Đề thi học kì 2 lớp 11 môn Sinh học có đáp án mới nhất 2023

Để giúp các em tìm hiểu và học tập môn Sinh học một cách tốt nhất, đã cập nhật đề thi học kì 2 lớp 11 môn Sinh học mới nhất năm 2023. Đề thi này được thiết kế để đánh giá kiến thức của học sinh về các chủ đề cơ bản trong môn học như: di truyền, sinh sản, chuyển hóa vật chất, hệ thống cơ thể con người và động vật.

1. Cách học sinh môn Sinh học nhớ lâu:

– Nắm vững kiến thức trong sách giáo khoa

– Hệ thống hóa kiến thức Sinh học theo nhiều cách khác nhau

– Chú ý ghi chép bài giảng Sinh học cách khoa học, đạt hiệu quả cao

– Biết cách vận dụng và liên kết với các môn học liên quan

Để nắm vững kiến thức, sách giáo khoa là cơ sở cần thiết. Hầu hết đề kiểm tra và thi cử tại trường lấy kiến thức sách giáo khoa làm gốc. Sách giáo khoa còn là hành trang tuyệt vời để các em tiếp cận với lượng kiến thức Sinh học nâng cao.

Hệ thống hóa kiến thức và có phương pháp ôn luyện theo hướng logic sẽ giúp các bạn đạt thành tích tốt hơn. Trong các giải pháp ôn tập, cách học bài môn Sinh nhanh thuộc nhất là trình bày lại kiến thức đã học dưới dạng sơ đồ tư duy, theo nhánh cây, mũi tên hoặc hình vẽ minh họa.

Chú trọng quy trình ghi chép bài giảng trên lớp sao cho đạt hiệu quả tối ưu. Ghi chép cách bài bản, khoa học sẽ khiến các bạn học sinh cảm thấy thích thú hơn khi học.

Xem thêm: Đề thi học kì 2 lớp 11 môn Vật lý có đáp án mới nhất 2023

2. Đề cương ôn tập môn sinh học lớp 11:

Câu 1: Các nhân tố chi phối sự ra hoa?

– Sự ra hoa của cây phụ thuộc vào các nhân tố sau:

+ Tuổi của cây: Tùy vào giống, loài đến độ thì cây sẽ ra hoa không phụ thuộc vào điều kiện ngoại cảnh.

+ Nhiệt độ thấp và quang chu kì: Hiện tượng ra hoa cây phụ thuộc vào nhiệt độ thấp gọi là xuân hóa; Cây ngày dài là những cây có thời gian chiếu sáng lớn hơn 12h đồng hồ; Cây ngày ngắn là những cây có thời gian chiếu sáng bé hơn 12h đồng hồ.

+ Phitocrom: là sắc tố cảm nhận quang chu kì của thực vật và là sắc tố nảy mầm đối với các hạt mẫn cảm với ánh sáng.

+ Cơ chế điều khiển hiện tượng xuân hóa và quang chu kì ở thực vật: Cơ chế điều khiển hiện tượng xuân hóa và quang chu kì: Do sắc tố cảm nhận quang chu kì (phitocrom).

+ Phitôcrôm là một loại protein hấp thụ ánh sáng, tồn tại ở 2 dạng:

Pđ: hấp thụ ánh sáng đỏ có bước sóng 660 nm.

Pđx: hấp thụ ánh sáng đỏ xa có bước sóng 730nm, có tác dụng làm cho hạt nảy mầm, hoa nở, khí khổng mở …

Câu 2: Một số hình thức học tập ở động vật

Các hình thức học tập ở động vật bao gồm:

– Quen nhờn: là hình thức học tập đơn giản nhất, động vật phớt lờ, không trả lời những kích thích lặp lại nhiều lần nhưng không kèm theo sự nguy hiểm. Ví dụ: Khi có bóng đen trên cao lặp lại nhiều lần mà không nguy hiểm gì thì gà con không chạy đi ẩn nấp nữa.

– In vết: là hiện tượng các con non đi theo các vật chuyển động mà chúng nhìn thấy đầu tiên. Hiện tượng này chỉ thấy ở những loài thuộc lớp chim. Ví dụ: Ngỗng xám con đã in vết nhà tập tính học Konrad Lorenz và đi theo ông.

– Điều kiện hóa đáp ứng: là sự hình thành mối liên kết mới trong thần kinh trung ương dưới tác động của các kích thích kết hợp đồng thời. Ví dụ: thí nghiệm của Pavlov.

– Điều kiện hóa hành động: Liên kết một hành động với một phần thưởng (hoặc phạt), sau đó động vật chủ động lặp lại (hoặc không lặp lại) các hành vi đó.

