1. Báo cáo thuế là gì?

Thuế được coi là khoản nộp bắt buộc mà các cá nhân và pháp nhân (tổ chức) có quyền và nghĩa vụ thực hiện đối với nhà nước, phát sinh trên cơ sở các văn bản pháp luật do nhà nước ban hành và quy định, không mang tính chất hoàn toàn đối giá và hoàn trả trực tiếp cho đối tượng nộp thuế.

Chưa có định nghĩa cụ thể báo cáo thuế là gì, tuy nhiên có thể hiểu báo cáo thuế là chuyên môn nghiệp vụ của kế toán, thực hiện hoạt động kê khai hóa đơn giá trị gia tăng đầu vào được phát sinh trong quá trình mua hàng hóa hay mua dịch vụ và các hóa đơn bán hàng do đơn vị phát hành là Thuế giá trị gia tăng đầu ra. Báo cáo thuế được xem là công cụ quản lý của cơ quan thuế nắm bắt tình hình hoạt động của doanh nghiệp. Chính vì thế cần nắm bắt rõ các quy định pháp luật về làm báo cáo thuế như: thủ tục làm báo cáo thuế, lịch nộp báo cáo thuế, hay các công việc cần làm để hoàn thiện báo cáo thuế,…

Báo cáo thuế là thủ tục bắt buộc khi doanh nghiệp tiến hành hoạt động đăng ký kinh doanh. Khi đó, trách nhiệm kê khai thuộc về doanh nghiệp với cơ quan nhà nước. Doanh nghiệp tự làm báo cáo, tự khai và chịu trách nhiệm trước những số liệu mà mình đã khai. Có hai hình thức làm báo cáo thuế đó là báo cáo bằng văn bản và báo cáo điện tử. Hiện nay hình thức thông báo bằng điện tử được sử dụng phổ biến bởi nhiều ưu điểm mà hình thức này mang lại như tiết kiệm chi phí, công sức, thời gian.

 

2. Công việc làm báo cáo thuế

Lập báo cáo thuế là hoạt động kê khai các hóa đơn thuế GTGT đầu vào và đầu ra phát sinh trong quá trình mua bán hàng hóa, dịch vụ. Đây được coi là cầu nối để các cơ quan quản lý thuế có thể nắm bắt được tình hình hoạt động chung của doanh nghiệp. Chính vì vậy, đối với mỗi doanh nghiệp, việc xác định các loại tờ khai, thời hạn nộp tờ khai, thời hạn nộp thuế khi có phát sinh là vấn đề cực kỳ quan trọng.

Về cơ bản, các loại thuế mà doanh nghiệp cần kê khai và nộp gồm những loại thuế sau:

– Thuế xuất nhập khẩu hàng hóa;

– Thuế tiêu thụ đặc biệt;

– Thuế bảo vệ môi trường;

– Thuế môn bài;

– Thuế thu nhập cá nhân;

– Thuế giá trị gia tăng;

– Thuế thu nhập doanh nghiệp.

Làm báo cáo thuế là gì? Là kế toán thực hiện khai báo và nộp các khoản thuế trên tới cơ quan quản lý thuế nhà nước. Làm báo cáo thuế sẽ thực hiện theo hai trường hợp đó là: báo cáo thuế hàng tháng và báo cáo thuế bất thường. Thông thường đây cũng là các băn khoăn của các công ty, doanh nghiệp mới thành lập. Ngoài việc kê khai các thông tin trên, kế toán còn thực hiện các nghiệp vụ như: tạo tài khoản ngân hàng, đăng ký chữ ký số doanh nghiệp, khai thuế môn bài, chuẩn bị hồ sơ kê khai thuế.

 

3. Các loại thuế phải nộp các tờ khai thuế và báo cáo thuế

Định kỳ hàng tháng và hàng quý, các doanh nghiệp cần lưu ý để lập báo cáo thuế bao gồm: Lệ phí môn bài, Tờ khai thuế GTGT, tờ khai thuế TNCN, báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn, tạm tính tiền thuế TNDN (nếu có). Cụ thể:

 

3.1 Lệ phí môn bài

Lệ phí môn bài là mức thuế doanh nghiệp phải đóng hàng năm dựa vào vốn điều lệ được ghi trên giấy phép kinh doanh. Lệ phí môn bài là một sắc thuế trực thu và thường là định ngạch đánh vào GPKD (môn bài) của các doanh nghiệp và hộ kinh doanh. Hiểu đơn giản, đây là mức thuế doanh nghiệp/công ty phải nộp hàng năm cho cơ quan quản lý thuế trực tiếp. Mức thu phân theo bậc, dựa vào số vốn đăng ký; doanh thu của năm kinh doanh kế trước hoặc giá trị gia tăng của năm kinh doanh kế trước tùy quốc gia/địa phương.

