Ưu đãi giảm thuế thu nhập cá nhân trong khu kinh tế thế nào?

Thuế thu nhập cá nhân là nghĩa vụ đặt ra đối với cá nhân có mức thu nhập chịu thuế. Tuy nhiên, đối với những cá nhân sinh sống và làm việc trong khu kinh tế thì có được hưởng ưu đãi về việc giảm thuế thu nhập cá nhân không? Nếu có thì mức ưu đãi giảm thuế thu nhập cá nhân trong khu kinh tế được quy định như thế nào?

1. Một số quy định về thuế thu nhập cá nhân:

1.1. Đối tượng nộp thuế thu nhập cá nhân:

Thuế thu nhập cá nhân được xác định là một loại thuế trực thu, được đánh trực tiếp vào thu nhập của một số cá nhân có thu nhập cao, đạt mức thu nhập chịu thuế.

Theo quy định của Văn bản hợp nhất Luật Thuế thu nhập cá nhân năm 2014 thì đối tượng nộp thuế thu nhập cá nhân được quy định cụ thể bao gồm 02 đối tượng sau:

– Thứ nhất, cá nhân cư trú: Cá nhân cư trú phải đáp ứng được một trong hai điều kiện sau:

+ Cá nhân là người có mặt tại Việt Nam từ 183 ngày trở lên được tính theo một năm dương lịch hoặc tính theo 12 tháng liền kề kể từ ngày đầu tiên người đó có mặt tại Việt Nam;

+ Cá nhân có nơi ở thường xuyên tại Việt Nam. Nơi ở thường xuyên ở đây được xác định là nơi đăng ký thường trú hoặc có nhà để thuê ở tại Việt Nam theo hợp đồng thuê có thời hạn.

– Thứ hai, cá nhân không cư trú. Cá nhân không cư trú tại Việt Nam khi có thu nhập chịu thuế tại Việt Nam vẫn phải thực hiện nghĩa vụ nộp thuế thu nhập cá nhân tại Việt Nam. Cá nhân không cư trú là người không đáp ứng được một trong hai điều kiện được nêu ra đối với cá nhân cư trú.

1.2. Đặc điểm của thuế thu nhập cá nhân:

Thuế thu nhập cá nhân có những đặc điểm đặc trưng sau:

– Thuế thu nhập cá nhân là loại thuế trực thu;

– Thuế thu nhập cá nhân có đối tượng chịu thuế là thu nhập của cá nhân  có thu nhập chịu thuế;

– Thuế thu nhập cá nhân là loại thuế có tính ổn định không cao và phức tạp;

– Thuế thu nhập cá nhân được đánh vào người có thu nhập chịu thuế theo nguyên tắc thuế suất luỹ tiến từng phần.

1.3. Những thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân hiện nay:

Căn cứ theo quy định tại Điều 3 Văn bản hợp nhất Luật Thuế thu nhập cá nhân năm 2014 thì những khoản thu nhập sau đây phải thực hiện nộp thuế thu nhập cá nhân:

– Thứ nhất, thu nhập từ việc kinh doanh của cá nhân, bao gồm:

+ Thu nhập kiếm được từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ;

+ Thu nhập từ hoạt động hành nghề độc lập của cá nhân có giấy phép hoặc chứng chỉ hành nghề theo quy định của pháp luật;

+ Thu nhập từ kinh doanh quy định tại khoản này không bao gồm thu nhập của cá nhân kinh doanh có doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở xuống.

– Thứ hai, thu nhập cá nhân có được từ tiền lương, tiền công;

– Thứ ba, thu nhập từ việc đầu tư vốn;

– Thứ tư, thu nhập từ chuyển nhượng vốn;

– Thứ năm, thu nhập có được từ việc chuyển nhượng bất động sản;

– Thứ sáu, thu nhập có được từ trúng thưởng;

– Thứ bảy, thu nhập có được từ bản quyền thuộc quyền sở hữu trí tuệ;

– Thứ tám, thu nhập có được từ nhượng quyền thương mại;

– Thứ chín, thu nhập có được từ việc hưởng di sản thừa kế là phần vốn góp trong các tổ chức kinh tế, chứng khoán, cơ sở kinh doanh, bất động sản và những tài sản khác phải thực hiện đăng ký quyền sử dụng và quyền sở hữu;

– Thứ mười, thu nhập từ việc được tặng cho là phần vốn góp trong các tổ chức kinh tế, chứng khoán, cơ sở kinh doanh, bất động sản và những tài sản khác phải thực hiện đăng ký quyền sử dụng và quyền sở hữu.

2. Thế nào là khu kinh tế?

Căn cứ theo quy định tại khoản 13 Điều 2 Nghị định số 35/2022/NĐ-CP thì khu kinh tế được quy định là khu vực có ranh giới địa lý xác định. Khu vực này bao gồm nhiều khu chức năng, được thành lập để thực hiện cho mục tiêu thu hút đầu tư, phát triển nền kinh tế- xã hội và để thực hiện mục đích bảo vệ quốc phòng, an ninh quốc gia.

Theo quy định tại Nghị định số 35/2022/NĐ-CP thì các khu kinh tế hiện nay tại Việt Nam bao gồm:

– Khu kinh tế ven biển là khu kinh tế được thành lập ở khu vực ven biển và địa bàn lân cận khu vực ven biển theo quy định tại khoản 14 Điều 2 Nghị định này;

– Khu kinh tế cửa khẩu là khu kinh tế được thành lập ở khu vực biên giới đất liền và địa bàn lân cận khu vực biên giới đất liền theo quy định tại khoản 15 Điều 2 Nghị định này;

– Khu kinh tế chuyên biệt là khu kinh tế được thành lập ở vùng kinh tế trọng điểm, hành lang phát triển, khu vực động lực phát triển hoặc khu vực có vai trò tương tự được xác định trong quy hoạch vùng theo quy định tại khoản 16 Điều 2 Nghị định này.

3. Ưu đãi giảm thuế thu nhập cá nhân trong khu kinh tế được quy định như thế nào?

Trước đây khi Thông tư số 128/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính ban hành ngày 05 tháng 9 năm 2014 hướng dẫn về việc giảm thuế thu nhập cá nhân đối với cá nhân làm việc tại khu kinh tế còn hiệu lực thì cá nhân có thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân trong khu kinh tế sẽ được giảm 50% thuế thu nhập cá nhân. Kể cả người Việt Nam và người nước ngoài làm việc tại khu kinh tế đều được hưởng chế độ ưu đãi này.

Theo đó, cá nhân kinh doanh tại Khu kinh tế trước ngày 01/01/2009 có phát sinh thu nhập từ kinh doanh đang thực hiện hưởng ưu đãi đầu tư theo quy định của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp đến hết ngày 31/12/2008 mà vẫn đang trong thời gian được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp thì chuyển sang được tiếp tục hưởng ưu đãi miễn thuế thu nhập cá nhân cho hết thời gian miễn thuế còn lại, sau đó sẽ hưởng ưu đãi giảm 50% thuế thu nhập cá nhân theo hướng dẫn tại Thông tư 128/2014/TT-BTC.

Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, Thông tư số 128/2014/TT-BTC đã hết. hiệu lực thi hành mà đã được thay thế hoàn toàn bởi Thông tư số 42/2019/TT-BTC. Theo quy định tại Thông tư số 42/2019/TT-BTC này thì việc ưu đãi giảm thuế thu nhập cá nhân đối với cá nhân làm việc trong khu kinh tế đã bị bãi bỏ hoàn toàn. Theo đó, kể từ ngày 26 tháng 8 năm 2019, khi Thông tư số 42/2019/TT-BTC có hiệu lực thi hành thì cá nhân làm việc trong khu kinh tế sẽ không được giảm thuế thu nhập cá nhân như trước nữa.

Theo quy định của pháp luật hiện hành thì chỉ có trường hợp cá nhân nộp thuế thu nhập cá nhân gặp khó khăn do bất khả kháng vì lý do thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn, bệnh hiểm nghèo ảnh hưởng đến khả năng nộp thuế thì được xét giảm thuế tương ứng với mức độ thiệt hại nhưng không vượt quá số thuế phải nộp.