– Học ngầm: là kiểu học không có ý thức, không biết rõ là mình đã học được, khi có nhu cầu thì kiến thức đó tái hiện để giải quyết những tình huống tương tự. Ví dụ: thả chuột vào đường đi, sau đó cho thức ăn thì chuột biết đi đúng đường đó.

– Học khôn: là kiểu học phối hợp các kinh nghiệm cũ để giải quyết tình huống mới. Ví dụ: Tinh tinh biết dùng gậy để bắt cá.

Câu 3: Trình bày các bước truyền tin qua xinap hoá học?

Các bước truyền tin qua xinap hoá học bao gồm:

– Xung thần kinh lan truyền đến chùy xinap làm Ca2+ đi vào trong chùy xinap.

– Ca2+ làm cho các bọc chứa chất trung gian hoá học gắn vào màng trước và vỡ ra. Chất trung gian hoá học đi qua khe xinap đến màng sau.

– Chất trung gian hoá học gắn vào thụ thể ở màng sau xinap làm xuất hiện điện thế hoạt động ở màng sau. Điện thế hoạt động (xung thần kinh) hình thành và lan truyền đi tiếp.

Câu 4: Nêu và phân tích các nhân tố bên ngoài có ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển ở động vật? Ý nghĩa của việc nắm được các nhân tố ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển ở động vật?

Các nhân tố bên ngoài có ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển ở động vật bao gồm:

– Thức ăn: Thức ăn là nhân tố ảnh hưởng mạnh nhất đối với sinh trưởng và phát triển của động vật. Ví dụ: Thiếu protein động vật chậm lớn và gầy yếu, dễ mắc bệnh.

– Nhiệt độ: Mỗi loài động vật sinh trưởng và phát triển tốt trong điều kiện môi trường thích hợp. Nhiệt độ quá cao hoặc quá thấp có thể làm chậm quá trình sinh trưởng và phát triển của động vật, đặc biệt là động vật biến nhiệt. Ví dụ: vào mùa đông khi nhiệt độ hạ thấp xuống 16 à 180 thì cá rô phi ngừng lớn và ngừng đẻ.

– Ánh sáng: Ánh sáng cung cấp nhiệt cho cơ thể động vật. Tia tử ngoại tác động lên da biến tiền vitamin D thành vitamin D giúp chuyển hóa Canxi thành xương.

Ý nghĩa của việc nắm được các nhân tố ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển ở động vật là giúp con người có thể định hướng và điều khiển sự sinh trưởng và phát triển của động vật theo ý muốn của mình. Dựa trên các nhân tố này, con người có thể sử dụng nhiều biện pháp khác nhau để làm tăng tốc độ sinh trưởng, phát triển của vật nuôi, cải thiện chất lượng dân số.

Câu 5: Tại sao sâu bướm phá hoại cây cối, mùa màng rất ghê gớm, trong khi đó bướm trưởng thành không gây hại mà có lợi cho cây trồng?

Sâu bướm phá hoại cây cối, mùa màng rất ghê gớm vì chúng ăn lá cây nhưng không có enzim tiêu hoá xenlulôzơ nên tiêu hoá và hấp thụ hiệu quả thấp. Do đó, sâu phải ăn rất nhiều lá cây mới đáp ứng được nhu cầu chất dinh dưỡng cho cơ thể. Trong khi đó, bướm trưởng thành chỉ ăn mặt hoa nên không phá hoại cây trồng mà lại giúp cây trồng thụ phấn.

Xem thêm: Đề thi học kì 2 lớp 11 môn Toán có đáp án mới nhất 2023

3. Đề thi học kì 2 lớp 11 môn Sinh học có đáp án mới nhất 2023:

3.1. Đề số 1:

Khoanh tròn vào đáp án trả lời đúng nhất.

Câu 1. Quá trình truyền tin qua xináp diễn ra theo trật tự nào?

A. Khe xinap → Màng trước xinap → Chuỳ xinap → Màng sau xinap.

B. Màng trước xinap → Chuỳ xinap → Khe xinap → Màng sau xinap.

C. Màng sau xinap → Khe xinap → Chuỳ xinap → Màng trước xinap.

D. Chuỳ xinap → Màng trước xinap → Khe xinap → Màng sau xinap.

Câu 2. Cho các phát biểu sau:

I. Trong hạt khô, GA đạt trị số cực đại, AAB rất thấp. Trong hạt nảy mầm GA giảm xuống rất mạnh; còn AAB đạt trị số cực đại.

