Hiến chương Liên Hợp Quốc nghiêm cấm việc đe doạ dùng vũ lực hay dùng vũ lực trong quan hệ giữa các nước. Liên Hợp Quốc cũng đã quy định các thành viên của Liên hợp quốc giải quyết các tranh chấp trong quan hệ với nhau bằng các biện pháp hoà bình. Hiến chương Liên Hợp Quốc quy định: “Các quốc gia có bổn phận không dùng đe dọa hay sử dụng vũ lực để vi phạm các biên giới quốc tế hiện có của một quốc gia khác hay như biện pháp giải quyết tranh chấp quốc tế, kể cả các tranh chấp về lãnh thổ và các vấn đề liên quan đến các biên giới của các quốc gia”.

 Vì vậy, thương lượng hòa bình chính là con đường đúng đắn nhất để giải quyết cuộc tranh chấp về hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Trên cơ sở của luật pháp quốc tế, Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mình đồng thời tôn trọng nguyên tắc không đe doạ dùng vũ lực hay dùng vũ lực để giải quyết tranh chấp, trước sau như một chủ trương giải quyết bằng thương lượng hoà bình mọi tranh chấp giữa hai nước, đặc biệt là tranh chấp ở hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

Là một trong 5 nước uỷ viên thường trực của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, Trung Quốc có nghĩa vụ lớn tôn trọng và thực hiện Hiến chương Liên hợp quốc.

Chủ trương của chúng ta ở quần đảo Trường Sa là: Phải nghiêm túc thực hiện Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển năm 1982, nghiêm túc thực hiện Tuyên bố ứng xử của các bên liên quan ở biển Đông (DOC) và các nguyên tắc thỏa thuận mới đây mà Việt Nam và Trung Quốc vừa ký kết. Chúng ta yêu cầu các bên giữ nguyên hiện trạng, không có những hành động làm phức tạp thêm, ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định ở khu vực này.” Việt Nam và Trung Quốc cũng đã ký kết “Thỏa thuận các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết các vấn đề trên biển”,  để thực hiện có hiệu quả những cam kết này, yêu cầu đặt ra là các bên trong đàm phán phải thực sự thiện chí chứ không phải bằng tương quan lực lượng

Giải quyết hoà bình cuộc tranh chấp về hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là đáp ứng nguyện vọng hoà bình của nhân dân Việt Nam và nhân dân Trung Quốc, phù hợp với các nguyên tắc của Luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc, phù hợp với lợi ích của hoà bình, ổn định và hợp tác ở Đông Nam Á, khu vực châu Á – Thái Bình Dương và trên toàn thế giới. Đó là con đường đúng đắn nhất.

 

1. Việc thực hiện quyền chủ quyền, quyền tài phán trên các vùng dặc quyền kinh tế, thềm lục địa

Theo quy định tại công ước về Luật Biển 1982 của Liên Hợp quốc thì:

 

1.1 Vùng đặc quyền kinh tế.

– Theo Điều 55:  Vùng đặc quyền về kinh tế là một vùng nằm ở phía ngoài lãnh hải và tiếp liền với lãnh hải, đặt dưới chế độ pháp lý riêng quy định trong phần này, theo đó các quyền và quyền tài phán của quốc gia ven biển và các quyền tự do của các quốc gia khác đều do các quy định thích hợp của Công ước điều chỉnh. Vùng đặc quyền về kinh tế không được mở rộng ra quá 200 hải lý kể từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải ( Điều 57).

Điều 56, quốc gia ven biển có:

+)  Các quyền thuộc chủ quyền về việc thăm dò khai thác, bảo tồn và quản lý các tài nguyên thiên nhiên, sinh vật hoặc không sinh vật, của vùng nước bên trên đáy biển, của đáy biển và lòng đất dưới đáy biển, cũng như về những hoạt động khác nhằm thăm dò và khai thác vùng này vì mục đích kinh tế, như việc sản xuất năng lượng từ nước, hải lưu và gió.

+)  Quyền tài phán theo đúng những quy định thích hợp của Công ước về việc:

i. Lắp đặt và sử dụng các đảo nhân tạo, các thiết bị và công trình;

ii. Nghiên cứu khoa học về biển;

iii. Bảo vệ và gìn giữ môi trường biển;

+) Các quyền và các nghĩa vụ khác do Công ước quy định.

