Phân tích nhân vật Mị Châu và Trọng Thủy chọn lọc hay nhất

Bạn đã từng nghe truyền thuyết về Mị Châu – Trọng Thủy? Hãy cùng đến với bài phân tích về hai nhân vật đó ngay dưới đây để có những cái nhìn thú vị, hiểu rõ hơn về nhân vật Mị Châu và Trọng Thủy nhé. 

1. Mở bài phân tích nhân vật Mị Châu và Trọng Thủy chọn lọc hay nhất:

Văn học là cái nôi vỗ về tâm hồn của con người. Có ai lớn lên mà chưa hề một lần được nghe kể những câu chuyện truyền thuyết? Có ai lớn lên mà thiếu đi những lời ru của mẹ, bài vè ríu ríu cùng lũ bạn?. Bởi vậy mà có biết bao nhiêu thể loại văn chương phong phú là thế, ta vẫn có một cảm tình vô cùng đặc biệt, gắn bó với truyền thuyết dân gian. Nếu đã quen với “Thánh Gióng” cho ta nhìn ra vẻ đẹp của con người trong những cuộc chiến chống quân xâm lược, “Sơn tinh, Thủy tinh” cho ta hiểu vì sao có lũ và sức mạnh của con người chinh phục thiên nhiên…thì những góc nhìn mới về bi kịch, đau thương trong “Mị Châu – Trọng Thủy” sẽ cho ta những bài học đáng giá trong cuộc sống về những ngu muội ích kỷ riêng, người thì đắc thắng, quên đề phòng, kẻ tin người, mê muội trong tình yêu, kẻ lại ác tâm dối gạt lợi dụng tình yêu và niềm tin của người khác. Mị Châu hay Trọng Thủy đều đóng một vai trò vị trí khác nhau không chỉ mang lại những bài học vô cùng sâu sắc, ý nghĩa mà còn tạo nên những giá trị văn sử dân tộc.

2. Thân bài phân tích nhân vật Mị Châu và Trọng Thủy chọn lọc hay nhất:

2.1. Phân tích nhân vật Mị Châu:

Truyền thuyết kể rằng Mị Châu là người con gái duy nhất của vua An Dương Vương. Nàng ta rất xinh đẹp và được vua rất mực cưng chiều, yêu quý. Để thể hiện sự hòa hảo của mình với vua nước láng giềng mà An Dương Vương đã gả Mị Châu cho Trọng Thủy mà không chút đề phòng. Bởi vì sự chủ quan, quá tự tin vào bản thân, ỷ lại vào nỏ thần cũng như quên mất việc răn dạy Mị Châu những bài học về trách nhiệm của một người công chúa đối với đất nước của mình để rồi rơi vào bi kịch nước mất, nhà tan. 

Có lẽ bi kịch của Mị Châu xuất phát từ sự sai lầm và quá tự tin của vua cha của mình. Vốn dĩ, nàng còn là người có công lớn trong việc giữ gìn mối hòa hảo dân tộc giữa hai dân tộc nhưng cuối cùng lại trở thành tội đồ của đất nước chỉ vì sự thiếu cẩn trọng của vua cha trong việc chỉ bảo cho nàng hiểu những trách nhiệm của bản thân nàng. Nàng luôn được bảo bọc, yêu thương, chiều chuộng nên đã hình thành nên nét vẻ ngây thơ, chưa thực sự hiểu sâu sắc về thế sự dẫn đến một phút thờ ơ với chính lợi ích của quốc gia dân tộc. Hành động dễ dàng đưa nỏ thần cho Trọng Thủy xem để rồi đánh tráo quả thực hành động của một người chưa nhận thức rõ được tầm quan trọng của bảo vật quốc gia. Thậm chí, còn vì quá nghe lời chồng mà sau khi bị quân giặc đuổi bắt vẫn dứt lông vũ trên áo làm tin giúp Trọng Thủy có thể tìm ra được nàng, phản bội chính người cha của mình để rồi trả một cái giá quá đắt bằng cả chủ quyền của một dân tộc, cả mạng sống của mình. 

