điều 40 Luật công chứng năm 2014, hồ sơ công chứng chuyển nhượng quyền sử dụng đất bao gồm:
– Phiếu yêu cầu công chứng (theo mẫu).
– Dự thảo hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
– Giấy tờ tùy thân của người yêu cầu công chứng bao gồm chứng minh thư nhân dân hoặc căn cước công dân hoặc hộ chiếu còn giá trị sử dụng (bản sao).
– Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền trên đất (bản sao).
– Bản sao giấy tờ khác có liên quan đến hợp đồng, giao dịch mà pháp luật quy định phải có:
+ Giấy tờ chứng minh tài sản riêng, tài sản chung: giấy chứng nhận đăng kí kết hôn; giấy xác nhận tình trạng độc thân; văn bản thỏa thuận phân chia tài sản chung, tài sản riêng của vợ chồng;…
3. Trình tự công chứng hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất:
Bước 1: Nộp hồ sơ:
Người có nhu cầu chuẩn bị một bộ hồ sơ bao gồm những giấy tờ như trên nộp đến Văn phòng công chứng nơi đang có bất động sản.
Bước 2: Tiếp nhận hồ sơ và giải quyết:
– Công chứng viên tiếp nhận hồ sơ và kiểm tra giấy tờ trong hồ sơ yêu cầu công chứng.
Sau khi kiểm tra, nếu như hồ sơ không hợp lệ, đầy đủ theo quy định của pháp luật thì công chứng viên yêu cầu người nộp hồ sơ phải bổ sung.
Nếu hồ sơ đầy đủ và hợp lệ theo đúng quy định thì khi đó, công chứng viên sẽ thụ lý và ghi vào sổ công chứng.
– Công chứng viên chịu trách nhiệm hướng dẫn người yêu cầu công chứng thực hiện đúng các quy định của pháp luật theo đúng thủ tục; cũng như liên quan đến nội dung thực hiện hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
– Thực hiện giải thích cho người yêu cầu công chứng nắm rõ được về quyền và nghĩa vụ cũng như lợi ích hợp pháp của chính họ; đồng thời giải thích về ý nghĩa cũng như hậu quả pháp lý của việc tham gia hợp đồng, giao dịch.
– Công chứng viên đề nghị người yêu cầu công chứng làm rõ hoặc theo đề nghị của người yêu cầu công chứng, công chứng viên tiến hành xác minh hoặc yêu cầu giám định trong các trường hợp sau đây:
+ Hồ sơ yêu cầu công chứng có vấn đề chưa rõ.
+ Việc giao kết hợp đồng, giao dịch có dấu hiệu bị đe dọa, cưỡng ép.
+ Người thực hiện yêu cầu công chứng hoặc chủ thể đối tượng trong hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất nghi ngờ về năng lực hành vi dân sự.
– Công chứng viên có quyền từ chối thực hiện công chứng trong trường hợp không làm rõ được những vấn đề như đã nêu trên.
– Thực hiện kiểm tra dự thảo hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Nếu như trong hợp đồng có điều khoản vi phạm pháp luật hay trái với đạo đức xã hội; hoặc đối tượng của hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất không đáp ứng đúng yêu cầu quy định của pháp luật thì khi đó, công chứng viên phải có trách nhiệm chỉ rõ vấn đề cho người nộp hồ sơ bổ sung và sửa chữa lại theo đúng quy định.
Nếu như công chứng viên yêu cầu mà người nộp hồ sơ không thực hiện việc sửa chữa thì có quyền từ chối công chứng.
– Người nộp hồ sơ yêu cầu thực hiện công chứng sẽ tự đọc lại bản dự thảo hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Hoặc công chứng viên sẽ phải đọc lại cho người nộp hồ sơ yêu cầu thực hiện công chứng nghe trên cơ sở đề nghị của họ.
