Cơ sở pháp lý được sử dụng trong bài viết:

–  Bộ luật lao động năm 2019;

– Luật bảo hiểm xã hội năm 2014;

– Luật an toàn, vệ sinh lao động 2015;

– Luật Việc làm năm 2013;

– Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19

1. Những khái niệm liên quan

a. Người lao động

Theo Bộ Luật Lao Động 2019, người lao động là người làm việc cho người sử dụng lao động theo một thỏa thuận, được trả lương và chịu sự quản lý, điều hành và giám sát của người sử dụng lao động. Mặt khác, Bộ Luật Lao Động 2012 định nghĩa người lao động là người làm việc theo “hợp đồng lao động”. Do đó, theo Bộ Luật Lao Động 2012, một cá nhân làm việc cho công ty theo hợp đồng không có tên là “hợp đồng lao động” có thể lập luận rằng mình không phải là người lao động của công ty. Tuy nhiên, lập luận như vậy có thể không áp dụng được theo Bộ Luật Lao Động 2019 nếu có thể xác định được rằng có sự thỏa thuận giữa công ty và cá nhân và cá nhân đó bị công ty quản lý, điều hành và giám sát.

b. Người sử dụng lao động

Theo Khoản 2 Điều 3 Bộ luật lao động năm 2019:

“Người sử dụng lao động là doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân có thuê mướn, sử dụng người lao động làm việc cho mình theo thỏa thuận; trường hợp người sử dụng lao động là cá nhân thì phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.”

Theo đó, người sử dụng lao động có thể là cá nhân, tổ chức nói chung (doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình). Riêng đối với cá nhân là người sử dụng lao động phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, tức là:

– Là người thành niên, từ đủ 18 tuổi trở lên (Người chưa thành niên không thể trở thành người sử dụng lao động)

– Không bị mất năng lực hành vi dân sự, tức không mắc các bệnh thần kinh hoặc bệnh khác khiến không thể nhận thức và làm chủ hành vi và bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự.

– Không bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, tức nghiện ma túy và các chất kích thích khác dẫn đến phá tán tài sản và bị Tòa án tuyên bố bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.

– Không phải người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, tức do tình trạng thể chất hoặc tinh thần gặp khó khăn trong nhận thức và làm chủ hành vi nhưng chưa đến mức bị mất năng lực hành vi dân sự và bị Tòa án tuyên bố là người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.

 

2. Điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp và không được hưởng trợ cấp 

Trường hợp được hưởng trợ cấp thất nghiệp

Khi đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại Điều 49 Luật Việc làm 2013 thì người lao động sẽ được hưởng trợ cấp thất nghiệp, cụ thể:

a. Đã chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ các trường hợp:

– Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật;

– Hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng;

b. Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp:

Từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động xác định thời hạn/không xác định thời hạn.

Lưu ý:

– Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp để xét hưởng trợ cấp thất nghiệp là tổng các khoảng thời gian đã đóng bảo hiểm thất nghiệp liên tục hoặc không liên tục, được cộng dồn từ khi bắt đầu đóng cho đến khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc mà chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp

– Tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp được tính nếu người sử dụng lao động và người lao động đã thực hiện hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc và đã đóng bảo hiểm thất nghiệp.

c. Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm do cơ quan quản lý nhà nước về việc làm thành lập;

d. Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, trừ các trường hợp:

– Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an;

– Đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên;

– Chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;

– Bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù;

– Ra nước ngoài định cư; đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng;

– Chết.

Trong một phạm vi, trợ cấp thất nghiệp trong thời gian không có việc làm đã hỗ trợ không nhỏ cho gánh nặng sinh hoạt của người lao động. Vì vậy, để nhận được khoản hỗ trợ này, người lao động cần thường xuyên cập nhật điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp để đảm bảo quyền lợi cho chính bản thân mình.

Trường hợp không được hưởng bảo hiểm thất nghiệp

Theo quy định tại Điều 49 Luật việc làm năm 2013, các trường hợp không được hưởng bảo hiểm thất nghiệp là:

Một là, người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật.

Hai là, trường hợp hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng. Với người lao động đang hưởng lương hưu hoặc đang được trợ cấp mất sức lao động hàng tháng thì không đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp.

Ba là, thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an. Những người lao động tuy đủ mọi điều kiện để hưởng bảo hiểm thất nghiệp nhưng lại rơi vào trường hợp đang thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an thì không nằm trong trường hợp để hưởng bảo hiểm thất nghiệp.

