Đó là yêu cầu bằng văn bản của cả Viện hoặc một nhóm nghị sỹ đối với Chính phủ hoặc Bộ trưởng giải trình về một vấn đề chính trị lớn, hoặc đường lối chính trị chung của Chính phủ. Qui chế của Hạ viện Italy định nghĩa chất vấn như một yêu cầu “dưới hình thức văn bản lên Chính phủ về mô típ hoạt động của mình và dự định tiếp theo của Chính phủ đối với những phương diện nhất định trong hoạt động của Chính phủ”.

Nói cách khác, nhìn chung có thể coi chất vấn là yêu cầu của nghị sỹ đối với Thủ tướng, hay các thành viên của Chính phủ ra trước phiên họp toàn viện để trả lời về sự thi hành chính sách quốc gia, hay một vấn đề hiện thời nào đó của quốc gia.

>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua điện thoạigọi:  1900.0191

1. Chất vấn có khác với hỏi đáp?

Cần phân biệt chất vấn với hỏi đáp. Thông thường, hình thức chất vấn được áp dụng ở các nước với chính thể đại nghị (Tây Ban Nha, Italy, Thuỵ Điển, Nhật, Na Uy…). Nhưng hình thức này lại không được biết đến ở Anh, mà thay vào đó là hỏi – đáp (question time) đóng vai trò rất lớn, trong khi như Pháp, hình thức hỏi đáp này không có vai trò như vậy. Với hình thức hỏi-đáp, các nghị sỹ hỏi chính phủ về mọi vấn đề trong một phiên họp. Mục đích của loại chất vấn này là để kiểm tra xem vị bộ trưởng có nắm chắc công việc không, hoặc để cảnh báo về những vấn đề đang phát sinh trong cuộc sống. Câu hỏi chỉ yêu cầu cung cấp thông tin về một sự việc cụ thể nào đó và không được bao hàm sự buộc tội. Hỏi – đáp cũng khác với chất vấn ở chỗ hình thức này không đi đến một cuộc biểu quyết thoả mãn hay không thoả mãn về trả lời của Chính phủ. Các câu hỏi và trả lời có thể bằng miệng hoặc viết. Nói chung, các nghị sỹ thường ưa thích hỏi-đáp trực tiếp bằng miệng, còn các bộ trưởng thích trả lời bằng văn bản. Ở Hạ viện Anh, vào năm 2004, số lượng các câu trả lời trực tiếp chỉ bằng một nửa so với năm 1964. Một trong những nguyên nhân chính là Chủ tọa ngày càng ít cho phép các nghị sỹ đối lập nêu các câu hỏi phụ, và người ta cho rằng, hỏi-đáp đã trở thành nơi đấu khẩu giữa các chính đảng lớn, chứ không còn là phiên họp giành cho phe đối lập như trước đây.

Chất vấn có phạm vi vấn đề rộng hơn. Các câu hỏi được gửi bằng văn bản, nhưng được các bộ trưởng trả lời bằng miệng tại kỳ họp. Sau khi trả lời, mọi nghị sỹ đều có quyền tham gia vào thảo luận (debate) và đối thoại về vấn đề chất vấn. Nhiều khi khó phân biệt hỏi-đáp với chất vấn, nhưng thông thường chất vấn là những câu hỏi quan trọng hơn và rộng hơn đối với các bộ trưởng. Một trong những đặc điểm của chất vấn dẫn đến những cuộc thảo luận chung ở Nghị viện. Loại chất vấn này bao giờ cũng dẫn tới việc Quốc hội sẽ thông qua một nghị quyết về trách nhiệm của quan chức có liên quan và về các giải pháp được đề ra để giải quyết vấn đề. Ví dụ điển hình là các phiên chất vấn tại Quốc hội Pháp thời Đệ tam và Đệ tứ Cộng hoà thường kéo theo bỏ phiếu bất tín nhiệm Chính phủ.

Chất vấn và hỏi – đáp thường chỉ có ở các quốc gia theo chính thể đại nghị hoặc chính thể hỗn hợp mà ít có ở các nước có chính thể cộng hoà tổng thống bởi vì trong chính thể cộng hoà tổng thống, tổng thống cũng là người đại diện của nhân dân chứ không phải là người do nghị viện lập nên, và không phải chịu trách nhiệm trước nghị viện. Nếu đối chiếu với thực tiễn của Việt Nam, chất vấn mà Quốc hội ta vẫn tiến hành bao hàm cả hai nghĩa nói trên, tức là chất vấn và hỏi-đáp.