Thế nhưng Mị châu đâu chỉ bị đè nặng bởi tấn bi kịch kẻ phản bội tổ quốc mà nàng còn đang bị chà đạp bởi tấn bi kịch tình yêu. Tình yêu của nàng dành cho chồng mình là tình yêu thanh thuần nhất, chung thủy, một lòng một dạ, không hề vụ lợi mà trao trọn con tim, lấn át cả lí trí. Với một người con gái không điều gì hạnh phúc hơn là có một người chồng, một gia đình trọn vẹn. Nhưng vì chính mong ước rất đỗi như một lẽ tự nhiên đó mà nàng đã quá tin tưởng người chồng của mình mà dễ dàng lấy cắp nỏ thần cho chồng xem, vân lời dứt áo lông ngỗng làm tin để Trọng Thủy có thể tìm thấy nàng.

Có lẽ lúc đó trong lòng Mị Châu lúc đó chỉ là sự tin tưởng tuyệt đối vào người đàn ông bên mình, chỉ là sự nhung nhớ khôn nguôi khi có thể Trọng Thủy không tìm được mình nên Mị Châu mới làm ra những hành động như thế. Nhưng cuối cùng đổi lại sự tin tưởng, nhung nhớ khôn nguôi ấy lại là sự lừa dối, phản bội đầy đau đớn. Chính người đầu ấp tay gối đã tạo nên bi kịch viễn vọng cho nàng đồng thời đẩy nàng vào ki kịch tội đồ phản quốc. Để rồi một kiếp hồng nhan lại chôn vùi cuộc đời của mình dưới chính thanh gươm của vua cha với một vết nhơ không thể rửa sạch.

Hình ảnh những giọt máu của nàng nhỏ thành ngọc trai như một sự hóa thân không trọn vẹn. Đó chính là sự nghiêm khắc của nhân dân về những sai lầm của nàng để không thể hóa kiếp nhân sinh nhưng cũng là sự đồng cảm xót thương về tấn bi kịch tình yêu đầy đau đớn của nàng, cũng hiểu được vẻ đẹp của người phụ nữ trong người con gái ấy. Sự say đắm mù quáng trong tình yêu ấy rõ ràng cũng xuất phát từ quan niệm xuất giá tòng phu của người xưa dường đã ăn sâu vào tâm trí của nàng công chúa đáng thương này để rồi sinh chết vẫn ôm trong mình nỗi oán hận và day dứt khôn nguôi không thể lí giải nổi.

Có thể nói, nàng công chúa này vừa đáng thương lại vừa đáng trách, vừa đáng trách mà vừa đáng thương. Nàng đáng trách khi tân là công chúa mà chẳng suy xét kĩ lưỡng trước những hành động của mình, đặt lợi ích quốc gia dân tộc phía dưới lợi ích cá nhân. Nhưng nàng cũng thật sự đáng thương khi phải gánh chịu tấn bi kịch tình yêu đau đớn, phải chết trong nỗi oan ức không nói nên lời. Đây cũng chính là những bài học ý nghĩa giữa cái chung và cái riêng, giữa tình thân và tình yêu trong cuộc sống mà nhân vật Mị Châu đã gửi gắm đến bạn đọc bao thế hệ. 

2.2. Phân tích nhân vật Trọng Thủy:

Đọc truyền thuyết này, người ta không chỉ nhắc về nàng công chúa có cuộc đời ngang trái mà còn ngẫm nhiều về Trọng Thủy – một kẻ đáng trách nhưng cũng thật đáng thương với bi kịch về tình yêu.

Trọng Thủy thân là con trai của Triệu Đà – kẻ thù luôn rắp tâm, ủ mưu thôn tính Âu Lạc ta. Với vị trí của nhân vật phản diện tạo nên mâu thuẫn trong truyện,Trọng Thủy hiển nhiên có âm mưu giống cha mình. Khi được người cha âm mưu sắp xếp cưới Mị Châu nhằm dễ dàng thăm dò thôn tính Âu Lạc , Trọng Thủy chẳng thề ngăn cản mà ngoan ngoãn phối hợp theo lời cha và đã thực sự “lập được công lớn khi đã kết thân cầu hòa với Mị Châu. 

