1. Khái niệm, đặc điểm của giải quyết tranh chấp Thương mại quốc tế

1.1. Khái niệm

Giải quyết tranh chấp thương mại là: khi xảy ra bất đồng, mâu thuẫn, các bên trong quan hệ thương mại sẽ lựa chọn các phương thức, loại hình thích hợp mà pháp luật quy định để khắc phục, loại trừ các tranh chấp kinh doanh thương mại phát sinh, giải các quyết các mâu thuẫn, xung đột và bất đồng của các bên có tranh chấp kinh doanh thương mại, để đạt được kết quả mà các bên có thể chấp nhận được và tự nguyện chấp hành.

Như vậy, có thể hiểu giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế là việc các bên tranh chấp thông qua hình thức, thủ tục thích hợp tiến hành các giải pháp nhằm loại bỏ những mâu thuẫn, xung đột, bất đồng về lợi ích kinh tế nhằm làm rõ quyền, nghĩa vụ của các bên, giúp các bên bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình.

 

1.2. Đặc điểm giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế

– Các bên tranh chấp có quyền tự do lựa chọn phương thức giải quyết và lựa chọn cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Điều này cho phép các bên tranh chấp có thể thực hiện bất kì một hành vi nào mà pháp luật không cấm với mục đích là giải tỏa, gỡ bỏ được bất đồng, mâu thuẫn phát sinh trong quan hệ thương mại quốc tế.

– Tùy thuộc vào chủ thể, đối tượng của hoạt động thương mại mà áp dụng các nguồn luật khác nhau. Ví dụ, đối với tranh chấp có đối tượng là bất động sản thì phải áp dụng pháp luật nơi có bất động sản để giải quyết, tranh chấp giữa các thương nhân với nhau thì các bên có thể thỏa thuận lựa chọn luật để giải quyết, tranh chấp giữa nhà đầu tư nước ngoài với nhà nước tiếp nhận đầu tư thì phải áp dụng pháp luật của nước tiếp nhận hoặc điều ước quốc tế mà quốc gia đó là thành viên.

– Giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế phải đảm bảo:

+ Nhanh chóng, thuận lợi, không làm hạn chế, cản trở các hoạt động kinh doanh thương mại

+ Khôi phục và duy trì các quan hệ hợp tác, tín nhiệm giữa các bên trong kinh doanh, thương mại

+ Giữ bí mật kinh doanh, uy tín của các bên

+ Chi phí thấp,

 

2. Các phương thức giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế

 Các phương thức giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế gồm những hình thức sau:

– Phương thức thương lượng giữa các bên;

– Phương thức hoà giải;

– Trọng tài thương mại;

– Toà án;

 

2.1. Phương thức thương lượng

Thương lượng là phương thức giải quyết tranh chấp phổ biến và được sử dụng nhiều nhất. Các bên trong tranh chấp áp dụng phương thức này để giải quyết mọi tranh chấp phát sinh trong đời sống xã hội, nhất là trong hoạt động thương mại.

Ưu điểm của phương thức này: phương thức này khá đơn giản, ít tốn kém, lại không bị ràng buộc bởi những thủ tục pháp lý phức tạp, uy tín cũng như bí mật trong kinh doanh được bảo đảm tối đa và mức độ phương hại đến mối quan hệ hợp tác giữa các bên cũng thấp, thậm chí còn tăng cường sự hiểu biết và hợp tác lẫn nhau sau khi thương lượng thành công.

Nếu thương lượng thành công, hai bên tìm được tiếng nói chung cùng đi đến một thoả thuận theo nguyện vọng của cả hai bên thì thoả thuận này sẽ được pháp luật thừa nhận như một hợp đồng giữa các bên. Hai bên đều có nghĩa vụ thực hiện quyền và nghĩa vụ đối với nhau.

● Đặc điểm của giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế qua phương thức thương lượng.

