So sánh hình ảnh trăng trong các bài thơ Đồng chí, Đoàn thuyền đánh cá, Ánh trăng

Trăng là nguồn thi liệu bất tận khơi dậy cảm hứng sáng tác của bao thế hệ thi nhân. Cùng sử dụng nguồn thi liệu phong phú ấy, cả Chính Hữu, Huy Cận, Nguyễn Duy trong các bài thơ của mình “Đồng chí”, “đoàn thuyền đánh cá” và “Ánh trăng” đã có những sáng tạo vô cùng độc đáo từ hình ảnh ánh trăng của tự nhiên.Đề bài này sẽ phân tích và so sánh sự giống, khác nhau của hình ảnh Ánh trăng trong 3 bài thơ.

1. Tìm hiểu đề bài:

Từ lâu, hình ảnh ánh trăng đã được các thi nhân đưa vào thơ ca như một hình ảnh biểu trưng cho cái đẹp. Những bài thơ có hình ảnh ánh trăng lớp 9 như bài Đồng chí, Đoàn thuyền đánh cá, Ánh trăng. Hình ảnh ánh trăng trong mỗi bài thơ lại mang một vẻ đẹp khác nhau với những sáng tạo nghệ thuật đầy ấn tượng, gợi hình gợi cảm.

2. Dàn ý So sánh hình ảnh trăng trong các bài thơ Đồng chí, Đoàn thuyền đánh cá, Ánh trăng:

 Mở bài:

– Giới thiệu về ánh trăng: như một người bạn gắn bó.

– Sự khám phá vẻ đẹp của ánh trăng được phô diễn trong các vần thơ.

– Ánh trăng vĩnh hằng, bất diệt thể hiện trong 3 tác phẩm: Đoàn thuyền đánh cáĐồng chíÁnh trăng. 

Thân bài: 

a. Hình ảnh ánh trăng thường thấy trong văn học và điểm chung trong cách miêu tả ánh trăng trong ba bài thơ của các tác giả 

– Các tác giả đều xem ánh trăng như người bạn tâm giao gần gũi, gắn bó đầy yêu thương, là người bạn tri âm tri kỉ để giãi bày những suy nghĩ, tình cảm, cảm xúc. 
– Ánh trăng xuất hiện gắn bó mật thiết với cuộc sống của con người. 

b. Vẻ đẹp riêng của hình tượng ánh trăng qua mỗi một bài thơ 

Ánh trăng trong bài thơ “Đồng chí”:  

+ Là biểu tượng cho vẻ đẹp của người lính bộ đội cụ Hồ cũng như vẻ đẹp của tình đồng chí. Trăng là người bạn đồng hành, đồng cam cộng khổ cùng những người chiến sĩ trên mọi nẻo đường hành quân. 

+ Gợi mở rất nhiều ý niệm về chiến tranh và hòa bình, hiện thực và lãng mạn. 

+ Phác họa thành công vẻ đẹp chiến sĩ quyện hòa cùng tâm hồn thi sĩ của những người nông dân áo lính trong thời kì kháng chiến chống Pháp. 

=> Trăng trong ‘Đồng chí“ mang tính biểu tượng. 

Ánh trăng trong bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá” 

+ “Thuyền ta lái gió với buồm trăng”, “Gõ thuyền đã có nhịp trăng cao”: 

  • Thể hiện hành trình ra khơi tràn đầy niềm vui phơi phới của con người lao động. 

  • Tái hiện tư thế làm chủ thiên nhiên đầy hiên ngang của ngư dân, gợi khúc ca lao động hùng tráng. 

+ “Cá đuôi em quẫy trăng vàng chóe”: Gợi lên vẻ đẹp của biển cả trong sự giàu có và trù phú về tài nguyên thiên nhiên. 

=> Hình ảnh ánh trăng trong thơ của Huy Cận mang đậm chất vui tươi, hứng khỏi của cuộc sống lao động vùng biển 
 
+ Ý nghĩa của hình ảnh ánh trăng trong mối quan hệ với con người lao động. 

Ánh trăng trong “Ánh trăng” của Nguyễn Duy 

-Trăng trong quá khứ: 

+ Gắn bó với tuổi thơ vui vẻ, hạnh phúc. 

