Nền kinh tế thế giới là tổng thể các nền kinh tế của các quốc gia trên thế giới có mối liên hệ hữu cơ và tác động qua lại lẫn nhau thông qua các quan hệ kinh tế quốc tế trên cơ sở phân công lao động quốc tế. Đặc trưng của nền kinh tế thế giới? Bộ phận nền kinh tế thế giới?
Như chúng ta thấy nền kinh tế toàn cầu đóng vai trò quan trọng cho sự thúc đẩy kinh tế của quốc gia vì nền kinh tế thế giới se giúp thúc đẩy tác động lẫn hau giữa các quan hệ kinh tế. Hiểu rõ được nền kinh tế thế giới chúng ta sẽ nắm được các quy luật kinh tế để phát triển.
1. Nền kinh tế thế giới là gì?
Như chúng ta đã biết thì nền kinh tế quốc tế giúp cho các quốc gia tham gia sâu rộng vào quá trình liên kết kinh tế, phân công lao động xã hội, hội nhập vào thị trường toàn cầu. Thị trường thế giới có vai trò ngày càng quan trọng đối với sự phát triển các quốc gia. Hoạt động kinh tế quốc tế tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia chủ động và tích cực vào sự phân công lao động quốc tế và sự trao đổi mậu dịch quốc tế làm cho nền kinh tế quốc gia trở thành một hệ thống mở, tạo cầu nối giữa nền kinh tế trong nước với nền kinh tế thế giới, biến nền kinh tế thế giới thành nơi cung cấp các yếu tố đầu vào và tiêu thụ các yếu tố đầu ra cho nền kinh tế quốc gia trong hệ thống kinh tế quốc tế.
Đồng thời, tham gia vào thị trường thế giới còn giúp cho các doanh nghiệp khai thác triệt để các lợi thế so sánh của mỗi quốc gia, đạt quy mô tối ưu cho mỗi ngành sản xuất, tạo điều kiện xây dựng các ngành kinh tế mũi nhọn, nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm và hạ giá thành, thúc đẩy việc khai thác các nhân tố tăng trưởng theo chiều sâu, trao đổi và ứng dụng nhanh chóng các công nghệ mới, thu hút vốn đầu tư từ bên ngoài, nâng cao tốc độ tăng trưởng và hiệu quả của nền kinh tế quốc dân.
Hoạt động kinh tế quốc tế được thực hiện bằng nhiều hình thức khác nhau như thông qua các lĩnh vực xuất khẩu hàng hóa, các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh quốc tế tăng thu ngoại tệ để tăng nguồn vốn dự trữ, đẩy mạnh việc thu hút đầu tư trong nước; bằng hình thức hợp tác đầu tư, thu hút vốn đầu tư nước ngoài để đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho nền kinh tế; thông qua các hoạt động dịch vụ thu ngoại tệ như du lịch, kiều hối để tăng thêm nguồn thu bằng ngoại tệ thông qua lượng khách du lịch vào thăm quan; thông qua các nguồn vốn vay từ các nước, các tổ chức tín dụng, ngân hàng trên thế giới để bổ sung nguồn vốn đầu tư trong nước trong khi nguồn vốn tích lũy từ nội bộ của chúng ta còn thấp; tăng thêm nguồn vốn bằng ngoại tệ bằng cách xuất khẩu lao động và chuyên gia cho các nước thiếu lao động, sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên, tạo thêm việc làm, tăng thêm nguồn thu ngoại tệ cho nền kinh tế.
Nền kinh tế thế giới hay nền kinh tế toàn cầu trong tiếng Anh được gọi là global economy hay world economy.
Nền kinh tế thế giới là tổng thể các nền kinh tế của các quốc gia trên thế giới có mối liên hệ hữu cơ và tác động qua lại lẫn nhau thông qua các quan hệ kinh tế quốc tế trên cơ sở phân công lao động quốc tế.
