Chứng thư bảo lãnh là gì? Nội dung của chứng thư bảo lãnh? Quy trình bảo lãnh ngân hàng? Rủi ro chứng thư bảo lãnh gồm những gì?
Pháp luật dân sự có quy định về các biện pháp bảo đảm đối với các hợp đồng có giá trị tài sản lớn để đảm bảo được việc thanh toán, trong đó có biện pháp “Bảo lãnh”. Tuy nhiên với nhiều người thì đây vẫn còn là một vấn đề khá xa lạ. Chúng tôi sẽ giải đáp giúp Quý khách các thắc mắc về Chứng thư bảo lãnh là gì? Hay làm thế nào để được cấp chứng thư bảo lãnh theo quy định của pháp luật hiện hành.
1. Chứng thư bảo lãnh là gì?
Chứng thư bảo lãnh là một văn bản cam kết giữa hai bên là bên bảo lãnh và bên nhận bảo lãnh, được lập ra nhằm đảm bảo bên bảo lãnh sẽ phải thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ thay cho bên được bảo lãnh trong trường hợp bên được bảo lãnh không thanh toán nợ đúng hạn hoặc thanh toán nhưng không đầy đủ, không đúng thời hạn cho bên nhận bảo lãnh theo quy định trong hợp đồng bảo lãnh.
Trong đó:
Bên bảo lãnh có thể là quỹ bảo lãnh tín dụng cho các công ty có quy mô vừa và nhỏ, mới được thành lập
Bên được bảo lãnh là các chủ thể được Quỹ bảo lãnh tín dụng bảo lãnh về các khoản vay nợ của mình
Bên nhận bảo lãnh là các tổ chức cho vay được pháp luật công nhận như các ngân hàng, tổ chức tín dụng….
Đặc điểm của bảo lãnh ngân hàng
- Là một giao dịch thương mại (hay hành vi thương mại) đặc thù.
- Hoạt động bảo lãnh ngân hàng bao giờ cũng do chủ thể đặc biệt là tổ chức tín dụng (trong đó chủ yếu là các ngân hàng ) thực hiện.
- Trong bảo lãnh ngân hàng, tổ chức tín dụng không chỉ có tư cách là người bảo lãnh (giống như bất kỳ người bảo lãnh nào trong bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ dân sự) mà còn có thêm tư cách của một nhà kinh doanh ngân hàng.
- Giao dịch bảo lãnh ngân hàng có mục đích và hệ quả tạo lập hai hợp đồng, gồm hợp đồng dịch vụ bảo lãnh và hợp đồng bảo lãnh/cam kết bảo lãnh. Hai hợp đồng này tuy có mối quan hệ nhân quả với nhau, ảnh hưởng lẫn nhau nhưng vẫn độc lập với nhau về cả phương diện chủ thể cũng như phương diện quyền, nghĩa vụ pháp lý của các chủ thể.
- Giao dịch bảo lãnh ngân hàng không phải là giao dịch hai bên hay ba bên mà là một giao dịch kép.
- Bảo lãnh ngân hàng là giao dịch được xác lập và thực hiện dựa trên chứng từ. tính chất chứng từ của bảo lãnh ngân hàng thể hiện ở chỗ, khi tổ chức tín dụng phát hành cam kết bảo lãnh (thư bảo lãnh) cũng như khi người nhận bảo lãnh thực hiện quyền yêu cầu hay khi tổ chức tín dụng bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ của người bảo lãnh ,các chủ thể này đều bắt buộc phải thiết lập bằng văn bản.
- Bảo lãnh ngân hàng là loại hình bảo lãnh vô điều kiện (hay còn gọi là bảo lãnh độc lập).
Chứng thư bảo lãnh trong tiếng Anh là Guarantee certificate/ Letter of Guarantee
Ví dụ :
Hợp đồng kinh tế giữa Bên A (bán) Bên B (mua) do chưa có sự tin tưởng vào nhau về khả năng thanh toán nên Bên A (bán) yêu cầu bên B phải có chứng thư bảo lãnh thanh toán ngân hàng. Nếu bên B vi phạm hợp đồng hoặc đến thời hạn thanh toán mà bên B không thanh toán cho bên nhận bảo lãnh (Bên A) thì bên bảo lãnh sẽ tự động dùng tài sản của bên được bảo lãnh hoặc dùng tài sản của bên bảo lãnh để thanh toán cho bên A (trường hợp bảo lãnh vô điều kiện). Nếu là bảo lãnh có điều kiện thì căn cứ vào điều kiện cấp bảo lãnh mà bên bảo lãnh (Ngân hàng) sẽ thanh toán cho bên A theo điều kiện ghi trong văn bản bảo lãnh.
