Ngày nay có nhiều cặp vợ chồng sinh con nhưng lại muốn lựa chọn giới tính của con. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành lại cấm việc phá thai vì lựa chọn giới tính. Vậy người thực hiện hành vi loại bỏ thai nhi vì lựa chọn giới tính sẽ bị xử phạt như thế nào? Mức xử phạt cụ thể được quy định như thế nào?
1. Thực trạng loại bỏ thai nhi vì lựa chọn giới tính tại Việt Nam hiện nay:
Mất cân bằng về giới tính khi sinh đang ngày một trở nên phổ biến ở Việt Nam hiện nay. Sở dĩ việc mất cân bằng về giới tính khi sinh hình thành do sự bất bình đẳng giới tính đã ăn sâu vào nhận thức, suy nghĩ của những người dân Việt Nam. Từ xưa đến nay, người dân Việt Nam thường có suy nghĩ gia đình phải có con trai để nối dõi tông đường, có người thờ cúng tổ tiên. Do đó những gia đình khi có con gái thường cố gắng sinh được con trai và thường lựa chọn việc loại bỏ thai nhi là con gái vì không như mong muốn. Tuy nhiên, cũng với quan niệm “tam nam bất phú”, “tứ nữ bất bần” nên nhiều gia đình muốn sinh con là con gái để tránh sinh ba người con trai hoặc có bốn người con gái để có cuộc sống sung túc, ấm no…
Xuất phát từ những quan niệm lâu đời đó mà từ những năm đầu của thế kỷ 21 thì nhóm dân số ở độ tuổi dưới 15 tuổi đã có sự chênh lệch, mất cân bằng bởi số trẻ em nam luôn cao hơn số trẻ em nữ. Vào năm 2000 thì tỷ lệ giới tính khi sinh là khoản 106 bé trai/ 100 bé gái, năm 2009 thì tỷ lệ là 110,5 bé trai/ 100 bé gái, năm 2015 thì tỷ lệ là 112,8 bé trai/ 100 bé gái, đến năm 2021 gần đây thì tỷ lệ được xác định là khoảng 111,5 bé trai/ 100 bé gái,…Theo đó, theo ước tính nhân khẩu nếu tỷ lệ giới tính khi sinh tiếp tục tăng như tốc độ hiện nay thì đến năm 2050 thì dân số Việt Nam sẽ bị dư thừa từ 2,3 đến 4,3 triệu nam giới ở độ tuổi dưới 50.
Hiện nay, thông qua việc siêu âm thì phụ nữ mang thai có thể biết được giới tính của con mình chính xác đến 99%. Theo số liệu thống kê thì phần lớn các bà mẹ biết được giới tính trước khi sinh từ khi thai nhi ở khoảng từ 15 đến 28 tuần tuổi (chiếm tỷ lệ 74%); số lượng bà mẹ biết giới tính của thai nhi trước khi sinh ở giai đoạn thai nhi trên 28 tuần tuổi chiếm tỷ lệ thấp nhất (chỉ 1,7%). Theo số liệu này thì có thể thấy được hầu hết phụ nữ có thai đều mong muốn biết được giới tính của thai nhi rất sớm. Bên cạnh đó theo số liệu điều tra cũng cho thấy mong muốn sinh con trai của nhiều gia đình hiện nay có xu hướng cao hơn so với việc sinh con gái. Trong đó, khu vực Đồng bằng sông Hồng chiếm tỷ lệ 32,7%, Trung du và Miền núi Bắc Bộ chiếm 29,9%, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung chiếm 29% và Đông Nam Bộ chiếm 17,5% (Theo: Sở Y tế Hà Nội). Từ những mong muốn đó mà dẫn đến hành động phá thai, loại bỏ thai nhi vì lựa chọn giới tính tăng cao hiện nay.
Từ những quan niệm và những con số biết nói đã phân tích ở trên thì có thể thấy việc lựa chọn giới tính thai nhi hiện nay đang diễn ra khá phổ biến và đáng báo động. Từ đó dẫn đến việc mất cân bằng giới tính khi sinh và dẫn đến nhiều hệ luỵ sau này.
2. Hành vi loại bỏ thai nhi vì lựa chọn giới tính có phải hành vi vi phạm pháp luật không?
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 44 Luật Bảo vệ sức khoẻ nhân dân năm 1989 thì nạo thai, phá thai theo nguyện vọng, được khám bệnh, chữa bệnh phụ khoa, được theo dõi sức khoẻ trong thời kỳ thai nghén, được phục vụ y tế khi sinh con tại các cơ sở y tế là quyền của phụ nữ. Tuy Luật Bảo vệ sức khoẻ nhân dân đã được ban hành từ rất lâu nhưng ở thời điểm hiện tại, chưa có văn bản pháp luật nào có giá trị thay thế nên luật này vẫn còn hiệu lực thi hành. Do đó pháp luật vẫn công nhận việc nạo, phá thai theo nguyện vọng là quyền của phụ nữ.