Các doanh nghiệp phải nộp tờ khai lệ phí môn bài năm 2022 cho Cơ Quan Thuế chậm nhất là ngày 30/01/2022 nếu trong năm 2020 có thay đổi vốn làm thay đổi bậc môn bài hoặc có sự thay đổi đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh. Trường hợp các doanh nghiệp thực hiện việc nộp lệ phí môn bài theo Nghị định 22/2020/NĐ-CP ngày 24/02/2020 của Chính phủ thì thời hạn nộp tờ khai lệ phí môn bài năm 2022 chậm nhất là ngày 30/01/2022.

 

3.2 Thuế GTGT

Thuế giá trị gia tăng (thuế GTGT) là thuế tính trên giá trị tăng thêm của hàng hóa, dịch vụ phát sinh trong quá trình từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng. Căn cứ quy định tại Điều 8, Nghị định 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020, thuế GTGT là loại thuế kê khai theo Tháng. Trường hợp các doanh nghiệp đáp ứng đủ tiêu chí theo quy định tại Điều 9 Nghị định 126/2020/ND-CP thì được lựa chọn kê khai thuế theo Quý.

Cụ thể như sau: Trường hợp doanh thu năm 2020 từ 50 tỷ trở lên, doanh nghiệp nộp thuế thuộc diện kê khai thuế GTGT theo tháng kể từ kỳ thuế Tháng 01/2022, không được áp dụng khai thuế theo Quý. Trường hợp doanh thu năm 2020 dưới 50 tỷ, doanh nghiệp nộp thuế được lựa chọn kê khai thuế theo tháng hoặc quý. Các doanh nghiệp nộp thuế đang kê khai thuế theo tháng muốn chuyển sang khai thuế theo quý thì gửi văn bản đề nghị đến Cơ Quan Thuế quản lý trực tiếp chậm nhất ngày 31/01 của năm bắt đầu khai thuế theo quý. Nếu sau thời hạn này doanh nghiệp nộp thuế không gửi văn bản đến Cơ Quan Thuế thì doanh nghiệp nộp thuế tiếp tục kê khai thuế theo tháng. Việc kê khai thuế theo tháng theo quý được áp dụng trọn năm dương lịch.

 

3.3 Thuế thu nhập cá nhân

Thuế TNCN là các khoản tiền thuế mà người có thu nhập phải trích một phần tiền lương hoặc từ các nguồn thu khác vào ngân sách nhà nước sau khi đã tính các khoản được giảm trừ. Đối tượng phải nộp thuế thu nhập cá nhân gồm: cá nhân cư trú và cá nhân không cư trú tại Việt Nam có thu nhập chịu thuế.

+ Đối với cá nhân cư trú, thu nhập chịu thuế là thu nhập phát sinh trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam, không phân biệt nơi trả thu nhập

+ Đối với cá nhân không cư trú, thu nhập chịu thuế là thu nhập phát sinh tại Việt Nam, không phân biệt nơi trả và nhận thu nhập

Nếu doanh nghiệp kê khai thuế GTGT theo quý thì doanh nghiệp cũng kê khai thuế TNCN theo quý. Nếu doanh nghiệp kê khai thuế TNCN theo tháng, thì sẽ xảy ra 2 trường hợp sau:

+ Số thuế TNCN phải nộp trong tháng lớn hơn 50 triệu đồng thì kê khai theo tháng.

+ Số thuế TNCN phải nộp phát sinh trong tháng nhỏ hơn 50 triệu đồng thì sẽ kê khai theo quý.