 

1.2 Vùng thềm lục địa

Điều76. Định nghĩa thềm lục địa

 Thềm lục địa của một quốc gia ven biển bao gồm đáy biển và lòng đất dưới đáy biển bên ngoài lãnh hải của quốc gia đó, trên toàn bộ phần kéo dài tự nhiên của lãnh thổ đất liền của quốc gia đó cho đến bờ ngoài của rìa lục địa, hoặc đến cách đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải 200 hải lý, khi bờ ngoài của rìa lục địa của quốc gia đó ờ khoảng cách gần hơn.

Điều 77. Các quyền của các quốc gia ven biển đối với thềm lục địa

 Quốc gia ven biển thực hiện các quyền thuộc chủ quyền đối với thềm lục địa về mặt thăm dò và khai thác tài nguyên thiên nhiên của mình; có quyền đặt các dây cáp và ống dẫn ngầm ở thềm lục địa.

   Theo đó Việt Nam là một quốc gia ven biển cũng có chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển ở Biển Đông được xác định theo đúng các quy định của Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982), mà Việt Nam và các nước ở Biển Đông đều là thành viên. Do đó, mọi hoạt động của nước ngoài trên các vùng biển Việt Nam phải tuân thủ các quy định có liên quan của UNCLOS 1982 và pháp luật Việt Nam.

Với việc thực hiện quyền chủ quyền, quyền tài phán trên các vùng ĐQKT, TLĐ của Việt Nam đã có sự tranh chấp với Trung Quốc với các hành vi vi phạm đến quyền chủ quyền và quyền tài phán trên các vùng ĐQKT và TLĐ của Việt Nam.  Cụ thể là: Tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc và tàu hộ tống của nó đã thực hiện khảo sát địa chất bị cáo buộc tại Vùng đặc quyền kinh tế (“EEZ”) và thềm lục địa (trong đó có Bãi Tư Chính) của Việt Nam.

 Trước hành động trên của Trung Quốc vào Ngày 19/7/2019 gần đây nhất, trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến diễn biến ở khu vực Biển Đông, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng đã nhấn mạnh: “Trong những ngày qua, nhóm tàu khảo sát Hải Dương 08 của Trung Quốc đã có hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Nam Biển Đông. Đây là vùng biển hoàn toàn của Việt Nam, được xác định theo đúng các quy định của UNCLOS 1982 mà Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên. Việt Nam đã tiếp xúc nhiều lần với phía Trung Quốc ở các kênh khác nhau, trao công hàm phản đối, kiên quyết yêu cầu chấm dứt ngay các hành vi vi phạm, rút toàn bộ tàu ra khỏi vùng biển Việt Nam; tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam vì quan hệ hai nước và ổn định, hòa bình ở khu vực”.

Nội dung được thể hiện trong tuyên bố nói trên là nghiêm túc, phản ánh đúng sự thật khách quan và được trình bày một cách rõ ràng, chặt chẽ, phù hợp với những quy định của UNCLOS 1982, Luật Biển Việt Nam năm 2012, cũng như các tiền lệ pháp lý, đặc biệt là Phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế The Hague năm 2016, khẳng định trên của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam có căn cứ pháp lý rõ ràng.

Tuy nhiên về phía Trung Quốc: Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã đưa ra tuyên bố họ hy vọng phía Việt Nam có thể nghiêm túc tôn trọng quyền, chủ quyền và quyền tài phán của Trung Quốc đối với các vùng biển liên quan và không thực hiện bất kỳ hành động nào có thể làm phức tạp tình hình. Theo đó, Trung Quốc cho rằng nơi tàu của Trung Quốc thực hiện khảo sát địa chất không thuộc EEZ và thềm lục địa của Việt Nam mà vẫn thuộc EEZ và thềm lục địa của Trung Quốc. Tuyên bố này cho thấy rằng Trung Quốc vẫn tiếp tục dựa vào yêu sách lãnh thổ “Đường Chín Đoạn” để xác lập quyền, chủ quyền, quyền tài phán trên EEZ và thềm lục địa trên biển Đông.

