1. Khởi kiện chống bán phá giá

1.1 Khái niệm về bán phá giá và chống bán phá giá

– Khái niệm bán phá giá

Hành vi bán phá giá được quy định tại Điều VI của GATT và cụ thể hoá tại “Hiệp định thực thi Điều VI của Hiệp định Chung về Thuế quan Thương mại 1994” (hay còn gọi là “Hiệp định Chống bán phá giá”). Theo đó, hành vi bán phá giá được quy định như sau:

Trong phạm vi hiệp định này, một hàng hóa bị coi là bán phá giá (tức là được đưa vào lưu thông thương mại ở một nước khác với giá thấp hơn giá trị thông thường của hàng hóa đó) nếu như giá xuất khẩu của hàng hóa được xuất khẩu từ nước này sang nước khác thấp hơn mức giá có thể so sánh được của hàng hóa tương tự được tiêu dùng tại nước xuất khẩu theo các điều kiện thương mại thông thường”

Khái niệm chống bán phá giá:

Khi có một hàng hóa được xác định bị bán phá giá khi nhập khẩu vào một quốc gia và hành vi này gây ra thiệt hại đáng kể hoặc đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể của ngành sản xuất trong nước hoặc ngăn cản sự hình thành của ngành sản xuất trong nước. Để ngăn chặn tình trạng này cần áp dụng các biện pháp ngăn chặn. Biện pháp được áp dụng trong trường hợp này được gọi là biện pháp chống bán phá giá

 

1.2. Chủ thể khởi kiện chống bán phá giá

Chủ thể có quyền khởi kiện chống bán phá giá gồm:

– Ngành sản xuất sản phẩm tương tự của nước nhập khẩu (hoặc đại diện của ngành);

– Cơ quan có thẩm quyền của nước nhập khẩu;

Một vụ kiện chống bán phá giá chỉ có thể được tiến hành nếu nó được khởi kiện bởi các chủ thể có quyền khởi kiện. Chỉ các chủ thể trên mới có quyền khởi kiện chống bán phá giá. Trên thực tế, hầu hết các vụ kiện chống bán phá giá đều bắt nguồn từ đơn khởi kiện của ngành sản xuất sản phẩm tương tự của nước nhập khẩu

* Một đơn khởi kiện được cho là hợp lệ và được chấp nhận nếu:  đơn khởi kiện được đệ trình bởi hoặc nhân danh ngành sản xuất trong nước, nếu như đơn này được ủng hộ bởi các nhà sản xuất chiếm tối thiểu 50% tổng sản lượng của sản phẩm tương tự được làm bởi các nhà sản xuất đã bày tỏ ý kiến tán thành hoặc phản đối đơn yêu cầu đó. Đơn khởi kiện sẽ bị bác bỏ nếu như các nhà sản xuất bầy tỏ ý tán thành điều tra chiếm ít hơn 25% tổng sản lượng của sản phẩm tương tự được ngành sản xuất trong nước làm ra. Ngoài ra, đơn khởi kiện phải đảm bảo đủ thông tin về chủ thể nộp đơn, mô tả về hàng hoá bán phá giá, bằng chứng về sự tồn tại của bán phá giá, bằng chứng về thiệt hại và mối quan hệ nhân quả

 

1.3. Các giai đoạn của vụ kiện chống bán phá giá

Bước 1: Ngành sản xuất nội địa nước nhập khẩu nộp đơn kiện (kèm theo chứng cứ ban đầu);

Bước 2: Cơ quan có thẩm quyền ra quyết định khởi xướng điều tra (hoặc từ chối đơn kiện, không điều tra);

Bước 3: Điều tra sơ bộ về việc bán phá giá và về thiệt hại (qua bảng câu hỏi gửi cho các bên liên quan, thu thập, xác minh thông tin, thông tin do các bên tự cung cấp);

Bước 4: Kết luận sơ bộ (có thể kèm theo quyết định áp dụng biện pháp tạm thời như buộc đặt cọc, ký quỹ…);

Bước 5: Tiếp tục điều tra về việc bán phá giá và về thiệt hại (có thể bao gồm điều tra thực địa tại nước xuất khẩu);

Bước 6: Kết luận cuối cùng

Bước 7: Áp dụng biện pháp  và tiến hành rà soát.