Căn cứ quy định tại Điều 8, Nghị định 126/2020/NĐ-CP, thuế thu nhập cá nhân là loại thuế kê khai theo tháng. Trường hợp các doanh nghiệp nộp thuế đáp ứng đủ tiêu chí theo quy định tại Điều 9, Nghị định 126/2020/NĐ-CP thì được lựa chọn kê khai thuế theo quý. Cụ thể như sau:

Doanh nghiệp nộp thuế thuộc diện nộp tờ khai thuế GTGT theo tháng thì nộp tờ khai thuế thu nhập cá nhân tạm tính theo tháng, doanh nghiệp nộp thuế thuộc diện nộp tờ khai thuế giá trị gia tăng theo quý thì được lựa chọn khai thuế thu nhập cá nhân tạm tính theo tháng hoặc quý. Doanh nghiệp nộp thuế thuộc đối tượng không phải nộp tờ khai thuế giá trị gia tăng theo quy định thì doanh nghiệp nộp thuế nộp tờ khai thuế thu nhập cá nhân theo tháng.

Trường hợp xác định khai thuế thu nhập cá nhân theo quý theo quy định tại Điều 9 Nghị định 126/2020/NĐ-CP thì gửi văn bản đề nghị quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này đề nghị thay đổi kỳ tính thuế đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp chậm nhất là 31 tháng 01 của năm bắt đầu khai thuế theo quý Việc kê khai thuế theo tháng hay theo quý được xác định một lần kể từ tháng hay quý đầu tiên phát sinh nghĩa vụ khai thuế và được áp dụng ổn định trong cả năm dương lịch. Ngoài ra, trong lĩnh vực đăng ký thuế: Bộ Tài Chính đã ban hành Thông tư 105/2020/TT-BTC ngày 03/12/2020 hướng dẫn về đăng ký thuế, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 17/01/2021. Các đơn vị doanh nghiệp cần chú ý để kịp thời áp dụng cho các hoạt động của mình.

 

3.4 Thuế thu nhập doanh nghiệp

Thuế thu nhập doanh nghiệp (tiếng Anh là Profit tax) là loại thuế trực thu, được thu dựa vào kết quả cuối cùng của hoạt động sản xuất, kinh doanh của tổ chức, doanh nghiệp. Đối tượng phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp bao gồm các tổ chức, doanh nghiệp có sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ tạo ra thu nhập. Tổ chức, công ty, doanh nghiệp khi đăng ký thuế sẽ được cấp mã số thuế doanh nghiệp dùng để nộp thuế TNDN.

Lưu ý: Nếu số tiền thuế TNDN tạm nộp hàng quý thấp hơn số tiền thuế phải nộp theo tờ khai quyết toán năm từ 20% trở lên, thì doanh nghiệp sẽ bị phạt vì chậm nộp tiền thuế.

 

3.5 Báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn

– Doanh nghiệp nộp báo cáo theo tháng: Đối tượng áp dụng: Doanh nghiệp thuộc loại rủi ro cao về thuế (Theo Thông tư 119/2014/TT-BTC ở Điều 5 Khoản 4. Sửa đổi khổ thứ hai Điều 27 Thông tư số 39/2014/TT-BTC)

– Doanh nghiệp nộp báo cáo theo quý: Đối tượng áp dụng: Doanh nghiệp không có thông báo của thuế về việc doanh nghiệp thuộc loại rủi ro cao về thuế. Báo cáo tài chính và quyết toán thuế TNDN, thuế TNCN: Bắt đầu từ quý 4 năm 2014, theo Thông tư 151/2014/TT-BTC thì doanh nghiệp không phải làm tờ khai thuế TNDN tạm tính quý nữa mà chỉ phải tạm tính ra số tiền thuế phải nộp, và số tiền thuế TNDN tạm tính đi nộp (nếu có).

Lưu ý: Tất cả mọi doanh nghiệp đều phải nộp báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn theo quý, kể cả doanh nghiệp mới thành lập. Ngoại trừ những doanh nghiệp thuộc diện rủi ro cao về thuế thì phải làm báo cáo hóa đơn theo tháng. Trong kỳ nếu doanh nghiệp phát sinh hóa đơn nào thì vẫn phải làm báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn. Nếu doanh nghiệp mới thành lập, chưa thông báo phát hành hóa đơn thì không phải làm báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn.