II. Giberelin có tác dụng làm dài các lóng thân ở cây 1 lá mầm

III. Auxin có tác dụng kích thích ra rễ phụ ở cành giâm

IV. Etylen có tác dụng gây rụng lá, rụng quả

Số phát biểu sai là:

A. 4               B. 3               C. 2               D. 1

Câu 3. Loại cây nào sau đây có cả sinh trưởng sơ cấp và sinh trưởng thứ cấp?

A. Cây thân gỗ còn non

B. Cây thân gỗ trưởng thành

C. Cây mía

D. Tất cả đều đúng

Câu 4. Hoocmôn thực vật là:

A. Những chất hữu cơ do cơ thể thực vật tiết ra chỉ có tác dụng ức chế hoạt động của cây.

B. Những chất hữu cơ do cơ thể thực vật tiết ra có tác dụng điều tiết hoạt động của cây.

C. Những chất hữu cơ do cơ thể thực vật tiết ra có tác dụng kháng bệnh cho cây.

D. Những chất hữu cơ do cơ thể thực vật tiết ra chỉ có tác dụng kích thích sinh trưởng của cây.

Câu 5. Phát triển ở thực vật là

A. toàn bộ những biến đổi diễn ra trong chu kì sống của cá thể biểu hiện qua hai quá trình không liên quan với nhau: sinh trưởng và phát sinh hình thái tạo nên các cơ quan của cơ thể.

B. toàn bộ những biến đổi diễn ra trong chu kì sống của cá thể biểu hiện ở ba quá trình không liên quan với nhau: sinh trưởng, sự phân hoá và phát sinh hình thái tạo nên các cơ quan của cơ thể.

C. toàn bộ những biến đổi diễn ra trong chu kì sống của cá thể biểu hiện ở ba quá trình liên quan với nhau là sinh trưởng, sự phân hoá và phát sinh hình thái tạo nên các cơ quan của cơ thể.

D. toàn bộ những biến đổi diễn ra trong chu kì sống của cá thể biểu hiện qua hai quá trình liên quan với nhau: sinh trưởng và phát sinh hình thái tạo nên các cơ quan của cơ thể.

Câu 6. Tại sao hệ thần kinh dạng chuỗi hạch có thể trả lời cục bộ (như co 1 chân) khi bị kích thích?

A. Do các tế bào thần kinh trong hạch nằm gần nhau.

B. Các hạch thần kinh liên hệ với nhau.

C. Mỗi hạch là 1 trung tâm điều khiển 1 vùng xác định của cơ thể

D. Số lượng tế bào thần kinh tăng lên.

Câu 7: Đặc điểm nào không phải là ưu thế của sinh sản hữu tính so với sinh sản vô tính ở thực vật?

A. Có khả năng thích nghi với những điều kiện môi trường biến đổi.

B. Tạo được nhiều biến dị làm nguyên liệu cho quá trình chọn giống và tiến hoá.

C. Duy trì ổn định những tính trạng tốt về mặt di truyền.

D. Là hình thức sinh sản phổ biến.

Câu 8. Cho các phát biểu sau:

I. Ở thực vật có 2 kiểu sinh sản là sinh sản sinh dưỡng và sinh sản hữu tính.

II. Cơ sở khoa học của phương pháp nuôi cấy mô là tính toàn năng của tế bào thực vật

III. Quá trình hình thành túi phôi của thực vật có hoa trải qua 1 lần giảm phân và 3 lần nguyên phân

IV. Ở thực vật có hoa thể giao tử cái là túi phôi còn thể giao tử đực là 2 tinh tử.

Số phát biểu đúng là:

A. 1                   B. 2                   C. 3                   D. 4

Câu 9. Ý nào không đúng với đặc điểm của hệ thần kinh chuỗi hạch?

A. Số lượng tế bào thần kinh tăng so với thần kinh dạng lưới.

B. Phản ứng toàn thân, tiêu tốn nhiều năng lượng hơn so với thần kinh dạng lưới.

C. Phản ứng cục bộ, ít tiêu tốn năng lượng so với thần kinh dạng lưới.

D. Khả năng phối hợp giữa các tế bào thần kinh tăng lên so với thần kinh dạng lưới

Câu 10. Điểm khác biệt của sự lan truyền xung thần kinh trên sợi trục có bao miêlin so với sợi trục không có bao miêlin là

A. dẫn truyền theo lối “nhảy cóc”, chậm và ít tiêu tốn năng lượng.

B. dẫn truyền theo lối “nhảy cóc”, chậm chạp và tiêu tốn nhiều năng lượng.

C. dẫn truyền theo lối “nhảy cóc”, nhanh và ít tiêu tốn năng lượng.

D. dẫn truyền theo lối “nhảy cóc”, nhanh và tiêu tốn nhiều năng lượng.

Câu 11. Thụ tinh kép ở thực vật có hoa là

A. sự kết hợp của hai tinh tử với trứng ở trong túi phôi.

B. sự kết hợp của nhân giao tử đực và giao tử cái (trứng) trong túi phôi tạo thành hợp tử.

C. sự kết hợp của hai bộ nhiễm sắc thể đơn bội của giao tử đực và cái (trứng) trong túi phôi tạo thành hợp tử có bộ nhiễm sắc thể lưỡng bội.

