Trường hợp đối tượng bị huyết áp cao, huyết áp thấp có phải đi nghĩa vụ quân sự không được nhiều người rất quan tâm. Bài viết dưới đây sẽ phân tích cụ thể quy định của pháp luật về vấn đề đó, mời bạn đọc tham khảo:
1. Trường hợp nào được tạm hoãn hoặc được miễn đi nghĩa vụ quân sự?
1.1. Các trường hợp được miễn nghĩa vụ quân sự:
Căn cứ theo quy định tại Điều 14 Luật nghĩa vụ quân sự năm 2015, các đối tượng sau sẽ được miễn nghĩa vụ quân sự:
– Người khuyết tật.
– Người mắc bệnh hiểm nghèo, bệnh tâm thần hoặc bệnh mãn tính theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, những đối tượng được miễn gọi nhập ngũ đối với những công dân bao gồm:
– Con của liệt sĩ, con của thương binh hạng một.
– Một anh hoặc một em trai của liệt sĩ.
– Một con của thương binh hạng hai.
– Một con của bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên.
– Một con của người nhiễm chất độc da cam suy giảm khả năng lao động từ 81 % trở lên.
– Đối tượng là người làm trong công tác cơ yếu mà không phải là quân nhân hoặc công an nhân dân.
– Đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức, thanh niên xung phong được điều động đến để thực hiện công tác, nhiệm vụ ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn trong thời gian từ 24 tháng trở lên theo quy định của pháp luật.
Đây là một trong những chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với những người đã có công lớn với đất nước và được ghi nhận hoặc những đối tượng đặc biệt.
1.2. Các trường hợp được tạm hoãn nghĩa vụ quân sự:
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 41 Luật nghĩa vụ quân sự năm 2015, các trường hợp hoãn nghĩa vụ quân sự bao gồm:
– Về sức khỏe chưa được đảm bảo đủ dựa trên kết luận của Hội đồng khám sức khỏe.
– Thuộc đối tượng là lao động duy nhất phải trực tiếp nuôi dưỡng thân nhân không còn khả năng lao động hoặc chưa đến tuổi lao động.
– Thuộc đối tượng là lao động duy nhất trong gia đình có hoàn cảnh bị thiệt hại nặng về người và tài sản do tai nạn, thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm gây ra được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận.
– Một con của bệnh binh, người nhiễm chất độc da cam suy giảm khả năng lao động từ 61% đến 80%.
– Có người thân là anh, chị, em ruột là hạ sĩ quan, binh sĩ đang phục vụ tại ngũ.
Hoặc có người thân là hạ sĩ quan, chiến sĩ thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân.
– Đối tượng thuộc diện di dân, giãn dân trong 03 năm đầu đến các xã đặc biệt khó khăn theo dự án phát triển kinh tế – xã hội của Nhà nước do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trở lên quyết định.
– Đối tượng là cán bộ, công chức hay viên chức, các thanh niên xung phong được điều động đến để thực hiện nhiệm vụ, công tác tại những nơi có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật.
– Hay những đối tượng đang theo học tại cơ sở giáo dục phổ thông. Hoặc những đối tượng được đào tạo trình độ đại học hệ chính quy thuộc cơ sở giáo dục đại học, trình độ cao đẳng hệ chính quy thuộc cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong thời gian một khóa đào tạo của một trình độ đào tạo.
– Dân quân thường trực.
Đối với những đối tượng nằm trong diện được tạm hoãn nghĩa vụ quân sự, sau khi đủ điều kiện thì vẫn sẽ phải đi nghĩa vụ quân sự bình thường.
2. Huyết áp cao, huyết áp thấp có phải đi nghĩa vụ quân sự không?
2.1. Điều kiện về tiêu chuẩn sức khỏe đối với người tham gia đi nghĩa vụ quân sự:
Căn cứ theo quy định tại Khoản 3 Điều 4 Thông tư 148/2018/TT-BQP, người tham gia nghĩa vụ quân sự sức khỏe phải bảo đảm theo tiêu chuẩn sau:
– Sức khỏe tuyển chọn từ loại 1, loại 2, loại 3 dựa theo quy định tại Thông tư liên tịch số 16/2016/TTLT-BYT-BQP ngày 30 tháng 6 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Y tế – Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định việc khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự.
– Tiêu chuẩn về sức khỏe riêng do Bộ Quốc phòng quy định sẽ được áp dụng với những đối tượng là:
+ Những cơ quan, đơn vị và vị trí trọng yếu cơ mật trong Quân đội.
+ Lực lượng Tiêu binh, Nghi lễ.
+ Lực lượng Vệ binh và Kiểm soát quân sự chuyên nghiệp thực hiện tuyển chọn theo quy định của Bộ Quốc phòng.
– Với những đối tượng là công dân có sức khỏe loại 3 tật khúc xạ về mắt (cận thị 1,5 diop trở lên, viễn thị các mức độ) hay trường hợp nghiện ma túy, bị nhiễm HlV, AIDS thì sẽ không được gọi nhập ngũ.
2.2. Huyết áp cao, huyết áp thấp có phải đi nghĩa vụ quân sự không?
Huyết áp cao được hiểu là chỉ số huyết áp tâm thu lớn hơn 140 mmHG và huyết áp tâm trương lớn hơn 90 mmHg thì được chẩn đoán là huyết áp cao.
