1. Những điều cơ bản

a. Các Quốc gia thành viên cần phải tăng cường phúc lợi của người chưa thành niên và gia đình của các em trên cơ sở phù hợp với những lợi ích chung của từng quốc gia.

b. Các Quốc gia thành viên cần tạo những điều kiện bảo đảm cho người chưa thành niên có một cuộc sống ý nghĩa trong cộng đồng. Việc làm này sẽ giúp thúc đẩy quá trình phát triển của mỗi cá nhân và giúp giáo dục người chưa thành niên không phạm tội và phạm pháp vào những giai đoạn người chưa thành niên dễ có những hành vi sai lạc nhất.

c. Cần chú ý đưa ra những biện pháp tích cực để huy động tất cả các nguồn lực có thể, bao gồm gia đình, những người tình nguyện và các nhóm cộng đồng khác, cũng như trường học và các tổ chức khác trong cộng đồng để tăng cường phúc lợi cho người chưa thành niên, nhằm giảm nhu cầu can thiệp của pháp luật và xử lý người chưa thành niên làm trái pháp luật một cách có hiệu quả, công bằng và nhân đạo.

 d. Tư pháp đối với người chưa thành niên phải được coi là một bộ phận hợp thành của quá trình phát triển đất nước ở mỗi quốc gia, trong khuôn khổ toàn diện của công bằng xã hội đối với tất cả những người chưa thành niên, từ đó góp phần bảo vệ thế hệ trẻ và duy trì trật tự, yên bình cho xã hội.

e. Các quy tắc này phải được thực hiện theo những điều kiện kinh tế, xã hội và văn hóa hiện hành ở mỗi Quốc gia thành viên.

f. Các hoạt động xét xử đối với người chưa thành niên phải được phát triển và phối hợp một cách có hệ thống, nhằm duy trì và cải thiện năng lực của những người tham gia làm các công việc này, trong đó có vấn đề phương pháp, cách thức tiếp cận và thái độ của họ.

Diễn giải:

Những điều khái quát căn bản này đề cập đến chính sách xã hội toàn diện nói chung và nhằm mục đích tăng cường phúc lợi đối với người chưa thành niên đến mức cao nhất có thể. Điều này sẽ giúp giảm thiểu nhu cầu can thiệp của hệ thống tư pháp dành cho người chưa thành niên, và từ đó sẽ giảm tác hại có thể xảy ra khi có sự can thiệp. Các biện pháp chăm lo cho người chưa thành niên, trước khi các em có hành vi phạm pháp, là những điều kiện tiên quyết trong chính sách cơ bản để tránh phải áp dụng các quy tắc này.

Các Quy tắc từ 1.1 đến 1.3 chỉ ra vai trò quan trọng của một chính sách xã hội mang tính chất xây dựng đối với người chưa thành niên trong việc ngăn ngừa họ phạm tội và phạm pháp. Quy tắc 1.4 xác định tư pháp đối với người chưa thành niên là một bộ phận hợp thành của công lý xã hội nói chung đối với người chưa thành niên. Trong khi đó, Quy tắc 1.6 đề cập đến mức độ cần thiết của việc thường xuyên cải tiến hoạt động xét xử đối với người chưa thành niên, không để tụt lùi so với sự phát triển của chính sách xã hội tiến bộ đối với người chưa thành niên nói chung, và sự cần thiết phải thường xuyên cải tiến hoạt động của đội ngũ cán bộ.

Quy tắc 1.5 ghi nhận những điều kiện đang tồn tại ở các Quốc gia thành viên khiến cho cách thức thực hiện những quy tắc cụ thể ở quốc gia này khác với ở quốc gia khác.

 

2. Phạm vi của Các Quy tắc và những định nghĩa được sử dụng

a. Các Quy tắc tiêu chuẩn tối thiểu dưới đây phải được áp dụng một cách không thiên vị đối với người phạm tội chưa thành niên, không phân biệt chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, quan điểm chính trị hoặc các quan điểm khác, nguồn gốc xã hội hoặc dân tộc, tài sản, dòng dõi hoặc các mối tương quan khác.

b. Theo mục đích của Các Quy tắc, những định nghĩa sau phải được các Quốc gia thành viên áp dụng một cách tương ứng với hệ thống và quan niệm pháp luật riêng của quốc gia mình:

– Người chưa thành niên là trẻ em hay thanh thiếu niên mà tùy theo từng hệ thống pháp luật có thể bị xử lý khi phạm tội, theo một phương thức khác với người lớn.