– Thực hiện việc ký:
Người yêu cầu công chứng ký vào từng trang của văn bản hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
– Tiến hành đối chiếu: công chứng viên yêu cầu người nộp hồ sơ yêu cầu công chứng xuất trình bản chính để đối chiếu trước khi thực hiện việc ghi lời chứng cũng như ký vào từng trang của hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
4. Lệ phí thực hiện công chứng hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất:
Theo quy định tại Điều 4 Thông tư 257/2016/TT-BTC, phí công chứng hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất sẽ tính dựa trên giá trị quyền sử dụng đất. Cụ thể như sau:
TT |
Giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng, giao dịch |
Mức thu (đồng/trường hợp) |
1 |
Dưới 50 triệu đồng |
50 nghìn |
2 |
Từ 50 triệu đồng đến 100 triệu đồng |
100 nghìn |
3 |
Từ trên 100 triệu đồng đến 01 tỷ đồng |
0,1% giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng, giao dịch |
4 |
Từ trên 01 tỷ đồng đến 03 tỷ đồng |
01 triệu đồng + 0,06% của phần giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng, giao dịch vượt quá 01 tỷ đồng |
5 |
Từ trên 03 tỷ đồng đến 05 tỷ đồng |
2,2 triệu đồng + 0,05% của phần giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng, giao dịch vượt quá 03 tỷ đồng |
6 |
Từ trên 05 tỷ đồng đến 10 tỷ đồng |
3,2 triệu đồng + 0,04% của phần giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng, giao dịch vượt quá 05 tỷ đồng |
7 |
Từ trên 10 tỷ đồng đến 100 tỷ đồng |
5,2 triệu đồng + 0,03% của phần giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng, giao dịch vượt quá 10 tỷ đồng. |
8 |
Trên 100 tỷ đồng |
32,2 triệu đồng + 0,02% của phần giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng, giao dịch vượt quá 100 tỷ đồng (mức thu tối đa là 70 triệu đồng/trường hợp). |
5. Mẫu phiếu yêu cầu công chứng:
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
————-
PHIẾU YÊU CẦU CÔNG CHỨNG HỢP ĐỒNG, GIAO DỊCH
Kính gửi: Phòng Công chứng số…………..thành phố ……………
Họ và tên:…………….
Ngày, tháng, năm sinh:…………..
Chứng minh nhân dân/ Hộ chiếu số:……………do…………..
cấp ngày……….tháng……………..năm……………
Địa chỉ thường trú/tạm trú:………..
Số điện thoại:…………..Số Fax: ………….
Hoặc
Tên tổ chức:…………….
Địa chỉ đặt trụ sở:……………
Họ tên người đại diện:…………….
Chứng minh nhân dân/ Hộ chiếu số: ……………do…………..
cấp ngày…………tháng……………..năm……………..
Số điện thoại: ………….Số Fax: …………
Nội dung yêu cầu công chứng: …………..
Các giấy tờ nộp kèm theo Phiếu này gồm có:
1. ………….
2. ………….
3. ………….
4. ………….
5. ………….
Người nhận phiếu Người yêu cầu công chứng
(Ký và ghi rõ họ và tên) (Ký và ghi rõ họ và tên)
Phiếu yêu cầu công chứng được hiểu là văn bản do cá nhân, tổ chức có nhu cầu công chứng văn bản, hợp đồng lập để gửi tới Văn phòng công chứng.
Dựa vào Phiếu này, Văn phòng công chứng sẽ xác định được các thông tin của người yêu cầu công chứng cũng như các giấy tờ, văn bản,… công chứng và mục đích công chứng.
Nội dung của phiếu yêu cầu công chứng thường sẽ bao gồm những nội dung chính sau đây:
– Thông tin người yêu cầu công chứng bao gồm họ và tên; ngày tháng năm sinh; địa chỉ liên hệ; số điện thoại.
– Nội dung yêu cầu công chứng.
– Có giấy tờ nộp kèm theo.
– Chữ ký người làm phiếu yêu cầu công chứng.
CÁC VĂN BẢN PHÁP LUẬT ĐƯỢC SỬ DỤNG TRONG BÀI VIẾT:
Luật Công chứng 2014.
Luật đất đai 2013.