1. Sơ lược về nghị viện Singapore

Hệ thống nghị viện của Singapore ra đời từ rất sớm, trước cả khi quốc đảo này giành chủ quyền năm 1965. Nghị viện khởi nguồn từ khi lãnh thổ của Singapore còn chịu sự cai trị của người Anh. Sau khi trở thành quốc gia độc lập, Singapore tiếp tục tiếp nhận pháp luật của Anh theo cách riêng của nó. Ngày 12/11/1993, nghị viện Sigapore đã ban hành luật về áp dụng pháp luật Anh. Không chỉ áp dụng pháp luật của Anh,mà ngay cả nghị viện của Singapore cũng dựa theo mô hình nghị viện của Anh. Do đó, cơ quan lập pháp Singapore theo mô hình dân chủ nghị viện của hệ thống Westminster, Anh

Theo đó, Nghị viện đóng vai trò là nhánh lập pháp của chính phủ. Các thành viên của nghị viện, gồm các ứng cử viên đắc cử- thông qua hoạt động bầu cử, ứng cửviên phi tuyển khu- không thuộc khu vực bầu cử và ứng cử viên được chỉ định. Các ứng cử viên đắc cử được bầu vào nghị viện, trên cơ sở đa số ghế và đại diện cho khu vực bầu cử của mình. Đảng hành động nhân dân giành quyền kiểm soát quốc hội với đa số ghế trong tất cả các cuộc bầu cử, kể từ khi Singapore dành quyền tự trị năm 1959. Sau cuộc tổng tuyển cử năm 2020, 93 nghị sĩ do bầu cử, 9 nghị sĩ phi tuyển khu và 9 nghị sĩ chỉ định đã được bầu vào nghị viện khóa 14 của Singapore. Nhiệm kì của nghị viện là năm năm

 

2. Hệ thống nghị viện Singapore theo mô hình dân chủ nghị viện của hệ thống Westminster-Anh

2.1 Cách thức thành lập nghị viện của Singapore

Các nghị sĩ được bầu ra thông qua tổng tuyển cử thường kì. Khi nghị viện mới được triệu tập họp lần đầu tiên, chủ tịch nghị viện sẽ được bầu ra, sau khi các nghị sĩ mới tuyên thệ. Mặc dù theo mô hình Westminster nhưng nghị viện Singapore chỉ có đơn viện, được bầu ra trong cuộc bầu cử toàn dân theo các đơn vị bầu cử. nhiệm kì của nghị sĩ Singapore kéo dài năm năm, tính từ phiên họp đầu tiên sau tổng tuyển cử và không có giới hạn về số lần trúng cử, nghị viện hiện nay gồm có: 101 nghị sĩ. Trong đó, nghị sĩ được bầu cử từ các đơn vị bầu cử- theo đảng phái là:93 nghị sĩ; tối thiểu 9 nghị sĩ không theo đơn vị bầu cử, mà từ đảng đối lập (không tham gia vào việc thành lập chính phủ); nghị sĩ được đề cử và chỉ định bởi tổng thống- không theo đảng phái: 9 nghị sĩ.

Trong trường hợp Nghị viện bị giải tán, tổng tuyển cử phải được tổ chức trong vòng 3 tháng, để bầu ra nghị viện mới thay thế cho nghị viện đã bị giải tán.

Nghị viện sẽ thành lập ra 7 ủy ban thường trực, có nhiệm kì tương ứng nhiệm kì của nghị viện, nhằm mục đích thực hiện một số nhiệm vụ thường xuyên bao gồm:

  • Ủy ban lựa chọn ủy viên
  • Ủy ban tài khoản công
  • Ủy ban dự toán ngân sách
  • Uỷ ban quy tắc
  • Ủy ban dân nguyện
  • Ủy ban về điều kiện hoạt động của nghị sĩ
  • Ủy ban kiểm soat đặc quyền của nghị viện

 

Trong đó, chủ tịch của nghị viện hoặc Ủy ban lựa chọn ủy viên có quyền quyết định lựa chọn hoặc thay đổi thành viên của các ủy ban khác.

Bên cạnh các ủy ban thường trực, nghị viện Singapore còn thành lập ra các ủy ban hoạt động lâm thời, dựa theo kiện nghị của các nghị sĩ. Chức năng chủ yếu của các ủy ban lâm thời này là: thẩm tra dự án luật hoặc xem xét các vấn đề cụ thể theo sự phân công của nghị viện (còn gọi là các ủy ban đặc trách. Các ủy ban này làm việc dựa trên nguyên tắc tập thể. Quyền hạn của các ủy ban này gồm: triệu tập nhân chứng, yêu cầu cơ quan, tổ chức hữu quan cung cấp tài liệu, hồ sơ để phục vụ cho hoạt động của mình.

