Mua bán và sử dụng đồng Bitcoin có vi phạm pháp luật không?

Vấn đề tiền ảo hiện nay đang là vấn đề được đầu tư và hoạt động khá mạnh mẽ trên các sàn giao dịch. Vậy việc mua bán và sử dụng đồng Bitcoin có vi phạm pháp luật không? Mời bạn đọc tham khảo bài viết dưới đây: 

1. Bitcoin là gì? 

Hiện nay, trong các văn bản pháp luật hiện hành của pháp luật Việt Nam không có quy định cụ thể thế nào là Bitcoin. 

Tuy nhiên, trên thực tế có thể hiểu Bitcoin là tiền ảo. Tiền ảo là một loại tiền kỹ thuật số không có sự quản lý, phát hành bởi những người phát triển phần mềm cũng thường là người kiểm soát hệ thống và được sử dụng, chấp nhận thanh toán giữa các thành viên của một cộng đồng ảo nhất định.

Đây là loại tiền chỉ được công nhận giao dịch trong một cộng đồng, một tổ chức. Pháp luật Việt Nam hiện nay không công nhận giá trị pháp lý của tiền ảo (Bitcoin). 

Bitcoin được hoạt động dựa trên công nghệ Blockchain. Blockchain sẽ cung cấp một cuốn sổ cái có chứa tất cả các giao dịch trên mạng lưới nhưng không để công khai thông tin của những người thực hiện giao dịch.

2. Mua bán và sử dụng đồng Bitcoin có vi phạm pháp luật không?

Căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 1 Nghị định 80/2016/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định số 101/2012/NĐ-CP, cụ thể như sau: 

Phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt được pháp luật Việt Nam công nhận trong các giao dịch thanh toán bao gồm: 

– Séc. 

– Lệnh chi. 

– Ủy nhiệm chi. 

– Nhờ thu. 

– Ủy nhiệm thu. 

– Thẻ ngân hàng. 

– Các phương tiện thanh toán khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. 

Và các phương tiện thanh toán không thuộc các trường hợp trên sẽ được coi là phương tiện thanh toán không hợp pháp. 

Như vậy, theo căn cứ trên, trong các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt, trong đó không có loại phương tiện tương tự là Bitcoin. Chính vì vậy, khi thực hiện các giao dịch thanh toán mà dùng tiền ảo (bitcoin) làm phương tiện thanh toán tại Việt Nam là vi phạm pháp luật. 

Tuy nhiên, đối với hoạt động đầu tư Bitcoin pháp luật Việt Nam không có quy định cụ thể trong bất cứ văn bản nào trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Hiện nay, kinh doanh bitcoin không được liệt kê trong hệ thống ngành, nghề kinh tế Việt Nam (theo quyết định số 27/2018/QĐ-TTg); hoặc theo quy định của Luật đầu tư năm 2020, bitcoin không được liệt kê là một trong những ngành, nghề kinh doanh bị cấm đầu tư.

Do đó, có thể hiểu rằng, pháp luật Việt Nam không chính thức cho phép kinh doanh bitcoin nhưng cũng không có quy định rõ ràng về việc cấm kinh doanh bitcoin.

3. Thực hiện giao dịch bằng Bitcoin sẽ bị xử phạt như thế nào? 

3.1. Xử phạt vi phạm hành chính: 

Căn cứ theo quy định tại điểm d Khoản 6 Điều 26 Nghị định 88/2019/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 143/2021/NĐ-CP, khi sử dụng Bitcoin thực hiện giao dịch thanh toán sẽ bị xử phạt mức phạt như sau: 

Hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị áp dụng mức xử phạt từ 50 triệu đồng đến 100 triệu đồng. 

Ngoài ra, hành vi cá nhân hoặc tổ chức nào thực hiện mở tài khoản thanh toán cho khách hàng, hoặc cho phép khách hàng sử dụng tài khoản thanh toán không đúng quy định của pháp luật trong quá trình cung ứng dịch vụ thanh toán thì cũng sẽ bị xử phạt mức tiền từ 50 triệu đồng đến 100 triệu đồng. 

3.2. Truy cứu trách nhiệm hình sự: 

Trường hợp nếu như sử dụng Bitcoin thanh toán trong các giao dịch nếu như có đủ dấu hiệu còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 206 Bộ luật hình sự 2015 số 100/2015/QH13, được sửa đổi. bổ sung tại Khoản 48 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017, cụ thể như sau: 

– Mức xử phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 300 triệu đồng hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: 

Trường hợp này áp dụng khi người nào thực hiện hành vi gây ra hậu quả là làm thiệt hại cho người khác về mặt tài sản từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng, hành vi bao gồm: 

+ Trường hợp không được cấp tín dụng mà thực hiện cấp tín dụng (ngoại trừ trường hợp cấp dưới hình thức phát hành thẻ tín dụng). 