Những hành động của Trung Quốc đã vấp phải sự lên án mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế. Cụ thể, Bộ Ngoại Giao Mỹ và một số quan chức cấp cao của Mỹ đã lên án các hành động khiêu khích liên tục của Trung Quốc trên Biển Đông và cho rằng các hành vi can thiệp của Trung Quốc đối với hoạt động dầu khí của Việt Nam đang diễn ra là gây sức ép, đe dọa và gây mất an ninh năng lượng trong khu vực. Mỹ yêu cầu Trung Quốc lập tức ngừng hành vi “bắt nạt” và các hành động gây bất ổn này.

 

2. Xét về những hành vi của Trung Quốc:

 +) Thứ nhất: Các hành vi trên thể hiện rằng Trung Quốc vẫn chưa từ bỏ yêu sách Đường Chín Đoạn và quyền lịch sử đối với các nguồn tài nguyên ở các vùng nước nằm trong Đường Chín Đoạn. Đường Chín Đoạn là ranh giới trên biển của Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông) mà Trung Quốc đã chủ trương và đơn phương tuyên bố. Đường Chín Đoạn ôm trọn gần 80% diện tích Biển Nam Trung Hoa và được thiết lập dựa trên cái gọi là quyền lịch sử của Trung Quốc, nhưng không phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển quốc tế (“UNCLOS“).

 +) Thứ hai: Việc Trung Quốc khẳng định chủ quyền của mình trên Biển Đông đã bị các nước láng giềng phản đối. Vào ngày 22/01/2013, Philippines đã gửi đơn khởi kiện tại tòa trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII của UNCLOS để kiện Trung Quốc về tuyên bố đơn phương liên quan đến chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông được xác lập bởi Đường Chín Đoạn và một số vấn đề khác. Năm 2016, phán quyết của tòa trọng tài đã bác bỏ tất cả các cơ sở pháp lý đối với Đường Chín Đoạn này của Trung Quốc. Do đó, với tư cách là thành viên của UNCLOS, Trung Quốc phải tôn trọng cách xác định EEZ và thềm lục địa của tòa trọng tài đã được quy định trong UNCLOS.

 +) Thứ ba: Theo quy định của Điều 56 và 77.1 của UNCLOS, là một quốc gia ven biển, Việt Nam có các quyền chủ quyền trong việc thăm dò, khai thác tài nguyên và quyền tài phán tại EEZ và thềm lục địa. Các quốc gia thành viên khác có nghĩa vụ tôn trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán này, không có quyền thăm dò thềm lục địa hay khai thác tài nguyên thiên nhiên của thềm lục địa nếu không có sự thỏa thuận rõ ràng của quốc gia ven biển. Ngoài ra, theo Điều 246 UNCLOS thì Trung Quốc được phép thực hiện hoạt động nghiên cứu khoa học biển, nhưng phải được sự đồng ý từ trước của nước ven biển liên quan (ví dụ Việt Nam). Tuy nhiên, Trung Quốc chưa có được sự đồng ý từ trước này từ Việt Nam.

Ngoài UNCLOS, các tàu của Trung Quốc trong trường hợp này có thể đã vi phạm Luật Biển Việt Nam. Vì tàu thuyền, tổ chức, cá nhân nước ngoài muốn tiến hành nghiên cứu khoa học trong vùng biển Việt Nam phải có giấy phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam, chịu sự giám sát của phía Việt Nam và tuân thủ các quy định khác tại Điều 36 Luật Biển Việt Nam 2012.

  • Những hành vi của TQ là bất hợp pháp, vi phạm đến quyền chủ quyền và quyền tài phán của VN trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Và để ngăn chặn những hành vi trên của TQ nước ta cần có những biện pháp hợp lý để giải quyết, phù hợp với nguyên tắc được quy định trong UNCLOS 1982.