D. sự kết hợp của nhân giao tử đực với nhân của trứng và nhân cực trong túi phôi tạo thành hợp tử và nhân nội nhũ.

Câu 12. Khi mở nắp bể, đàn cá cảnh thường tập trung về nơi thường cho ăn. Đây là ví dụ về hình thức học tập nào?

A. Học ngầm.

B. Điều kiện hoá đáp ứng.

C. Học khôn.

D. Điều kiện hoá hành động.

Câu 13. Điện thế nghỉ là

A. sự không chênh lệch điện thế giữa hai bên màng tế bào khi tế bào không bị kích thích, phía trong màng mang điện âm và ngoài màng mang điện dương.

B. sự chênh lệch điện thế giữa hai bên màng tế bào khi tế bào không bị kích thích, phía trong màng mang điện dương và ngoài màng mang điện âm.

C. sự chênh lệch điện thế giữa hai bên màng tế bào khi tế bào không bị kích thích, phía trong màng mang điện âm và ngoài màng mang điện dương.

D. sự chênh lệch điện thế giữa hai bên màng tế bào khi tế bào bị kích thích, phía trong màng mang điện âm và ngoài màng mang điện dương.

Câu 14. Sự hình thành tập tính học được là

A. sự tạo lập một chuỗi các phản xạ có điều kiện, trong đó hình thành các mối liên hệ mới giữa các nơron nên có thể thay đổi.

B. sự tạo lập một chuỗi các phản xạ có điều kiện, trong đó hình thành các mối liên hệ mới giữa các nơron và được di truyền.

C. sự tạo lập một chuỗi các phản xạ có điều kiện, trong đó hình thành các mối liên hệ mới giữa các nơron bền vững.

D. sự tạo lập một chuỗi các phản xạ có điều kiện và không điều kiện, trong đó hình thành các mối liên hệ mới giữa các nơron nên có thể thay đổi.

Câu 15. Một bạn học sinh lỡ tay chạm vào chiếc gai nhọn và có phản ứng rụt tay lại. Em hãy chỉ ra theo thứ tự: tác nhân kích thích → Bộ phận tiếp nhận kích thích → Bộ phận phân tích và tổng hợp thông tin → Bộ phận thực hiện phản ứng của hiện tượng trên:

A. Gai → Thụ quan đau ở tay → Tủy sống → Cơ tay.

B. Gai → Thụ quan đau ở tay → Vỏ não → Cơ tay.

C. Gai → Thụ quan đau ở tay → Cơ tay → Vỏ não

D. Gai → Cơ tay → Thụ quan đau ở tay → Tủy sống.

Câu 16. Vì sao đối với động vật hằng nhiệt khi đến mùa rét thì sự sinh trưởng và phát triển bị ảnh hưởng?

A. Vì cơ thể bị mất nhiệt làm cho sự chuyển hoá trong cơ thể giảm, sinh sản tăng.

B. Vì cơ thể bị mất nhiệt làm cho sự chuyển hoá, sinh sản giảm.

C. Vì cơ thể bị mất nhiệt làm cho sự chuyển hoá trong cơ thể tăng tạo nhiều năng lượng để chống rét.

D. Vì cơ thể bị mất nhiệt làm cho sự chuyển hoá trong cơ thể giảm làm hạn chế tiêu thụ năng lượng.

Câu 17. Thụ phấn chéo là

A. sự kết hợp giữa tinh tử và trứng của cùng hoa.

B. sự thụ phấn của hạt phấn cây này với nhụy của cây khác cùng loài.

C. sự thụ phấn của hạt phấn với nhụy của cùng một hoa hay khác hoa của cùng một cây.

D. sự thụ phấn của hạt phấn cây này với nhụy của cây khác loài.

Câu 18. Có các động vật sau: cá chép, khỉ, bọ ngựa, cào cào, bọ cánh cam, bọ rùa. Những loài nào thuộc động vật phát triển không qua biến thái.