 

2.2 Các thành viên của nghị viện Singapore

Không giống như nghị viện của các nước khác trên thế giới, thành viên nghị viện chỉ là nghị sĩ được bầu cử; các thành viên nghị viện Singapore bao gồm: các nghị sĩ được bầu, nghị sĩ không thuộc khu vực bầu cử và các nghị sĩ chỉ định

  • Nghị sĩ được bầu cử

Đa số các nghị sĩ là nghị sĩ được bầu thông qua cuộc tổn tuyển cử. Singapore không ấn định số nghị sĩ cũng như lượng đơn vị bầu cử mà sẽ phụ thuộc vào tuyên bố của thủ tướng trước mỗi kì bầu cử, sao cho phù hợp với quy định bầu cử lập pháp, trên cơ sở khuyến nghị của Ủy ban đánh giá Ranh giới bầu cử. Trong cuộc bầu cử vừa qua, Singapore được chia thành 31 khu vực bầu cử, trong đó có: 14 khu vực chỉ được bầu cử một nghị sĩ, tức mỗi đảng chỉ được cử ra một ứng cử viên tham gia tranh cử; và 17 khu vực bầu cử theo nhóm nghị sĩ, trong đó mỗi chính đảng được đề cử một nhóm ứng viên (tối thiểu là 3 người và tối đa là 6 người) để tham gia tranh cử; trong đó bắt buộc phải có một ứng viên là người sắc tộc thiểu số, nhằm bảo đảm quyền lợi chính đáng cho người dân tộc thiểu số và đảm bảo quyền tham gia chính trị của họ. Nghị viện khóa 14 hiện nay có: 93 nghị sĩ được bầu.

  • Nghị sĩ không thuộc khu vực bầu cử

Nghị sĩ không thuộc khu vực bầu cử đã được quy định trong hiến pháp củaSingapo từ năm 1984. Theo đó, một số ứng cử viên của đảng đối lập hoặc đảng không nằm trong liên minh đảng phái, không giành được ghế trong cuộc bầu cử, có thể được chọn làm nghị sĩ. Số nghị sĩ không thuộc khu vực bầu cử phải ít hơn 12, là số nghị sĩ đối lập tối thiểu có mặt tại nghị viện. Để có thể trở thành nghị sĩ không thuộc khu vực bầu cử, nghị sĩ đó phải giành được trên 15% số phiếu hợp lệ trong cuộc tổng tuyển cử. Nghị viện sẽ chọn các nghị sĩ đó theo số phiếu bầu đạt tiêu chuẩn được lấy từ trên xuống. Nghị viện khóa 14 hiện nay có: 2 nghị sĩ không thuộc khu vực bầu cử.

  • Nghị sĩ do chỉ định

Nhằm đảm bảo sự đại diện rộng rãi cho các quan điểm của cộng đồng trong nghị viện, đồng thời giúp nghị viện có thể tận dụng được tài năng và chuyên môn của người dân Singapore không có hoặc chưa có điều kiện tham gia ứng cử nghị sĩ; hiến pháp Singapore đã cho phép nghị viện chỉ định tối đa 9 thành viên không qua bầu cử

Nghị sĩ do chỉ định có thể tham gia vào tất cả các cuộc tranh luận tại nghị viện, nhưng không được bỏ phiếu trong một số trường hợp như: các dự luật sửa đổi hiến pháp, các dự luật tài chính, bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với chính phủ và cách chức tổng thống

  • Thời gian họp của nghị viện

Thời gian họp của nghị viện được quyết định khi kết thúc kì họp trước, hoặc do chủ tịch nghị viện triệu tập. Mỗi tháng nghị viện có thể họp một lần, trừ tháng 6 và tháng 12. Mỗi lần họp thường kéo dài từ một ngày đến một tuần, tùy theo số lượng dự án luật được trình ra. Các nghị sĩ có thể gửi các câu hỏi chất vấn các bộ trưởng, những kiến nghị sửa đổi với dự án luật đã được trình, hay các vấn đề mà họ muốn thảo luậnngay tại phiên họp

Phiên họp của Nghị viện Singapo có một điểm đặc biệt, đó là không họp vào buổi sáng, phiên họp thường chỉ bắt đầu từ 13h30 cho đến khi kết thúc hoặc bị hoãn lại. Phiên họp của Nghị viện thường bắt đầu bằng phần hỏi – đáp, chỉ có những câu hỏi đã được liệt kê trong Chương trình làm việc mới được trả lời. Những câu hỏi quan trọng mà chưa kịp hỏi sẽ trả lời bằng văn bản hoặc dời sang ngày sau. Tiếp đó, các bộ trưởng trình bày báo cáo, nếu có. Sau hai phần này, các thành viên Chính phủ chịu trách nhiệm trình dự luật tại lần đọc thứ nhất hoặc bất kỳ nghị sĩ nào cũng có thể trình dự luật với tư cách cá nhân. Cuối cùng, toàn thể Nghị viện tiến hành thảo luận các dự án luật tại lần đọc thứ hai, thứ ba và tranh luận về các kiến nghị do cá nhân nghị sĩ đề xuất.

