Quyền, trách nhiệm của các bên khi ký hợp đồng giao khoán

Hiện nay chưa có văn bản quy định cụ thể nào về hợp đồng giao khoán. Tuy nhiên, đây là một loại hợp đồng khá phổ biến và được sử dụng phổ biến trên thực tế. Vậy quyền, trách nhiệm của các bên khi ký hợp đồng giao khoán như thế nào?

1. Tìm hiểu về hợp đồng giao khoán:

Hiện nay chưa có văn bản pháp luật nào quy định cụ thể về “hợp đồng giao khoán”. Tuy nhiên theo quy định của Nghị định 168/2016/NĐ-CP quy định về khoán rừng, vườn cây và diện tích mặt nước trong Ban quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên nông, lâm nghiệp nhà nước, các quy định của pháp luật dân sự về hợp đồng thì có thể hiểu: Hợp đồng giao khoán là hợp đồng thường được sử dụng trong đời sống hằng ngày, là sự thỏa thuận của hai bên, theo đó bên nhận khoán có nghĩa vụ hoàn thành một công việc nhất định theo yêu cầu của bên giao khoán và bên nhận khoán có thể có sự linh động về mặt thời gian và địa điểm làm việc sau khi đã hoàn thành phải bàn giao cho bên giao khoán kết quả của công việc đó. Bên giao khoán nhận kết quả công việc và có trách nhiệm trả cho bên nhận khoán tiền thù lao đã thỏa thuận. Như vậy, bản chất hợp đồng giao khoán công việc không phải là hợp đồng lao động, không có các nội dung của hợp đồng lao động và được điều chỉnh theo quy định của Pháp luật dân sự.

Hợp đồng giao khoán với những công việc được thỏa thuận có tính chất thời vụ, ngắn hạn, không có tính chất ổn định và lâu dài. Mục đích của hợp đồng giao khoán là bản ký kết thỏa thuận giữa bên giao khoán và bên nhận giao khoán nhằm xác nhận về khối lượng công việc khoán hoặc thời gian làm việc, nội dung công việc khoán, trách nhiệm, quyền lợi của mỗi bên khi thực hiện công việc đó, và dựa vào hợp đồng để thanh toán chi phí cho người nhận khoán.

Căn cứ vào tính chất công việc cũng như phạm vi công việc được giao khoán thì có thể phân hợp đồng khoán việc thành hai loại hợp đồng: là hợp đồng khoán việc toàn bộ và hợp đồng khoán việc từng phần. Cụ thể như sau:

– Hợp đồng khoán việc toàn bộ là hợp đồng, trong đó, bên giao khoán giao cho bên nhận khoán toàn bộ chi phí, bao gồm cả chi phí vật chất lẫn chi phí lao động có liên quan đến các hoạt động để bên nhận giao khoán hoàn thành công việc được giao. Trong khoản tiền người giao khoán trả cho người nhận khoán bao gồm chi phí vật chất, chi phí công lao động và các khoản tiền lợi nhuận từ việc nhận khoán và các chi phí cần thiết khác phục vụ cho quá trình hoàn thành công việc giao khoán.

– Hợp đồng khoán việc từng phần được hiểu là hợp đồng mà trong đó, người nhận khoán phải tự lo công cụ lao động. Người giao khoán phải trả tiền khấu hao công cụ lao động và tiền công lao động, bên giao khoán công việc sẽ phải tính đến giá trị khấu hao của công cụ lao động.

Hợp đồng khoán việc thường được giao kết đối với những công việc mang tính thời vụ, chỉ diễn ra trong một thời điểm nhất định, chẳng hạn sử dụng trong các lĩnh vực xây dựng – thi công, rồi các lĩnh vực gia công may mặc … Đối với những công việc mang tính chất ổn định, lâu dài từ 12 tháng trở lên thì sẽ không được ký dưới hình thức khoán việc mà sẽ ký dưới hình thức hợp đồng lao động.

2. Quyền và trách nhiệm của bên giao khoán:

2.1. Quyền của Bên giao khoán:

– Yêu cầu bên nhận giao khoán thực hiện công việc theo đúng chất lượng, số lượng, thời hạn, địa điểm thỏa thuận tại hợp đồng này.

– Kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng khoán. Để đảm bảo lợi ích của các bên, hàng năm hoặc khi hết thời hạn hiệu lực của hợp đồng khoán, bên khoán tổ chức nghiệm thu, đánh giá kết quả thực hiện và thanh toán theo hợp đồng hoặc thanh lý và quyết toán hợp đồng khoán.

– Trường hợp bên nhận giao khoán phạm nghiêm trọng nghĩa vụ thì bên giao khoán có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại.

2.2. Nghĩa vụ của bên giao khoán:

– Cung cấp cho bên nhận giao khoán thông tin, tài liệu và các phương tiện cần thiết để thực hiện công việc, nếu có thỏa thuận hoặc việc thực hiện công việc đòi hỏi.

– Thanh toán các chi phí liên quan đến thực hiện công việc cho bên nhận giao khoán theo thỏa thuận.

3. Quyền và trách nhiệm của bên nhận giao khoán:

3.1. Quyền của bên nhận giao khoán:

– Yêu cầu bên giao khoán cung cấp thông tin, tài liệu và phương tiện, công cụ liên quan để thực hiện công việc.

– Có thể được thay đổi điều kiện thực hiện công việc vì lợi ích của bên giao khoán mà không nhất thiết phải chờ ý kiến của bên giao khoán, nếu việc chờ ý kiến sẽ gây thiệt hại cho bên giao khoán, nhưng vẫn phải báo ngay cho bên giao khoán biêt.

– Yêu cầu bên giao khoán thanh toán tiền công và các chi phí liên quan theo đúng thỏa thuận.

– Được nhận bồi thường thiệt hại trong trường hợp bên khoán vi phạm hợp đồng.

3.2. Trách nhiệm của bên nhận giao khoán:

– Thực hiện công việc đúng các giao kết trong hợp đồng khoán về chất lượng, số lượng, thời hạn, địa điểm và thỏa thuận khác; chịu sự kiểm tra, giám sát của bên khoán theo nội dung hợp đồng và chịu trách nhiệm trước pháp Luật về những vi phạm về khoán.

– Nếu không có sự đồng ý của bên giao khoán thì không được giao cho người khác thực hiện thay công việc đã được thỏa thuận giao khoán.

– Bảo quản và phải giao lại cho bên giao khoán tài liệu và phương tiện được giao sau khi hoàn thành công việc được giao.

– Báo ngay cho bên giao khoán về việc thông tin, tài liệu không đầy đủ, phương tiện không bảo đảm chất lượng để hoàn thành công việc.

– Trong quá trình thực hiện công việc phải đảm bảo giữ bí mật thông tin mà mình biết được nếu hai bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.

– Có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho bên giao khoán trong trường hợp vi phạm hợp đồng khoán, nếu làm mất, hư hỏng tài liệu, phương tiện được giao hoặc tiết lộ bí mật thông tin.

– Trong trường hợp bị thiên tai, rủi ro bất khả kháng bên nhận khoán được xem xét hỗ trợ thiệt hại từ nguồn vốn tự đầu tư theo quy định của pháp Luật.

4. Nội dung hợp đồng giao khoán:

Hợp đồng giao khoán công việc không có quy định bắt buộc các nội dung phải có mà chủ yếu do các bên thỏa thuận với nhau. Tuy nhiên, dựa trên những quy định chung về hợp đồng dân sự thì hợp đồng giao khoán cũng cần có những nội dung chủ yếu như sau:

– Thông tin của hai bên giao khoán, và bên nhận khoán bao gồm: tên, số chứng minh nhân dân/căn cước công dân, mã số thuế, địa chỉ, số điện thoại, người đại diện, chức vụ, nơi cư trú…

– Về nội dung công việc: ghi yêu cầu công việc của bên giao khoán với bên nhận khoán cụ thể từng công việc mà các bên thỏa thuận với nhau.

– Tiến độ thực hiện công việc: ghi cụ thể thời gian thực hiện công việc từ ngày, tháng, năm nào đến ngày, tháng, năm nào và địa điểm làm việc.

– Thù lao sau khi hoàn thành: số tiền ghi bằng số và bằng chữ, đơn vị tính, thời hạn và tiến độ trả thù lao, hình thức thanh toán thù lao đưa tiền mặt trực tiếp hay chuyển khoản.

– Quy định cụ thể về quyền lợi và nghĩa vụ của các bên trong quá trình thực hiện hợp đồng khoán việc (quyền, trách nhiệm, được làm gì và không được phép làm gì, thời hạn thực hiện công việc như thế nào,…).

– Cam kết của các bên trong quá trình thực hiện hợp đồng, lựa chọn hình thức giải quyết khi xảy ra tranh chấp, các vấn đề về phạt vi phạm hợp đồng, các vấn đề liên quan đến sửa đổi, bổ sung, chấm dứt hợp đồng.

– Quy định rõ về thời hiệu của hợp đồng khoán việc phát sinh hiệu lực kể từ thời điểm nào đến thời điểm nào.

– Kết thúc hợp đồng sẽ có xác nhận bằng chữ ký, đóng dấu của người có thẩm quyền của hai bên khi thực hiện hợp đồng khoán việc.

5. Những lưu ý khi ký hợp đồng giao khoán công việc:

Hợp đồng khoán việc chỉ là loại hợp đồng mang tính thời vụ, ngắn hạn, không ổn định còn hợp đồng lao động mang tính ổn định, lâu dài, là sự thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động về việc làm có trả lương, điều kiện làm việc, quyền và nghĩa vụ của hai bên trong mối quan hệ lao động. Nhận thấy giữa hợp đồng khoán việc và hợp đồng lao động có sự khác nhau về tính chất, đặc điểm như sau:

Trong hợp đồng lao động, người lao động với vai trò người nhận việc chỉ cần dùng sức lao động để hoàn thành mọi yếu tố vật chất cho quá trình thực hiện công việc do người sử dụng lao động giao. Còn trong hợp đồng khoán việc là hợp đồng mà người lao động với vai trò người nhận khoán, họ sử dụng sức lao động, phải tự mua sắm trang bị công cụ lao động (đối với trường hợp khoán nhân công) và cả chi phí nguyên liệu, vật liệu (đối với trường hợp khoán trọn gói) để hoàn thành công việc giao khoán.

Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp giả cách giao kết hợp đồng khoán việc thay vì phải giao kết hợp đồng lao động, với mục đích trốn tránh nghĩa vụ đóng nộp BHXH, BHYT, BHTN đối với người lao động, vì theo Điều 2 Luật bảo hiểm xã hội năm 2015 thì người làm việc theo hợp đồng thuê khoán không phải đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên hành vi gian dối bị phát hiện, có thể bị xử phạt vi phạm hành chính do vi phạm quy định về giao kết hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 5 Nghị định 95/2013/NĐ-CP sửa đổi tại Khoản 4 Điều 1 Nghị định 88/2015/NĐ-CP.

Về thuế thu nhập cá nhân, cá nhân giao kết hợp đồng khoán có trách nhiệm nộp thuế thu nhập cá nhân đối với tiền lương, tiền công từ hợp đồng giao khoán. Doanh nghiệp giao khoán có trách nhiệm khấu trừ thuế thu nhập cá nhân cho người nhận khoán và phải cấp chứng từ khấu trừ thuế cho các cá nhân này.

Các văn bản pháp luật có liên quan đến bài viết:

– Bộ luật dân sự năm 2015;

– Nghị định 168/2016/NĐ-CP quy định về khoán rừng, vườn cây và diện tích mặt nước trong Ban quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên nông, lâm nghiệp nhà nước.

Theo dõi chúng tôi trên
5/5(1
bình chọn
)

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com