1. Khái quát các công ước

1.1 Công ước viên 1969 về luật điều ước quốc tế

  • Hoàn cảnh ra đời

Công ước Viên về Luật Điều ước quốc tế năm 1969 (“Công ước Viên” hoặc “VCLT 1969”) là điều ước quốc tế đa phương duy nhất điều chỉnh quan hệ điều ước giữa các quốc gia. Công ước Viên được Ủy ban Luật pháp Quốc tế (“ILC”) nghiên cứu dự thảo từ năm 1949. Dự thảo gồm 75 điều khoản (xem Dự thảo và thuyết minh điều khoản. Năm 1966 ILC thông qua dự thảo các điều khoản về luật điều ước quốc tế, gửi cho Đại hội đồng Liên hợp quốc và đề nghị Đại hội đồng ra nghị quyết triệu tập một hội nghị ngoại giao để thông qua một công ước quốc tế. Thuận theo đề nghị của ILC, ngày 5 tháng 12 năm 1966, Đại hội đồng thông qua Nghị quyết 2166 (XXI) “quyết định triệu tập một hội nghị quốc tế toàn thể để xem xét vấn đề luật điều ước quốc tế và ghi nhận kết quả bằng một công ước quốc tế và các văn kiện khác nếu phù hợp.”

Hội nghị Liên hợp quốc về Luật điều ước quốc tế kéo dài hai phiên họp tại Vienna (Áo) vào năm 1968 và 1969. Phiên họp thứ nhất năm 1968 có sự tham gia của đại diện 103 quốc gia và quan sát viên từ 13 tổ chức quốc tế. Phiên họp thứ hai vào năm 1969 có đại diện của 110 quốc gia và quan sát viên. Tại Hội nghị này, Việt Nam Cộng hòa có cử đại diện tham gia (Danh sách đoàn tham gia năm 1968 và 1969). (Ít nhất) có một ý kiến của đoàn Việt Nam Cộng hòa được Hội nghị chấp nhận để bổ sung vào văn kiện Công ước Viên sau này (Điều 35 trong vấn đề Hiệu lực của điều ước quốc tế với bên thứ ba)

Công ước Viên về Luật điều ước quốc tế được thông qua tại Hội nghị vào ngày 22 tháng 5 năm 1969 với 79 phiếu ủng hộ, 01 phiếu chống và 19 phiếu trắng. Hiện nay Công ước có 116 quốc gia thành viên.

  • Các bên ký kết: Mọi quốc gia đều có tư cách để ký kết các điều ước.
  • Nội dung: Công ước Viên quy định toàn diện các khía cạnh liên quan đến luật điều ước quốc tế, bao gồm các quy định bao quát “vòng đời” của một điều ước quốc tế: ký kết – thực thi – hủy bỏ, đình chỉ thi hành điều ước quốc tế. Công ước đặt ra các quy định để xác lập một cách hợp pháp một điều ước quốc tế, từ quyền năng ký kết điều ước của quốc gia, về người đại diện quốc gia, về các bước ký kết điều ước quốc tế, về bảo lưu điều ước quốc tế và về vô hiệu điều ước quốc tế. Sau khi xác lập thành công một điều ước quốc tế, Công ước có các quy định chi tiết về quá trình thực thi điều ước quốc tế từ thời điểm và cách thức có hiệu lực, về hiệu lực của điều ước, về nguyên tắc pacta sunt servanda, về giải thích điều ước quốc tế. Công ước cũng đặt ra các quy định về cách thức hợp pháp để hủy bỏ, đình chỉ thi hành một điều ước quốc tế.
  • Hiệu lực: Công ước có hiệu lực kể từ ngày 27/ 01/1980 đến nay.