– Phạm tội là bất cứ hành vi (hành động hoặc không hành động) nào bị pháp luật xử phạt tùy theo từng hệ thống pháp luật.

– Người chưa thành niên phạm tội là trẻ em hay thanh thiếu niên bị cáo buộc, hay bị kết luận là đã phạm tội.

b. Trong mỗi hệ thống pháp luật quốc gia, cần phải cố gắng xây dựng một hệ thống các văn bản pháp luật, những quy tắc, quy định áp dụng riêng đối với người chưa thành niên phạm tội, và phải hình thành các tổ chức, các cơ quan được giao phó chức năng áp dụng tư pháp đối với người chưa thành niên để:

– Đáp ứng các nhu cầu khác nhau của người chưa thành niên phạm tội, đồng thời bảo vệ những quyền lợi cơ bản của các em;

– Đáp ứng nhu cầu của xã hội;

– Thi hành những quy tắc sau một cách triệt để và công bằng.

Diễn giải:

Các Quy tắc tiêu chuẩn tối thiểu được xây dựng một cách cẩn trọng để có thể áp dụng trong các hệ thống pháp luật khác nhau và đồng thời đặt ra một vài tiêu chuẩn tối thiểu trong việc xử lý người chưa thành niên phạm tội dù theo bất cứ một định nghĩa nào về người chưa thành niên và theo bất cứ hệ thống nào xử lý người chưa thành niên phạm tội. Những quy tắc phải luôn luôn được áp dụng một cách vô tư, không có sự phân biệt.

Quy tắc 1.2, vì vậy, nhấn mạnh tầm quan trọng của Quy tắc luôn phải được áp dụng một cách không thiên vị và không phân biệt. Quy tắc này tuân thủ nội dung của nguyên tắc 2 trong Tuyên bố về quyền trẻ em.

Quy tắc 2.2 định nghĩa “người chưa thành niên” và “phạm tội” là yếu tố chính của Các Quy tắc tiêu chuẩn tối thiểu (tuy nhiên cũng có thể xem trong các Quy tắc 3 và 4). Cần lưu ý rằng giới hạn tuổi đối với người được coi là chưa thành niên phụ thuộc vào quy định của từng hệ thống pháp luật – quy định này phải được tuyên bố công khai, do vậy hoàn toàn tôn trọng hệ thống kinh tế, xã hội, chính trị, văn hóa và pháp luật của từng Quốc gia thành viên. Điều này khiến cho có nhiều giới hạn tuổi khác nhau được quy định đối với “người chưa thành niên”, có thể từ 7 đến 18 tuổi hoặc cao hơn. Điều này dường như không thể tránh khỏi khi xem xét các hệ thống pháp luật quốc gia khác nhau và không làm giảm tác động của Các Quy tắc tiêu chuẩn tối thiểu. Quy tắc 2.3 nêu lên sự cần thiết phải có các quy định pháp luật cụ thể của quốc gia nhằm thực hiện tốt nhất Các Quy tắc tiêu chuẩn tối thiểu này, cả về mặt pháp lý cũng như trên thực tế.

 

3. Phần mở rộng của Các Quy tắc

a. Các điều khoản có liên quan của Các Quy tắc không chỉ áp dụng đối với những người chưa thành niên phạm tội, mà còn đối với những người chưa thành niên bị kiện vì bất kỳ một hành vi cụ thể nào mà hành vi này không bị xử phạt nếu do người lớn phạm phải.

b. Cần phải cố gắng mở rộng những nguyên tắc có trong Các Quy tắc tiêu chuẩn tối thiểu đối với tất cả người chưa thành niên là đối tượng được quan tâm về các thủ tục chăm sóc và phúc lợi xã hội.

c. Cần phải cố gắng mở rộng các nguyên tắc trong Các Quy tắc này đối với những người thành niên trẻ tuổi phạm pháp.