A. cá chép, khỉ

B. Cánh cam, bọ rùa

C. Bọ ngựa, cào cào

D. Tất cả đều đúng

Câu 19. Bần, mạch rây thứ cấp, mạch gỗ thứ cấp là kết quả của hoạt động của

A. mô phân sinh bên

B. tầng sinh bần

C. tầng phân sinh bên

D. mô phân sinh đỉnh

Câu 20. Đặc điểm nào không có ở sinh trưởng sơ cấp ở thực vật?

A. Diễn ra cả ở cây một lá mầm và cây hai lá mầm.

B. Diễn ra hoạt động của mô phân sinh đỉnh.

C. Làm tăng chiều dài của cây.

D. Diễn ra hoạt động của tầng sinh bần.

Câu 21. Ý nào không đúng với cảm ứng của ruột khoang?

A. Toàn bộ cơ thể co lại khi bị kích thích.

B. Tiêu phí nhiều năng lượng.

C. Cảm ứng ở toàn bộ cơ thể.

D. Tiêu phí ít năng lượng.

Câu 22. Cung phản xạ diễn ra theo trật tự nào?

A. Bộ phận tiếp nhận kích thích → Bộ phận phân tích và tổng hợp thông tin → Bộ phận thực hiện phản ứng.

B. Bộ phận tiếp nhận kích thích → Bộ phận phân tích và tổng hợp thông tin → Bộ phận phản hồi thông tin.

C. Bộ phận trả lời kích thích → Bộ phận tiếp nhận kích thích → Bộ phận thực hiện phản ứng.

D. Bộ phận tiếp nhận kích thích → Bộ phận thực hiện phản ứng → Bộ phận phân tích và tổng hợp thông tin → Bộ phận phản hồi thông tin.

Câu 23. Ý nào không đúng với ưu điểm của phương pháp nuôi cấy mô ở thực vật?

A. Phục chế những cây quý, hạ giá thành cây con nhờ giảm mặt bằng sản xuất.

B. Nhân nhanh với số lượng lớn cây giống và sạch bệnh.

C. Dễ tạo ra nhiều biến dị di truyền tạo nguồn nguyên liệu cho chọn giống.

D. Duy trì những tính trạng mong muốn về mặt di truyền.

Câu 24. Nếu thiếu iôt trong thức ăn thường dẫn đến thiếu hoocmôn:

A. Tirôxin.

B. Testostêron.

C. Ecđisơn.

D. Ơtrôgen.

Câu 25. Phản xạ của thủy tức bị kích thích tại 1 điểm trên cơ thể là

A. di chuyển đi chỗ khác

B. co toàn bộ cơ thể.

C. co ở phần cơ thể bị kích thích.

D. duỗi thẳng cơ thể

Câu 26. Nếu tuyến yên sản sinh ra quá ít hoặc quá nhiều hoocmôn sinh trưởng ở giai đoạn trẻ em sẽ dẫn đến hậu quả gì?

A. Chậm lớn hoặc ngừng lớn, trí tuệ kém.

B. Các đặc điểm sinh dục phụ nữ kém phát triển.

C. Người bé nhỏ hoặc khổng lồ.

D. Các đặc điểm sinh dục nam kém phát triển.

Câu 27. Ý nào không đúng với đặc điểm của phản xạ khi kim đâm vào tay thì co ngón tay?

A. Là phản xạ không điều kiện.

B. Là phản xạ bẩm sinh.

C. Là phản xạ có điều kiện.

D. Là phản xạ có tính di truyền.

Câu 28. Cho các phát biểu sau:

I. Yếu tố ngoại cảnh ảnh hưởng lớn nhất đến sự sinh trưởng và phát triển của người và động vật là yếu tố di truyền

II. Có 2 kiểu phát triển của động vật là phát triển qua biến thái hoàn toàn và phát triển qua biến thái không hoàn toàn

III. Testosteron có tác dụng gây ra các đặc điểm sinh dục phụ thứ cấp ở con đực

IV. Khi đến mùa rét cơ thể động vật biến nhiệt bị mất nhiệt làm cho sự chuyển hoá trong cơ thể giảm, sinh sản tăng.

Số phát biểu đúng là:

A. 4                   B. 2                   C. 3                   D. 1

Câu 29. Cho các phát biểu sau:

I. Hình thức cảm ứng ở động vật đơn bào là các phản xạ không điều kiện

II. Khi có kích thích thì động vật đơn bào trả lời bằng cách chuyển động cả cơ thể

III. Cảm ứng là khái niệm rộng hơn phản xạ

IV. Tất cả các động vật đều có hệ thần kinh

Số phát biểu đúng là:

A. 4                   B. 3                   C. 1                   D. 2

Câu 30. Ý nào không đúng khi nói về hạt?