Tuy nhiên, trong hệ thống những quy định của pháp luật, không có quy định nào là tuyệt đối mà còn có những trường hợp ngoại lệ. Theo đó, căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 7 Pháp lệnh dân số năm 2003 và được hướng dẫn bởi khoản 3 Điều 10 Nghị định số 104/2003/NĐ-CP thì việc loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính được xác định là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm thực hiện. Do là hành vi mà pháp luật cấm nên những người thực hiện hành vi này đều vi phạm quy định của pháp luật.
Như vậy, pháp luật công nhận quyền được nạo, phá thai theo nguyện vọng của người phụ nữ nhưng thực hiện nạo, phá thai vì lý do giới tính lại là hành vi cấm thực hiện. Theo đó, pháp luật Việt Nam cần xiết chặt hơn trong những quy định về việc nạo, phá thai ở nữ giới để tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra.
3. Mức xử phạt với hành vi loại bỏ thai nhi vì lựa chọn giới tính:
Hiện nay, hành vi loại bỏ thai nhi vì lựa chọn giới tính sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật hiện hành. Căn cứ theo Điều 84 Nghị định số 176/2013/NĐ-CP và Điều 100 Nghị định 117/2020/NĐ-CP thì hành vi loại bỏ thai nhi vì lý do giới tính sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo từng trường hợp cụ thể sau:
– Phạt tiền từ 03 triệu đồng đến 05 triệu đồng đối với hành vi loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính của người mang thai (theo nguyện vọng của người phụ nữ mang thai mà không có sự ép buộc, tác động của người khác);
– Phạt tiền từ 05 triệu đồng đến 07 triệu đồng đối với hành vi dụ dỗ, lôi kéo người phụ nữ mang thai loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính;
– Phạt tiền từ 07 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với hành vi đe doạ dùng vũ lực, uy hiếp tinh thần của người phụ nữ mang thai để ép buộc người đó loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính;
– Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 12 triệu đồng đối với hành vi dùng vũ lực để ép buộc người phụ nữ mang thai phải loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính;
– Phạt tiền từ 12 triệu đồng đến 15 triệu đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
+ Thực hiện việc cung cấp hoá chất, thuốc để loại bỏ thai nhi mà biết rõ người đang mang thai muốn loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính;
+ Chỉ định hoặc hướng dẫn người phụ nữ mang thai muốn loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính sử dụng hoá chất, thuốc hoặc các biện pháp phá thai khác;
– Phạt tiền từ 15 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với hành vi phá thai của người có chuyên môn, nghiệp vụ y tế mà biết rõ người đang mang thai mà biết rõ người đang mang thai muốn loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính của thai nhi.
Lưu ý: Mức tiền xử phạt vi phạm hành chính nêu trên là mức phạt được áp dụng đối với cá nhân. Đối với tổ chức thực hiện hành vi vi phạm tương tự các hành vi đã nêu trên thì bị xử phạt vi phạm hành chính với mức tiền bằng 02 lần mức tiền phạt đối với cá nhân.
Ngoài việc xử phạt vi phạm hành chính bằng tiền thì người vi phạm còn bị áp dụng thực hiện hình thức xử phạt bổ sung tuỳ vào từng trường hợp cụ thể được quy định tại khoản 7 Điều 100 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP. Cụ thể như sau:
– Đối với cá nhân, tổ chức cung cấp hoá chất, thuốc hay hướng dẫn, chỉ định người đang mang thai mà biết rõ người đó đang mong muốn loại bỏ thai nhi vì lý do giới tính thì bị tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động, chứng chỉ hành nghề trong thời hạn từ 03 tháng đến 06 tháng;
– Đối với cá nhân, tổ chức thực hiện nạo, phá thai nhi mà biết rõ người phụ nữ mang thai đang mong muốn loại bỏ thai nhi vì lý do giới tính thì bị tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động, chứng chỉ hành nghề trong thời hạn từ 06 tháng đến 12 tháng;
– Đối với cá nhân, tổ chức cung cấp hoá chất, thuốc để loại bỏ thai nhi cho người đang mang thai có mong muốn loại bỏ thai nhi vì lý do giới tính thì bị tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược hoặc bị đình chỉ hoạt động kinh doanh đối với cơ sở hoạt động kinh doanh dược không vì mục đích thương mại trong thời hạn từ 01 tháng đến 03 tháng.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật Bảo vệ sức khoẻ nhân dân năm 1989;
– Pháp lệnh dân số năm 2003;
– Nghị định số 104/2003/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 16 tháng 9 năm 2003 Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Dân số;
– Nghị định số 176/2013/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 14 tháng 11 năm 2013 Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế;
– Nghị định 117/2020/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 28 tháng 9 năm 2020 Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.