 

4. Thời hạn và lịch nộp các loại tờ khai thuế, báo cáo thuế

Lịch nộp tờ khai thuế và báo cáo thuế mới nhất được quy định trong Luật Quản lý thuế 2019, Thông tư 156/2013/TT-BTC, Thông tư 39/2014/TT-BTC, Thông tư 151/2014-TT-BTC, Thông tư 302/2016/TT-BTC và Nghị định 139/2016/NĐ-CP. Cụ thể như sau:

– Tờ khai nộp thuế môn bài, đối với các doanh nghiệp đang hoạt động thù được nộp tới cơ quan thuế nhà nước chậm nhất vào ngày 30/01 năm sau. Trường hợp doanh nghiệp mới thành lập thì nộp tờ khai lệ phí môn bài chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng bắt đầu hoạt động kinh doanh.

– Tờ khai thuế Giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân,… sẽ có thời hạn nộp tờ khai theo các kỳ kế toán khác nhau.

+ Theo tháng thì tờ khai các loại thuế trên bắt buộc phải nộp chậm nhất là 20 ngày của tháng sau.

+ Theo quý tờ khai được nộp chậm nhất là 30 ngày của tháng đầu tiên của quý sau.

+ Đối với hồ sơ quyết toán thuế năm cần thực hiện đúng thời hạn, chậm nhất là 90 ngày kể từ ngày kết thúc năm dương lịch hoặc năm tài chính

Một số lưu ý:

– Nếu ngày cuối cùng của thời hạn nộp trùng vào ngày nghỉ theo quy định (thứ bảy, chủ nhật, nghỉ lễ…) thì ngày cuối cùng của thời hạn nộp sẽ tính vào ngày làm việc ngay sau đó.

– Thời hạn nộp tờ khai báo cáo thuế cũng là thời hạn nộp tiền thuế (nếu doanh nghiệp kê khai ra còn số tiền phải nộp).

– Với trường hợp các doanh nghiệp có chia tách, sáp nhập, chuyển đổi sở hữu, giải thể hay chấm dứt hoạt động… thì thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế chậm nhất là ngày thứ 45.

Theo Điều 44 Luật Quản Lý Thuế Số 38/2019/QH14 ban hành ngày 13 tháng 06 năm 2019, có hiệu lực thi hành ngày 01 tháng 07 năm 2020, quy định chi tiết như sau:

Điều 44. Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế

1. Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế đối với loại thuế khai theo tháng, theo quý được quy định như sau:

a) Chậm nhất là ngày thứ 20 của tháng tiếp theo tháng phát sinh nghĩa vụ thuế đối với trường hợp khai và nộp theo tháng;

b) Chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng đầu của quý tiếp theo quý phát sinh nghĩa vụ thuế đối với trường hợp khai và nộp theo quý.

2. Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế đối với loại thuế có kỳ tính thuế theo năm được quy định như sau:

a) Chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng thứ 3 kể từ ngày kết thúc năm dương lịch hoặc năm tài chính đối với hồ sơ quyết toán thuế năm; chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng đầu tiên của năm dương lịch hoặc năm tài chính đối với hồ sơ khai thuế năm;

b) Chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng thứ 4 kể từ ngày kết thúc năm dương lịch đối với hồ sơ quyết toán thuế thu nhập cá nhân của cá nhân trực tiếp quyết toán thuế;

c) Chậm nhất là ngày 15 tháng 12 của năm trước liền kề đối với hồ sơ khai thuế khoán của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán; trường hợp hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh mới kinh doanh thì thời hạn nộp hồ sơ khai thuế khoán chậm nhất là 10 ngày kể từ ngày bắt đầu kinh doanh.

3. Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế đối với loại thuế khai và nộp theo từng lần phát sinh nghĩa vụ thuế chậm nhất là ngày thứ 10 kể từ ngày phát sinh nghĩa vụ thuế.

4. Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế đối với trường hợp chấm dứt hoạt động, chấm dứt hợp đồng hoặc tổ chức lại doanh nghiệp chậm nhất là ngày thứ 45 kể từ ngày xảy ra sự kiện.

Trên đây là những chia sẻ Luật LVN Group về báo cáo thuế. Hy vọng, qua bài viết này quý khách hàng và các bạn đọc sẽ nắm rõ được thời hạn nộp tờ khai, thời hạn nộp tiền thuế để áp dụng cho đúng với các quy định của pháp luật. Mọi vướng mắc xin vui lòng liên hệ chúng tôi qua tổng đài 1900.0191 để được giải đáp kịp thời. Xin chân thành cảm ơn quý độc giả lắng nghe và theo dõi!