Thị trường chứng khoán ngày càng phát triển mạnh mẽ. Khi đó, người chơi cần nắm rõ thông tin giữa cổ phiếu thường và cổ phiếu ưu đãi, mời bạn đọc tham khảo bài viết dưới đây:
1. Quy định chung về cổ phiếu thường:
1.1. Cổ phiếu thường là gì?
Căn cứ theo khoản 2 Điều 4 Luật chứng khoán năm 2019, cổ phiếu được hiểu là một loại chứng khoán nhằm xác nhận quyền cũng như lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần vốn cổ phần của tổ chức phát hành ra.
Đồng thời tại Khoản 1 Điều 121 Luật doanh nghiệp năm 2020 có quy định cổ phiếu được hiểu là chứng chỉ do công ty cổ phần phát hành, bút toán ghi sổ hoặc dữ liệu điện tử xác nhận quyền sở hữu một hoặc một số cổ phần của công ty đó.
Cổ phiếu thường hay còn gọi là cổ phiếu phổ thông. Đây được coi là loại cổ phiếu phổ biến nhất của công ty cổ phần. Cổ đông nắm giữ loại cổ phiếu này được gọi là cổ đông phổ thông.
1.2. Đặc điểm của cổ phiếu thường:
Cổ phiếu thường là loại chứng khoán được phát hành ra công chúng một cách rộng rãi. Chính vì vậy, bất kỳ nhà đầu tư nào cũng có thể mua nếu như có mong muốn ý định đầu tư.
Mệnh giá của cổ phiếu thường sẽ là 10 nghìn đồng/cổ phiếu.
Người sở hữu cổ phiếu thường trong công ty sẽ được gọi là cổ đông thường.
Cổ phiếu thường sẽ không có khả năng chuyển đổi sang cổ phiếu ưu đãi nhưng cổ phiếu ưu đãi sẽ lại có khả năng chuyển đổi sang cổ phiếu thường trên cơ sở nghị quyết của Đại hội cổ đông.
Cổ tức nhận được từ cổ phiếu sẽ không cố định. Nó phụ thuộc vào tình hình kinh doanh và chính sách của riêng từng công ty. Nếu công ty hoạt động ổn định thì các cổ đông phổ thông sẽ có khả năng thu lợi nhiều nhất.
Cổ phiếu thường có khả năng phát sinh lời tốt hơn so với các loại chứng khoán khác như trái phiếu, chứng chỉ quỹ,… Người sở hữu cổ phiếu thường sẽ nhận lại được lợi nhuận khi hoạt động kinh doanh công ty có sự phát triển theo hướng tăng trưởng cao.
1.3. Quyền của cổ đông khi sở hữu cổ phiếu thường:
Khi đó, nắm giữ cổ phiếu này cổ đông phổ thông sẽ có các quyền sau đây:
– Được quyền tham dự, phát biểu trong cuộc họp Đại hội đồng cổ đông và thực hiện quyền biểu quyết trực tiếp hoặc thông qua người đại diện theo ủy quyền hoặc hình thức khác do Điều lệ công ty, pháp luật quy định.
– Mỗi cổ phần phổ thông sẽ có một phiếu biểu quyết.
– Có quyền nhận cổ tức với mức theo quyết định của Đại hội đồng cổ đông. Cổ tức có thể được trả dưới dạng tiền hoặc cổ phiếu. Tuy nhiên đa phần các công ty đều trả dưới dạng tiền. Với cổ phiếu thường thì không có quy định về lượng cổ tức tối thiểu hay tối đa có thể nhận. Dù vậy, cách trả, tỷ lệ trả cổ tức như thế nào là tùy vào chính sách của từng công ty.
– Được quyền ưu tiên mua cổ phần mới tương ứng với tỷ lệ sở hữu cổ phần phổ thông của từng cổ đông trong công ty.
– Có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác. Người nắm giữ cổ phiếu sẽ không được quyền tự ý rút vốn ra khỏi công ty. Tuy nhiên, họ vẫn có thể chuyển nhượng lại cổ phần nắm giữ cho người khác. Phương thức chuyển nhượng thường thấy là giao dịch qua thị trường chứng khoán hoặc thừa kế. Điều này giúp cổ phiếu công ty có tính thanh khoản tốt hơn.
– Trong trường hợp công ty phát hành thêm cổ phiếu nhằm huy động vốn, cổ đông hiện tại có quyền mua cổ phiếu trước khi phát hành chính thức.
Lượng cổ phiếu mới được mua phải tương ứng với số cổ phiếu đang giữ. Đây có thể được xem như là quyền mua trước của cổ đông. Điều này sẽ giúp cho cổ đông vẫn duy trì được cổ phần của mình sau khi công ty tăng thêm vốn.
– Có quyền xem xét, tra cứu và thực hiện trích lục thông tin về tên cũng như địa chỉ liên lạc trong danh sách cổ đông có quyền biểu quyết, thực hiện yêu cầu sửa đổi thông tin không chính xác của mình.
– Có quyền trong việc xem xét, tra cứu và trích lục thông tin về tên và địa chỉ liên lạc trong danh sách cổ đông có quyền biểu quyết.
– Với những thông tin không chính xác của mình thì có quyền yêu cầu sửa đổi.
– Có quyền xem xét, tra cứu, trích lục hoặc sao chụp Điều lệ công ty, biên bản họp Đại hội đồng cổ đông và nghị quyết Đại hội đồng cổ đông.
