Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán là gì? Chức năng của Cục? Nhiệm vụ của Cục quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán? Cơ cấu tổ chức của Cục quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán?
Tài chính luôn gắn liền với hoạt động kế toán, kiểm toán dù đó là tài chính thuộc nhà nước hay tài chính tư nhân. Kế toán, kiểm toán là hoạt động không thể thiếu bởi lẽ chỉ cần nhìn vào kết quả kế toán, kiểm toán của một đơn vị thì chúng ta có thể nhìn nhận được toàn bộ tình hình tài chính của đơn vị đó. Để tránh tình trạng lạm dụng kế toán, kiểm toán để gian lận, vi phạm pháp luật, Nhà nước đã đặt ra thiết chế quản lý hoạt động kế toán, kiểm toán. Và Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán chính là cơ quan quản lý nhà nước chuyên trách về lĩnh vực này. Bài viết dưới đây chúng tôi sẽ cung cấp thông tin về Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán.
* Cơ sở pháp lý: Quyết định số 185/QĐ-BTC ngày 09 tháng 02 năm 2018 do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Quản lí, giám sát kế toán, kiểm toán
1. Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán là gì? Chức năng của Cục:
Tại Điều 1 Quyết định số 185/QĐ-BTC ngày 09 tháng 02 năm 2018 do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Quản lí, giám sát kế toán, kiểm toán quy định như sau:
“Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán là đơn vị thuộc Bộ Tài chính thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Tài chính thực hiện quản lý nhà nước đối với lĩnh vực kế toán, kiểm toán; trực tiếp quản lý, giám sát việc chấp hành chuẩn mực kế toán, kiểm toán và các quy định của pháp luật trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán trong phạm vi cả nước.
Cục Quản lý, Giám sát kế toán, kiểm toán có tư cách pháp nhân, con dấu riêng, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước; mở tài khoản tại ngân hàng thương mại để thực hiện dự án hỗ trợ kỹ thuật theo yêu cầu của nhà tài trợ và phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành.”
Từ quy định này, chúng ta khẳng định ngay rằng Cục quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán chính là cơ quan nhà nước, mà cụ thể là cơ quan trực thuộc Bộ Tài chính.
Quy định của Luật đã khẳng định Cục quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán có tư cách pháp nhân, tức Cục sẽ tham gia các hoạt động khác với tư cách độc lập, có những quyền và nghĩa vụ cụ thể khi tham gia vào các quan hệ xã hội. Do có tư cách pháp nhân mà Cục cũng có con dấu, tài khoản tại Kho bạc và tại ngân hàng.
Về chức năng của Cục, thì quy định tại Điều 1 đã nêu rõ đó chính là: “…quản lý nhà nước đối với lĩnh vực kế toán, kiểm toán; trực tiếp quản lý, giám sát việc chấp hành chuẩn mực kế toán, kiểm toán và các quy định của pháp luật trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán trong phạm vi cả nước.” Như vậy, chức năng chính đó chính là quản lý trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán.
Kế toán là việc ghi lại một cách có hệ thống các giao dịch tài chính của một doanh nghiệp. Quá trình ghi chép bao gồm thiết lập hệ thống lưu trữ hồ sơ, theo dõi các giao dịch trong hệ thống đó và tổng hợp thông tin kết quả thành một bộ báo cáo tài chính.
Còn kiểm toán là việc kiểm tra báo cáo tài chính của một tổ chức – như được trình bày trong báo cáo hàng năm – bởi một người độc lập với tổ chức đó. Báo cáo tài chính bao gồm bảng cân đối kế toán, báo cáo thu nhập, báo cáo thay đổi vốn chủ sở hữu, báo cáo lưu chuyển tiền tệ và thuyết minh bao gồm tóm tắt các chính sách kế toán quan trọng và các thuyết minh khác.
Mục đích của cuộc kiểm toán là để hình thành một cái nhìn về việc liệu thông tin được trình bày trong báo cáo tài chính, xét trên phương diện tổng thể, có phản ánh tình hình tài chính của tổ chức tại một thời điểm nhất định hay không, ví dụ:
– Chi tiết về những gì thuộc sở hữu và những gì tổ chức nợ có được ghi lại một cách chính xác trong bảng cân đối kế toán không?
– Lãi hoặc lỗ có được đánh giá đúng không?
Cục quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán sẽ thực hiện việc quản lý hoạt động kế toán, kiểm toán của các đơn vị trên toàn quốc, bao gồm cả các cơ quan nhà nước hay các doanh nghiệp tư nhân,…. Việc quản lý trong lĩnh vực kiểm toán, kế toán của Cục sẽ được thể hiện trong phần nhiệm vụ của Cục dưới đây.
2. Nhiệm vụ của Cục quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán:
Nhiệm vụ của Cục quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán được quy định tại Điều 2 của Quyết định 185/QĐ- BTC, cụ thể bao gồm các nhiệm vụ sau”
Nhiệm vụ đầu tiên là tham gia vào việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về kế toán, kiểm toán cũng như các chuẩn mực, chế độ, chiến lược, chính sách phát triển,… chế độ kế toán, kiểm toán. Đây là nhiệm vụ đầu tiên và cũng là nhiệm vụ không thể thiếu của Cục quản lý, giám sát kết toán, kiểm toán. Các văn bản quy phạm pháp luật, các chuẩn mực về kế toán, kiểm toán chính là bộ khung được đặt ra, để đảm bảo cho kế toán, kiểm toán được thực hiện đúng với bản chất của nó, tránh tình trạng lạm dụng, làm sai lệch. Các chiến lược, kế hoạch phát triển chính là những là phương hướng, con đường để phát triển kế toán, kiểm toán. Cục quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán sẽ là đơn vị chính trong việc xây dựng các văn bản, chuẩn lực, chiến lược,… này để trình lên cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, ban hành.