A. Hạt là noãn đã được thụ tinh phát triển thành.

B. Hợp tử trong hạt phát triển thành phôi.

C. Tế bào tam bội trong hạt phát triển thành nội nhũ.

D. Mọi hạt của thực vật có hoa đều có nội nhũ.

* Đáp án:

  1. D
  2. D
  3. B
  4. B
  5. C
  6. C
  7. C
  8. B
  9. B
  10. C
  11. D
  12. B
  13. C
  14. A
  15. A
  16. C
  17. B
  18. A
  19. A
  20. D
  21. D
  22. A
  23. C
  24. A
  25. B
  26. C
  27. C
  28. D
  29. D
  30. D

3.2. Đề số 2: 

Khoanh tròn vào đáp án trả lời đúng nhất.

Câu 1. Ngoài tự nhiên, cây tre sinh sản bằng:

A. Bằng lóng.

B. Thân rễ.

C. Đỉnh sinh trưởng.

D. Rễ phụ.

Câu 2. Tại sao phải cấm xác định giới tính của thai nhi người?

A. Vì sợ ảnh hưởng đến tâm lí của người mẹ.

B. Vì sợ ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.

C. Vì tâm lí của người thân muốn biết trước con trai hay con gái.

D. Vì định kiến trọng nam khinh nữ, dẫn đến hành vi làm thay đổi tỷ lệ trai và gái.

Câu 3. Hình thức sinh sản nảy chồi gặp ở nhóm động vật:

A. Ruột khoang, giun dẹp.

B. Bọt biển, giun dẹp.

C. Bọt biển, ruột khoang.

D. Nguyên sinh.

Câu 4. Thể vàng sản sinh ra hoocmôn:

A. FSH.

B. Prôgestêrôn.

C. GnRH.

D. LH.

Câu 5. Ý nào sau đây không đúng khi giải thích: Hằng ngày, phụ nữ uống viên thuốc tránh thai (chứa prôgestêrôn hoặc prôgestêrôn + ơstrôgen) có thể tránh được mang thai?

A. Diệt tinh trùng khi chúng có mặt ở tử cung.

B. Nồng độ các hoocmôn GnRH, FSH và LH giảm nên trứng không chín và không rụng.

C. Uống thuốc tránh thai hàng ngày làm nồng độ các hoocmôn này trong máu cao gây ức chế lên tuyến yên và vùng dưới đồi.

D. Vùng dưới đồi giảm tiết GnRH và tuyến yên giảm tiết FSH và LH.

Câu 6. Bộ nhiễm sắc thể của ong mật là 2n = 32. Số NST của ong đực là:

A. 64

B. 16

C. 32

D. 24

Câu 7. Trùng roi có hình thức sinh sản:

A. Phân đôi.

B. Trinh sinh.

C. Nảy chồi.

D. Phân mảnh.

Câu 8. Ý nào không đúng với vai trò của thức ăn đối với sự sinh trưởng và phát triển của động vật?

A. Làm tăng khả năng thích ứng với mọi điều kiện sống bất lợi của môi trường.

B. Gia tăng phân bào tạo nên các mô, các cơ quan, hệ cơ quan.

C. Cung cấp năng lượng cho mọi hoạt động sống của cơ thể.

D. Cung cấp nguyên liệu để tổng hợp các chất hữu cơ.

Câu 9. Điều nào dưới đây không đúng khi nói về nuôi cấy mô tế bào thực vật?

A. Tạo ra thế hệ sau có thêm nhiều tính trạng tốt.

B. Dựa trên tính toàn năng của tế bào.

C. Sản xuất ra các giống cây sạch bệnh.

D. Có thể nhân nhanh các giống cây.

Câu 10. Trong sinh trưởng và phát triển ở động vật, thiếu prôtêin động vật sẽ chậm lớn và gầy yếu, dễ mắc bệnh. Hiện tượng trên là ảnh hưởng của nhân tố?

A. Độ ẩm.

B. Ánh sáng.

C. Nhiệt độ.

D. Thức ăn.

Câu 11. Tại sao vào những ngày mùa đông cần cho gia súc non ăn nhiều thức ăn hơn để chúng có thể sinh trưởng và phát triển bình thường?

A. Đối với gia súc non, mùa đông ăn nhiều mới đủ để cung cấp năng lượng cho sự phát triển bộ xương – hệ cơ.

B. Đối với gia súc non, mùa đông ăn nhiều mới đủ chất để phát triển bộ xương do ít ánh sáng.

C. Đối với gia súc non, mùa đông lạnh giá gây mất nhiều nhiệt, nếu không tăng khẩu phần ăn sẽ làm chậm quá trình sinh trưởng.