 

1.2 Công ước luật biển quốc tế 1982

– Hoàn cảnh ra đời: Biển và đại dương luôn đóng vai trò quan trọng trong đời sống chính trị, kinh tế – xã hội của các quốc gia trên toàn thế giới. Bước vào những năm đầu thập kỷ 70 của thế kỷ trước, khoa học – công nghệ đã có những bước phát triển vượt bậc, cho phép con người sử dụng và vươn tới những vùng biển sâu và xa bờ để khai thác tài nguyên. Để tạo cơ sở pháp lý cho các hoạt động đó, các quốc gia ven biển ban hành luật lệ mở rộng phạm vi quyền tài phán đối với các vùng biển và thềm lục địa. TrongTrong khi các quốc gia có năng lực thực tế làm chủ các vùng biển và thềm lục địa khác nhau, nếu không có một văn bản pháp lý quốc tế điều chỉnh phạm vi cũng như chế độ triển khai các hoạt động trên biển và đại dương phù hợp với xu hướng phát triển chung, đồng thời duy trì an ninh, trật tự trên biển, bảo vệ lợi ích lâu dài của cộng đồng quốc tế, sẽ dẫn đến tình trạng bất công, nguy cơ khai thác cạn kiệt tài nguyên và hủy hoại môi trường biển. Với cách tiếp cận nói trên, Malta, một quốc gia ven biển nhỏ bé ở châu Âu, mà đại diện là Đại sứ Arvid Pardo, một luật gia có tầm nhìn sắc sảo và vượt trước thời đại đã khởi xướng đề nghị Liên Hợp Quốc bảo trợ một Hội nghị quốc tế (năm 1967) soạn thảo Công ước Luật Biển. Sau 9 năm đàm phán, với sự tham gia của hơn 150 quốc gia và nhiều tổ chức quốc tế, kể cả các tổ chức phi chính phủ Hội nghị đã thông qua văn kiện cuối cùng là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển (sau đây gọi tắt là “Công ước Luật Biển 1982”) vào ngày 30/4/1982 và ngày 10/12/1982.

– Hiệu lực: 16/11/1994

– Nội dung: Công ước đã trù định toàn bộ các vấn đề liên quan đến các vùng biển của các quốc gia ven biển cũng như những vấn đề liên quan đến việc sử dụng, khai thác vùng biển quốc tế và đáy đại dương. Những  vấn đề cơ bản được đưa vào nội dung Công ước như Quy chế pháp lý của các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia gồm nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa; Chế độ pháp lý của vùng biển quốc tế và đáy đại dương-di sản chung của loài người; Việc sử dụng và quản lý tài nguyên biển bao gồm tài nguyên sinh vật và không sinh vật; Vấn đề bảo vệ môi trường biển, nghiên cứu khoa học biển, an ninh trật tự trên biển; Vấn đề giải quyết tranh chấp và hợp tác quốc tế về biển; Quy chế hoạt động của Cơ quan quyền lực quốc tế về đáy đại dương, Ủy ban ranh giới ngoài thềm lục địa, Tòa án Luật biển quốc tế, Hội nghị các quốc gia thành viên Công ước… Công ước được đánh giá là bản Hiến pháp về đại dương. Những quy định của Công ước là kết quả của quá trình hợp tác, đấu tranh, thỏa hiệp và xây dựng trong nhiều năm giữa các quốc gia trên thế giới với các chế độ chính trị-xã hội, trình độ phát triển kinh tế, góc nhìn luật pháp khác nhau.

 

2. Đặc điểm của công ước quốc tế

a. Nội dung

Nội dung của điều ước quốc tế là những nguyên tắc, quy phạm pháp luật quy định quyền và nghĩa vụ pháp lý cho các bên kí kết, có giá trị pháp lí ràng buộc đối với các bên. Những nguyên tắc, quy phạm này phải được xây dựng trên cơ sở thỏa thuận giữa các bên, xuất phát từ nguyên tắc cơ bản của Luật quốc tế là bình đẳng và tự nnguyện.