 

3. Những biện pháp pháp lý để giải quyết tranh chấp với Trung Quốc của Việt Nam là:

Đối với các hành vi gần đây của Trung Quốc, Việt Nam có thể thực hiện một số hành động pháp lý sau:

Thứ nhất, theo quy định tại Phần XV của UNCLOS sau khi giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, Việt Nam được quyền lựa chọn các phương thức giải quyết tranh chấp được đề cập tại Điều 287 UNCLOS trong đó có đưa vụ việc ra Tòa Án Quốc Tế. Tuy nhiên Tòa Án Quốc Tế sẽ không có thẩm quyển xử lý nếu không có sự đồng ý của hai bên trong tranh chấp. Do đó, phương án khả thi nhất như tiền lệ vụ Philippines kiện Trung Quốc, đó là sử dụng Tòa trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII vì tòa trọng tài không nhất thiết cần có sự đồng ý của bên kia. Vì các hành động của Trung Quốc không thỏa mãn ngoại lệ theo Điều 297.2 và 298 của UNCLOS, Việt Nam có quyền giải quyết tranh chấp thông qua Tòa Án Trọng Tài Thường Trực.

Tuy nhiên để toà trọng tài có thẩm quyền giải quyết tranh chấp, cần thoả mãn tất cả các điều kiện sau:

(i) Sự việc tàu Hải Dương 8 là một tranh chấp về giải thích và áp dụng UNCLOS;

(ii) Việt Nam đã thoả mãn điều kiện về trao đổi quan điểm theo Điều 283 UNCLOS;

(iii) Giữa Việt Nam và Trung Quốc không có bất kỳ cơ chế giải quyết tranh chấp có tính chất tài phán, pháp lý tương tự như UNCLOS;

(iv) Việt Nam và Trung Quốc không có thoả thuận loại trừ biện pháp tài phán bắt buộc theo UNCLOS và

(v) Việc tàu Hải Dương 8 không thuộc trường hợp ngoại lệ theo Điều 297.2 và 298 UNCLOS.

Điều kiện từ (i) đến (iv) đã được thỏa mãn một cách rõ ràng. Vấn đề còn lại là liệu sự cố này có thuộc ngoại lệ theo Điều 297.2 và 298 của UNCLOS hay không.

Ngoại lệ tại Điều 297.2 chỉ được áp dụng nếu Trung Quốc được công nhận là quốc gia ven biển đối với EEZ trong trường hợp này. Tuy nhiên, Tòa trọng tài ở trong vụ tranh chấp giữa Philippines với Trung Quốc đã khẳng định, Trung Quốc không phải là một quốc gia ven biển. Ngoại lệ tại Điều 298 thì chỉ áp dụng khi nước đang tranh chấp thực hiện bảo lưu khi ký, phê chuẩn hoặc gia nhập UNCLOS. Nhưng Trung Quốc đã không thực hiện bảo lưu như vậy.

Thứ hai, liên quan đến cáo buộc vi phạm Luật Biển Việt Nam, Việt Nam có thể tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính, buộc phía Trung Quốc bồi thường nếu gây ra thiệt hại. Cá nhân vi phạm Luật Biển Việt Nam có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Theo quy định của Điều 8.3; Điều 8.4; Điều 8.5 Nghị định 162/2013/NĐ-CP, phía Trung Quốc có thể sẽ bị: (i) phạt tiền từ 800.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng; (ii) tịch thu tang vật vi phạm hành chính; (iii) áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: buộc người và tàu thuyền vi phạm rời khỏi vùng biển, đảo và thềm lục địa của Việt Nam.

=> Theo Điều 279, 280 của UNCLOS, mọi tranh chấp giữa các quốc gia thành viên về việc giải thích hay áp dụng công ước đều được giải quyết bằng các phương pháp hòa bình trên cơ sở Hiến chương Liên Hợp Quốc. Thì theo tuyên bố đại diện bộ ngoại giao của Việt Nam về vấn đề tranh chấp với Trung Quốc như đã nêu ở trên thì: Việt Nam đã tiếp xúc nhiều lần với phía Trung Quốc ở các kênh khác nhau, trao công hàm phản đối, kiên quyết yêu cầu chấm dứt ngay các hành vi vi phạm, rút toàn bộ tàu ra khỏi vùng biển Việt Nam; tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam vì quan hệ hai nước và ổn định, hòa bình ở khu vực. Tức là nước ta đã tuân thủ những quy định tại Điều 279280 của UNCLOS về giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình.

(Luật LVN Group tổng hợp từ nhiều nguồn trên internet- không rõ tác giả)