Hiện nay, vấn đề tên thương mại là vấn đề mà nhiều quý bạn đọc quan tâm đến. Bởi tên thương mại có liên quan mật thiết đến sự phát triển của tổ chức, doanh nghiệp. Vậy, hiện nay tên thương mại có chuyển nhượng, chuyển giao được không?
1. Tên thương mại có chuyển nhượng, chuyển giao được không?
Tên thương mại chính là đối tượng bảo hộ đặc biệt trong pháp luật sở hữu trí tuệ của Việt Nam. Tên thương mại không cần phải thực hiện thủ tục đăng ký mà vẫn được bảo hộ. Hiện nay, khi thực hiện việc chuyển nhượng, chuyển giao tên thương mại được quy định cụ thể trong Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi bổ sung năm 2009, năm 2019 và văn bản hướng dẫn thi hành cụ thể như sau:
Thứ nhất, Căn cứ theo quy định tại Điều 139 Luật Sở hữu trí tuệ về các điều kiện hạn chế việc chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp như sau:
Quý bạn đọc cũng cần phải đáp ứng các điều kiện để chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp như sau:
– Chủ sở hữu quyền sở hữu công nghiệp chỉ được chuyển nhượng quyền của mình trong phạm vi được bảo hộ.
– Quyền đối với chỉ dẫn địa lý không được chuyển nhượng.
– Quyền đối với tên thương mại chỉ được chuyển nhượng cùng với việc chuyển nhượng toàn bộ cơ sở kinh doanh và hoạt động kinh doanh dưới tên thương mại đó.
– Việc chuyển nhượng quyền đối với nhãn hiệu không được gây ra sự nhầm lẫn về nguồn gốc, đặc tính của hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu.
– Quyền đối với nhãn hiệu chỉ được chuyển nhượng cho các cá nhân, tổ chức đáp ứng các điều kiện đối với người có quyền đăng ký nhãn hiệu đó.
Đồng thời, Căn cứ Điều 138 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 quy định chung về chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp như sau:
– Chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp là việc chủ sở hữu quyền sở hữu công nghiệp chuyển giao quyền sở hữu của mình cho cá nhân, tổ chức khác.
Theo quy định của pháp luật thì việc chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp phải được thực hiện dưới hình thức hợp đồng bằng văn bản sau đây gọi là hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp. Căn cứ theo quy định tại Khoản 4 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ thì Quyền sở hữu công nghiệp được hiểu là quyền của cá nhân, tổ chức đối với tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, bí mật kinh doanh do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh.
Căn cứ theo quy định Điều 140 Luật Sở hữu trí tuệ thì nội dung của hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp phải có các nội dung chủ yếu sau đây:
– Tên và địa chỉ đầy đủ của bên chuyển nhượng và bên được chuyển nhượng.
– Căn cứ chuyển nhượng.
– Quyền và nghĩa vụ của bên chuyển nhượng và bên được chuyển nhượng.
– Giá chuyển nhượng.
Như vậy, căn cứ theo quy định nêu trên thì tên thương mại chỉ được chuyển nhượng khi doanh nghiệp tiến hành việc chuyển nhượng tên thương mại cùng với việc chuyển nhượng toàn bộ hoạt động kinh doanh và cơ sở kinh doanh dưới tên thương mại này, do đó quý bạn đọc, doanh nghiệp cần tiến hành thủ tục chuyển nhượng toàn bộ hoạt động kinh doanh và cơ sở kinh doanh dưới tên thương mại.
Thứ hai, Căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 142 Luật Sở hữu trí tuệ về hạn chế việc chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hưu công nghiệp thì tên thương mại sẽ không được chuyển giao;
Đồng thời, chuyển giao quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp được hiểu là việc chủ sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp cho phép các cá nhân, tổ chức khác được phép sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp thuộc phạm vi quyền sử dụng của chủ sở hữu đối tượng này;
Hình thức chuyển giao quyền sử dụng hay còn gọi là Li-xăng, theo đó bên nhận chuyển giao bên nhận li-xăng trong phạm vi bên chủ sở hữu bên chuyển giao cho phép không có quyền sở hữu mà chỉ được phép sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp này; Bên chuyển giao được gọi là bên cấp li-xăng vẫn có quyền sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp;
Như vậy, theo quy định nêu trên cho thấy tên thương mại không được chuyển giao.
Xem thêm: Phân biệt điểm giống và khác nhau giữa nhãn hiệu với tên thương mại
2. Điều kiện bảo độ đối với tên thương mại:
Căn cứ theo quy định tại Khoản 21 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi bổ sung năm 2007, năm 2019 thì tên thương mại được hiểu là tên gọi của cá nhân, tổ chức dùng trong hoạt động kinh doanh để phân biệt chủ thể kinh doanh mang tên gọi đó với chủ thể kinh doanh khác trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh. Trong đó, khu vực kinh doanh nêu trên được hiểu là khu vực địa lý nơi chủ thể kinh doanh có bạn hàng, khách hàng hoặc có danh tiếng.