 

3. Chức năng của nghị viện

Nghị viện Singapore có ba chức năng quan trọng là: lập pháp; giám sát-chất vấn và kiểm soát ngân sách

  1. Chức năng lập pháp

Quy trình lập pháp cùa Singapore gồm: trình tự xem xét, thảo luận và thẩm tra tại ủy ban. Sau quy trình đó, tất cả các dự luật được nghị viện thông qua đều phải chuyển đến Hội Đồng cố vấn cho tổng thống về quyền của các nhóm thiểu số xem xét, nhằm bảo đảm trong luật không có nội dung phân biệt đối xử đối với các cộng đồng dân tộc, tôn giáo khác nhau (trừ những dự luật về ngân sách, các dự luật khẩn cấp liên quan đến quốc phòng, an ninh…không cần thông qua trình tự như trên). Sau bước kiểm tra trên, dự luật mới được trình để Tổng thống phê chuẩn và chính thức trở thành luật.

Quy trình lập pháp nàychính là việc xem xét và thông qua luật. việc lập pháp bắt buộc phải tuân theo trình tự ba lần đọc:

  • Lần đọc thứ nhất:

Tên đầy đủ của dự án luật sẽ được đọc to trước phiên họp toàn thể của nghị viện; trong lần đọc đầu tiên. Sau đó, dự luật được chuyển cho bộ phận thư kí phục vụ nghị viện để in ấn và chuyển đến cho từng nghị sĩ và in trên công báo

Tối thiểu là 7 ngày kể từ khi dự luật được chuyển đến tay các nghị sĩ và đăng lên công báo thì dự luật sẽ được trình lần 2 lên nghị viện (trừ các dự luật mang tính khẩn cấp).

  • Lần đọc thứ hai:

Tại lần đọc thứ 2 này, các nghị sĩ sẽ thảo luận về sự cần thiết, hiệu quả mà dự án luật mang lại và các vấn đề mang tính nguyên tắc của dự luật. Khi có kiến nghị về việc cần xem xét một cách cẩn trọng hơn về một số nội dung của dự luật thì dự luật sẽ được chuyển sang thảo luận tại ủy ban toàn thể nghị viện hoặc một ủy ban đặc trách; với thành phần là một số nghị sĩ được lựa chọn.

Trên cơ sở đóng góp ý kiến, những thông tin tài liệu được cung cấp thêm, có liên quan đến dự án luật của công chúng; thì ủy ban này có thể đề xuất các sửa đổi, bổ sung trong dự án luật mà họ cho là phù hợp. Các đề xuất, kèm báo cáo của ủy ban phải được gửi để xem xét trước tại ủy ban toàn thể nghị viện trước khi ủy ban này trình ra phiên họp toàn thể để nghị viện tiến hành đọc lần thứ 3

  • Lần đọc thứ ba:

Trong lần đọc thứ 3, nghị sĩ có quyền đề xuất các nội dung sửa đổi, bổ sung. Việc thảo luận trong lần này sẽ tập trung vào các nội dung cụ thể của dự luật. Những đề xuất bổ sung các nội dung không có trong dự thảo luật sẽ không được xem xét. Cuối cùng, dự luật được đưa ra biểu quyết thông qua tại Nghị viện.

Những dự luật đã được nghị viện thông qua, đều phải chuyển đến Hội đồng cố vấn cho tổng thống.

  1. Chức năng giám sát-chất vấn

Vào mối phiên họp, nghị viện Singapore sẽ dành ra khoảng 1h30 phút cho việc hỏi đáp của nghị sĩ. Nghị sĩ có quyền đặt câu hỏi chất vấn các bộ trưởng. Các bộ trưởng sẽ trả lời trực tiếp ngay tại phiên họp. Có hai hình thức đặt câu hỏi là: hỏi trực tiếp tại các phiên họp hoặc hỏi bằng văn bản.

  1. Chức năng kiểm soát ngân sách

Nghị viện Singapore thực thi quyền kiểm soát ngân sách thông qua việc chính phủ phải trình dự thảo ngân sách hằng năm lên cơ quan lập pháp để phê chuẩn. Báo cáo ngân sách và các kế hoạch ngân sách cụ thể cho từng bộ được đưa ra sẽ được Nghị viện thảo luận sôi nổi trước khi bỏ phiếu thông qua.

  • Chức năng, vai trò của chủ tịch nghị viện Singapore

Chủ tịch nghị viện sẽ chịu trách nhiệm toàn bộ về nghị viện và cơ quan thư kí nghị viện, nhằm đảm bảo trật tự trong nghị viện. Chủ tịch nghị viện cũng chính là người đại diện cho nghị viện trong quan hệ quốc tế, chịu trách nhiệm đón tiếp nguyên thủ quốc gia và đại diện cho nghị viện trong các sự kiện quốc gia, quốc tế.

Vai trò chính của chủ tịch nghị viện là chủ trì các phiên họp, điều phối các cuộc thảo luận và cũng là người đưa ra các quyết định liên quan đến kỷ luật của phiên họp.