– Các bên tranh chấp gặp nhau bàn bạc, thỏa thuận để tự giải quyết những bất đồng phát sinh mà không cần có sự hiện diện của bên thứ ba để trợ giúp hay ra phán quyết. Điều kiện để thương lượng một tranh chấp thương mại, trước hết phải xem xét thỏa mãn: có tranh chấp thương mại xảy ra, các bên mong muốn loại bỏ mâu thuẫn, khắc phục tổn thất, tiếp tục duy trì quan hệ hợp tác và các bên đều có tinh thần thiện chí, nhân nhượng, tôn trọng và giữ gìn uy tín cho nhau.

– Quá trình thương lượng giữa các bên cũng không chịu sự ràng buộc của bất kì nguyên tắc pháp lý hay những quy định mang tính khuôn mẫu nào của pháp luật về thủ tục giải quyết tranh chấp. Pháp luật của Việt Nam cũng đã thừa nhận thương lượng là một phương thức giải quyết tranh chấp thương mại 

– Việc thực thi kết quả thương lượng hoàn toàn phụ thuộc vào sự tự nguyện của mỗi bên tranh chấp mà không có bất kì cơ chế pháp lý nào bảo đảm việc thực thi đối với thỏa thuận của các bên trong quá trình thương lượng. Giải quyết tranh chấp thương mại bằng phương thức thương lượng là sự thể hiện quyền tự do thỏa thuận, tự do định đoạt của các bên tranh chấp. Các bên tự đề xuất các giải pháp và thỏa hiệp với nhau theo trình tự, thủ tục tự chọn để giải quyết các bất đồng phát sinh mà không có sự tham gia hay can thiệp của bất kì cơ quan nhà nước nào. 

 

2.2 Phương thức hoà giải

Hòa giải thương mại là quá trình các bên đàm phán với nhau về việc giải quyết tranh chấp với sự trợ giúp của một bên thứ ba (còn gọi là Hòa giải viên). Hòa giải có khá nhiều điểm tương đồng với phương thức thương lượng, điểm khác biệt là trong thương lượng không có sự có mặt của bên thứ ba thực hiện việc điều tiết quá trình thương lượng. Ngoài ra, khác với trọng tài, hòa giải viên tham gia vào quy trình hòa giải không có quyền xét xử và ra phán quyết cuối cùng mà chỉ có nghĩa vụ giúp các bên tiến hành hòa giải theo một trình tự nhất định, giúp đảm bảo tiến trình hòa giải diễn ra đúng hướng.

● Đặc điểm của giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế qua phương thức hoà giải.

Việc giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế bằng hoà giải có sự xuất hiện của bên thứ ba đóng vai trò là trung gian hoà giải (do các bên tranh chấp lựa chọn) để giúp các bên tìm được giải pháp tối ưu, hạn chế tranh chấp phát sinh. Hoà giải viên là người đóng vai trò quan trọng trong quá trình hoà giải, tuy vậy hoà giải viên không có quyền hạn gì để ra quyết định hay áp đặt một giải pháp cụ thể nào với các bên. Quyết định cuối cùng được đưa ra dựa trên việc điều hoà lợi ích, sự thiện chí của các bên.

Hoà giải mang tính chất tự nguyện và có thể kéo dài tuỳ thuộc vào mong muốn của các bên. Việc bắt đầu hay kết thúc hoà giải hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí của các bên. Khi tham gia quá trình hoà giải, hoà giải thành dựa trên sự thoả thuận của các bên về việc giải quyết tranh chấp, đảm bảo mối quan hệ giữa các bên sau này. 

 

2.3 Trọng tài thương mại

Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật trọng tài thương mại 2010, trọng tài thương mại được định nghĩa là phương thức giải quyết tranh chấp do các bên thỏa thuận. Việc tiến hành giải quyết tranh chấp phải tuân thủ theo quy định của Luật Trọng tài thương mại 2010. Các tranh chấp ở đây là tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại; tranh chấp phát sinh giữa các bên trong đó có ít nhất một bên có hoạt động thương mại hoặc tranh chấp khác giữa các bên mà pháp luật quy định được giải quyết bằng Trọng tài. 

