1. Viện dẫn là gì?

Theo định nghĩa của từ điển tiếng Việt, “viện dẫn” (tiếng Anh gọi là Quote) được hiểu đơn giản là đưa ra, dẫn ra để làm căn cứ chứng minh, minh hoạ hoặc làm chỗ dựa cho lập luận. Ví dụ: nếu ai đó đưa ra quan điểm về vấn đề nào đó thì họ có thể trích dẫn các ví dụ để hỗ trợ cho lập luận của mình. Để làm được điều này, họ cần cung cấp bằng chứng (sự kiện hoặc số liệu) chứng minh cho lập luận của mình. Lúc này, chúng ta có thể hiểu họ đang viện dẫn dẫn chứng để quan điểm, ý kiến của họ trở nên đáng tin cậy. 

Viện dẫn có ý nghĩa quan trọng trong cuộc sống của chúng ta, vì điều này là thật sự cần thiết cho quá trình vận hành và phát triển của xã hội loài người. Trích dẫn là việc sử dụng các tài liệu hoặc con số để hỗ trợ các tuyên bố chưa được chứng minh trước đó hoặc các tuyên bố sai đã có từ trước và là một hoạt động cần thiết trong quá trình học tập và phát triển của nhân loại. Thực tiễn này đã được sử dụng trong một thời gian dài và chắc chắn việc viện dẫn sẽ tiếp tục được áp dụng trong tương lai.

 

2. Yêu cầu chung đối với hoạt động viện dẫn

Mọi hoạt động viện dẫn, dù ở trong lĩnh vực pháp luật, kinh tế hay xã hội thì đều đòi hỏi phải đảm bảo được tính chính xác của tài liệu được viện dẫn. Đây là nguyên tắc cơ bản và quan trọng nhất trong quá trình viện dẫn tài liệu, số liệu mà người viện dẫn cần đặc biệt lưu ý. Không những thế, khi viện dẫn, cần lưu ý rằng nội dung được viện dẫn phải có tính chính xác thì mới có thể sử dụng làm căn cứ chứng minh cho luận điểm, giúp cho luận điểm có tính thuyết phục cao. Nếu nguồn viện dẫn không đủ uy tín thì đôi khi việc viện dẫn còn tạo ra kết quả ngược lại so với mong muốn ban đầu của người viện dẫn. Khi một tài liệu được viện dẫn, nên đảm bảo rằng tài liệu ấy có nội dung liên quan đến luận điểm thì mới có khả năng chứng minh, làm sáng tỏ luận điểm đó. Đối với việc viện dẫn văn bản pháp luật, người viện dẫn còn phải lưu ý nhiều điều hơn nữa, trong đó cần đặc biệt lưu ý về hiệu lực của văn bản pháp luật, của những quy định được viện dẫn. Viện dẫn sai, viện dẫn nhầm một quy định đã hết hiệu lực sẽ khiến cho nội dung bài viết, luận điểm, hay văn bản hành chính trở nên có khuyết điểm và thiếu chuyên nghiệp.

 

3. Quy tắc khi viện dẫn văn bản pháp luật

Quy tắc viện dẫn văn bản pháp luật đã được quy định rõ tại Khoản 16 Điều 1 Nghị định 154/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 34/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực từ 1/1/2021 như sau: 

“Khi viện dẫn lần đầu văn bản có liên quan, phải ghi đầy đủ tên loại văn bản, số, ký hiệu văn bản; ngày, tháng, năm thông qua hoặc ký ban hành văn bản; tên cơ quan, người có thẩm quyền ban hành văn bản và tên gọi văn bản. Trong lần viện dẫn tiếp theo, đối với luật, pháp lệnh, ghi đầy đủ tên loại văn bản, tên gọi của văn bản; đối với các văn bản khác, ghi tên loại, số, ký hiệu của văn bản đó.”

Như vậy, nếu viện dẫn văn bản pháp luật lần đầu trong nội dung thì người viện dẫn bắt buộc phải ghi đầy đủ tên loại văn bản, số, ký hiệu văn bản; ngày, tháng, năm thông qua hoặc ký ban hành văn bản; tên cơ quan, người có thẩm quyền ban hành văn bản và tên gọi văn bản (Ví dụ: Nghị định 154/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 34/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực từ 1/1/2021). 

Đối với các lần viện dẫn tiếp theo, cách viện dẫn sẽ được rút gọn so với lần đầu tiên. Khi tiếp tục viện dẫn luật, pháp lệnh thì phải ghi đầy đủ tên loại văn bản, tên gọi của văn bản (ví dụ: Nghị định 154/2020/NĐ-CP) ; đối với các văn bản khác, ghi tên loại, số, ký hiệu của văn bản đó.

Ngoài ra, Khoản 2, 3, 4 Điều 75 Nghị định 34/2016/NĐ-CP cũng quy định cụ thể một số trường hợp viện dẫn như sau:

2. Trường hợp viện dẫn phần, chương, mục, tiểu mục của một văn bản quy phạm pháp luật thì phải xác định cụ thể phần, chương, mục, tiểu mục của văn bản đó.