 

b. Hình thức

 Điều ước quốc tế tồn tại chủ yếu dưới hình thức văn bản. Trước đây, trong quan hệ quốc tế có sự xuất hiện của một số điều ước quân tử (bất thành văn), tuy nhiên các điều ước loại này hiện nay hầu như không còn tồn tại trong quan hệ giữa các chủ thể của luật quốc tế.

Tên gọi của điều ước quốc tế hoàn toàn phụ thuộc vào sự thỏa thuận của các bên. Trong thực tiễn quan hệ quốc tế, phụ thuộc vào phạm vi và nội dung của điều ước, mà điều ước quốc tế có thể có một số tên gọi khác nhau như: Hiệp ước, công ước, định ước, nghị định thư, hiệp định…

Kết cấu của điều ước quốc tế bao gồm các phần: Lời nói đầu, nội dung chính, phần cuối cùng, phụ lục.

Ngôn ngữ của điều ước quốc tế: Thông thường, điều ước quốc tế song phương thường được soạn thảo bằng ngôn ngữ của cả 2 bên (trừ khi có thỏa thuận khác). Riêng đối với các điều ước quốc tế đa phương phổ cập thường được soạn thảo bằng các ngôn ngữ làm việc chính thức của Liên hợp quốc đó là: tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga, tiếng Trung Quốc, tiếng Tây Ban Nha và tiếng Ả Rập

 

3. Thẩm quyền ký kết Điều ước quốc tế?

a. Theo pháp luật quốc tế ( Công ước viên 1969)

* Các quốc gia

Về nguyên tắc, tất cả các quốc gia đều có thẩm quyền ký kết điều ước quốc tế. Tuy nhiên, trong thực tiễn sinh hoạt quốc tế nhiều trường hợp quốc gia có thể từ chối hoặc chuyển cho một quốc gia (Ví dụ: Hiệp ước về liên minh thuế quan giữa Thụy Sỹ và Liechtenstein năm 1923 ghi nhận Thụy Sỹ sẽ ký các điều ước quốc tế nhân danh Liechtenstein), hay tổ chức quốc tế khác thực hiện thẩm quyền ký kết điều ước quốc tế (Ví dụ: Trong một số trường hợp nhất định cộng đồng Châu âu có thể thay mặt cho các quốc gia thành viên ký kết một số điều ước quốc tế nhất định).

* Các tổ chức quốc tế:

Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình các tổ chức quốc tế sẽ tiến hành ký kết các điều ước quốc tế xuất phát từ quyền năng chủ thể luật quốc tế của mình.

* Một số thực thể đặc biệt trong quan hệ quốc tế như tòa thánh Vaticăng, Đài Loan, Hồng Kông, Ma cao…cũng tham gia ký kết một số điều ước quốc tế nhất định.

Khi ký kết các điều ước quốc tế, các chủ thể thông qua các đại diện của mình là đại diện đương nhiên, không cần thư ủy nhiệm, bao gồm:

Nguyên thủ quốc gia, người đứng đầu chính phủ, bộ trưởng bộ ngoại giao trong mọi hoạt động liên quan đến việc ký kết điều ước quốc tế;

Người đứng đầu các cơ quan đại diện ngoại giao trong việc thông qua văn bản của một điều ước quốc tế giữa nước cử cơ quan đại diện và nước sở tại;

Những người thay mặt cho quốc gia tại các hội nghị quốc tế hoặc tại tổ chức quốc tế.

Ngoài các đại diện nêu trên, những người đứng đầu các bộ hay cơ quan ngang bộ cũng có quyền ký các điều ước quốc tế thuộc lĩnh vực mà mình quản lý. Ngoài ra, đối với các đại diện phải có thư ủy nhiệm khi tham gia quá trình ký kết điều ước quốc tế thì phải xuất trình thư ủy nhiệm.

b. Theo pháp luật Việt Nam (Luật điều ước quốc tế 2016)

Theo điều 15. Thẩm quyền, nội dung quyết định ký điều ước quốc tế quy định

– Chủ tịch nước quyết định ký điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước.