+ Là người bạn tri âm tri kỷ. 

– Trăng trong hiện tại:

+ Là “người dưng” đột ngột gặp lại trong một đêm thành phố mất điện khiến nhà thơ giật mình, day dứt, suy nghĩ về cách sống hiện tại của mình => làm thức tỉnh lương tâm, nhắc nhở con người không lãng quên quá khứ, sống ân nghĩa, thủy chung. 

=> Vầng trăng trong Đồng chí, Đoàn thuyền đánh cá chỉ hiện lên chốc lát những vầng trăng trong Ánh trăng lại gắn bó với một đời người : Quá khứ, hiện tại và tương lai. 

=> Nếu như vầng trăng trong Đồng chí, Đoàn thuyền đánh cá chỉ soi vào phần tươi đẹp cuộc sống con người, vào chính diện của cuộc đời, thì Ánh trăng lại soi rọi vào góc khuất tâm hồn của con người để thức tỉnh lương tri, giúp người ta biết sống ân nghĩa, thủy chung. 

Kết bài:

Đánh giá về giá trị của cách miêu tả hình tượng ánh trăng qua ba bài thơ. Khẳng định ý nghĩa, vẻ đẹp, sự thuỷchung của trăng qua hình ảnh ánh trăng trong 3 tác phẩm. 

3. Bài văn So sánh hình ảnh trăng trong các bài thơ Đồng chí, Đoàn thuyền đánh cá, Ánh trăng hay nhất:

Ánh trăng là một thi liệu quen thuộc thường xuyên xuất hiện trong văn học nghệ thuật. Có thể nói, trăng là sự kết tinh của những gì đẹp đẽ nhất, tinh túy nhất, là vẻ đẹp thanh tao tỏa sáng làm mê đắm tâm hồn các thi nhân. Trăng như một người bạn hữu gắn bó bền chặt với con người, là tri âm tri kỷ, là thú vui để họ đăng lầu vọng nguyệt, đàm đạo thi ca. Ánh trăng vàng lung linh dịu nhẹ ấy soi sáng mọi nẻo đường, lung linh thanh khiết như chạm đến cả tâm hồn thi nhân. Bởi vậy mà trăng luôn là bến đợi, bến chờ của nhiều tác giả. Họ đã đi sâu vào khám phá mọi khía cạnh, mọi ngóc ngách trong vẻ đẹp của ánh trăng bằng sự cảm nhận tinh tế mang màu sắc rất riêng của từng lối văn, lối thơ khác biệt. Hình ảnh ánh trăng trong các bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá” (Huy Cận), “Đồng chí” (Chính Hữu), “Ánh trăng” (Nguyễn Duy) là minh chứng thể hiện rõ điều này. Qua tác phẩm của mình, mỗi một nhà thơ đều có sự sáng tạo và cách miêu tả riêng khiến ánh trăng thiên nhiên trở thành hình tượng lấp lánh, lung linh những vẻ đẹp mới mẻ, độc đáo 

Dù ánh trăng được miêu tả theo những phương diện khác nhau, bằng các cách thức khác biệt nhưng ở cả ba tác trên, các tác giả đều xem ánh trăng như người bạn tâm giao gần gũi để giãi bày những suy nghĩ, tình cảm, cảm xúc và gắn bó mật thiết với cuộc sống của con người. Trong “Đồng chí”, trăng là người bạn đồng hành cùng người chiến sĩ giữa đêm khuya “rừng hoang sương muối”, là những kỉ niệm gian khổ mà đẹp đẽ khắc sâu trong tiềm thức người lính.  Ánh trăng trong “Đoàn thuyền đánh cá” lại là ánh trăng vui tươi, mang tâm trạng hứng khởi của cuộc sống lao động vùng biển vất vả mà hăng say. Còn trong những vần thơ của Nguyễn Duy, ánh trăng là tri âm tri kỷ gắn bó trong những tháng năm tuổi thơ và trong kháng chiến đầy kỉ niệm.