2. Nội dung của chứng thư bảo lãnh:
Tại Điều 24 Nghị định 34/2018/NĐ-CP có quy định về những nội dung cơ bản của chứng thư bảo lãnh, gồm:
– Các thông tin cụ thể của bên bảo lãnh, bên được bảo lãnh và bên nhận bảo lãnh như tên, địa chỉ. Tùy thuộc vào chủ thể của các bên để cung cấp thông tin phù hợp
– Thời điểm phát hành chứng thư bảo lãnh cùng với những nội dung quy định về nghĩa vụ trả nợ gốc, trả nợ lãi
– Điều kiện để thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh
– Thời điểm phát sinh hiệu lực của chứng thư bảo lãnh
– Các văn bản liên quan về việc đề nghị thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh của bên nhận bảo lãnh đối với bên bảo lãnh
– Nội dung quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của ba bên khi thực hiện những điều khoản quy định trong chứng thư bảo lãnh; các nội dung giải quyết khi có các tranh chấp xảy ra
– Các biện pháp thu hồi nợ mà bên nhận bảo lãnh sẽ sử dụng trong trường hợp bên được bảo lãnh không thực hiện đúng cam kết trả nợ hoặc vi phạm về thời hạn thanh toán nợ và các phương thức được dùng để chứng minh cho việc đã áp dụng các biện pháp thu hồi nợ trên trước khi thông báo cho bên bảo lãnh để yêu cầu bên bảo lãnh thực hiện nội dung đã cam kết trước đó
– Nội dung khác nếu các bên liên quan có thỏa thuận.
3. Quy trình bảo lãnh ngân hàng:
Theo quy định tại Thông tư 07/2015/TT-NHNN quy trình bảo lãnh ngân hàng được thực hiện như sau:
Bước 1: Khách hàng lập và gửi hồ sơ đề nghị bảo lãnh đến Ngân hàng.
Hồ sơ gồm:
- Văn bản đề nghị bảo lãnh;
- Tài liệu về khách hàng;
- Tài liệu về nghĩa vụ được bảo lãnh;
- Tài liệu về biện pháp bảo đảm (nếu có);
- Tài liệu về các bên liên quan khác (nếu có).
Bước 2: Ngân hàng tiến hành thẩm định đầy đủ các nội dung như: Tính đầy đủ hợp pháp, khả thi của dự án bảo lãnh; năng lực pháp lý của khách hàng, hình thức bảo đảm; cũng như tình hình tài chính của khách hàng xin bảo lãnh. Nếu đồng ý, ngân hàng và khách hàng ký hợp đồng cấp bảo lãnh và thư bảo lãnh.
Hợp đồng cấp bảo lãnh là 1 loại hợp đồng độc lập với hợp đồng kinh tế giữa khách hàng và đối tác, nó thể hiện ràng buộc nghĩa vụ tài chính giữa ngân hàng và khách hàng. Nội dung cơ bản của hợp đồng quy định về số tiền và thời hạn bảo lãnh; các điều khoản vi phạm hợp đồng Kinh tế của khách hàng dẫn đến nghĩa vụ chi trả của ngân hàng cho đối tác; các hình thức bảo lãnh cũng như phí bảo lãnh, số tiền ký quỹ hay quy định về tài sản bảo đảm.
Bước 3: Ngân hàng thông báo thư bảo lãnh cho bên nhận bảo lãnh.
Thư bảo lãnh quy định rõ ràng các nội dung cơ bản trong hợp đồng cấp bảo lãnh, tuy nhiên nêu rõ các tài liệu mà bên nhận bảo lãnh cần có để chứng minh sự vi phạm hợp đồng của bên được bảo lãnh, ngoài ra quy định rõ các hình thức chi trả của ngân hàng cho bên nhận bảo lãnh như mở thư tín dụng, ký hối phiếu nhận nợ..
=> Hợp đồng cấp bảo lãnh ký giữa ngân hàng và khách hàng (bên được Bảo lãnh)
Thư bảo lãnh là văn bản mà ngân hàng chuyển qua cho đối tác (Bên nhận Bảo lãnh)
Bước 4: Ngân hàng thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh với bên nhận bảo lãnh, nếu nghĩa vụ xảy ra.
Bước 5: Ngân hàng yêu cầu bên được bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với Ngân hàng (trả nợ gốc, lãi, phí)
Trường hợp bên được bảo lãnh vi phạm nghĩa vụ đã được bảo lãnh, NH tiến hành trả thay và tự động hạch toán nợ vay bắt buộc đối với số tiền trả nợ thay theo lãi suất nợ quá hạn của bên được bảo lãnh. ngân hàng áp dụng biện pháp cần thiết để thu nợ như phát mại tài sản bảo đảm, trích tài khoản của bên được bảo lãnh, khởi kiện…
Điều kiện để phát hành chứng thư bảo lãnh ?
Cá nhân, doanh nghiệp muốn phát hành chứng thư bảo lãnh thì phải có tài sản thế chấp : Bất động sản, động sản, tài sản có giá trị (sổ tiết kiệm,…)
Ngoài ra cá nhân, doanh nghiệp phải có đủ hồ sơ chứng minh năng lực tài chính :
+ Khách hàng doanh nghiệp :
– Giấy phép thành lập doanh nghiệp , mã số thuế
– Báo cáo tài chính trong năm
-Báo cáo quý 6 tháng 1 lần
-Báo cáo thuế ( 3 tháng gần nhất )
– Báo cáo nội bộ
– Hợp đồng ký kết các loại (đầu vào, đầu ra ,hóa đơn dịch vụ …)
– Hợp đồng kinh tế dành cho bên nhận bảo lãnh , không quá 2 tuần kể từ ngày ký
– Các chứng từ có liên quan dành cho bên bảo lãnh về tài sản thế chấp (biên bản bổ sung hội đồng thành viên ,
người thân, anh em, họ hàng ,…)
+ Khách hàng cá nhân :
– Bản sao CMND/ hộ chiếu của người đứng tên vay (và hôn phối, nếu có)
– Bản sao giấy phép lao động/ visa và thẻ tạm trú còn hiệu lực đối với những người không cư trú và người nước ngoài tại Việt Nam
– Bản sao giấy kết hôn (nếu có)
– Nếu có thể, bản sao sao kê tài khoản ngân hàng trong 3 tháng trước đó của một hoặc các tài khoản Thanh toán/ Tiết kiệm/ Tiền gửi có kỳ hạn vay
– Bản gốc thông báo trả lương gần nhất
– Giấy xác nhận hoặc thư giới thiệu của nơi đang làm việc
– Bản sao chi tiết trả thuế gần nhất – Phiếu thông tin về Người bảo lãnh (nếu có)
– Bản sao Hóa đơn mua xe (nếu vay mua xe mới)
– Thông tin về Doanh nghiệp – Bản sao giấy phép hành nghề/ hoạt động kinh doanh (nếu có)
– Nếu có thể, bản sao báo cáo tài chính của 2 năm trước
– Phiếu thông tin về Người bảo lãnh (nếu có)
– Bản sao hóa đơn mua xe (nếu vay mua xe mới)…
-Đối với cá nhân tư danh : GPKD , HĐKT , Sổ sách ghi chép , hóa đơn chứng từ , hình ảnh kinh doanh….
4. Rủi ro chứng thư bảo lãnh gồm những gì?
Một số rủi ro có thể gặp trong chứng thư bảo lãnh như:
– Rủi ro đến từ việc các điều kiện thanh toán không khả thi, dễ xảy ra tranh chấp
Do bên bảo lãnh sẽ phải thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ thay cho bên được bảo lãnh khi mà bên nhận bảo lãnh chứng minh được việc họ đã áp dụng các biện pháp thu hồi nợ trước đó nhưng không được, đồng thời chứng minh việc bên được bảo lãnh có hành vi vi phạm hợp đồng
Tuy nhiên, việc xác định có vi phạm hợp đồng hay không thì chỉ tòa án mới có quyền đưa ra phán quyết
Nếu việc xác định vi phạm hợp đồng này chỉ xảy ra giữa hai bên, vậy thì bên thứ ba là bên bảo lãnh không thể xác định được là có hành vi vi phạm hay không. Do vậy bên bảo lãnh rơi vào tình trạng không thể thanh toán nợ bảo đảm cũng không thể “ép buộc” bên được bảo lãnh nhận khoản nợ được
– Rủi ro gặp phải nữa đó là chủ thể ký phát hành bảo lãnh không đúng thẩm quyền, dẫn đến việc bên phát hành có thể đưa ra các căn cứ pháp luật đề từ chối bảo lãnh
– Dễ xảy ra tình trạng giả danh người có thẩm quyền bên phát hành bảo lãnh bằng cách sử dụng con dấu và chữ ký giả
– Bên bảo lãnh có thể gặp nguy cơ lớn khó được thanh toán khoản bảo lãnh trong trường hợp rủi ro khi doanh nghiệp được bảo lãnh lâm vào tình trạng phá sản
Kết luận: Chứng thư bảo lãnh là một trong các hình thức thường xuyên áp dụng trong điều kiện đầu tư kinh tế và phát triển cơ cấu hạ tầng như hiện nay. Do đó các quy định về chứng thư bảo lãnh cũng như các rủi ro mà loại hình này có thể gặp phải đã được liệt kê như trên, là căn cứ để các cá nhân và tổ chức có liên quan cân nhắc lựa chọn loại hình cho phù hợp.