 

2. Cơ sở tiến hành thủ tục điều tra

Điều tra bán phá giá được bắt đầu khi:

– Có đơn khởi kiện của đại diện ngành công nghiệp trong nước của nước nhập khẩu sản xuất sản phẩm tương tự với sản phẩm bị điều tra bán phá giá hoặc do chính các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm tương tự với sản phẩm bị điều tra

– Trong trường hợp đặc biệt, các cơ quan hữu quan quyết định bắt đầu một cuộc điều tra mặc dù không có đơn yêu cầu tiến hành điều tra của hay đại diện cho ngành sản xuất trong nước, các cơ quan này chỉ tiến hành điều tra khi có đầy đủ các bằng chứng về việc phá giá về thiệt hại và mối quan hệ nhân quả như được quy định tại khoản 2 của Hiệp định Chống bán phá giá để minh chứng cho hành động bắt đầu điều tra.

 

3. Nội dung điều tra bán phá giá

3.1. Sản phẩm tương tự

Điều 2.6 Hiệp định Chống bán phá giá định nghĩa sản phẩm tương tự như sau:

“sản phẩm giống hệt, tức là sản phẩm có tất cả các đặc tính giống với sản phẩm đang được xem xét, hoặc trong trường hợp không có sản phẩm nào như vậy thì là sản phẩm khác mặc dù không giống ở mọi đặc tính nhưng có nhiều đặc điểm gần giống với sản phẩm được xem xét”

Định nghĩa này xác định hai yêu cầu cơ bản khi xác định sản phẩm tương tự là:

– Sản phẩm giống hệt

– Sản phẩm gần giống có nhiều đặc điểm gần giống với sản phẩm được xem xét

Thực tế, việc xác định sản phẩm tương tự cũng gây ra rất nhiều tranh cãi do chưa có tiêu chí cụ thể để xác định sản phẩm tương tự và thứ tự ưu tiên áp dụng.

 

3.2. So sánh giá xuất khẩu và giá trị thông thường

Để xác định sự tồn tại của bán phá giá, cơ quan có thẩm quyền của quốc gia nhập khẩu phải so sánh sự khác biệt giữa giá xuất khẩu của sản phẩm nhập khẩu với giá trị thông thường của hàng tương tự với sản phẩm nhập khẩu được tiêu thị tại thị trường quốc gia xuất khẩu. Và sự khác biệt này được gọi là biên độ phá giá. Biên độ phá giá được tính như sau:

Biên độ phá giá = (Giá thông thường – Giá xuất khẩu)/Giá xuất khẩu

Trong đó, giá xuất khẩu là mức giá ban đầu của hàng hóa khi rời khỏi thị trường của quốc gia xuất khẩu và giá trị thông thường là một mức giá trong các trường hợp sau đây:

– Giá bán trong nước của hàng hóa tương với hàng hóa xuất khẩu đang bị điều tra,

– Giá bán thay thế (hoặc giá tại thị trường nước thứ ba thích hợp hoặc giá trị tỉnh toán).

Đồng thời, khi tiến hành so sánh cần phải tính đến những khác biệt ( khác biệt về điều kiện bán hàng, thuế, dung lượng thương mại, khối lượng sản phẩm, đặc tính vật lý…) có thể ảnh hưởng đến việc so sánh về giá để có sự điều chỉnh phù hợp. 

 

3.3. Xác định biên độ phá giá

a. Phương pháp bình quân gia quyền

Xác định sự tồn tại của biên độ bán phá giá sẽ dựa trên “so sánh giữa giá trị bình quân gia quyền (bình quân giá) thông thường với giá bình quân gia quyền của tất cả các giao dịch xuất khẩu có thể so sánh được hoặc thông qua so sánh giữa giá trị thông thường với giá xuất khẩu trên cơ sở từng giao dịch. Giá trị thông thường xác định trên cơ sở bình quân gia quyền có thể được đem so sánh với với giá của từng giao dịch xuất khẩu cụ thể nếu như các cơ quan có thẩm quyền xác định rằng cơ cấu giá xuất khẩu đối với những người mua khác nhau, khu vực khác nhau và thời điểm khác nhau có sự chênh lệch đáng kể và khi có thể đưa ra giải thích về việc tại sao sự khác biệt này không thể được tính toán một cách đầy đủ khi so sánh bằng phương pháp sử dụng bình quân giaquyền so với bình quân gia quyền hoặc giao dịch so với giao dịch.

 

b. Phương pháp quy về không (zeroing)

Phương pháp này áp dụng một số biện pháp tính toán để loại bỏ những giao dịch không có bán phá giá bằng cách quy giá trị đó về bằng “không”. Qua đó, làm cho biến số của biên độ bán phá giá thay đổi khi so sánh theo hướng làm gia tăng biên độ bán phá giá. Việc áp dụng phương pháp này bị nhiều quôc gia đánh giá là không công bằng trong quá trình so sánh giá nên thường bị kiện ra WTO. Cơ quan giải quyết tranh chấp của WTO cũng cho rằng đây không phải là biện pháp tính biên độ bán phá giá phù hợp vì nó đẩy biên độ bán phá giá tăng lên, trong khi đó WTO yêu cầu các quốc gia khi áp dụng công thức bán phá giá có nghĩa vụ phải so sánh công bằng, nghĩa là phải giữ nguyên giá trị giao dịch.

c. Xác định thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước

Việc xác định thiệt hại bao gồm 4 vấn đề sau:

Thứ nhất, xác định phạm vi của ngành sản xuất trong nước bị ảnh hưởng. Ngành sản xuất trong nước là tập hợp chung của các NSX các sản phẩm tương tự hoặc những NSX có tổng sản phẩm chiếm phần lớn tổng sản xuất trong nước không bao gồm các NSX có liên quan đến nhà xuất khẩu hoặc nhập khẩu sản phẩm đang bị điều tra. Ngành sản xuất trong nước là đối tượng để xem xét thiệt hại/ nguy cơ gây ra thiệt hại vât chất

Thứ hai, các yếu tố tác động gây thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước. Hiệp định Chống bán phá giá đã liệt kê các yếu tố mà cơ quan có thẩm quyền của quốc gia nhập khẩu cần xem xét tại Điều 3.4, bao gồm: mức suy giảm thực tế và tiềm ẩn của doanh số, lợi nhuận, sản lượng, thị phần, năng suất, tỉ lệ lãi đối với đầu tư, tỉ lệ năng lực được sử dụng; các nhân tố ảnh hưởng đến giá trong nước, độ lớn của biên độ bán phá giá; ảnh hưởng tiêu cực thực tế hoặc tiềm ẩn đối với chu chuyển đồng vốn, lượng lưu kho, công ăn việc làm, tiền lương, tăng trưởng, khả năng huy động vốn hoặc nguồn đầu tư. Trên thực tế, dự phòng trường hợp quốc gia nhập khẩu vội vàng đánh giá một số yếu tố để đưa ra kết luận, cơ quan giải quyết tranh chấp của WTO kết luận các yếu tố trong danh sách là bắt buộc và các quốc gia có nghĩa vụ cân nhắc, đánh giá các yếu tố trên

Thứ ba, thiệt hại vật chất và nguy cơ thiệt hại vật chất. Thiệt hại vật chất trong vụ kiện bán phá giá phải là thiệt hại cho ngành công nghiệp cụ thể nào đó trên cơ sở đánh giá các yếu tố kể trên, nếu thiệt hại gây ra cho một hay hai doanh nghiệp cụ thể thì không đáp ứng được tiêu chị về thị phần.