Căn cứ theo quy định tại Điều 76 Luật Sở hữu trí tuệ về điều kiện chung đối với tên thương mại được bảo hộ như sau:
Tên thương mại được bảo hộ nếu có khả năng phân biệt chủ thể kinh doanh mang tên thương mại đó với chủ thể kinh doanh khác trong cùng khu vực và khu vực kinh doanh. Cụ thể, căn cứ theo quy định tại Điều 78 Luật Sở hữu trí tuệ thì khả năng phân biệt của tên thương mại như sau:
Một là,Chứa các thành phần tên riêng, ngoại trừ các trường hợp tên đã được biết đến rộng rãi do doanh nghiệp, tổ chức sử dụng:
– Tên thương mại phải có thành phần tên riêng nhằm mục đích phân biệt tên thương mại của chủ thể sản xuất kinh doanh này với chủ thể sản xuất kinh doanh khác trong cùng một khu vực kinh doanh và trong cùng một lĩnh vực.
– Tuy nhiên, quý bạn đọc cũng cần lưu ý rằng có trường hợp ngoại lệ do quá khứ để lại, nhiều người tiêu dùng đã biết đến tên thương mại của chủ thể sản xuất kinh doanh và đã được sử dụng rộng rãi trong thời gian dài.
Hai là, Không tương tự hoặc không trùng đến mức gây nhầm lẫn đối với tên thương mại mà người khác đã sử dụng trước trong cùng một khu vực và lĩnh vực kinh doanh. Trong đó, yếu tố gây nhầm lẫn của tên thương mại được thể hiện thông qua các yếu tố sau đây:
– Việc xác định dấu hiệu bị coi là tương tự hoặc là trùng như sau:
+ Dấu hiệu bị coi là tương tự trong trường hợp tương tự về cấu tạo, phiên âm đối với chữ cái, cách phát âm.
+ Dấu hiệu bị coi là trùng trong trường hợp giống với tên thương mại về cấu tạo của từ ngữ, kể cả cách phiên âm, cách phát âm đối với các chữ cái.
– Xác định sản phẩm, dịch vụ trùng hoặc các sản phẩm, dịch vụ có liên quan đến dịch vụ, sản phẩm mang tên thương mại trong trường hợp giống hoặc tương tự nhau về chức năng, bản chất, kênh tiêu thụ cũng như công dụng của sản phẩm, dịch vụ này.
– Khác nhau về yếu tố mô tả. Ví dụ như: Hoa phượng đỏ – Hoa phượng.
– Tên thương mại có cấu tạo gần giống nhau. Ví dụ như Vinatourt – Vinatour.
– Cùng nghĩa tiếng Việt hay Hán Việt phổ biến như: Công ty TNHH Bạch Mã – Công ty cổ phần Ngựa Trắng.
– Đọc gần giống nhau nhưng cách viết khác nhau. Ví dụ như Công ty TNHH Minh Nhật – Công ty Cổ phần Minh Nhựt; Công ty TNHH Ngọc Trinh – Doanh nghiệp tư nhân Ngọc Chinh.
Ba là, Không tương tự hoặc không trùng đến mức gây nhầm lẫn với chỉ dẫn địa lý hoặc với nhãn hiệu của người khác trước ngày mà tên thương mại đó đã được sử dụng.
Lưu ý:Căn cứ theo quy định tại Điều 77 Luật Sở hữu trí tuệ thì trong một số trường hợp nhất định có đối tượng không được bảo hộ tên thương mại cụ thể như sau:
– Tên của cơ quan nhà nước;
– Tổ chức chính trị;
– Tổ chức chính trị – xã hội;
– Tổ chức xã hội;
– Tổ chức xã hội – nghề nghiệp;
– Tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp;
– Các chủ thể khác không liên quan đến hoạt động kinh doanh;
Các chủ thể, đối tượng nêu trên sẽ không được bảo hộ với danh nghĩa tên thương mại.
Xem thêm: Khái niệm, đặc điểm của đại diện thương mại
3. Hành vi xâm phạm quyền và hành vi cạnh tranh không lành mạnh đối với tên thương mại:
Căn cứ theo quy định tại Điều 129 Luật Sở hữu trí tuệ về hành vi xâm phạm quyền đối với tên thương mại như sau:
– Mọi hành vi sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tương tự, gây nhầm lẫn về hoạt động kinh doanh, chủ thể kinh doanh, cơ sở kinh doanh dưới tên thương mại đó đều bị coi là xâm phạm quyền đối với tên thương mại.
Đồng thời, căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 130 Luật Sở hữu trí tuệ quy định hành vi cạnh tranh không lành mạnh đối với tên thương mại như sau:
– Đăng ký, chiếm giữ quyền sử dụng hoặc sử dụng tên miền trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với tên thương mại hay đối với nhãn hiệu được bảo hộ của người khác hoặc chỉ dẫn địa lý mà mình không có quyền sử dụng nhằm mục đích chiếm giữ tên miền, lợi dụng hoặc làm thiệt hại đến uy tín, danh tiếng của tên thương mại, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý tương ứng.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật Sở hữu trí tuệ số 50/2005/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2005 của Quốc hội, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2006;
– Luật số 36/2009/QH12 ngày 19 tháng 6 năm 2009 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2010;
– Luật số 42/2019/QH14 ngày 14 tháng 6 năm 2019 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 11 năm 2019.
Xem thêm: Hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, tên thương mại và chỉ dẫn địa lý