Hiện nay, vấn đề nộp thuế theo đúng quy định pháp luật là vấn đề mà nhiều quý bạn đọc quan tâm đến. Đặc biệt là trường hợp khi nộp thiếu thuế do khai sai người phụ thuộc dẫn đến sai sót trong quá trình nộp thuế. Vậy, trách nhiệm khi nộp thiếu thuế do khai sai người phụ thuộc theo quy định pháp luật hiện nay như thế nào?
1. Trách nhiệm khi nộp thiếu thuế do khai sai người phụ thuộc:
Hiện nay, nhiều trường hợp người nộp thiếu thuế do khai sai người phụ thuộc ngày càng phổ biến. Hành vi này đã làm thất thoát ngân sách nhà nước. Vậy, căn cứ theo quy định tại Điều 16 Nghị định 125/2020/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính đối với các trường hợp có hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được miển, giảm, hoàn. Cụ thể như sau:
Phạt 20% số tiền thuế đã được miễn, giảm, hoàn cao hơn so với quy định hoặc số tiền thuế khai thiếu đối với một trong các hành vi dưới đây:
Một là, Khai sai căn cứ tính thuế hoặc khai sai số tiền thuế được khấu trừ hoặc xác định sai trường hợp được miễn, giảm, hoàn thuế dẫn đến tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn hoặc thiếu số tiền thuế phải nộp nhưng các nghiệp vụ kinh tế đã được phản ánh đầy đủ trên hệ thống sổ kế toán, hóa đơn, chứng từ hợp pháp;
Hai là, Khai sai làm tăng số tiền thuế được hoàn, số thuế được miễn, giảm hoặc khai sai làm giảm số tiền thuế phải nộp đã bị cơ quan có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính, biên bản thanh tra, kiểm tra thuế được xác định đây là hành vi trốn thuế. Tuy nhiên, trước thời điểm cơ quan có thẩm quyền ra quyết định xử phạt và cơ quan thuế đã lập biên bản ghi nhận để xác định là hành vi khai sai dẫn đến thiếu thuế thì người nộp thuế vi phạm hành chính lần đầu về hành vi trốn thuế, đã khai bổ sung và nộp đủ số tiền thuế vào ngân sách nhà nước.
Ba là, Khai sai làm giảm số tiền thuế phải nộp hoặc có hành vi khai sai làm tăng số tiền thuế được miễn, giảm, số tiền thuế được hoàn không thuộc trường hợp nêu tại mục Một nêu trên tuy nhiên trước thời điểm cơ quan thuế kết thúc thời hạn thanh tra, kiểm tra thuế tại trụ sở người nộp thuế thì người nộp thuế đã tự giác kê khai bổ sung và nộp đủ số tiền thuế thiếu vào ngân sách nhà nước.
Bốn là, Sử dụng chứng từ, hóa đơn không hợp pháp để hạch toán giá trị hàng hóa, dịch vụ mua vào làm tăng số tiền thuế được hoàn, số tiền thuế được miễn, giảm hoặc làm giảm số tiền thuế phải nộp.
Tuy nhiên, trước khi cơ quan thuế thanh tra, kiểm tra phát hiện, người mua chứng minh được lỗi vi phạm sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp thuộc về bên bán hàng và người mua đã hạch toán kế toán đầy đủ theo quy định.
Năm là, Khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được giảm, miễn, hoàn đối với giao dịch liên kết nhưng người nộp thuế đã lập hồ sơ xác định giá thị trường hoặc đã lập và gửi cơ quan thuế các phụ lục theo quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết;
Như vậy, theo quy định nêu trên đối với trường hợp nộp thiếu thuế do khai sai người phụ thuộc có trách nhiệm như sau:
– Đóng phạt 20% số tiền thuế đã được miễn, giảm, hoàn cao hơn so với quy định hoặc số tiền thuế khai thiếu;
– Phải tiến hành việc điều chỉnh lại số thuế, số lỗ giá trị gia tăng đầu vào được khấu trừ chuyển kỳ sau (nếu có);
– Đồng thời, Phải nộp đủ số tiền thuế thiếu, số tiền thuế được hoàn, miễn, giảm cao hơn quy định và tiền chậm nộp tiền thuế vào ngân sách nhà nước;
Đối với các trường hợp đã quá thời hiệu xử phạt thì người nộp thuế không bị xử phạt nêu trên, tuy nhiên người nộp thuế phải nộp đủ số tiền thuế thiếu, số tiền thuế được hoàn, miễn, giảm cao hơn quy định và tiền chậm nộp tiền thuế vào ngân sách nhà nước theo thời hạn theo quy định.
Căn cứ theo quy định tại Điểm a, Khoản 2 Điều 8 Nghị định 125/2020/NĐ-CP thời hiệu xử phạt vi đối với hành vi vi phạm liên quan đến kê khai thuế chính là 02 năm, tính kể từ ngày thực hiện hành vi vi phạm đó.
Căn cứ theo quy định tại Khoản 6 Điều 8 Nghị định 125/2020/NĐ-CP, thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn và thời hạn được coi là chưa bị xử phạt; thời hạn truy thu thuế như sau:
– Trong thời hạn mười năm trở về trước, kể từ ngày phát hiện hành vi vi phạm mà quá thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về thuế thì người nộp thuế không bị xử phạt nhưng vẫn phải nộp đủ tiền thuế truy thu số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn cao hơn quy định, số tiền thuế thiếu, số tiền thuế trốn, số tiền chậm nộp tiền thuế vào ngân sách nhà nước.
Đối với những người nộp thuế không đăng ký thuế thì phải nộp đủ số tiền chậm nộp tiền thuế, tiền thuế thiếu, số tiền thuế trốn cho toàn bộ thời gian trở về trước, kể từ ngày phát hiện hành vi vi phạm.
– Thời hạn truy thu thuế nêu trên chỉ áp dụng đối với các khoản thuế theo pháp luật về thuế và khoản thu khác do cá nhân, tổ chức tự khai, tự nộp vào ngân sách nhà nước.
Đối với các khoản thu từ đất đai hoặc khoản thu khác do cơ quan có thẩm quyền xác định nghĩa vụ tài chính của tổ chức, cá nhân thì cơ quan có thẩm quyền xác định thời hạn truy thu theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật có liên quan nhưng không ít hơn thời hạn truy thu theo quy định.
Ngoài ra, quý bạn đọc cũng cần lưu ý rằng đối với các trường hợp người nộp thuế có hành vi khai sai như đã phân tích nêu trên tuy nhiên không dẫn đến tăng số thuế được miễn, giảm, thiếu số thuế phải nộp hoặc chưa được hoàn thuế thì không bị xử phạt nêu trên mà sẽ xử phạt theo quy định tại khoản 3 Điều 12 Nghị định 125/2020/NĐ-CP, cụ thể:
Đối với một trong các hành vi dưới đây thì phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng, cụ thể:
– Khai sai, khai không đầy đủ các chỉ tiêu liên quan đến xác định nghĩa vụ thuế trong hồ sơ thuế;
– Các trường hợp người nộp thuế có hành vi khai sai như đã phân tích nêu trên tuy nhiên không dẫn đến tăng số thuế được miễn, giảm, thiếu số thuế phải nộp hoặc chưa được hoàn thuế,…
2. Mức giảm trừ giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc:
Người phụ thuộc là người mà đối tượng nộp thuế thu nhập cá nhân có trách nhiệm phải nuôi dưỡng. Theo đó, người phụ thuộc bao gồm có:
i) Các cá nhân có thu nhập không vượt quá mức quy định pháp luật hoặc không có thu nhập. Theo đó, bao gồm các đối tượng sau đây:
– Con thành niên đang học đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp hoặc học nghề;
– Bố, mẹ đã hết tuổi lao động hoặc không có khả năng lao động; những người khác không nơi nương tựa mà người nộp thuế phải trực tiếp nuôi dưỡng.
– Vợ hoặc chồng không có khả năng lao động;
ii) Con chưa thành niên; Con bị tàn tật và không có khả năng lao động.
Hiện nay, pháp luật quy định mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc như sau:
– Trước ngày 01/7/2020: Mức giảm trừ là 3.600.000 đồng/tháng, tương ứng với mức giảm trừ 43.200.000 đồng/người/năm.
– Kể từ ngày 01/7/2020: Mức giảm trừ là 4.400.000 đồng/tháng, tương ứng với mức giảm từ 52.800.000 đồng/người/năm.
3. Nguyên tắc giảm trừ đối với người phụ thuộc:
Hiện nay, pháp luật quy định việc giảm trừ đối với người phụ thuộc thực hiện theo nguyên tắc sau đây:
Thứ nhất, Để được tính giảm trừ thì theo quy định người nộp thuế đã thực hiện việc đăng ký thuế và được cấp mã số thuế.
Thứ hai, trong trường hợp mà người nộp thuế đăng ký giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc thì theo quy định cơ quan thuế có trách nhiệm cấp mã số thuế cho người phụ thuộc và sẽ được tạm tính giảm trừ gia cảnh trong năm kể từ khi đăng ký.
Thứ ba, Mỗi người phụ thuộc chỉ được tính giảm trừ một lần vào một người nộp thuế trong năm tính thuế.
Thứ tư, Đối với các trường hợp mà người nộp thuế chưa tính giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc trong năm tính thuế thì:
– Theo quy định, sẽ được tính giảm trừ cho người phụ thuộc kể từ tháng phát sinh nghĩa vụ nuôi dưỡng khi người nộp thuế thực hiện quyết toán thuế và có đăng ký giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc.
Tuy nhiên, đối với người phụ thuộc là các cá nhân khác không nơi nương tựa mà người nộp thuế đang phải trực tiếp nuôi dưỡng thì theo quy định cần phải đảm bảo thời hạn đăng ký giảm trừ gia cảnh chậm nhất là ngày 31 tháng 12 của năm tính thuế. Đối với các trường hợp quá thời hạn như trên thì không được tính giảm trừ gia cảnh cho năm tính thuế đó.
Thứ năm, trường hợp nhiều người nộp thuế có chung người phụ thuộc phải nuôi dưỡng thì theo quy định người nộp thuế có trách nhiệm phải tự thỏa thuận để đăng ký giảm trừ gia cảnh vào một người nộp thuế. Như vậy, thông thường người nộp thuế nào có mức lương cao hơn thì sẽ tiến hành việc đăng ký người phụ thuộc.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
Thông tư 111/2013/TT-BTC hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân và Nghị định số 65/2013/NĐ-CP ngày 27 tháng 6 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân.