Điều kiện và trình tự xin rút ngắn thời gian thử thách án treo

Hiện nay, kể từ khi Luật Thi hành án hình sự năm 2019 ra đời có nhiều quy định mới, trong đó có quy định về việc ngắn thời gian thử thách án treo. Thực tế, nhiều quý bạn đọc chưa thực sự hiểu vấn đề rút ngắn thời gian thử thách án treo, vậy pháp luật quy định như thế nào về điều kiện và trình tự xin rút ngắn thời gian thử thách án treo?

1. Thời gian thử thách án treo được hiểu như thế nào? 

Thời gian thử thách án treo được hiểu là khoảng thời gian cần thiết nhằm để cho người được hưởng án treo trong điều kiện không bị cách ly khỏi đời sống xã hội và được Tòa án quy định có thể chứng minh được sự cải tạo của bản thân trong việc chấp hành nghĩa vụ lao động, nghĩa vụ học tập dưới sự giám sát và giáo dục của các tổ chức, cơ quan, chính quyền địa phương được Tòa án chỉ định giao trách nhiệm.

2. Điều kiện xin rút ngắn thời gian thử thách án treo:

Căn cứ theo quy định tại Khoản 4 Điều 65 Bộ luật Hình sự năm 2015 về án treo Tòa án có thể quyết định rút ngắn thời gian thử thách đối với các trường hợp người được hưởng án treo đã chấp hành được một phần hai thời gian thử thách và có nhiều tiến bộ dựa theo đề nghị của tổ chức, cơ quan có trách nhiệm giám sát, giáo dục. Đồng thời, căn cứ theo quy định tại Điều 89 Luật Thi hành án hình sự năm 2019 thì điều kiện để người được hưởng án treo đề nghị rút ngắn thời gian thử thách khi đáp ứng các điều kiện sau đây:

1) Đã chấp hành được một phần hai thời gian thử thách;

2) Trong thời gian thử thách thì:

– Căn cứ theo quy định tại Điều 87 của Luật Thi hành án Hình sự năm 2019 thì người được hưởng án treo đã chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật, các nghĩa vụ, cụ thể như sau:

+ Một là, có mặt theo giấy triệu tập và cam kết việc chấp hành án theo quy định;

+ Hai là, Thực hiện nghiêm chỉnh cam kết trong việc tuân thủ pháp luật, trong việc thực hiện các nội quy, quy chế của nơi cư trú, nơi làm việc, học tập, nghĩa vụ công dân; Chấp hành đầy đủ hình phạt bổ sung, chấp hành đầy đủ các nghĩa vụ bồi thường thiệt hại. Ngoại trừ trường hợp vì lý do khách quan được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận;

+ Ba là, Chấp hành quy định về việc giải quyết vắng mặt tại nơi cư trú, thay đổi cư trú hoặc nơi làm việc của người được hưởng án treo (tại Điều 92 của Luật Thi hành án Hình sự năm 2019).

+ Bốn là, Chịu sự giám sát, giáo dục của đơn vị quân đội, Ủy ban nhân dân cấp xã được giao giám sát, giáo dục, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu nơi cư trú, nơi làm việc.

+ Năm là, Theo yêu cầu của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu thì phải có mặt.

+ Sáu là, Phải báo cáo bằng văn bản với đơn vị quân đội, Ủy ban nhân dân cấp xã được giao giám sát, giáo dục về tình hình chấp hành nghĩa vụ của mình hằng tháng. Trường hợp vắng mặt theo quy định tại khoản 1 Điều 92 của Luật Thi hành án Hình sự năm 2019 dưới đây thì khi hết thời hạn vắng mặt, người được hưởng án treo phải báo cáo về tình hình chấp hành nghĩa vụ của mình.

Căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 92 Luật Thi hành án năm 2019 thì người được hưởng án treo có thể vắng mặt tại nơi cư trú nếu có lý do chính đáng và phải xin phép và được sự đồng ý của Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục;

Đối với các trường hợp không đồng ý thì Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do. Người được hưởng án treo khi đến nơi cư trú mới phải trình báo với Công an cấp xã nơi mình đến tạm trú, lưu trú; hết thời hạn tạm trú, lưu trú phải có xác nhận của Công an cấp xã nơi tạm trú, lưu trú hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã.

Trường hợp người được hưởng án treo vi phạm pháp luật, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó đến tạm trú, lưu trú phải thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục kèm theo tài liệu có liên quan.

Đồng thời, theo quy định, phải thực hiện khai báo tạm vắng theo quy định của pháp luật về cư trú. Ngoại trừ trường hợp bị bệnh phải điều trị tại cơ sở y tế theo chỉ định của bác sỹ và phải có xác nhận điều trị của cơ sở y tế đó thì thời gian vắng mặt tại nơi cư trú mỗi lần không quá 60 ngày và tổng số thời gian vắng mặt tại nơi cư trú không được vượt quá một phần ba thời gian thử thách.

– Tích cực lao động, học tập, sửa chữa lỗi lầm hoặc lập thành tích trong lao động, bảo vệ an ninh, trật tự được cơ quan nhà nước có thẩm quyền khen thưởng.

Lưu ý: 

Thứ nhất, người được hưởng án treo chỉ được xét rút ngắn thời gian thử thách mỗi lần từ 01 tháng đến 01 năm, mỗi năm 01 lần.

Người được hưởng án treo có thể được rút ngắn thời gian thử thách nhiều lần nhưng cần phải bảo đảm thực tế đã chấp hành ba phần tư thời gian thử thách.

Đối với các trường hợp thời gian thử thách còn lại không quá 01 tháng thì có thể được rút ngắn hết thời gian thử thách còn lại.

Thứ hai, Thời gian thử thách đã được rút ngắn không được tính để trừ vào thời gian chấp hành án phạt tù đối với các trường hợp người được hưởng án treo đã được rút ngắn thời gian thử thách nhưng sau đó vi phạm nghĩa vụ quy định tại Điều 87 của Luật Thi hành án Hình sự năm 2019 đã nêu trên và bị Tòa án quyết định buộc người đó phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo.

Thứ ba, trường hợp người được hưởng án treo bị bệnh hiểm nghèo hoặc lập công và đáp ứng đầy đủ các điều kiện để rút ngắn thời gian thử thách án treo nêu trên thì Tòa án có thể rút ngắn hết thời gian thử thách còn lại.

3. Trình tự xin rút ngắn thời gian thử thách án treo:

Căn cứ theo quy định tại Điều 90 Luật Thi hành án Hình sự năm 2019 và Chương III Thông tư liên tịch số 03/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP thì thủ tục rút ngắn thời gian thử thách đối với người được hưởng án treo như sau:

Bước 1: Tiến hành việc rà soát người đủ điều kiện xét rút người thời gian thử thách

Trách nhiệm tiến hành việc rà soát người đủ điều kiện xét rút người thời gian thử thách đơn vị quân đội, Ủy ban nhân dân cấp xã được giao giáo dục, giám sát người được hưởng án treo có trách nhiệm rà soát người đủ điều kiện xin rút ngắn thời gian thử thách án treo.

Đồng thời, thực hiện việc báo cáo cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu kèm theo tài liệu có liên quan để đề nghị xét rút ngắn thời gian thử thách.

Bước 2: Xem xét đề nghị rút ngắn thời gian thử thách

– Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện lập hồ sơ và có văn bản đề nghị rút ngắn thời gian thử thách đối với người có đủ điều kiện gửi đến Tòa án và Viện kiểm sát cùng cấp kể từ ngày nhận được báo cáo trong thời hạn 07 ngày.

Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện có văn bản thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp xã được giao giám sát, giáo dục người được hưởng án treo đối với các trường hợp xét thấy không đủ điều kiện lập hồ sơ rút ngắn thời gian thử thách thì theo quy định.

– Cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu lập hồ sơ và có văn bản đề nghị rút ngắn thời gian thử thách đối với người có đủ điều kiện gửi đến Tòa án và Viện kiểm sát quân sự khu vực kể từ ngày nhận được báo cáo trong thời hạn 07 ngày.

Cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu có văn bản thông báo cho đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục người được hưởng án treo đối với các trường hợp xét thấy không đủ điều kiện lập hồ sơ rút ngắn thời gian thử thách.

Bước 3: Chuẩn bị hồ sơ đề nghị rút ngắn thời gian thử thách bao gồm

1) Đơn đề nghị rút ngắn thời gian thử thách của người được hưởng án treo;

2) Văn bản đề nghị rút ngắn thời gian thử thách của đơn vị quân đội, Ủy ban nhân dân cấp xã được giao giáo dục, giám sát người được hưởng án treo;

3) Bản sao bản án.

Trường hợp xét rút ngắn thời gian thử thách từ lần thứ hai thì bản sao bản án được thay bằng bản sao quyết định thi hành án treo;

4) Đối với các trường hợp người được hưởng án treo được khen thưởng hoặc lập công thì hồ sơ phải có quyết định khen thưởng hoặc giấy xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về việc người được hưởng án treo lập công;

Đối với các trường hợp bị bệnh hiểm nghèo thì cần phải có kết luận của bệnh viện cấp quân khu trở lên, bệnh viện cấp tỉnh về tình trạng bệnh của họ;

5) Đối với các trường hợp người được hưởng án treo đã được rút ngắn thời gian thử thách thì phải có bản sao quyết định rút ngắn thời gian thử thách.

Bước 4: Quyết định rút ngắn thời gian thử thách

Chánh án Tòa án nhân dân cấp huyện, Chánh án Tòa án quân sự khu vực nơi người được hưởng án treo cư trú hoặc làm việc thành lập Hội đồng và tổ chức phiên họp để xét, quyết định rút ngắn thời gian thử thách trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị rút ngắn thời gian thử thách:

– Thành phần Hội đồng gồm 03 Thẩm phán;

– Phiên họp có sự tham gia của Kiểm sát viên Viện kiểm sát cùng cấp.

– Đối với các trường hợp hồ sơ phải bổ sung theo yêu cầu của Tòa án thì thời hạn mở phiên họp được tính từ ngày nhận được hồ sơ bổ sung.

Tòa án phải gửi quyết định đó cho người chấp hành án, Viện kiểm sát cùng cấp, Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp, cơ quan đề nghị rút ngắn thời gian thử thách, Tòa án đã ra quyết định cho hưởng án treo. Đồng thời, Sở Tư pháp nơi Tòa án ra quyết định cho hưởng án treo có trụ sở trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định về việc chấp nhận toàn bộ, chấp nhận một phần hoặc không chấp nhận rút ngắn thời gian thử thách của án treo theo quy định.

Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết: 

– Bộ luật Hình sự năm 2015;

– Luật Thi hành án hình sự năm 2019;

– Thông tư liên tịch số 03/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP quy định phối hợp trong việc thực hiện trình tự, thủ tục rút ngắn thời gian thử thách đối với người được tha tù trước thời hạn có điều kiện, người được hưởng án treo.

Theo dõi chúng tôi trên
5/5(1
bình chọn
)

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com