Mặc dù được khai phá dựa trên những điểm tương đồng, cùng là những vẻ đẹp đáng quý vốn có của ánh trăng nhưng ở mỗi bài thơ, các tác giả lại có những cách cảm nhận và góc nhìn riêng biệt về vầng trăng. Bước vào bài thơ “Đồng chí” của Chính Hữu, ta dễ bắt gặp hình ảnh ánh trăng đồng cam cộng khổ cùng những người lính trong thời chống Pháp.Nhà thơ đã gợi mở một không gian bao la của núi rừng Việt Bắc, một hoàn cảnh khắc nghiệt của đêm đông lạnh giá để rồi ánh trăng xuất hiện làm tan biến hết những gian khổ thử thách ấy. Nếu qua những “Cơn ớn lạnh”, những trận “Sốt run người” và những thiếu thốn về vật chất, ta thấy những biểu hiện yêu thương đùm bọc của tình đồng chí thì khổ thơ cuối lại nêu lên những biểu hiện cao đẹp nhất, đó là chung chiến hào: 

“ Đêm nay rừng hoang sương muối 

Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới 

Đầu súng trăng treo” 

Trong những đêm phục kích “Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới”, những người lính sát cánh bên nhau, mặt đất và bầu trời lúc này như có sự liên kết, gắn bó qua hình ảnh mang ý nghĩa biểu tượng “Đầu súng trăng treo”. Nếu “súng” là vũ khí thể hiện sự tàn khốc của hiện thực cuộc kháng chiến chống Pháp thì “trăng” là hình ảnh ẩn dụ tượng trưng cho hòa bình. Dưới cái nhìn của người lính thì súng và trăng không còn khoảng cách nữa mà quấn quyện với nhau làm tan biến cái hiện thực của chiến tranh gian khổ. Sự liên kết bất ngờ giữa hai thi liệu tưởng chừng như trái ngược nhau thông qua động từ “treo” đã gợi mở rất nhiều ý niệm về chiến tranh và hòa bình, hiện thực và lãng mạn, khát vọng hòa bình cháy bỏng trong tâm hồn mỗi người lính. Đồng thời ý thơ đã phác họa thành công vẻ đẹp chiến sĩ quyện hòa cùng tâm hồn thi sĩ của những người nông dân áo lính trong thời kì kháng chiến chống Pháp gian khổ nhưng hào hùng của dân tộc. 

Cùng viết về hình ảnh ánh trăng nhưng Huy Cận lại có sự khám phá rất khác biệt so với Chính Hữu trong thời kì đổi mới ở miền Bắc.  Nếu trước năm 1945, Huy Cận mang một hồn thơ giàu chất triết lí nhân sinh và mang một nỗi buồn thì sau cách mạng, hồn thơ ông dạt dào niềm vui về những con người mới,cuộc sống mới. Nhà thơ đã gợi lên bầu không khí hồ hởi, tràn ngập sức sống của cảnh đánh cá trên biển mênh mông rộng lớn. Ông đã nhập thân vào thiên nhiên, vào công việc, vào con người để rồi vẽ nên một khung cảnh lao động vừa thực vừa ảo: 

“ Thuyền ta lái gió với buồm trăng 

Lướt giữa mây cao với biển bằng 

Ra đậu dặm xa dò bụng biển 

Dàn đan thế trận lưới vây giăng” 

Ánh trăng được miêu tả trong sự đồng hiện với cánh buồm qua nghệ thuật ẩn dụ chuyển đổi cảm giác, tạo nên một hình tượng kỳ vĩ về hành trình ra khơi tràn đầy niềm vui phơi phới của con người lao động. Nếu trong cảnh rừng hoang sương muối, ánh trăng đồng cam cộng khổ như một người đồng chí, đồng đội thì giờ đây trong công việc đánh bắt cá của ngư dân, trăng lại là một người bạn đồng hành trên mọi chuyến ra khơi. 

