Lôi kéo người khác trốn nghĩa vụ quân sự bị xử lý như thế nào?

Hằng năm Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, người đứng đầu hoặc người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức báo cáo Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện danh sách công dân nam đủ 17 tuổi trong năm và công dân nam trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự chưa đăng ký nghĩa vụ quân sự. Nhiều trường hợp công dân cố tình trốn tránh nghĩa vụ quân sự, lôi kéo người khác trốn tránh nghĩa vụ quân sự. Vậy khi lôi kéo người khác trốn nghĩa vụ quân sự bị xử lý như thế nào?

1. Lôi kéo người khác trốn nghĩa vụ quân sự bị xử lý như thế nào?

Theo quy định tại Điều 332 của Bộ luật Hình sự năm 2015 về trốn tránh nghĩa vụ quân sự thì sẽ bị xử lý cụ thể như sau:

+ Người nào không thực hiện chấp hành đúng theo quy định của pháp luật về đăng ký nghĩa vụ quân sự, không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ, lệnh gọi tập trung huấn luyện, mà đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn tiếp tục vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

+ Người phạm tội trốn nghĩa vụ quân sự sẽ bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm khi thuộc một trong các trường hợp sau đây: Tự gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của mình; Phạm tội trong thời chiến; Lôi kéo người khác phạm tội.

– Mặt khách quan của hành vi lôi kéo người khác trốn tránh nghĩa vụ quân sự như sau:

+ Hành vi không chấp hành đúng quy định về đăng ký nghĩa vụ quân sự. Hành vi này được thể hiện qua việc chủ thể trong độ tuổi thực hiện đăng ký theo lệnh gọi nhập ngũ nhưng cố tình lẩn tránh không thực hiện việc đăng ký nghĩa vụ quân sự hằng năm. Cố tình đăng ký sai thông tin (sai họ tên, sai tuổi,…), đăng ký chậm, đăng ký bổ sung khi có thay đổi về nơi ở, nơi làm việc…

+ Hành vi không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ theo quy định của pháp luật. Hành vi này được thể hiện thông qua hành vi không nhận lệnh, lẩn tránh, không đến nơi tập trung để nhập ngũ,  không thực hiện lệnh gọi nhập ngũ hoặc có hành vi dùng thủ đoạn khác tự gây thương tích để không thực hiện lệnh gọi nhập ngũ.

+ Đối với quân nhân dự bị mà có hành vi không chấp hành lệnh gọi tập trung huấn luyện. Được thể hiện qua việc cố tình lẩn tránh,  không đến địa điểm tập trung để thi hành lệnh hoặc dùng các thủ đoạn khác để không chấp hành lệnh.

Như vậy, theo quy định trên người nào không chấp hành đúng quy định của pháp luật về đăng ký nghĩa vụ quân sự, không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ, lệnh gọi tập trung huấn luyện, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn tiếp tục vi phạm và có hành vi lôi kéo thêm người khác trốn tránh nghĩa vụ quân sự thì có thể bị phạt tù từ 01 đến 05 năm.

2. Xử phạt vi phạm liên quan đến hành vi vi phạm thực hiện nghĩa vụ quân sự:

2.1. Vi phạm các quy định về đăng ký nghĩa vụ quân sự

Căn cứ theo Điều 4 Nghị định 120/2013/NĐ-CP, được sửa đổi tại Khoản 7 Điều 1 Nghị định 37/2022/NĐ-CP với hành vi vi phạm đăng ký nghĩa vụ quân sự thì bị xử lý như sau:

– Đối với hành vi không đăng ký nghĩa vụ quân sự lần đầu đối với công dân nam đủ 17 tuổi trong năm thuộc diện phải đăng ký nghĩa vụ quân sự thì bị phạt cảnh cáo.

– Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

+ Không đăng ký nghĩa vụ quân sự lần đầu, trừ trường hợp công dân nam đủ 17 tuổi trong năm thuộc diện phải đăng ký nghĩa vụ quân sự ;

+ Không thực hiện đăng ký phục vụ trong ngạch dự bị theo quy định;

+ Không đăng ký nghĩa vụ quân sự bổ sung khi có sự thay đổi về chức vụ công tác, trình độ chuyên môn, trình độ học vấn, tình trạng sức khỏe và thông tin khác có liên quan đến nghĩa vụ quân sự theo quy định;

+ Khi thay đổi nơi cư trú hoặc nơi làm việc, học tập theo quy định mà không thực hiện đăng ký nghĩa vụ quân sự;

+ Không thực hiện việc đăng ký nghĩa vụ quân sự tạm vắng theo quy định.

2.2. Vi phạm quy định sơ tuyển thực hiện nghĩa vụ quân sự

Căn cứ theo Điều 5 Nghị định 120/2013/NĐ-CP quy định:

+ Đối với hành vi không có mặt đúng thời gian hoặc địa điểm tập trung sơ tuyển ghi trong giấy gọi sơ tuyển thực hiện nghĩa vụ quân sự mà không có lý do chính đáng thì bị Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng. 