D. Đối với gia súc non, mùa đông lạnh giá ăn nhiều mới đủ năng lượng để chống rét.

Câu 12. Ý nào không đúng khi nói về hạt?

A. Hạt là noãn đã được thụ tinh phát triển thành.

B. Tế bào tam bội trong hạt phát triển thành nội nhũ.

C. Mọi hạt của thực vật có hoa đều có nội nhũ.

D. Hợp tử trong hạt phát triển thành phôi.

Câu 13. Một củ khoai tây ở trong đất sẽ nảy ra mầm cành, lá rồi phát triển thành một cây khoai tây mới. Đây là hình thức sinh sản vô tính bằng cơ quan sinh dưỡng là:

A. Quả.

B. Lá.

C. Rễ.

D. Thân.

Câu 14. Đối với cây ăn quả lâu năm, người ta thường nhân giống bằng phương pháp chiết cành vì :

A. Cây con sẽ rút ngắn được thời gian sinh trưởng, thu hoạch sớm và biết trước được đặc tính của quả.

B. Hệ số nhân giống cao hơn giâm cành.

C. Rút ngắn được thời gian sinh trưởng và làm xuất hiện nhiều tính trạng tốt.

D. Muốn cải biến kiểu gen của cây mẹ, tăng năng suất và chất lượng cây giống.

Câu 15. Người ta đã nuôi cấy da người để chữa cho các bệnh nhân bị bỏng da. Đây là hình thức:

A. Sinh sản nảy chồi.

B. Nuôi mô sống.

C. Nhân bản vô tính.

D. Sinh sản phân mảnh.

Câu 16. Một vài loài cá và bò sát đẻ con, nhưng có điểm đặc biệt là:

A. Chất dinh dưỡng cung cấp cho phôi được lấy từ máu mẹ qua nhau thai.

B. Con non được chăm sóc, bảo vệ.

C. Chất dinh dưỡng cung cấp cho phôi được lấy từ noãn hoàng.

D. Con non không được chăm sóc, bảo vệ.

Câu 17. Thụ tinh kép ở thực vật có hoa là:

A. Sự kết hợp của hai tinh tử với trứng ở trong túi phôi.

B. Sự kết hợp của nhân hai giao tử đực với nhân của trứng và nhân cực trong túi phôi tạo thành hợp tử và nội nhũ.

C. Sự kết hợp của nhân hai giao tử đực và với nhân của giao tử cái (trứng) trong túi phôi tạo thành hợp tử.

D. Sự kết hợp của hai bộ nhiễm sắc thể đơn bội của giao tử đực và giao tử cái (trứng) trong túi phôi tạo thành hợp tử có bộ nhiễm sắc thể lưỡng bội.

Câu 18. Tác động nào sau đây không phải là hoạt động của hoocmôn prôgestêrôn và ơstrôgen?

A. Ức chế giảm tiết các hoocmôn GnRH, FSH, LH.

B. Giữ ổn định niêm mạc tử cung.

C. Kích thích làm dày niêm mạc tử cung.

D. Làm trứng chín, rụng và tạo thể vàng.

Câu 19. Ở một trại gà sau một đợt sinh sản người ta thu về 150 gà con. Tính số trứng đã tham gia thụ tinh trong đợt sinh sản này, biết tỉ lệ nở của hợp tử là 60%.

A. 125 trứng.

B. 250 trứng.

C. 600 trứng.

D. 150 trứng.

Câu 20. Thụ tinh ở ếch và ở rắn là hình thức thụ tinh nào?

A. Ở ếch là thụ tinh trong, ở rắn là thụ tinh ngoài.

B. Cả hai đều là thụ tinh trong, vì ở ếch có sự bắt cặp còn ở rắn có quá trình giao phối.

C. Ở ếch là thụ tinh ngoài, ở rắn là thụ tinh trong.

D. Cả hai đều là thụ tinh ngoài, vì cả hai đều đẻ trứng.

Câu 21. Ví dụ nào sau đây là biện pháp sử dụng hoocmôn làm thay đổi số con?

A. Tăng cường thời gian chiếu sáng đối với gà nuôi làm cho gà có thể đẻ 2 trứng trong 1 ngày.

B. Ép nhẹ lên bụng cá đã thành thục sinh dục để trứng chín tràn vào một cái đĩa rồi rót nhẹ tinh dịch lên trên. Sau đó dùng lông gà đảo nhẹ để trứng được thụ tinh.

C. Khi hợp tử đang phân chia, người ta dùng kĩ thuật để tách rời các tế bào con ra khỏi hợp tử. Mỗi tế bào sẽ được nuôi dưỡng và phát triển thành một phôi mới.