2. Đặc trưng của nền kinh tế thế giới:
Kinh tế thế giới được định lượng theo các cách khác nhau, tùy theo cách định lượng mà có thể hình dung khối lượng giá trị được tạo ra trên toàn thế giới trong một thời hạn nhất định là bao nhiêu (ví dụ theo Đô la Hoa Kỳ). Kinh tế thế giới không thể tách rời với địa lý và sinh thái của Trái Đất, do đó khi xác định “kinh tế thế giới” có rất nhiều cách khác nhau, các yếu tố đều phải được tính đến, loại trừ một vài nguồn tài nguyên ở ngoài Trái Đất. Ví dụ, việc khai thác các nguồn tài nguyên trên sao hỏa trong tương lai có thể không được tính vào như là một phần của kinh tế thế giới
Tuy ngay trong những trường hợp nền kinh tế thị trường đầy đủ có thể xác định giá trị thành tiền thì các nhà kinh tế cũng không sử dụng tiền tệ ở nơi đó hay tỷ giá trao đổi chính thức để chuyển khối lượng giá trị ở nơi đó một cách đơn lẻ thành lượng tiền của loại tiền phổ biến nào đó trên thế giới, rồi cộng chung với nền kinh tế thế giới được, bởi vì tỷ giá trao đổi không phản ánh đúng giá trị của đồng tiền đó trên phạm vi toàn thế giới, ví dụ ở những nơi mà tiền tệ trong giao dịch hoàn toàn bị điều chỉnh bởi chính phủ sẽ không phản ánh một cách thỏa đáng giá trị của nó. Một phương pháp chính xác hơn là dùng ý tưởng sức mua tương đương. Đây là phương pháp tốn kém nhưng được sử dụng để đánh giá các hoạt động kinh tế trên phạm vi toàn thế giới và hiện nay được tính theo một đơn vị chuẩn là Đô la Mỹ.
3. Các bộ phận nền kinh tế thế giới:
Các bộ phận của nền kinh tế thế giới:
– Các chủ thể kinh tế quốc tế
+ Thứ nhất: Các nền kinh tế quốc gia và vùng lãnh thổ độc lập trên thế giới
Quan hệ giữa các chủ thể: Thông qua việc kí kết các hiệp định kinh tế, văn hóa và khoa học – công nghệ giữa hai quốc gia hay từng nhóm quốc gia.
Theo trình độ phát triển kinh tế, các quốc gia trên thế giới được chia thành 3 loại:
Các nước phát triển
Các nước đang phát triển
Các nước chậm phát triển
+ Thứ hai: Các chủ thể ở cấp độ thấp hơn bình diện quốc gia
Các chủ thể này có chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn thấp hơn cấp quốc gia. Đó là những công ty, xí nghiệp, tập đoàn, đơn vị kinh doanh.
Quan hệ giữa các chủ thể: Thông qua việc kí kết các hợp đồng thương mại, đầu tư trong khuôn khổ của những hiệp định được kí kết giữa các quốc gia.
+ Thứ ba: Các chủ thể kinh tế ở cấp độ quốc tế
Các chủ thể này có chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn cao hơn cấp quốc gia.
Đó là các tổ chức quốc tế hoạt động với tư cách là những thực thể độc lập, có địa vị pháp lí rộng hơn địa vị pháp lí của chủ thể quốc gia như IMF, WB, EU, ASEAN…
Ngoài ra, còn một loại chủ thể kinh tế quan trọng (các công ty xuyên quốc gia) đang chiếm một tỉ trọng lớn trong các hoạt động thương mại quốc tế và đầu tư quốc tế, chuyển giao công nghệ.
– Các quan hệ kinh tế quốc tế
Các quan hệ kinh tế quốc tế: là bộ phận cốt lõi của nền kinh tế thế giới, là kết quả tất yếu của sự tác động qua lại giữa các chủ thể kinh tế quốc tế.
Quan hệ kinh tế quốc tế là tổng thể các quan hệ về vật chất và tài chính diễn ra trong lĩnh vực kinh tế, khoa học công nghệ có liên quan đến tất cả các giai đoạn của quá trình tái sản xuất.
Quan hệ kinh tế quốc tế diễn ra giữa các quốc gia với nhau, giữa các quốc gia với các tổ chức kinh tế quốc tế.
Căn cứ vào đối tượng vận động, các quan hệ kinh tế quốc tế được chia thành các hoạt động sau:
+ Thương mại quốc tế
+ Đầu tư quốc tế
+ Hợp tác quốc tế về kinh tế và khoa học công nghệ
+ Các dịch vụ quốc tế nhằm thu ngoại tệ
Trong các quan hệ kinh tế quốc tế, thương mại quốc tế ra đời sớm nhất và ngày nay vẫn giữ vị trí trung tâm.
Nội dung của các quan hệ kinh tế quốc tế rất phong phú, phức tạp và tiếp tục phát triển theo sự phát triển của khoa học – công nghệ và nhu cầu ngày càng đa dạng của con người.