Kế toán, kiểm toán là một lĩnh vực đặc thù, do đó, các cá nhân làm việc trong lĩnh vực kiểm toán, kế toán phát đạt được những điều kiện về năng lực, trình độ nhất định. Và Cục quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán chính là đơn vị xây dựng nên những chuẩn mực, điều kiện, tiêu chuẩn về năng lực, trình độ, kinh nghiệm của các cá nhân làm việc trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán. Bên cạnh đó thì cũng xây dựng các điều kiện, tiêu chuẩn của các tổ chức làm việc, cung cấp dịch vụ về kế toán, kiểm toán.
Nhiệm vụ kế đến đó chính là xây dựng hệ thống kế toán áp dụng cho doanh nghiệp, các đơn vị, tổ chức trong các lĩnh vực đặc thù. Các doanh nghiệp, đơn vị thông thường có một chế độ kế toán, kiểm toán áp dụng đồng nhất, thì việc áp dụng chế độ kế toán, kiểm toán chung cho các doanh nghiệp, đơn vị làm việc có hoạt động đặc thù lại không phù hợp. Do vậy, cần bộ hệ thống kế toán riêng áp dụng cho các chủ thể này.
Kế toán, kiểm toán là các lĩnh vực vô cùng phức tạp bởi phạm vi của nó rất rộng, gồm nhiều bộ phận, yếu tố kết hợp với nhau. Do đó, các nguyên tắc, chuẩn mực kế toán, kiểm toán, chế độ kế toán cũng như quy trình chuyên môn nghiệp vụ khi ban hành cần được hướng dẫn thực hiện để các doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức có thể hiểu và áp dụng được. Và chủ thể có nhiệm vụ hướng dẫn những nội dung trên chính là Cục quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán. Cục sẽ xây dựng những nội dung hướng dẫn và trình lên Bộ để ban hành văn bản hướng dẫn.
Tương tự như các chuẩn mực, chế độ,… về kế toán, kiểm toán thì các văn bản quy phạm pháp luật về kế toán, kiểm toán cũng cần phải được hướng dẫn. Cục quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán sẽ thực hiện hoạt động này bằng cách ban hành các văn bản hướng dẫn về phương pháp, chuyên môn, nghiệp vụ. Nếu các tổ chức thực hiện hoạt động kế toán, kiểm toán có những vướng mắc thì Cục quản lý giám sát kế toán, kiểm toán cũng chính là đơn vị thực hiện hoạt động trả lời những vướng mắc đó.
Như ở trên đã viết, các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán phải đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện nhất định. Và thể hiện cho việc đáp ứng các điều kiện hành nghề chính là các loại giấy chứng nhận do Bộ trưởng Bộ Tài chính cấp. Cục quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán chính là đơn vị thừa lệnh của Bộ trưởng để thực hiện cấp các giấy chứng nhận đó. Sau khi cấp các giấy chứng nhận thì cục sẽ thực hiện quyền quản lý đối với các cá nhân hành nghề và các tổ chức hành nghề.
Một nhiệm vụ quan trọng khác đó chính là việc quản lý, kiểm tra, giám sát hoạt động, việc thực hiện, tuân thủ pháp luật về kế toán, kiểm toán của các đơn vị kế toán và các tổ chức hành nghề, cung cấp dịch vụ kế toán. Nếu trong quá trình kiểm tra, giám sát phát hiện có vi phạm thì Cục sẽ tiến hành xử lý những vi phạm đó dưới sự phân công của Bộ trưởng.
Ngoài ra thì Cục cũng tham gia xây dựng chiến lược, chính sách tài chính quốc gia và các văn bản pháp luật về tài chính, bởi lẽ kế toán, kiểm toán là bộ phận không thể thiếu của tài chính. Cục cũng tham mưu, đưa ra ý kiến với Bộ trưởng về việc bãi bỏ văn bản trái quy định chung. Đối với các trường hợp khúc mắc, chưa rõ ràng về kế toán, kiểm toán thì Cục sẽ thực hiện hoạt động giám định, ngoài ra là thực hiện hoạt động giám định, bất động về kế toán, kiểm toán theo yêu cầu. … (Khoản 10)
3. Cơ cấu tổ chức của Cục quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán:
Cơ cấu tổ chức của Cục quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán được quy định tại Điều 3 của Quyết định số 185/QĐ- BTC, theo đó, thì đứng đầu Cục là Cục trưởng. Trong Cục thì chia thành các phòng khác nhau, bao gồm:
– Văn phòng Cục;
– Phòng Quản lý, giám sát kế toán doanh nghiệp;
– Phòng Quản lý, giám sát kế toán ngân hàng và các tổ chức tài chính;
– Phòng Quản lý, giám sát kế toán nhà nước;
– Phòng Quản lý, giám sát kiểm toán.
Có thể thấy, trong cơ cấu tổ chức này đã chia thành các phòng dựa trên đối tượng quản lý của phòng, cụ thể là quản lý trong lĩnh vực kế toán gồm ba đối tượng là doanh nghiệp, ngân hàng và các tổ chức tài chính và các đơn vị nhà nước; còn lĩnh vực kiểm toán thì có một phòng quản lý chung. Sự phân chia này tạo ra sự rạch ròi trong phạm vi quản lý, không bị trùng lặp.