4. Thu nhập được miễn thuế thu nhập cá nhân theo quy định của pháp luật hiện hành:

Căn cứ theo quy định tại Điều 4 Văn bản hợp nhất Luật Thuế thu nhập cá nhân năm 2014 thì thu nhập được miễn Thuế thu nhập cá nhân bao gồm 16 trường hợp cụ thể như sau:

– Thu nhập từ chuyển nhượng quyền sở hữu bất động sản giữa những người có mối quan hệ gia đình như: giữa vợ với chồng; cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ; cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi; cha chồng, mẹ chồng với con dâu; cha vợ, mẹ vợ với con rể; ông nội, bà nội với cháu nội; ông ngoại, bà ngoại với cháu ngoại; anh, chị, em ruột với nhau;

– Thu nhập từ chuyển nhượng nhà ở, quyền sử dụng đất ở và tài sản gắn liền với đất ở của cá nhân trong trường hợp cá nhân chỉ có một nhà ở, đất ở duy nhất;

– Thu nhập từ giá trị quyền sử dụng đất của cá nhân được Nhà nước giao đất;

– Thu nhập từ nhận thừa kế, quà tặng là bất động sản giữa những mối quan hệ trong gia đình như: vợ với chồng; cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ; cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi; cha chồng, mẹ chồng với con dâu; cha vợ, mẹ vợ với con rể; ông nội, bà nội với cháu nội; ông ngoại, bà ngoại với cháu ngoại; anh, chị, em ruột với nhau;

– Thu nhập của hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, làm muối, nuôi trồng, đánh bắt thuỷ sản chưa qua chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường;

– Thu nhập từ chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao để sản xuất;

– Thu nhập từ lãi tiền gửi tại tổ chức tín dụng, lãi từ hợp đồng bảo hiểm nhân thọ;

– Thu nhập từ kiều hối;

– Phần tiền lương làm việc ban đêm, làm thêm giờ được trả cao hơn so với tiền lương làm việc ban ngày, làm trong giờ theo quy định của pháp luật hiện hành;

– Tiền lương hưu do Quỹ bảo hiểm xã hội chi trả; tiền lương hưu do quỹ hưu trí tự nguyện chi trả hàng tháng;

– Thu nhập từ học bổng bao gồm các khoản học bổng sau:

+ Học bổng nhận được từ ngân sách nhà nước;

+ Học bổng nhận được từ tổ chức trong nước và ngoài nước theo chương trình hỗ trợ khuyến học của tổ chức đó.

– Thu nhập từ bồi thường hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, phi nhân thọ, tiền bồi thường tai nạn lao động, khoản bồi thường nhà nước và các khoản bồi thường khác theo quy định của pháp luật;

– Thu nhập nhận được từ quỹ từ thiện được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép thành lập hoặc công nhận, hoạt động vì mục đích từ thiện, nhân đạo, không nhằm mục đích lợi nhuận;

 – Thu nhập nhận được từ nguồn viện trợ nước ngoài vì mục đích từ thiện, nhân đạo dưới hình thức chính phủ và phi chính phủ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;

– Thu nhập từ tiền lương, tiền công của thuyền viên là người Việt Nam làm việc cho các hãng tàu nước ngoài hoặc các hãng tàu Việt Nam vận tải quốc tế;

– Thu nhập của cá nhân là chủ tàu, cá nhân có quyền sử dụng tàu và cá nhân làm việc trên tàu từ hoạt động cung cấp hàng hóa, dịch vụ trực tiếp phục vụ hoạt động khai thác, đánh bắt thủy sản xa bờ.

Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:

– Văn bản hợp nhất Luật Thuế thu nhập cá nhân năm 2014;

– Thông tư số 42/2019/TT-BTC của Bộ Tài chính ban hành ngày 12/7/2019 Bãi bỏ Thông tư số 128/2014/TT-BTC ngày 05 tháng 9 năm 2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn về việc giảm thuế thu nhập cá nhân đối với cá nhân làm việc tại khu kinh tế.

Theo dõi chúng tôi trên
5/5(1
bình chọn
)

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com