Huyết áp thấp hay còn gọi là hạ huyết áp được chẩn đoán khi huyết áp tâm thu dưới 90 mmHg hoặc giảm 25 mmHg so với bình thường.
Những người bị tăng huyết áp thường không có biểu hiện cụ thể trừ trường hợp người bệnh bị tăng quá cao hoặc bị lâu dài sẽ tạo nên những biến chứng nhất định. Thực tế, nếu tình trạng huyết áp cao hay huyết áp thấp đều gây nguy hiểm tới sức khỏe của người bệnh. Thường nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do ngưng thở khi ngủ, bệnh thận mãn tính, tăng aldosteron nguyên phát, tiểu đường hoặc béo phì,…
Tác hại của huyết áp cao hoặc huyết áp thấp là có thể gây ra một số tình trạng nguy hiểm cho tim, khiến người bệnh bị ngất, choáng và còn dẫn tới một số bệnh liên quan đến hệ thần kinh, tuyến nội tiết. Mà môi trường trong quân đội là môi trường khắc nghiệt, phải chịu khó cũng như chịu áp lực cao, hoạt động mạnh do vậy không phù hợp với những đối tượng người bị huyết áp cao, huyết áp thấp. Bởi khi đó rất dễ bị ngất xỉu cũng như thậm chí đe dọa đến tính mạng.
Theo như quy định về tiêu chuẩn sức khỏe thì chỉ tuyển chọn những đối tượng có sức khỏe thuộc loại 1, loại 2, loại 3. Như vậy, với những ai có sức khỏe thuộc loại 4, loại 5, loại 6 sẽ không đủ điều kiện được tham gia nghĩa vụ quân sự.
Căn cứ quy định tại thông tư liên tịch 16/2016/TTLT-BYT-BQP, mức về huyết áp cụ thể được đưa ra là:
BỆNH TẬT |
ĐIỂM |
Huyết áp (tình trạng HA khi nghỉ, thường xuyên, tính bằng mmHg): |
|
– Huyết áp tối đa: |
|
+ 110 – 120 |
1 |
+ 121 – 130 hoặc 100 – 109 |
2 |
+ 131 – 139 hoặc 90 – 99 |
3 |
+ 140 – 149 hoặc < 90 |
4 |
+ 150 – 159 |
5 |
+ ≥ 160 |
6 |
– Huyết áp tối thiểu: |
|
+ ≤ 80 |
1 |
+ 81 – 85 |
2 |
+ 86 – 89 |
3 |
+ 90 – 99 |
4 |
+ ≥ 100 |
5 |
Bệnh tăng huyết áp: |
|
– Tăng huyết áp độ 1 |
4 |
– Tăng huyết áp độ 2 |
5 |
– Tăng huyết độ 3 |
6 |
Như vậy, nếu như mức huyết áp cao hoặc thấp trong các trường hợp trên thuộc loại sức khỏe 4, 5,6 thì sẽ không đủ điều kiện về sức khỏe để đi nghĩa vụ quân sự. Đến khi nào không còn tăng huyết áp, đủ điều kiện sức khỏe loại 1,2,3 thì sẽ nhận được lệnh gọi nhập ngũ.
Cụ thể có thể hiểu, nếu như huyết áp 140/90 trở đi được xem là cao huyết áp, thuộc sức khỏe loại 4 do thông tư liên tịch 16/2016/TTLT-BYT-BQP quy định nên sẽ không đủ điều kiện sức khỏe để đi nghĩa vụ quân sự.
3. Quy định về việc phân loại sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự:
Theo quy định tại Điều 9 Thông tư liên tịch số 16/2016/TTLT-BYT-BQP, căn cứ phân loại sức khỏe dựa trên quy định tại Bảng số 01, bảng số 02, bảng số 03 Phụ lục 01 ban hành kèm theo Thông tư Thông tư liên tịch số 16/2016/TTLT-BYT-BQP.
Mỗi chỉ tiêu, bác sỹ sẽ cho điểm chẵn từ điểm 1 đến điểm 6 vào cột “Điểm” sau khi khám xong, cụ thể:
– Chỉ tình trạng sức khỏe rất tốt: Điểm 1.
– Chỉ tình trạng sức khỏe tốt: Điểm 2.
– Chỉ tình trạng sức khỏe khá: Điểm 3.
– Chỉ tình trạng sức khỏe trung bình: Điểm 4.
– Chỉ tình trạng sức khỏe kém: Điểm 5.
– Chỉ tình trạng sức khỏe rất kém: Điểm 6.
Việc phân loại sức khỏe dựa trên cơ sở sau:
– 8 chỉ tiêu đều đạt điểm 1: sức khỏe oại 1.
– Có ít nhất 1 chỉ tiêu bị điểm 2: sức khỏe loại 2.
– Có ít nhất 1 chỉ tiêu bị điểm 3: sức khỏe loại 3.
– Có ít nhất 1 chỉ tiêu bị điểm 4: sức khỏe loại 4.
– Có ít nhất 1 chỉ tiêu bị điểm 5: sức khỏe loại 5.
– Có ít nhất 1 chỉ tiêu bị điểm 6: sức khỏe loại 6.
CÁC VĂN BẢN PHÁP LUẬT ĐƯỢC SỬ DỤNG TRONG BÀI VIẾT:
Thông tư liên tịch số 16/2016/TTLT-BYT-BQP ngày 30 tháng 6 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Y tế – Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định việc khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự.