1. Khái niệm về bán phá giá

Bán phá giá là hiện tượng xảy ra khi một loại hàng hóa được xuất khẩu từ nước này sang nước khác với mức giá thấp hơn giá thị trường của hàng hóa đó tại thị trường nội địa nước xuất khẩu.

Hành vi bán phá giá được quy định tại Điều VI của GATT và cụ thể hoá tại “Hiệp định thực thi Điều VI của Hiệp định Chung về Thuế quan Thương mại 1994” (hay còn gọi là “Hiệp định Chống bán phá giá”). Theo đó, “Trong phạm vi hiệp định này, một hàng hóa bị coi là bán phá giá (tức là được đưa vào lưu thông thương mại ở một nước khác với giá thấp hơn giá trị thông thường của hàng hóa đó) nếu như giá xuất khẩu của hàng hóa được xuất khẩu từ nước này sang nước khác thấp hơn mức giá có thể so sánh được của hàng hóa tương tự được tiêu dùng tại nước xuất khẩu theo các điều kiện thương mại thông thường”. 

Hàng hóa của hành vi bán phá giá phải là hàng hóa lưu thông trên thị trường và bán với giá thấp hơn giá thị trường của nước nhập khẩu hoặc một nước thứ ba nào đó, bán phá giá phải làm phương hại đến nền sản xuất của nước nhập khẩu, làm cho các ngành sản xuất bị bán phá giá phải đình trệ sản xuất, bán phá giá phải kéo theo việc giảm giá của mặt hàng cùng chủng loại sản xuất trong nước hoặc vùng lãnh thổ đó giảm theo, giá bán tại nước nhập khẩu phải không đúng với giá chi phí sản xuất thực của mặt hàng đó tại nước xuất khẩu hoặc một nước thứ ba nào đó, việc bán hàng đó làm phương hại đến các quy luật của nền kinh tế thị trường.

Hành vi bán phá giá sẽ bóp méo bản chất của thị trường vì hàng hoá khi lưu thông không còn được giữ đúng giá trị của nó, làm ảnh hưởng bất lợi đến người tiêu dùng và có khả năng gây tổn hại tới lợi ích của một quốc gia thứ ba khi bị mất thị trường

Ví dụ về hành vi bán phá giá:

Cùng là mặt hàng sữa tươi tiệt trùng, quốc gia A bán với giá 6 $, quốc gia B bán sữa nội địa  với giá 7 $. Quốc gia B nhập khẩu sản phẩm sữa tươi tuyệt trùng của quốc gia A và bán ra thị trường của quốc gia B với giá 4$. Việc bán cùng một mặt hàng là sữa tươi tiệt trùng mà có sự chênh lệch giá quá lớn giữa hàng nhập khẩu và hàng nội địa như này có thể bị coi là hành vi bán phá giá. Một mặt hàng bị coi là bán phá giá nếu giá thị trường nội địa – giá xuất khẩu > 0. Trong trường hợp này giá thị trường nội địa – giá xuất khẩu = 2 > 0 => đây là hành vi bán phá giá

 

2. Phân loại Bán phá giá

Bán phá giá thông thường được chia làm 2 loại: Bán phá giá độc quyền và Bán phá giá không độc quyền.

 

2.1 Bán phá giá độc quyền

Bán phá giá độc quyền là hình thức bán giá xuất khẩu tạm thời thấp hơn giá nội địa để tăng sức cạnh tranh, loại trừ đối thủ. Khi đã đạt được mục đích thì mức giá sẽ được nâng lên ở mức giá độc quyền. Phá giá độc quyền là hành vi vi phạm thô bạo nguyên tắc cạnh tranh vì bản chất của nó là hành vi nhằm độc quyền hóa. Phá giá độc quyền làm hủy hoại cạnh tranh và là nguyên nhân trực tiếp gây ra những bất ổn về kinh tế.

Phá giá độc quyền chia làm 2 loại:

– Phá giá chiến lược: là hành vi bán phá giá nằm trong một chiến lược cạnh tranh tổng thể của nước xuất khẩu

– Phá giá cướp đoạt: là hành vi định giá thấp nhằm mục đích đẩy đối thủ cạnh tranh vào tình trạng phá sản để giành vị trí độc quyền tại nước nhập khẩu.

 

2.2 Bán phá giá không độc quyền

Bán phá giá không độc quyền biểu hiện ở hai hình thức:

– Bán phá giá bền vững: hay còn gọi là chính sách phân biệ về giá cả, bán phá giá bền vững là xu hướng bán sản phẩm trên thị trường thế giới với giá thấp hơn giá nội địa nhằm cực đại lợi nhuận của nhà sản xuất, xuất khẩu

– Bán phá giá không thường xuyên (Phá giá chu kỳ): là bán giá xuất khẩu thấp để tránh rủi ro của thị trường thế giới và giải quyết vấn đề khó khăn về tài chính mà công ty đang cần giải quyết gấp. Đây là hình thức phá giá mà nhiều doanh nghiệp sử dụng nhằm giải quyết hậu quả của việc sản xuất quá dư thừa loại hàng hóa đó.

 

3. Điều kiện áp dụng biện pháp chống bán phá giá

– Có hành vi bán phá giá xảy ra trên thực tế và được xác định khi biên độ bán phá giá lớn hơn 2%

– Ngành sản xuất sản phẩm tương tự trong nước nhập khẩu bị thiệt hại hoặc đe doạ gây thiệt hại một cách đáng kể

– Thiệt hại kể trên do hàng hoá nhập khẩu bán phá giá gây ra ( có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi bán phá giá và kết quả của hành vi đó).

 

4. Các nguyên tắc áp dụng biện pháp chống bán phá giá trong khuôn khổ WTO

Căn cứ theo quy định tại Điều 1 phần I của Hiệp định thực thi điều VI của Hiệp định chung về thuế quan và thương mại – GATT (1994), nguyên tắc áp dụng biện pháp chống bán phá giá được quy định như sau:

Điều 1: Các nguyên tắc

Một biện pháp chống phá giá chỉ được áp dụng trong trường hợp được quy định tại Điều VI của GATT 1994 và phải tuân theo các thủ tục điều tra được bắt đầu và tiến hành theo đúng các quy định của Hiệp định này. Các quy định sau đây điều tiết việc áp dụng Điều VI của GATT 1994 khi có một hành động được thực thi theo luật hoặc các quy định về chống bán phá giá.

Trên cơ sở có đơn khởi kiện hợp pháp, cơ quan có thẩm quyền của các quốc gia nhập khẩu sẽ tiến hành điều tra chống bán phá giá. Nếu kết quả điều tra cho thấy có hành vi bán phá giá và hành vi ấy gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đáng kể cho một ngành sản xuất trong nước đã được thiết lập hay làm chậm đáng kể việc lập nên một ngành sản xuất trong nước thì quốc gia nhập khẩu được quyền áp dụng các biện pháp chống bán phá giá.

Như vậy, có các nguyên tắc áp dụng biện pháp chống bán phá giá trong khuôn khổ WTO như sau:

 

4.1 Biện pháp chống bán phá giá nhằm mục tiêu khắc phục, không mang tính trừng phạt

Biện pháp chống bán phá giá phải được áp dụng với mục đích khắc phục, hạn chế thiệt hại vật chất của hành vi bán phá giá của hàng hoá nhập khẩu chứ không nhằm mục đích trừng phạt doanh nghiệp có hành vi bán phá giá.

Hiệp định Chống bán phá giá quy định quốc gia nhập khẩu khi áp dụng biện pháp chống bán phá giá phải bảo đảm mức thuế chống bán phá giá thấp hơn hoặc bằng biên độ phá giá và trong mọi trường hợp. Quy định này của Hiệp định Chống bán phá giá tạo điều kiện cho các quốc gia xây dựng linh hoạt pháp luật về biện pháp trong bán phá giá. 

 

4.2 Thuế chống bán phá giá được áp dụng trên nguyên tắc không phân biệt đối xử

Thuế chống bán phá giá được áp dụng theo nguyên tắc không phân biệt đối xử đối với hàng nhập khẩu từ tất cả các nguồn bị coi là bán phá giá và gây tổn hại cho ngành sản xuất nội địa của quốc gia nhập khẩu. Cơ quan có thẩm quyền của quốc gia nhập khẩu phải nêu tên từng nhà sản xuất xuất khẩu sản phẩm bị kết luận bán phá giá và phải xác định biên độ bán phá giá cho từng nhà sản xuất liên quan. Tuy nhiên, trong một số trường hợp nhất định, như liên quan đến quá nhiều nhà sản xuất, nhà xuất khẩu, nhà nhập khẩu hoặc liên quan đến quá nhiều loại hàng hóa, cơ quan có thẩm quyền điều tra có thể hạn chế phạm vi kiểm tra bằng cách chọn mẫu các nhà sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu hoặc mẫu sản phẩm và xác định biên độ bán phá giá cho từng nhà sản xuất, xuất khẩu được chọn làm mẫu này. Đối với các nhà sản xuất, xuất khẩu không được chọn làm mẫu, Hiệp định Chống bán phá giá phân chia thành 2 nhóm và cho phép cơ quan có thẩm quyền của thành viên nhập khẩu áp dụng cách tính biên độ bán phá giá khác nhau đối với 2 nhóm này.

 

4.3 Biện pháp chống bán phá giá chỉ mang tính tạm thời

Biện pháp chống bán phá giá chỉ mang tính tạm thời nhằm khắc phục các thiệt hại do hàng hoá nhập khẩu bán phá giá gây ra và phải được tháo bỏ khi ảnh hưởng của bản phá giá bị triệt tiêu. Quốc gia nhập khẩu chỉ có thể áp dụng thuế chống bán phá giá trong khoảng thời gian và mức độ cần thiết để chống lại các trường hợp bán phá giá gây thiệt hại. Ngoại trừ trường hợp thuế chống bán phá giá được yêu cầu tiếp tục áp dụng trong trường hợp cơ quan có thẩm quyền thấy cần thiết hoặc trên cơ sở đề nghị của các bên liên quan rằng tác hại của việc bán phá giá vẫn sẽ tiếp diễn nếu ngưng không áp dụng thuế chống bán phá giá. Về nguyên tắc, một quyết định áp dụng thuế chống bán phá giá sẽ chấm dứt hiệu lực không muộn hơn 5 năm kể từ khi được áp dụng.

 

5. Các biện pháp chống bán phá giá

Theo quy định của Hiệp định GATT 1994, Hiệp định Chống bán phá giá và Luật Quản lý ngoại thương năm 2017 thì các biện pháp chống bán phá giá bao gồm:

– Thuế chống bán phá giá. Thuế chống bán phá giá là mức thuế đánh trên hàng hóa được xác định là bán phá giá sau khi các cơ quan có tham quyền đưa ra quyết định điều tra cuối cùng xác định được một cách rõ ràng hàng hóa có bán phá giá ở mức độ đáng kể (trên 2%) và gây thiệt hại cho ngành sản xuất nội địa, nhằm mục đích bù đắp hoặc hạn chế thiệt hại cho hành vi chống bán phá giá gây ra. Mức thuế chống bán phá giá không được cao hơn biên độ phá giá của hàng hoá nhập khẩu và được áp dụng cho từng NSX riêng lẻ bị kết luận là có hành vi bán phá giá.

– Cam kết về các biện pháp loại trừ bán phá giá của tổ chức, cá nhân sản xuất, xuất khẩu hàng hóa bị yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá với Cơ quan điều tra của nước nhập khẩu hoặc với các nhà sản xuất trong nước nếu được Cơ quan điều tra chấp thuận. Cam kết về giá được hiểu là sự cam kết của bất kỳ doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm đang bị điều tra bán phá giá đối với nước nhập khẩu đại diện bởi cơ quan có thẩm quyền về việc sẽ điều chỉnh giá của sản phấm xuất khẩu theo một cách thức nào đó để loại trừ thiệt hại đối với ngành sản xuất nội địa. Cam kết về giá là biện pháp chống bán phá giá được hình thành dựa trên cơ sở tự nguyện và tự điều chỉnh của các doanh nghiệp xuất khẩu bị kiện. Đa số trường hợp, doanh nghiệp xuất khẩu sẽ đưa ra đề xuất cam kết để cơ quan có thẩm quyền xem xét, nếu cơ quan này thấy rằng đề xuất đó có thể loại trừ thiệt hại thì đề xuất sẽ được chấp nhận và coi như cam kết về giá có hiệu lực.

– Biện pháp chống bán phá giá tạm thời. Biện pháp này được áp dụng khi cơ quan có thẩm quyền của quốc gia nhập khẩu ra quyết định sơ bộ khẳng định rằng hàng hoá nhập khẩu có bán phá giá với biên độ đáng kể và gây nên thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước nên cần áp dụng biện pháp tạm thời nhằm ngăn chặn tổn hại xảy ra trong quá trình điều tra.