Diễn giải:

Quy tắc 3 mở rộng phạm vi bảo vệ của Các Quy tắc tiêu chuẩn tối thiểu về tư pháp đối với người chưa thành niên, bao gồm:

  1. Các hành vi được gọi là “phạm pháp do tính chất đặc biệt của chủ thể” được quy định trong những hệ thống pháp luật khác nhau, mà trong đó loại hành vi bị coi là phạm pháp ở người chưa thành niên thì nhiều hơn so với các hành vi bị coi là phạm pháp của người lớn tuổi (ví dụ: trốn học, không vâng lời gia đình và nhà trường, say rượu nơi công cộng…) (Quy tắc 3.1).
  2. Những thủ tục về phúc lợi và chăm sóc đối với người chưa thành niên (Quy tắc 3.2).
  3. Những thủ tục xử lý thanh niên phạm tội, tất nhiên là dựa trên từng giới hạn độ tuổi nhất định (Quy tắc 3.3).

Các Quy tắc tiêu chuẩn tối thiểu mở rộng phạm vi áp dụng đối với ba vấn đề trên là hoàn toàn hợp lý. Quy tắc 3.1 đưa ra những bảo đảm tối thiểu trong các lĩnh vực nêu trên và Quy tắc 3.2 được coi là một bước cần thiết nhằm hướng tới một nền tư pháp công bằng, bình đẳng và nhân đạo hơn đối với tất cả người chưa thành niên vi phạm pháp luật.

 

4. Tuổi chịu trách nhiệm hình sự

Trong những hệ thống pháp luật công nhận khái niệm tuổi chịu trách nhiệm hình sự của người chưa thành niên thì không được quy định quá thấp tuổi bắt đầu phải chịu trách nhiệm hình sự, mà cần lưu ý đến thực tế của độ trưởng thành về trí tuệ, tinh thần và tình cảm của người phải chịu trách nhiệm hình sự.

Diễn giải:

Có sự khác nhau lớn trong việc quy định tuổi tối thiểu chịu trách nhiệm hình sự là do điều kiện lịch sử và văn hóa. Cách tiếp cận hiện đại là xét xem liệu một đứa trẻ có cách hành xử có đúng với những yếu tố tâm lý và đạo đức cấu thành trách nhiệm hình sự hay không; hay nói cách khác, liệu một đứa trẻ – với nhận thức và hiểu biết của cá nhân mình – có phải chịu trách nhiệm trước những hành vi chống đối xã hội một cách căn bản hay không. Nếu tuổi chịu trách nhiệm hình sự được quy định quá thấp, hay nếu như không có giới hạn mức độ tuổi thấp hơn, thì khái niệm trách nhiệm sẽ trở thành vô nghĩa. Nói chung, có một mối quan hệ rất chặt chẽ giữa khái niệm trách nhiệm đối với những hành vi phạm pháp và phạm tội với các quyền và những trách nhiệm xã hội khác (như tình trạng hôn nhân tuổi thành niên về dân sự…).

Vì vậy, cần có những nỗ lực để thống nhất một giới hạn tuổi tối thiểu hợp lý có thể áp dụng trong phạm vi quốc tế.

 

5. Các mục tiêu của áp dụng tư pháp đối với người chưa thành niên

Áp dụng tư pháp đối với người chưa thành niên cần chú trọng đến phúc lợi của người chưa thành niên, và phải bảo đảm rằng bất cứ việc xét xử nào đối với người chưa thành niên phạm tội phải luôn xem xét hoàn cảnh của người phạm tội cũng như hoàn cảnh dẫn đến hành vi phạm tội.

Diễn giải:

Quy tắc 5 đề cập đến hai trong số những mục tiêu quan trọng nhất của hệ thống tư pháp dành cho người chưa thành niên. Mục tiêu thứ nhất là nhằm tăng cường phúc lợi cho người chưa thành niên. Đây là điểm trọng tâm của những hệ thống pháp luật mà theo đó người chưa thành niên phạm tội được xử lý bởi những tòa án gia đình hay tòa hành chính; tuy nhiên phúc lợi đối với người chưa thành niên cũng cần được chú trọng trong những hệ thống pháp luật mà theo đó việc xét xử được tiến hành theo mô hình tòa hình sự, điều này sẽ giúp tránh được việc áp dụng thuần túy những biện pháp trừng phạt (xem quy tắc 14).