Thứ tư, tính thiệt hại gộp. Trong trường hợp quốc gia nhập khẩu tiêu thụ sản phẩm bị điều tra bán phá giá từ nhiêu quốc gia xuất khẩu khác nhau và thiệt hại xuất phát từ sản phẩm của tất cả các quốc gia đó, cơ quan có thẩm quyền của quốc gia nhập khẩu có quyền cộng gộp các tác động của hàng hoá bán phá giá đến từ các quôc gia xuất khẩu có liên quan. Việc đánh giá thiệt gộp được thực hiện khi: việc điều tra được tiến hành đồng thời, biên độ phá giá của hàng nhập khẩu từ một quốc gia nào đó cao hơn mức 2% và số lượng hàng nhập khẩu từ quốc gia đó trên mức đáng kể (ít nhất 3% lượng hàng nhập khẩu của mặt hàng đang bị điều tra hoặc tổng lượng nhập khẩu của mặt hàng đó đến từ các nước chiếm hơn 7%)

d. Xác định mối quan hệ nhân quả giữa bán phá giá và thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước

Điều VI của GATT 1994 không đề cập đến cách thức xác định mối quan hệ nhân quả giữa bán phá giá và thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước. Hiệp định Chống bán phá giá có hướng tiếp cận về mối quan hệ nhân quả là “hàng nhập khẩu bán phá giá gây thiệt hại cho NSX trong nước của thành viên và sẽ phải được xem xét”. 

 

4. Áp dụng mức thuế chống bán phá giá

  • Về thời điểm tính mức thuế chính thức:

Theo quy định của WTO thì cứ tròn 01 năm kể từ ngày có Quyết định áp thuế, các bên liên quan trong vụ kiện đều có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền rà soát lại để giảm, tăng mức thuế hoặc chấm dứt việc áp thuế.

  • Về thời hạn áp thuế:

Theo quy định của WTO, việc áp thuế chống bán phá giá không được kéo dài quá 5 năm kể từ ngày có Quyết định áp thuế hoặc kể từ ngày tiến hành rà soát lại.

  • Về hiệu lực của việc áp thuế:

 Quyết định áp thuế chỉ có hiệu lực đối với tất cả hàng hoá liên quan nhập khẩu từ nước bị kiện sau thời điểm ban hành Quyết định Quyết định áp thuế có hiệu lực với cả các nhà xuất khẩu mới, người chưa hề xuất khẩu hàng hoá đó sang nước áp thuế trong thời gian trước đó; nhà xuất khẩu mới có thể yêu cầu cơ quan điều tra tính mức thuế riêng cho mình, nhưng trong thời gian chưa có quyết định về mức thuế riêng thì hàng hoá nhập khẩu của nhà xuất khẩu mới vẫn thực hiện Quyết định áp thuế nói trên. Việc áp dụng hồi tố (áp dụng cho những lô hàng nhập khẩu trước thời điểm ban hành Quyết định) chỉ được thực hiện nếu thiệt hại gây ra cho ngành sản xuất nội địa là thiệt hại thực tế.

  • Rà soát biện pháp chống bán phá giá

       Điều khoản rà soát hoàng hôn (Sunset Clause/ Sunset Review) là rà soát được thực hiện ngay trước khi hết thời hạn 5 năm kể từ ngày có quyết định áp thuế chống bán phá giá chính thức hoặc kể từ ngày có kết quả rà soát (nếu rà soát được tiến hành cả về biên phá giá và thiệt hại). Rà soát được thực hiện theo yêu cầu của bên liên quan hoặc theo sáng kiến của chính cơ quan điều tra. Nếu kết quả rà soát cho thấy việc ngừng áp thuế chống bán phá giá có thể làm tiếp diễn hoặc tái xuất hiện hiện tượng bán phá giá và thiệt hại thì thuế chống bán phá giá sẽ tiếp tục được áp dụng thêm 5 năm nữa.