– Chính phủ quyết định ký điều ước quốc tế nhân danh Chính phủ.

– Việc quyết định ký điều ước quốc tế phải được thể hiện bằng văn bản bao gồm các nội dung sau đây:

 Tên gọi, hình thức và danh nghĩa ký điều ước quốc tế;

Người đại diện, thẩm quyền của người đại diện trong việc ký điều ước quốc tế;

Bảo lưu, chấp nhận hoặc phản đối bảo lưu của bên ký kết nước ngoài, tuyên bố đối với điều ước quốc tế nhiều bên;

Trách nhiệm của cơ quan đề xuất, Bộ Ngoại giao và cơ quan, tổ chức có liên quan;

Quyết định áp dụng trực tiếp toàn bộ hoặc một phần điều ước quốc tế; quyết định hoặc kiến nghị sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện điều ước quốc tế. Quy định này không áp dụng trong trường hợp điều ước quốc tế phải được phê chuẩn hoặc phê duyệt quy định tại Điều 28 và Điều 37 của Luật này.

 

4. Các giai đoạn ký kết điều ước quốc tế

a. Giai đoạn 1- Giai đoạn hình thành các văn bản điều ước:

Trong giai đoạn này, các bên sẽ thực hiện các hành vi như: đàm phán, soạn thảo và thông qua văn bản điều ước. Thực hiện xong các hành vi này, điều ước quốc tế vẫn chưa phát sinh hiệu lực, tuy nhiên nếu thiếu các hành vi này thì một điều ước quốc tế không thể được hình thành.

– Đàm phán: Bản chất của đàm phán là sự thương lượng, đấu tranh về lợi ích giữa các chủ thể tham gia ký kết điều ước quốc tế nhằm đi đến một thỏa thuận chung nhất. Do đó, sự thành công hay thất bại của đàm phán phụ thuộc rất nhiều còa thiện chí và sự hợp tác của các bên. Có nhiều cách thức đàm phán khác nhau, như: đàm phán trên cơ sở của dự thảo văn bản đã chuẩn bị trước của mỗi bên hay một bên hoặc cùng đàm phán để trực tiếp xây dựng văn bản điều ước.

– Soạn thảo: Trong trường hợp đàm phán thành công, văn bản điều ước sẽ được soạn thảo chính thức để các bên thông qua. Với điều ước quốc tế song phương, các bên thường cử đại diện tham gia soạn thảo, còn đối với điều ước quốc tế đa phương thì việc soạn thảo sẽ được giao cho một cơ quan do các bên thống nhất lập ra.

– Thông qua văn bản điều ước: Đây là thủ tục không thể thiếu trong giai đoạn này. Thông qua văn bản điều ước chính là hình thức để các ben biểu hiện sự nhất trí của mình đối với văn bản điều ước đã được soạn thảo. Thực tiễn ký kết điều ước quốc tế cho thấy, có nhiều cách để thông qua văn bản điều ước, như: biểu quyết, ký tắt, thỏa thuận miệng. Văn bản được các bên nhất trí thông qua là văn bản cuối cùng, các bên không được phép đơn phương sửa đổi, chỉnh lý hoặc thay đổi bất kỳ quy định nào trong văn bản.

b. Giai đoạn 2

 – Giai đoạn thực hiện các hành vi nhằm thể hiện sự ràng buộc của quốc gia với điều ước quốc tế và có giá trị tạo ra hiệu lực thi hành của điều ước đó.

Giai đoạn này có 4 hành vi được thực hiện đó là: hành vi ký, phê chuẩn, phê duyệt, gia nhập điều ước quốc tế.

* Ký điều ước quốc tế: Ký là một bước không thể thiếu trong trình tự ký kết điều ước quốc tế. Có 3 hình thức ký điều ước quốc tế, đó là:ký tắt, ký Ad Referendum, ký đầy đủ,

Phê chuẩn, phê duyệt, gia nhập điều ước quốc tế.

Luật Minh KHuê (tổng hợp)