Sau khi kết hôn, Trọng Thủy bằng lòng ở rể hòng lợi dụng tình yêu, niềm tin của Mị mà chiếm đoạt nỏ thần. Tình yêu và sự tin tưởng của Mị Châu dành cho Trọng Thủy có thể gọi một lòng một dạ. Nhưng Trọng Thủy lại lợi dụng lòng tin hết mực của nàng công chúa để lừa nàng cho xem nỏ thần và rồi lấy cắp nó. Ngay sau khi có nỏ thần trong tay, Trọng Thủy lập tức quay trở về nước để tâu bẩm vua cha, đem quân sang đánh Âu Lạc

Trong mối quan hệ với Mị Châu ngay từ đầu đã là sự lừa dối của Trọng Thủy, lừa dối tình cảm, lừa dối lòng tin và mục đích cuối cùng chỉ là tìm ra bí mật nước Âu Lạc nhằm dễ bề xâm lược nước ta mà thôi. Điều này khẳng định sự bạc tình bạc nghĩa, độc ác, toan tính, mưu lợi trong con người Trọng Thủy. Sự dối chá này của Trọng Thủy đã để lại nỗi đau đớn khôn cùng, uất ức không thể lí giải cho đến lúc chết của người công chúa Mị Châu đáng thương. 

Thế nhưng cuộc đời đâu ai nói trước được điều gì, khi kẻ giả vờ đi gieo tương tư, niềm hy vọng về một hạnh phúc gia đình để lừa lấy nỏ thần nay lại thực sự có tình cảm thắm thiết thực lòng đối với người mình đã từng dối lừa tình cảm. Đây chính là bi kịch không lối thoát mà Trọng Thủy đã tự giăng nên cho mình như một “ác giả, ác báo”. Qua một quãng thời gian gần gũi, gắn bó cùng Mị Châu, Trọng Thủy đã thực sự nảy sinh tình cảm với người con gái xinh đẹp với tấm lòng trong sáng và rất mực yêu thương, tin tưởng chồng của mình. Lúc Trọng Thủy hận ra tình yêu ấy cũng là lúc Mị Châu đã ra đi mãi mãi. Sự hối hận, sự luyến tiếc, sự đau đớn dâng trào lên trong Trọng Thủy bởi hắn đã có mà không giữ lấy nàng, phụ tình nàng. Và có lẽ, cái chết trở thành cách tốt nhất để hắn có cơ hội chuộc tội với Mị Châu. Suy cho cùng, Trọng Thủy cũng chỉ là một quân cờ bị tiêu kiển trong chính tay người cha của mình, cuộc đời bị xoáy vào vòng luẩn quẩn lợi ích, đấu tranh của những kẻ tham lam, ích kỉ. 

Quả thực ở nhân vật Trọng Thủy ta thấy những hành vi đáng trách, đáng phê phán vô cùng vì những việc làm, hành động đã gây ra cho Mị Châu nói riêng và nước Âu Lạc ta nói chung. Nhưng nhìn ở một khía cạnh nào đó, cũng có phần cảm thông cho Trọng Thủy khi chỉ là quân cờ trong tay cha mình. Qua đó, mang đến cho người đọc bài học sâu sắc cho chúng ta về sự cảnh giác, ác giả ác báo cho những kẻ làm sai, đồng thời phải biết tự nhận thức vụ việc đúng hay sai và làm chủ cuộc đời mình. 

3. Kết bài phân tích nhân vật Mị Châu và Trọng Thủy chọn lọc hay nhất:

Nhân vật Mị Châu và Trọng Thủy không chỉ đã góp phần tạc nên một phần lịch sử để người đọc hiểu rõ hơn về những diễn biến qua thời kì dựng nước và giữ nước của ông cha ta. Từ những câu chuyện tình cảm lứa đôi đến tình cảm dân tộc, người đọc quả thực đã nhận ra những bài học vô cùng ý nghĩa và sâu sắc có giá trị mãi cho các thể hệ mai sau.

Theo dõi chúng tôi trên
5/5(1
bình chọn
)

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com