Công an nhân dân là lực lượng đóng vai trò quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Hiện nay, luật công an nhân dân ban hành quy định về chế độ trực ban, trực nghỉ, nghỉ tranh thủ Công an nhân dân như sau:
1. Hệ thống lực lượng công an nhân dân:
Công an nhân dân là một lực lượng vũ trang nhân dân với vai trò là nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, thực hiện công tác đấu tranh để phòng chống tội phạm cũng như vi phạm về an ninh quốc gia, an toàn xã hội, trật tự xã hội.
Hệ thống công an nhân dân bao gồm những lực lượng sau đây:
– Bộ công an.
– Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
– Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương.
– Công an xã, phường, thị trấn
2. Chế độ trực ban, trực nghỉ, nghỉ tranh thủ Công an nhân dân:
Chế độ nghỉ ngơi của công an nhân dân:
Căn cứ theo quy định tại Điều 40 Luật Công an nhân dân 2018, chế độ nghỉ ngơi của sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ và công nhân công an như sau:
Công tác nghỉ ngơi của sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ và công nhân công an đang công tác sẽ tuân thủ theo quy định của Bộ luật Lao động và quy định của Bộ trưởng Bộ Công an. Cụ thể về thời giờ nghỉ ngơi được quy định trong Bộ luật lao động bao gồm:
2.1. Nghỉ trong giờ làm việc:
Căn cứ theo quy định tại Điều 109 Bộ luật Lao động 2019, thời giờ nghỉ ngơi được quy định như sau:
+ Nếu như người lao động làm việc theo thời giờ làm đúng chuẩn mỗi ngày 6 giờ làm việc trở lên thì nghỉ giữa giờ ít nhất là 30 phút liên tục.
+ Nếu như làm việc vào ban đêm thì được nghỉ giữa giờ ít nhất là 45 phút liên tục.
+ Ngoài ra, nếu nội quy lao động có quy định về thời giờ nghỉ ngơi khác cho người lao động thì sắp xếp các đợt nghỉ giải lao đó cho phù hợp.
2.2. Nghỉ chuyển ca:
Căn cứ theo quy định tại Điều 110 Bộ luật Lao động năm 2019, người lao động làm việc theo ca sẽ được nghỉ trước khi chuyển ca sang làm việc ca khác ít nhất là 12 giờ.
2.3. Nghỉ hằng tuần:
+ Thứ nhất, mỗi tuần công an nhân dân sẽ được nghỉ ít nhất là 24 giờ liên tục.
Với trường hợp đặt biệt nếu công việc theo chu kỳ không thể nghỉ hằng tuần thì phía bên đơn vị người sử dụng lao động phải bảo đảm cho người lao động nghỉ tính bình quân là ít nhất 04 ngày trong 01 tháng.
+ Thứ hai, ngày nghỉ hằng tuần sẽ do đơn vị người sử dụng lao động sắp xếp vào Chủ nhật hoặc một ngày nào khác trong tuần làm việc, việc này sẽ được ghi nhận vào nội quy lao động tại đơn vị.
+ Thứ ba, nếu trường hợp ngày nghỉ hằng tuần có trùng vào ngày nghỉ lễ, nghỉ tết thì công an nhân dân sẽ được nghỉ bù ngày nghỉ hằng tuần vào ngày làm việc kế tiếp sau đó.
2.4. Nghỉ lễ, tết:
Theo quy định tại Điều 112 Bộ luật Lao động năm 2019, ngày nghỉ lễ, tết được Nhà nước quy định như sau:
+ Nghỉ Tết dương lịch 01 ngày vào ngày 01 tháng 01 dương lịch.
+ Nghỉ Tết âm lịch 05 ngày.
+ Nghỉ ngày Chiến thắng 01 ngày vào ngày 30 tháng 4 dương lịch.
+ Nghỉ ngày Quốc tế lao động 01 ngày vào ngày 01 tháng 5 dương lịch.
+ Nghỉ Quốc khánh 02 ngày vào ngày 02 tháng 9 dương lịch và 01 ngày liền kề trước hoặc sau.
+ Nghỉ Giỗ Tổ Hùng Vương vào 01 ngày vào ngày 10 tháng 3 âm lịch.
Vào những ngày nghỉ này thì công an nhân dân sẽ được hưởng nguyên lương.
2.5. Nghỉ hằng năm:
Căn cứ quy định tại Điều 113 Bộ luật Lao động 2019, ngày nghỉ hằng năm được quy định như sau:
Với trường hợp công tác, làm việc từ đủ 12 tháng trở lên tại đơn vị thì công an nhân dân được nghỉ hằng năm và được hưởng nguyên lương, cụ thể ngày nghỉ bao gồm:
+ Đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường: 12 ngày làm việc.
+ Đối với người lao động chưa thành niên, lao động là người khuyết tật, người làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm: 14 ngày làm việc.
+ Đối với người làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm: 16 ngày làm việc.
Trường hợp nếu như chưa làm đủ 12 tháng tại đơn vị sử dụng lao động thì số ngày nghỉ sẽ tính toán dựa trên số tháng làm việc.
Người sử dụng lao động thanh toán tiền lương cho những ngày chưa nghỉ hằng năm trong trường hợp do thôi việc hay bị mất việc làm mà người lao động chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm.