Mục tiêu thứ hai là “nguyên tắc về tính tương xứng”. Nguyên tắc này được biết đến như là một công cụ để hạn chế các biện pháp trừng phạt, và thường được giải thích là những biện pháp trừng phạt tương xứng với mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội. Việc xét xử người phạm tội trẻ tuổi phải dựa trên cơ sở không chỉ xem xét mức độ phạm tội, mà còn phải xét đến hoàn cảnh riêng của người đó. Những hoàn cảnh cá nhân của người phạm tội (ví dụ như địa vị xã hội, hoàn cảnh gia đình, sự thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra, hay những nhân tố khác tác động đến hoàn cảnh cá nhân) sẽ ảnh hưởng đến các biện pháp xử lý tương xứng (ví dụ như xét đến cố gắng của người phạm tội trong việc bồi thường cho người bị hại, hay thái độ của người đó cho thấy sự cố gắng sửa chữa để quay trở lại cuộc sống lành mạnh và có ích).

Vì lẽ đó, những biện pháp xử lý nhằm bảo đảm phúc lợi cho thanh thiếu niên phạm tội có thể vượt quá mức cần thiết, và do vậy đã vi phạm những quyền cơ bản họ, như đã thấy ở một số hệ thống tư pháp dành cho người chưa thành niên. Ở đây cũng vậy, tính tương xứng của các biện pháp xử lý trên cơ sở xem xét hoàn cảnh của người phạm tội và tội phạm, bao gồm cả người bị hại, phải được bảo vệ.

Về cơ bản, Quy tắc 5 không yêu cầu gì ngoài một sự xét xử công bằng đối với bất cứ vụ phạm pháp và phạm tội nào ở người chưa thành niên. Những vấn đề được quy định kết hợp trong quy tắc này có thể giúp khuyến khích phát triển theo hai khía cạnh: cần có những hình thức xử lý mới mẻ và mang tính cải tiến, cũng như những hình thức phòng ngừa chống lại bất cứ sự mở rộng quá mức nào đối với mạng lưới kiểm soát xã hội chính thức dành cho người chưa thành niên.

 

6. Phạm vi thẩm quyền quyết định

a. Xét thấy các nhu cầu đặc biệt của người chưa thành niên cũng như các biện pháp có thể áp dụng đều rất đa dạng, cần phải có quy định thích hợp đối với thẩm quyền quyết định ở tất cả giai đoạn của thủ tục tố tụng, cũng như ở tất cả các cấp xét xử tư pháp đối với người chưa thành niên, bao gồm điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án.

b. Tuy nhiên, cần phải bảo đảm trách nhiệm thỏa đáng ở tất cả các giai đoạn và các cấp trong việc thực hiện thẩm quyền quyết định như vậy.

c. Những người có thẩm quyền quyết định phải đáp ứng các tiêu chuẩn đặc biệt hoặc được đào tạo đặc biệt để thi hành nhiệm vụ một cách sáng suốt và phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của họ.

Diễn giải:

Các Quy tắc 6.1, 6.2 và 6.3 kết hợp một vài đặc điểm quan trọng của hệ thống tư pháp dành cho người chưa thành niên theo hướng nhân đạo, công bằng và có hiệu quả: sự cần thiết phải cho phép thực thi thẩm quyền quyết định ở tất cả các cấp quan trọng của tiến trình tố tụng, để những người có quyền ra quyết định có thể có những hành động mà họ cho rằng đúng đắn nhất trong từng trường hợp cụ thể; và sự cần thiết phải kiểm tra, giữ cân bằng nhằm hạn chế bất cứ hành động lạm quyền nào và để bảo vệ quyền của thanh thiếu niên phạm tội. Việc chịu trách nhiệm và chuyên môn nghiệp vụ là những phương tiện thích hợp nhất để hạn chế sự lạm quyền quyết định ở quy mô lớn. Vì vậy, những tiêu chuẩn chuyên môn và việc đào tạo sâu về chuyên môn ở đây cần được nhấn mạnh và được coi như những phương tiện có giá trị bảo đảm việc thực thi quyền phán quyết đối với người chưa thành niên phạm tội (xem thêm các Quy tắc 1.6 và 2.2). Trong hoàn cảnh như vậy, cần chú trọng xây dựng những hướng dẫn cụ thể cho việc thực hiện quyền tự quyết và áp dụng những hệ thống xem xét, kháng cáo, kháng nghị và những vấn đề tương tự nhằm cho phép xem xét lại các quyết định và vấn đề trách nhiệm. Những cơ chế như thế không được cụ thể hóa ở đây vì chúng không thể dễ dàng được quy định một cách nhất quán trong các quy tắc chuẩn mực tối thiểu quốc tế – những quy tắc này không thể bao quát tất cả những sự khác biệt trong các hệ thống tư pháp.