+ Đồng thời phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả buộc thực hiện sơ tuyển nghĩa vụ quân sự theo kế hoạch của Hội đồng nghĩa vụ quân sự.

2.3. Vi phạm quy định về kiểm tra, khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự:

Căn cứ theo Điều 6 Nghị định 120/2013/NĐ-CP, sửa đổi tại Khoản 8 Điều 1 Nghị định 37/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt hành vi vi phạm quy định về kiểm tra, khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự như sau:

– Đối với hành vi không có mặt đúng thời gian hoặc địa điểm kiểm tra, khám sức khỏe ghi trong lệnh gọi kiểm tra hoặc khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự của Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự mà không có lý do chính đáng thì bị Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng.

– Đối với hành vi cố ý không nhận lệnh gọi kiểm tra, khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự của Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự mà không có lý do chính đáng thì bị Phạt tiền từ 12.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng.

– Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

+ Người được khám sức khỏe có hành vi gian dối làm sai lệch kết quả phân loại sức khỏe của mình nhằm trốn tránh nghĩa vụ quân sự như sử dụng các hình thức hoặc biện pháp làm thay đổi tình trạng sức khỏe của bản thân, sửa chữa kết quả về tình trạng sức khỏe của bản thân trong thực hiện kiểm tra hoặc khám sức khỏe, nhờ người khác để kiểm tra hoặc khám sức khỏe thay.

+ Làm sai lệch kết quả phân loại sức khỏe của người được kiểm tra hoặc người được khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự thông qua các hình thức như đưa tiền, tài sản, hoặc lợi ích vật chất khác trị giá đến dưới 2.000.000 đồng cho cán bộ, nhân viên y tế hoặc người khác nhằm trốn tránh nghĩa vụ quân sự.

+ Đối với hành vi không chấp hành lệnh gọi kiểm tra, khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự thì bị phạt tiền từ 25.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng.

2.4. Vi phạm quy định về nhập ngũ:

Căn cứ theo Điều 7 Nghị định 120/2013/NĐ-CP, sửa đổi tại Khoản 9 Điều 1 Nghị định 37/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt hành vi vi phạm quy định về kiểm tra, khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự như sau:

+ Đối với hành vi không có mặt đúng thời gian hoặc địa điểm tập trung ghi trong lệnh gọi nhập ngũ mà không có lý do chính đáng thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng.

+ Đối với hành vi gian dối nhằm trốn tránh thực hiện lệnh gọi nhập ngũ sau khi đã có kết quả khám tuyển sức khỏe nghĩa vụ quân sự đủ điều kiện nhập ngũ theo quy định thì phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

+ Đối với hành vi không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ, trừ trường hợp không có mặt đúng thời gian hoặc địa điểm tập trung ghi trong lệnh gọi nhập ngũ ;  hành vi gian dối nhằm trốn tránh thực hiện lệnh gọi nhập ngũ sau khi đã có kết quả khám tuyển sức khỏe nghĩa vụ quân sự đủ điều kiện nhập ngũ thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng.

3. Đối tượng nào không được đăng ký nghĩa vụ quân sự:

Căn cứ theo quy định tại Điều 13 Luật nghĩa vụ quân sự năm 2015, các đối tượng thuộc một trong các trường hợp sau đây thì  không được đăng ký nghĩa vụ quân sự:

+ Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đang chấp hành hình phạt tù, quản chế hoặc đã chấp hành xong hình phạt tù nhưng chưa được xóa án tích;

+ Đang bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã) hoặc đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc;

+ Bị tước quyền phục vụ trong lực lượng vũ trang nhân dân.

Tuy nhiên, công dân được đăng ký nghĩa vụ quân sự khi hết thời hạn áp dụng các biện pháp theo quy định trên.

4. Các hành vi bị nghiêm cấm khi thực hiện nghĩa vụ quân sự:

Căn cứ theo Điều 10 Luật nghĩa vụ quân sự năm 2015 thì các hành vi thực hiện nghĩa vụ quân sự bị nghiêm cấm gồm:

– Trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự.

– Chống đối, cản trở việc thực hiện nghĩa vụ quân sự theo quy định.

– Có hành vi gian dối trong khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự.

–  Lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái quy định về nghĩa vụ quân sự.

– Sử dụng hạ sĩ quan, binh sĩ trái quy định của pháp luật.

– Có các hành vi xâm phạm thân thể, sức khỏe; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của hạ sĩ quan, binh sĩ.

Các văn bản pháp luật có liên quan đến bài viết:

– Luật nghĩa vụ quân sự 2015.

– Nghị định 37/2022/NĐ-CP của Chính Phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu; quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia; trên các vùng biển, đảo và thềm lục địa của Việt Nam.

– Nghị định 120/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu.
Theo dõi chúng tôi trên
5/5(1
bình chọn
)

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com