3. Trường hợp viện dẫn đến điều, khoản, điểm thì không phải xác định rõ đơn vị bố cục phần, chương, mục, tiểu mục có chứa điều, khoản, điểm đó.

4. Trường hợp viện dẫn đến phần, chương, mục, tiểu mục, điều, khoản, điểm của một văn bản thì phải viện dẫn theo thứ tự từ nhỏ đến lớn và tên của văn bản; nếu viện dẫn từ khoản, điểm này đến khoản, điểm khác trong cùng một điều hoặc từ mục, điều này đến mục, điều khác trong cùng một chương của cùng một văn bản thì không phải xác định tên của văn bản nhưng phải viện dẫn cụ thể.

 

4. Một số lưu ý khi viện dẫn văn bản pháp luật

4.1. Cách viết khi viện dẫn

Khi viện dẫn phần, chương, mục, tiểu mục, điều, khoản, điểm của một văn bản cụ thể thì viết hoa chữ cái đầu của phần, chương, mục, tiểu mục, điều.

=> Ví dụ: Theo quy định tại khoản 2 Điều 77 Nghị định 34/2016/NĐ-CP hoặc Tiểu mục 1 Mục 3  Chương V của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP. Trước đó, theo hướng dẫn tại Thông tư 01/2011/TT-BNV, khi trích dẫn điều, khoản, điểm từ văn bản cụ thể thì chữ cái đầu của điều, khoản, điểm phải được viết hoa. Tức là theo quy định mới, khi viện dẫn thì không viết hoa chữ cái đầu của “điểm, khoản” nữa.

 

4.2. Viện dẫn Phần, Chương

Khi cần viện dẫn đến chương nằm trong phần, mục nằm trong chương, tiểu mục nằm trong mục thì người viện dẫn phải lưu ý nêu đầy đủ tiểu mục, mục, chương, phần cụ thể của văn bản đó.

=> Ví dụ: Tiểu mục 1 Mục 1 Chương III của Nghị quyết số 351/2017/UBTVQH14.

 

4.3. Viện dẫn Điều luật

Khi viện dẫn đến điều, khoản, điểm thì không cần ghi rõ phần, chương, mục, tiểu mục có chứa điều, khoản, điểm đó. Tuy nhiên phải ghi cụ thể Điều nào, khoản nào.

=> ví dụ: khoản 2 Điều 3 Bộ luật hình sự năm 2015.

 

5. Viện dẫn văn bản pháp luật sửa đổi, bổ sung

Khi một văn bản pháp luật đã được sửa đổi, bổ sung, hiển nhiên việc tra cứu các điều luật cũng có một chút khó khăn. Vì vậy, để tiện cho việc tra cứu thì các bạn nên viện dẫn theo hướng dẫn sau: 

Ví dụ: Đối với việc đánh giá tác động của chính sách về mặt xã hội trước đây được quy định tại khoản 2, Điều 6 Nghị định 34/2016/NĐ-CP; tại Nghị định 154/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 34/2016/NĐ-CP thì công tác đánh giá nêu trên được sửa đổi tại điểm a khoản 3 Điều 1 Nghị định 154/2020/NĐ-CP.

 

6. Một số tình trạng cần tránh khi viện dẫn luật

6.1. Tình trạng lạm dụng viện dẫn

Hoạt động viện dẫn văn bản pháp luật không chỉ xuất hiện trong các văn bản hành chính mà còn được sử dụng trong các bài phân tích luật,… Tuy nhiên, không phải bất kì trường hợp nào việc viễn dẫn pháp luật cũng đem lại hiệu quả. Việc viện dẫn những căn cứ không liên quan hoặc có liên quan nhưng không cần thiết phải đưa vào nội dung văn bản hành chính hoặc nội dung phân tích thì sẽ gây ra tình trạng lạm dụng viện dẫn, từ đó làm cho phần căn cứ trở nên dài dòng, mâu thuẫn, chồng chéo lẫn nhau. 

 

6.2. Viện dẫn những văn bản pháp luật, những điều luật đã hết hiệu lực hoặc đã được sửa đổi

Viện dẫn những văn bản đã hết hiệu lực toàn bộ hoặc một phần là một điều tối kỵ khi trích dẫn luật. Sự sai sót này vừa chứng tỏ sự thiếu chuyên nghiệp, vừa khiến luận điểm, nội dung bài viết trở nên thiếu uy tín.

Trên đây là cách viện dẫn các văn bản, quy định pháp luật một cách chính xác mà Luật LVN Group muốn cung cấp tới bạn đọc. Nếu bạn đọc có bất kỳ vấn đề pháp lý nào thắc mắc thì vui lòng liên hệ đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến: 1900.0191 để được tư vấn và hỗ trợ nhiệt tình. Xin chân thành cảm ơn bạn đọc đã quan tâm theo dõi!