2. Thủ tục tiến hành chất vấn

Thủ tục chất vấn được bắt đầu bằng yêu cầu chất vấn. Yêu cầu chất vấn xuất phát từ cá nhân các nghị sỹ, thường được gửi đến Chủ tịch nghị viện để chuyển tới Thủ tướng, hoặc thành viên của Chính phủ. Theo Nội quy của nhiều nước, các yêu cầu chất vấn phải ghi rõ các vấn đề chất vấn và tên cụ thể của người bị chất vấn. Ngoài ra, nhằm tránh những yêu cầu chất vấn không thoả đáng, nghị viện nhiều nước còn quy định các yêu cầu chất vấn phải thu nhận được một lượng nhất định các chữ ký đồng tình của các nghị sỹ.

Tiếp đó là xác định thời gian tiến hành phiên họp toàn thể để thực hiện thủ tục chất vấn. Rất nhiều nước quy định Văn phòng Nghị viện và Chính phủ sẽ thảo luận để đi đến một thoả thuận để nghị viện vẫn có thời gian chất vấn, còn Chính phủ cũng có đủ thời gian chuẩn bị câu trả lời. Một số nước quy định, nếu Chính phủ không trả lời chất vấn trong một thời gian nhất định thì với yêu cầu của một lượng nghị sỹ nhất định, nghị viện đơn phương xác định thời gian chất vấn và thông báo cho Chính phủ biết.

Bước tiếp theo, tại phiên chất vấn, cá nhân nghị sỹ có câu hỏi chất vấn được phép trình bày câu chất vấn của mình và Thủ tướng hoặc thành viên Chính phủ bị chất vấn trả lời câu hỏi chất vấn trong một khoảng thời gian nhất định (nhiều nhất là 15 phút). Sau đó, các nghị sỹ có quyền đặt câu hỏi phụ đối với vấn đề chất vấn. Các câu hỏi phụ này được các nghị sỹ gửi lên Chủ toạ của phiên chất vấn và người bị chất vấn phải trả lời ngay câu hỏi. Thông thường, Nội quy nghị viện các nước giới hạn cho thời gian trả lời của mỗi câu hỏi phụ là 10 phút. Xét về mặt nội dung của các cuộc chất vấn, người ta có thể phân biệt ba loại chất vấn: chất vấn để quy kết trách nhiệm; chất vấn mang tính thông tin, chất vấn mang tính khoa trương.

Cuối cùng, các cuộc chất vấn dù ở dạng nào thì nghị viện cũng phải đưa ra ý kiến của mình. Nếu Nghị viện không đưa ra ý kiến thì thủ tục chất vấn không đạt được mục đích vốn có của nó, và Nghị viện lúc này chỉ còn mang ý nghĩa hình thức trước hành pháp. Nghị viện các nước thường có ba hình thc biểu quyết về trả lời chất vấn. Thứ nhất là nghị viện biểu quyết thoả mãn, vấn đề tín nhiệm không phải đặt ra. Thứ hai, nghị viện biểu quyết không thoả mãn. Với kết quả này, nghị viện sẽ có thể đặt vấn đề bất tín nhiệm đối với Chính phủ theo chế độ trách nhiệm tập thể, hoặc có thể đưa ra các khuyến nghị từ chức đối với các thành viên của Chính phủ (thông thường các thành viên này sẽ buộc phải từ chức để tránh sự sụp đổ tập thể của Chính phủ). Thứ ba, nghị viện biểu quyết một cách trung dung, không bao hàm ý nghĩa tán thành hay không tán thành với câu trả lời. Trong trường hợp này, nghị viện không thảo luận gì thêm và tiếp tục nghị trình.

Đối với thủ tục hỏi – đáp, nhìn chung, câu hỏi viết thường được gửi trước cho những người có liên quan và có trách nhiệm trả lời chất vấn. Câu hỏi miệng được hỏi trực tiếp tại các phiên trả lời chất vấn. Ở Thuỵ Điển, mỗi tuần giành 1 giờ để 5 bộ trưởng trả lời miệng trực tiếp các nghị sỹ, 3 tuần một lần Thủ tướng phải ra trả lời Quốc hội. Các câu hỏi đề cập đến các vấn đề thời sự cập nhật vào khoảng thời gian diễn ra chất vấn. Chủ tịch Quốc hội cho phép 1-2 câu hỏi bổ sung sau khi bộ trưởng đã trả lời. Có thể có câu hỏi bằng văn bản và bộ trưởng cũng trả lời bằng văn bản. Các câu hỏi bằng văn bản có thể được trả lời khi Quốc hội không họp.

SOURCE: CIVILLAWINFOR TỔNG HỢP TỪ CÁC BÀI VIẾT TRÊN BLOG CÁ NHÂN CỦA TÁC GIẢ ECHXANH1968.WORDPRESS.COM (Tiêu đề bài viết, trật tự tiêu mục có sự thay đổi mong tác giả thông cảm) – NGUYỄN LÊ

Trích dẫn từ: http://echxanh1968.wordpress.com

(LVN GROUP FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo và có thể một số thông tin pháp lý đã hết hiệu lực tại thời điểm  hiện tại vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến Luật sư của LVN Group, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)