Việc quy định lịch nghỉ hằng năm sẽ do đơn vị người sử dụng lao động quyết định dựa trên sự tham khảo ý kiến của người lao động và phải thông báo cho người lao động biết về lịch nghỉ hằng năm đó.
Pháp luật cũng quy định trường hợp cộng dồn: cụ thể là phía người lao động cũng như người sử dụng lao động có thể thỏa thuận để nghỉ hằng năm thành nhiều lần hoặc nghỉ gộp tối đa 03 năm một lần.
Với trường hợp nghỉ hằng năm nếu như chưa đến kỳ trả lương thì người lao động được phép tạm ứng tiền lương.
Trong trường hợp người lao động đi bằng các phương tiện đường bộ, đường sắt, đường thủy, theo đó số ngày đi đường cả đi và về trên 02 ngày thì từ ngày thứ 03 trở đi được tính thêm thời gian đi đường ngoài ngày nghỉ hằng năm và chỉ được tính cho 01 lần nghỉ trong năm khi nghỉ hằng năm.
2.6. Ngày nghỉ hằng năm tăng thêm theo thâm niên làm việc:
Theo quy định tại Điều 114 Bộ luật lao động năm 2015, ngày nghỉ hằng năm sẽ được tăng lên trên cơ sở thâm niên làm việc. Cụ thể là:
Nếu như làm việc cho đơn vị người sử dụng lao động đủ 05 năm thì số ngày nghỉ hằng năm của người lao động sẽ tăng thêm 01 ngày tương ứng.
2.7. Nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương:
Căn cứ theo quy định tại Điều 115 Bộ luật lao động năm 2019, phía bên người lao động nghỉ việc riêng vẫn được hưởng nguyên lương theo số ngày trong các trường hợp như sau:
+ Nghỉ 03 ngày khi kết hôn.
+ Nghỉ 01 ngày nếu như con đẻ, con nuôi kết hôn.
+ Nghỉ 03 ngày nếu như cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi; cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi của vợ hoặc chồng; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi chết.
Tiếp theo, nghỉ không hưởng lương 01 ngày khi ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh, chị, em ruột chết; cha hoặc mẹ kết hôn; anh, chị, em ruột kết hôn. Và khi nghỉ phải đảm bảo thông báo đến đơn vị người sử dụng lao động.
Ngoài ra, nếu như muốn nghỉ thêm hoặc nghỉ vào những dịp khác thì có thể thỏa thuận với đơn vị người sử dụng lao động để nghỉ việc không hưởng lương.
2.8. Nghỉ trong trường hợp làm công việc đặc biệt:
Căn cứ quy định tại Điều 116 Bộ luật lao động năm 2019, với công việc có tính chất đặc biệt, cụ thể là công việc phải thường trực 24/24 giờ thì ngày nghỉ của công an nhân dân sẽ do Bộ, ngành quản lý quy định cụ thể thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi sau khi thống nhất với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và vẫn phải tuân thủ quy định giờ nghỉ trong giờ làm việc của Bộ luật lao động.
Với những sĩ quan, hạ sĩ quan phục vụ theo chế độ chuyên nghiệp và công nhân công an không được bố trí nghỉ hằng năm do tính chất công việc, nhiệm vụ thì ngoài khoản tiền lương vẫn được hưởng thì sẽ được thanh toán thêm một khoản tiền bằng tiền lương cho những ngày không nghỉ.
Đồng thời, theo quy định tại Thông tư 07/2004/TT-BCA(X13) vẫn còn hiệu lực thì chế độ nghỉ phép, nghỉ bù trong Công an nhân dân như sau:
– Cán bộ, chiến sỹ (trừ công nhân viên Công an, học viên các trường, chiến sỹ phục vụ có thời hạn có quy định riêng) có đủ thời gian làm việc 12 tháng, được nghỉ hàng năm là 15 ngày làm việc.
Số ngày nghỉ hàng năm được tăng thêm theo thâm niên, theo đó cứ đủ 05 năm sẽ được nghỉ thêm 01 ngày, bao gồm:
+ Nghỉ thêm 01 ngày nếu như có đủ 05 năm đến dưới 10 năm.
+ Nghỉ thêm 02 ngày nếu như có đủ 10 năm đến dưới 15 năm.
+ Nghỉ thêm 03 ngày nếu như có đủ 15 năm đến dưới 20 năm.
+ Nghỉ thêm 04 ngày nếu như có đủ 20 năm đến dưới 25 năm.
+ Nghỉ thêm 05 ngày nếu như có đủ 25 năm đến dưới 30 năm.
+ Nghỉ thêm 06 ngày nếu như có đủ 30 năm đến dưới 35 năm.
+ Nghỉ thêm 07 ngày nếu như có đủ 35 năm trở lên.
Như vậy, công an sẽ được nghỉ phép năm là: 15 ngày phép có lương nếu như đi làm đủ 12 tháng.
Đồng thời số ngày nghỉ hàng năm được tăng thêm theo thâm niên; cứ đủ 05 năm được nghỉ thêm 01 ngày.
CÁC VĂN BẢN PHÁP LUẬT ĐƯỢC SỬ DỤNG TRONG BÀI VIẾT:
Bộ luật lao động năm 2019.