Trọng tài có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp:

– Giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại,

– Có ít nhất một bên có hoạt động thương mại hoặc

– Pháp luật có quy định là phải giải quyết bằng trọng tài; và nếu các bên có thoả thuận trọng tài.

Trong trường hợp các bên tranh chấp đã có thoả thuận trong tài mà một bên khởi kiện tại Toà án thì Toà án phải từ chối thụ lý, trừ trường hợp thoả thuận trọng tài vô hiệu hoặc thoả thuận trong tài không thực hiện được.

Để giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế qua phương thức trọng tài, cần phải đáp ứng một số điều kiện như: giải quyết tranh chấp bằng trọng tài có thể được các bên thỏa thuận trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp tùy từng trường hợp. Thỏa thuận trọng tài được thể hiện ở dạng một điều khoản của hợp đồng hoặc dưới hình thức thỏa thuận riêng, nhưng bắt buộc thỏa thuận phải được lập thành văn bản.

● Đặc điểm của giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế qua phương thức trọng tài.

– Phương thức giải quyết bằng trọng tài đơn giản, linh hoạt theo thỏa thuận của các bên giúp cho quá trình giải quyết tranh chấp nhanh chóng. Trung tâm trọng tài thường tổ chức theo cơ cấu bao gồm ban điều hành, ban thư ký và các trọng tài viên của trung tâm. Bộ máy của trung tâm trung tài đơn giản, gọn nhẹ. Ban điều hành của trung tâm trọng tài gồm có chủ tịch, một hoặc các phó chủ tịch và có thể có tổng thư ký do chủ tịch trung tâm trọng tài cử. Chủ tịch trung tâm trọng tài là trọng tài viên. Trung tâm trọng tài có danh sách trọng tài viên. Các trọng tài viên tham gia vào việc giải quyết tranh chấp khi được chọn hoặc chỉ định.

– Tính chung thẩm của phán quyết trọng tài, có giá trị bắt buộc với các bên và quyền kháng cáo trong trường hợp này bị vô hiệu. Tuy nhiên có một số trường hợp ngoại lệ phán quyết của Trọng tài có thể bị huỷ bởi Toà án có thẩm quyền.

– Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài không bị giới hạn về mặt lãnh thổ do các bên có thể thoả thuận lựa chọn trọng tài để giải quyết tranh chấp của mình.

 

2.4 Toà án

Toà án là cơ quan nhân danh Nhà nước để giải quyết tranh chấp do vậy phán quyết của Toà án được đảm bảo thi hành bằng sức mạnh cưỡng chế của Nhà nước. 

Trong quá trình giải quyết tranh chấp, Toà án phải tuân theo những nguyên tắc, trình tự nhất định mà pháp luật đã quy định. Cụ thể được quy định chi tiết tại điều 683 Bộ Luật dân sự năm  2015.

● Đặc điểm của giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế qua phương thức Toà án.

– Đây là hình thức giải quyết mang tính cưỡng chế cao nhất, được tiến hành thông qua  hoạt động của cơ quan tài phán. Bản án, quyết định của Tòa án được đảm bảo thi hành theo đúng quy định pháp luật.

– Trong quá trình giải quyết vụ án, Tòa án có thể ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời để đảm bảo thi hành án như kê biên tài sản đang tranh chấp, phong tỏa tài khoản tại ngân hàng,…

– Đương sự có thể tiến hành kháng cáo, yêu cầu xét xử lại nếu thấy phán quyết của Tòa không thỏa đáng.

– Việc giải quyết có thể qua nhiều cấp xét xử vì vậy nhờ có nguyên tắc nhiều cấp xét xử bảo đảm cho quyết định của toà án được công bằng, khách quan tuân theo quy định của pháp luật.

– Giải quyết tranh chấp bằng Tòa án thường phức tạp, lâu dài, tốn kém hơn và không có tính bảo mật thông tin cao như phương thức thương lượng