D. Tiêm dịch chiết từ tuyến dưới não của các loài cá khác cho cá mè, cá trắm cỏ làm cho trứng chín hàng loạt.

Câu 22.  Hướng tiến hoá về sinh sản của động vật là:

A. Từ vô tính đến hữu tính, từ thụ tinh ngoài đến thụ tinh trong, từ đẻ trứng đến đẻ con.

B. Từ vô tính đến hữu tính, thụ tinh trong đến thụ tinh ngoài, từ đẻ con đến đẻ trứng.

C. Từ hữu tính đến vô tính, từ thụ tinh ngoài đến thụ tinh trong, từ đẻ trứng đến đẻ con.

D. Từ vô tính đến hữu tính, từ thụ tinh trong đến thụ tinh ngoài, từ đẻ trứng đến đẻ con.

Câu 23. Mức độ phức tạp của tập tính tăng lên khi

A. kích thích của môi trường lặp lại nhiều lần.

B. kích thích của môi trường mạnh mẽ.

C. số lượng các xinap trong cung phản xạ tăng lên.

D. kích thích của môi trường kéo dài.

Câu 24. Ý nào không đúng với sinh đẻ có kế hoạch?

A. Điều chỉnh về số con.

B. Điều chỉnh sinh con trai hay con gái.

C. Điều chỉnh khoảng cách sinh con.

D. Điều chỉnh thời điểm sinh con.

Câu 25. Khi thả tiếp một hòn đá vào cạnh con rùa thì thấy nó không rụt đầu vào mai nữa. Đây là một ví dụ về hình thức học tập:

A. Học khôn.

B. Học ngầm.

C. Quen nhờn

D. Điều kiện hoá hành động.

Câu 26. Những cây ăn quả lâu năm người ta thường chiết cành là vì:

A. Dễ nhân giống nhanh và nhiều.

B. Dễ trồng và ít công chăm sóc.

C. Để tránh sâu bệnh gây hại.

D. Rút ngắn thời gian sinh trưởng, sớm thu hoạch và biết trước đặc tính của quả.

Câu 27. Ý nào không có trong quá trình truyền tin qua xináp?

A. Các chất trung gian hoá học gắn vào thụ thể màng sau làm xuất hiện xung thần kinh rồi lan truyền đi tiếp.

B. Các chất trung gian hoá học trong các bóng Ca+ gắn vào màng trước vỡ ra và qua khe xinap đến màng sau.

C. Xung thần kinh lan truyền đến làm Ca+ đi vào trong chuỳ xinap.

D. Xung thần kinh lan truyền tiếp từ màng sau đến màng trước.

Câu 28. Phương án nào không phải là đặc điểm của sự lan truyền xung thần kinh trên sợi trục không có bao miêlin?

A. Xung thần kinh lan truyền liên tục từ vùng này sang vùng khác.

B. Xung thần kinh lan truyền từ nơi có điện tích dương đến nơi có điện tích âm

C. Xung thần kinh lan truyền ngược lại từ phía ngoài màng.

D. Xung thần kinh không chạy trên sợi trục mà chỉ kích thích vùng màng làm thay đổi tính thấm.

Câu 29. Sinh sản vô tính dựa trên cơ sở

A. phân bào giảm nhiễm

B. phân bào nguyên nhiễm

C. phân bào giảm nhiễm và phân bào nguyên nhiễm

D. phân bào giảm nhiễm, phân bào nguyên nhiễm và thụ tinh

Câu 30. Trinh sinh là hình thức sinh sản có ở:

A. chân đốt, lưỡng cư, bò sát và 1 số loài cá.

B. chân đốt, lưỡng cư và bò sát

C. chân đốt, cá và lưỡng cư.

D. cá, tôm, cua.

* Đáp án:

  1. B
  2. D
  3. C
  4. B
  5. A
  6. B
  7. A
  8. A
  9. A
  10. D
  11. C
  12. C
  13. D
  14. A
  15. B
  16. C
  17. B
  18. D
  19. B
  20. C
  21. D
  22. A
  23. C
  24. B
  25. C
  26. D
  27. D
  28. C
  29. B
  30. A

Xem thêm: Đề thi học kì 2 lớp 11 môn Hoá học có đáp án mới nhất 2023

Theo dõi chúng tôi trênDuong Gia FacebookDuong Gia FacebookDuong Gia TiktokDuong Gia TiktokDuong Gia YoutubeDuong Gia YoutubeDuong Gia GoogleDuong Gia Google
5/5(1
bình chọn
)

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com