+ Cấp tín dụng không có bảo đảm hoặc cấp tín dụng với điều kiện ưu đãi cho đối tượng bị hạn chế cấp tín dụng theo quy định của pháp luật.

+ Vi phạm quy định về tỷ lệ bảo đảm an toàn cho hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng.

+ Với mục đích để cấp tín dụng đối với trường hợp phải có tài sản bảo đảm mà thực hiện hành vi cố ý nâng khống giá trị tài sản bảo đảm. 

+ Đối với đối tượng bị hạn chế cấp tín dụng thực hiện hành vi vi phạm quy định của pháp luật về tổng mức dư nợ cấp tín dụng. 

+ Cấp tín dụng vượt giới hạn so với vốn tự có đối với một khách hàng và người có liên quan (ngoại trừ trường hợp có chấp thuận của người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật). 

+ Vi phạm quy định của pháp luật về góp vốn, giới hạn góp vốn, mua cổ phần, điều kiện cấp tín dụng.

+ Thực hiện hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng phương tiện thanh toán không hợp pháp. 

+ Có hành vi làm giả chứng từ thanh toán, phương tiện thanh toán. sử dụng chứng từ thanh toán, phương tiện thanh toán giả.

+ Thực hiện kinh doanh vàng trái phép hoặc kinh doanh ngoại hối trái phép.

+ Thực hiện hoạt động ngân hàng khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép theo quy định của Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Luật các tổ chức tín dụng.

– Mức phạt tù từ 03 năm đến 07 năm: 

+ Nếu như đối tượng nào có hành vi phạm tội mà mức hậu quả gây ra làm thiệt hại tài sản từ 300 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng. 

– Mức phạt tù từ 07 năm đến 12 năm: 

+ Đối tượng có hành vi phạm tội mà mức hậu quả gây ra làm thiệt hại tài sản từ 1 tỷ đồng đến dưới 3 tỷ đồng. 

– Mức phạt tù từ 12 năm đến 20 năm: 

+ Đối tượng có hành vi phạm tội mà mức hậu quả gây ra làm thiệt hại tài sản 3 tỷ đồng trở lên. 

– Ngoài ra, người thực hiện hành vi phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định trong khoảng thời gian từ 01 năm đến 05 năm.

Do đó, theo quy định trê, nếu hành vi sử dụng Bitcoin nằm trong diện hành vi sử dụng phương tiện thanh toán không hợp pháp hoặc phát hành, cung ứng phương tiện thanh toán không hợp pháp nếu như gây hậu quả từ 100 triệu đồng trở lên sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. 

4. Thực trạng các giao dịch thanh toán Bitcoin bị tranh chấp hiện nay: 

Thực tế, việc giao dịch Bitcoin xảy ra rất phổ biến hiện nay, đặc biệt trong thời đại 4.0, công nghệ thông tin phát triển. Ở tại Việt Nam, khung pháp lý về bitcoin chưa được ban hành, vì thế bitcoin không thể được coi là tài sản. Do đó, khi xảy ra tranh chấp liên quan đến Bitcoin thì sẽ không thể đem ra pháp luật nhờ can thiệp và xử lý được. 

Và đây cũng là một sơ hở để cho các đối tượng lừa đảo lợi dụng thực hiện các chiêu trò với mục đích lừa những người tham gia các giao dịch thực hiện liên quan đến tiền ảo. Rất nhiều trường hợp đã bị lừa thông qua việc kêu gọi, đầu tư vào các sàn thương mại điện tử hay mua bán Bitcoin, xong nạp tiền và sau đó không thể thực hiện lấy được tiền về. Trong khi đó, các trang mạng, các sàn giao dịch thường sẽ ở bên nước ngoài. Xảy ra hậu quả bị lừa không lấy lại được tiền thì người dân sẽ phải chịu vì cơ chế xử lý vấn đề liên quan đến tiền ảo (Bitcoin) chưa có. 

Thủ tướng Chính phủ cũng có ra chỉ thị số 10/CT-TTg, trong đó yêu cầu các cơ quan như Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính, Bộ Công an…kiểm soát, ngăn chặn và xử lý việc thực hiện các giao dịch (bao gồm phát hành, giao dịch, môi giới) liên quan đến tiền ảo trái pháp luật.

Theo đó, người dân cần cẩn trọng tìm hiểu kĩ quy định của pháp luật về tiền ảo và cẩn thận tránh trường hợp bị lừa trong các giao dịch về tiền ảo, tránh “tiền mất tật mang”. 

CÁC VĂN BẢN PHÁP LUẬT ĐƯỢC SỬ DỤNG TRONG BÀI VIẾT: 

Bộ luật hình sự 2015 số 100/2015/QH13. 

 
Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017. 
 
Nghị định 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt. 

 
Nghị định 80/2016/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt. 

 
Nghị định 88/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng. 

 
Nghị định số 143/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định số 88/2019/nđ-cp ngày 14 tháng 11 năm 2019 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng. 
Theo dõi chúng tôi trên
5/5(1
bình chọn
)

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com