Thơ Nguyễn Duy cũng đi sâu vào khám phá vẻ đẹp của hình ảnh ánh trăng trong sự gắn bó với con người nhưng còn pha màu triết lí thâm trầm và đầy ấn tượng. Ánh trăng ấy tỏa sáng bất diệt, vĩnh hằng trong bài thơ “Ánh trăng” một bài thơ được cô đúc nên từ tâm sự. Trước hết, ánh trăng là người bạn thân thiết, gần gũi đối với con người: 

“Hồi nhỏ sống với đồng 
với sông rồi với bể 
hồi chiến tranh ở rừng 
vầng trăng thành tri kỉ” 

Xuyên suốt những năm tháng tuổi thơ cũng như qua các cuộc chiến đấu, vầng trăng trở thành người bạn tâm giao, tri âm tri kỉ gắn bó với con người. Nhưng rồi khi cuộc chiến qua đi, khi con người bước vào cuộc sống mới, mối tình đẹp đẽ giữa trăng và người cũng vì thế thay đổi: 

“Từ ngày về thành phố 
Quen ánh điện cửa gương 
Ánh trăng đi qua ngõ 
Như người dưng qua đường” 

Ở thời điểm hiện tại với những tiện nghi hiện đại hơn và khi “ánh điện cửa gương” lên ngôi và được sử dụng phổ biến thì cũng là lúc nguồn sáng lung linh, huyền ảo của vầng trăng bị lãng quên. Nguyễn Duy đã đem phần đẹp nhất, nhân hậu nhất, trong sáng nhất của trăng để soi vào phần đen tối nhất của con người. Trăng là biểu tượng cho quá khứ nghĩa tình, cho sự bất biến, cho vẻ đẹp vĩnh hằng của cuộc đời. Cái tròn đầy, nghĩa tình ấy của trăng đối lập với cái hụt với của kẻ vô tình.Chỉ đến khi ánh điện phụt tắt thì con người mới chợt nhận ra sự tồn tại của “vầng trăng tròn”, nhận ra người bạn tri kỉ đã cùng đồng hành mọi nẻo đường trước kia giờ đây đã bị lãng quên bởi sự đủ đầy, tiện . Ánh trăng dưới góc nhìn của tác giả Nguyễn Duy đã được khám phá dưới khía cạnh là biểu tượng kết tinh cho lối sống ân nghĩa thủy chung, gợi nhắc tấm lòng biết ơn, trân trọng đối với quá khứ – một trong những truyền thống đạo lí tốt đẹp của dân tộc ta.

Như vậy, qua cách thức miêu tả ánh trăng trong ba bài thơ của các tác giả, chúng ta hoàn toàn có thể thấy được mỗi một nhà văn, nhà thơ sẽ có con đường tìm hiểu, khám phá và tái hiện một cách riêng biệt nhưng đều làm tôn lên vẻ đẹp cao thượng của ánh trăng. Dù khó khăn, dù gian khổ hay bao hiểm nguy trước mắt thì ánh trăng vẫn vẹn nguyên, vẫn chung thuỷ một lòng một dạ với con người. . Đó là đạo lí đắt giá không chỉ cho thế hệ những người đã qua một thời trận mạc mà còn cho cả một lớp người mai sau. 

4. Đánh giá: 

Với sự sáng tạo tài tình của ba nhà thơ, hình ảnh trăng trong ba tác phẩm thật sự là hình ảnh đẹp, để lại trong lòng độc giả những cảm xúc dạt dào, sâu lắng. Cả ba bài thơ cùng gặp gỡ ở hình ảnh ánh trăng thế nhưng mỗi nhà thơ lại tạo ra những đặc sắc riêng không trùng lặp cho các tác phẩm thơ văn của mình

5. Kết luận:

Qua ba tác phẩm “Đoàn thuyền đánh cá”, “Đồng chí”, “Ánh trăng” chúng ta thấy rõ sự khám phá và cách thể hiện hình ảnh ánh trăng của ba nhà thơ. Ánh trăng không chỉ là ngọn đèn soi sáng giữa đêm tối mập mờ, mà nó còn là người bạn chi kỉ trên suốt chặng đường ta đi. Dù khó khăn, gian khổ, hiểm nguy ánh trăng vẫn là người bạn luôn sánh bước bên ta. Ánh trăng thủy chung, trọn vẹn, nghĩa tình sắt son. Đó là đạo lí đắt giá không chỉ cho thế hệ những người đã qua một thời trận mạc mà còn cho cả một lớp người mai sau.

Theo dõi chúng tôi trên
5/5(1
bình chọn
)

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com