– Có quyền được nhận lại một phần tài sản còn lại tương ứng với tỷ lệ sở hữu cổ phần tại công ty khi công ty giải thể hoặc phá sản.
2. Quy định chung về cổ phiếu ưu đãi:
2.1. Cổ phiếu ưu đãi là gì?
Cổ phiếu ưu đãi là một hình thức chứng khoán có tính chất tương tự như cổ phiếu phổ thông. Nếu như ai sở hữu cổ phiếu ưu đãi này sẽ trở thành cổ đông chính thức của công ty.
Với người sở hữu cổ phiếu cổ đông cao hơn so với cổ phiếu thường.
2.2. Các loại cổ phiếu ưu đãi bao gồm những loại nào?
Cổ phiếu ưu đãi được phân thành các loại sau:
– Cổ phiếu ưu đãi cổ tức:
Người sở hữu cổ phiếu này vào hàng năm sẽ được chia cổ tức với phần trăm cao hơn mức phổ thông. Phần trăm cổ tức sẽ là cố định và không bị ảnh hưởng bởi sự tăng hay giảm doanh thu hoặc lợi nhuận công ty.
Khi đó, mức cổ tức cố định cụ thể cũng như phương thức để xác định cổ tức thường sẽ được ghi nhận rõ trong cổ phiếu của cổ phần ưu đãi cổ tức.
– Cổ phiếu ưu đãi hoàn lại:
Người sở hữu cổ phiếu ưu đãi hoàn lại sẽ được công ty hoàn lại số vốn góp theo đúng yêu cầu của người sở hữu hoặc dựa trên cơ sở các điều kiện được ghi tại cổ phiếu của cổ phần ưu đãi hoàn lại theo Điều lệ của công ty cổ phần.
– Cổ phiếu ưu đãi biểu quyết:
Đây là loại cổ phiếu phổ thông nhưng sẽ có nhiều hơn phiếu biểu quyết so với cổ phần phổ thông khác. Với một cổ phiếu ưu đãi biểu quyết, số phiếu biểu quyết sẽ do Điều lệ của công ty quyết định.
Chỉ có tổ chức được Chính phủ ủy quyền và cổ đông sáng lập được quyền nắm giữ cổ phiếu ưu đãi biểu quyết.
Thời hạn có hiệu lực với ưu đãi biểu quyết của cổ đông sáng lập là trong vòng 03 năm, tính từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Quyền cũng như thời hạn ưu đãi biểu quyết sẽ do Chính phủ ủy quyền nắm giữ được quy định tại chính Điều lệ của công ty.
Và sau thời hạn của ưu đãi biểu quyết thì cổ phiếu ưu đãi sẽ chuyển đổi thành cổ phiếu phổ thông.
– Cổ phiếu ưu đãi khác dựa trên cơ sở Điều lệ của công ty hoặc pháp luật về chứng khoán.
3. So sánh, phân biệt giữa cổ phiếu thường và cổ phiếu ưu đãi:
3.1. Điểm giống nhau:
– Có vai trò nhằm xác nhận quyền sở hữu của người nắm giữ đối với một phần của công ty phát hành.
– Cổ phiếu thường và cổ phiếu ưu đãi đều là cùng một loại chứng khoán góp vốn và được công ty cổ phần phát hành.
– Cổ phiếu thường và cổ phiếu ưu đãi đều được phát hành dưới sự giám sát của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Bộ Tài chính.
3.2. Điểm khác nhau:
Các tiêu chí | Cổ phiếu phổ thông | Cổ phiếu ưu đãi |
Về bản chất | Đây là loại cổ phiếu bắt buộc của công ty cổ phần | Đây là loại cổ phiếu mang tính tự nguyện, không bắt buộc |
Ưu đãi cho chủ sở hữu | Không có | Nhận được nhiều ưu đãi khác nhau dựa theo tính chất từng cổ phiếu. |
Về lợi tức | Được chia căn cứ dựa trên kết quả hoạt động, kinh doanh của công ty. Do đó, mức chia có biến động thường xuyên tùy từng tình hình của công ty theo từng năm |
Mức chia ổn định không phụ thuộc vào tình hình kinh doanh của công ty. Nhà đầu tư có thể nhận được tỷ lệ cổ tức cao hơn cổ phiếu thường. |
Quyền tham gia quản lý | Có quyền tham gia công tác quản lý trong công ty. | Không có quyền tham gia quản lý, không có quyền bầu cử hoặc tự ứng cử vào Hội đồng quản trị. |
Quyền biểu quyết | Có quyền biểu quyết trong hội đồng cổ đông | Chỉ có cổ phiếu ưu đãi biểu quyết được tham gia, số lượng phiếu trên một cổ sẽ được quy định theo điều lệ công ty. |
Quyền nhận lại vốn góp khi công ty phát hành phá sản | Nhận phần vốn góp sau người sở hữu cổ phiếu ưu đãi. | Được ưu tiên nhận lại vốn góp trước. |
Khả năng chuyển đổi | Không có khả năng chuyển đổi sang cổ phiếu ưu đãi | Cổ phiếu ưu đãi có khả năng chuyển sang cổ phiếu thường |
Khả năng chuyển nhượng | Được quyền tự do chuyển nhượng. | Không được quyền tự do chuyển nhượng. |
Số lượng cổ phiếu | Số lượng nhiều | Số lượng ít |
CÁC VĂN BẢN PHÁP LUẬT ĐƯỢC SỬ DỤNG TRONG BÀI VIẾT:
Luật doanh nghiệp năm 2020.
Luật chứng khoán năm 2019.