 

7. Quyền của người chưa thành niên

Trong tất cả các giai đoạn tố tụng, cần bảo đảm các biện pháp bảo vệ mang tính thủ tục cơ bản, như giả định vô tội, quyền được thông báo về các lời buộc tội, quyền được giữ yên lặng, quyền được có Luật sư của LVN Group bào chữa, quyền được sự có mặt của cha mẹ hay người giám hộ, quyền đối chất và thẩm vấn chéo các nhân chứng, quyền kháng cáo lên một cơ quan có thẩm quyền cao hơn.

Diễn giải:

Quy tắc 7 nhấn mạnh một số điểm quan trọng được xem là những yếu tố cơ bản bảo đảm cho quá trình xét xử được công bằng, bình đẳng, và những điểm này đã được quốc tế công nhận trong những văn kiện hiện hành về quyền con người (xem thêm Quy tắc 1.4). Ví dụ, cũng có thể thấy quyền giả định vô tội trong Điều 11 của Tuyên ngôn Toàn thế giới về Quyền con người, và trong đoạn 2 Điều 14 của Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị.

Quy tắc 14 trong Các Quy tắc tiêu chuẩn tối thiểu này trình bày cụ thể những vấn đề quan trọng liên quan tới thủ tục tố tụng trong các vụ án liên quan đến người chưa thành niên nói riêng, trong khi đó Quy tắc 1.7 khẳng định các biện pháp bảo vệ cơ bản nhất về thủ tục nói chung.

 

8. Bảo vệ sự riêng tư

a. Quyền riêng tư của người chưa thành niên phải được tôn trọng trong tất cả các giai đoạn tố tụng, nhằm tránh những tổn hại gây ra do sự công khai hóa quá mức hay do sự quy chụp.

b. Về nguyên tắc, không được công bố những thông tin có thể dẫn đến việc nhận dạng người phạm tội chưa thành niên.

Diễn giải:

Quy tắc 8 nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ quyền riêng tư của người chưa thành niên. Thanh thiếu niên đặc biệt dễ bị tổn thương khi bị bêu xấu. Các nghiên cứu tội phạm học về sự quy chụp đã cho chứng cứ về những ảnh hưởng tai hại (dưới nhiều dạng khác nhau) khi một người chưa thành niên vĩnh viễn bị coi là “người phạm pháp” hay “tội phạm”.

Quy tắc 8 nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ người chưa thành niên khỏi những tác động bất lợi có thể có do các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin về vụ việc (ví dụ như tên của những người chưa thành niên phạm tội, bị cáo buộc hay bị tuyên án). Lợi ích của cá nhân cần được bảo vệ và đề cao, ít nhất là về nguyên tắc (những nội dung chung của Quy tắc 8 sẽ được trình bày rõ hơn trong Quy tắc 21).

 

9. Điều khoản bảo lưu

Không điều nào trong những quy tắc này được giải thích là loại bỏ việc áp dụng Các Quy tắc tiêu chuẩn tối thiểu về đối xử với tù nhân do Liên Hợp Quốc thông qua và những văn kiện, tiêu chuẩn khác về quyền con người được cộng đồng quốc tế công nhận, có liên quan đến việc chăm sóc và bảo vệ giới trẻ.

Diễn giải:

Quy tắc 9 được đề ra nhằm tránh bất cứ sự hiểu lầm nào trong việc giải thích và áp dụng những quy tắc hiện có phù hợp với các nguyên tắc trong những văn kiện và tiêu chuẩn về quyền con người hiện có, hay tiêu biểu như Tuyên ngôn Toàn thế giới về Quyền con người, Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa, Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, Tuyên bố về quyền trẻ em và Dự thảo Công ước về quyền trẻ em. Cần hiểu rằng việc áp dụng những Quy tắc tiêu chuẩn tối thiểu về áp dụng tư pháp đối với người chưa thành niên không làm phương hại đến bất kỳ văn kiện quốc tế nào có những điều khoản áp dụng rộng rãi hơn.

Trân trọng!