Bốn là, đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên. Người lao động khi có đủ các điều kiện để hưởng bảo hiểm xã hội nhưng thuộc trường hợp này thì không thể hưởng bảo hiểm thất nghiệp.

Năm là, chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc. Người lao động đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp nhưng lại thuộc một trong các trường hợp trên sẽ không được hưởng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật.

Sáu là, không nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp trong khoảng thời gian 03 tháng, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.

 

3. Đối tượng, điều kiện hỗ trợ

Theo Điều 21 của Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 quy định: 

Người lao động làm việc tại doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên hoặc chi đầu tư và chi thường xuyên, cơ sở giáo dục dân lập, tư thục ở cấp giáo dục mầm non, mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, giáo dục nghề nghiệp phải dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian từ ngày 01 tháng 5 năm 2021 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2021 được hỗ trợ khi có đủ các điều kiện sau:

– Đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tại tháng liền kề trước thời điểm người lao động chấm dứt hợp đồng lao động.

– Chấm dứt hợp đồng lao động trong thời gian từ ngày 01 tháng 5 năm 2021 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2021 nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, trừ các trường hợp sau đây:

a) Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật.

b) Hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng.

 

4. Mức hỗ trợ và phương thức chi trả

Theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, Điều 22 quy định về “Mức hỗ trợ và phương thức chi trả”:

– Mức hỗ trợ: 3.710.000 đồng/người.

– Người lao động đang mang thai được hỗ trợ thêm 1.000.000 đồng/người; người lao động đang nuôi con đẻ hoặc con nuôi hoặc chăm sóc thay thế trẻ em chưa đủ 06 tuổi được hỗ trợ thêm 1.000.000 đồng/trẻ em chưa đủ 06 tuổi và chỉ hỗ trợ cho 01 người là mẹ hoặc cha hoặc người chăm sóc thay thế trẻ em.

– Phương thức chi trả: Trả 01 lần cho người lao động.

 

5. Hồ sơ đề nghị hỗ trợ

Tại Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 quy định ở Điều 23 – Hồ sơ đề nghị hỗ trợ gồm:

– Đề nghị hỗ trợ theo Mẫu số 07 tại Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định này.

– Bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu của một trong các giấy tờ sau:

a) Hợp đồng lao động đã hết hạn hoặc đã hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động.

b) Quyết định thôi việc.

c) Thông báo hoặc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động.

– Bản sao Sổ bảo hiểm xã hội hoặc xác nhận của cơ quan bảo hiểm xã hội về việc tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm thất nghiệp.

– Bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu một trong các giấy tờ sau: Giấy tờ chứng minh người lao động đang mang thai; Giấy khai sinh hoặc Giấy chứng sinh của trẻ em; Giấy chứng nhận nuôi con nuôi; Quyết định giao, nhận chăm sóc thay thế trẻ em của cơ quan có thẩm quyền đối với đối tượng được quy định tại khoản 2 Điều 22 Quyết định này.

 

6. Trình tự, thủ tục thực hiện

Trình tự, thủ tục thực hiện theo điều 24 Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, theo đó:

– Người lao động có nhu cầu hỗ trợ gửi hồ sơ đến Trung tâm Dịch vụ việc làm thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động. Thời hạn tiếp nhận hồ sơ chậm nhất đến hết ngày 31 tháng 01 năm 2022.

– Trước ngày 05 và ngày 20 hằng tháng, Trung tâm Dịch vụ việc làm rà soát, tổng hợp danh sách người lao động đủ điều kiện hỗ trợ trình Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.

– Trong 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận danh sách, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thẩm định, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

– Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt danh sách hỗ trợ; đồng thời chỉ đạo thực hiện chi trả hỗ trợ trong 03 ngày làm việc. Trường hợp không phê duyệt, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

 

(MK LAW FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến Luật sư của LVN Group, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)

Trên đây là nội dung Luật LVN Group đã sưu tầm và biên soạn. Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề hoặc/ và có sự vướng ngại, thắc mắc, chúng tôi rất mong nhận được ý kiến phản hồi của quý khách hàng. Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận Luật sư của LVN Group tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài gọi số: 1900.0191 hoặc liên hệ văn phòng để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật LVN Group

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng!

Luật LVN Group (Sưu tầm và biên tập).