Vẻ đẹp con người và quân đội nhà Trần qua bài thơ Tỏ lòng

Bài thơ “Tỏ lòng” của Phạm Ngũ Lão đã thể hiện được tinh thần chiến đấu của thời đại nhà Trần cũng như vẻ đẹp hào khí Đông A và sức mạnh của người dân và quân đội dưới triều Trần. Để hiểu rõ hơn về vẻ đẹp con người và quân đội nhà Trần qua bài thơ Tỏ lòng; mời các bạn cùng tham khảo ngay bài viết dưới đây.

1. Dàn ý vẻ đẹp con người và quân đội nhà Trần qua bài thơ Tỏ lòng:

1.1. Mở bài:

– Giới thiệu đôi nét về tác giả Phạm Ngũ Lão và bài thơ “Tỏ lòng”.

– Dẫn dắt vấn đề: Vẻ đẹp con người và quân đội nhà Trần trong bài thơ “Tỏ lòng”.

1.2. Thân bài:

a, Vẻ đẹp con người 

– Tư thế hiên ngang “hoành sóc”

– Ngọn giáo là loại vũ khí của quân đội thời trước dùng để chiến đấu.

– Cầm ngang ngọn giáo: thể hiện tự tin, khí thế chủ động.

– Mở rộng vấn đề so sánh với hình ảnh “múa giáo” trong bản dịch thơ của Trần Trọng Kim thể hiện tính hoa mĩ, tuy nhiên điều đó không nói được sức mạnh ở bên trong mà chỉ thể hiện hành động phô trương ở bên ngoài.

=> Tư thế đầy sự tự tin và chủ động cũng như khí thế kiên cường sẵn sàng chiến đấu bất cứ lúc nào và giành chiến thắng.

– Tầm vóc anh hùng qua không gian và thời gian:

+ Không gian được thể hiện qua hình ảnh “giang sơn” đất nước rộng lớn.

+ Thời gian qua hình ảnh “kháp kỉ thu” đó là con số ước lệ để tượng trưng cho khoảng thời gian dài vô tận.

=> Khẳng định tầm vóc của người anh hùng nhà Trần vô cùng kì vĩ, lớn lao sánh ngang với vũ trụ, lấn át hết cả không gian và thời gian.

b, Vẻ đẹp quân đội nhà Trần 

– “Tam quân”: ba quân đó là tiền quân, trung quân và hậu quân: thể hiện tiềm lực quân sự không chỉ của quân đội nhà Trần mà còn cả của dân tộc.

=> Khẳng định sự vững vàng và mạnh mẽ của quân đội nhà Trần.

– Khí thế quân đội nhà Trần: Hình ảnh “Tam quân” được so sánh với “tì hổ” nhằm khẳng định tiềm lực sức mạnh quân đội nhà Trần dũng mãnh là nỗi khiếp sợ của kẻ thù.

=> Với những hình ảnh ước lệ cho thấy khí thế vô cùng hào hùng, dũng mãnh tinh thần ngút trời của quân đội nhà Trần.

1.3. Kết bài:

– Nêu đặc sắc nghệ thuật và nội dung về vẻ đẹp con người và quân đội thời Trần.

– Nhận xét chung về cả bài thơ.

Xem thêm: Mẫu mở bài cảm nhận, phân tích bài thơ Tỏ lòng hay nhất

2. Vẻ đẹp con người và quân đội nhà Trần qua bài thơ Tỏ lòng ngắn gọn:

Nhắc đến con người văn võ toàn tài không thể không nhắc đến Phạm Ngũ Lão. “Tỏ lòng” là bài thơ nổi bật trong những tác phẩm của ông. Đến với bài thơ “Tỏ lòng” Phạm Ngũ Lão đã khắc họa thành công được vẻ đẹp của con người và của quân đội nhà Trần:

   “Hoành sóc giang sơn cáp kỷ thu,

Tam quân tì hổ khí thôn Ngưu”

Trước hết, đó chính hình ảnh của người anh hùng hiện lên rất đẹp trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên – Mông. Khi quân Nguyên tràn vào nước ta nhằm thực hiện mưu đồ xâm lược, bọn chúng đã gây ra biết bao nhiêu là tội ác tàn bạo, dã man. Để có thể đối phó được với kẻ thù tàn ác như vậy đòi hỏi cần phải có một bản lĩnh vô cùng phi thường. Với cụm từ “hoành sóc” trong câu thơ đã gợi ra hình ảnh của người tráng sĩ trên tay cầm ngang ngọn giáo trong một tư thế hết sức tự tin và chủ động, không hề bé nhỏ chút nào. Tuy nhiên khi đến với bản dịch thơ của Trần Trọng Kim lại được dịch là “múa giáo”, điều đó đã mang lại tính hoa mỹ, tuy rằng cách dịch đó có phù hợp với nhịp thơ nhưng lại không thể thể hiện được sức mạnh nội lực ở bên trong. Tầm vóc của con người anh hùng kì vĩ ấy còn được Phạm Ngũ Lão không chỉ thể hiện qua không gian “giang sơn” là đất nước rộng lớn mà tầm vóc vĩ đại của con người còn được thể hiện qua thời gian “kháp kỉ thu” diễn tả con số mang tính chất ước lệ, ý chỉ rằng thời gian kéo dài đến vô tận. Qua đó, Phạm Ngũ Lão muốn nhấn mạnh tầm vóc kì vĩ, lớn lao của những người anh hùng thời nhà Trần sánh ngang với cả vũ trụ, lấn át hết cả không gian. Những người anh hùng ấy giống như những dũng tướng với dáng vẻ uy phong, lẫm liệt.

Không những thế, Phạm Ngũ Lão còn thể hiện tiềm lực quân đội nhà Trần vô cùng mạnh mẽ qua câu thơ tiếp theo. Hình ảnh “tam quân” mang ý nghĩa là ba quân trong đó bao gồm tiền quân, trung quân và hậu quân. Một quân đội nhà Trần hết sức tinh nhuệ, với số lượng đông đảo và chất lượng đầy sự mạnh mẽ. Quân đội đó còn mang trong mình khí thế hiên ngang, vững vàng. Hình ảnh “tam quân” được so sánh với “tỳ hổ” rất độc đáo. Bởi loài hổ được mệnh danh chúa tể của rừng xanh mang trong mình uy lực và sức mạnh đáng gờm. Với hình ảnh so sánh có tính độc đáo này, Phạm Ngũ Lão đã khẳng định sự dũng mãnh của quân đội thời đại nhà Trần trở thành một nỗi khiếp đảm đối với của quân thù. Không chỉ dừng lại ở đó, tác giả còn làm nổi bật cái sức mạnh ấy thông qua hình ảnh “khí thôn ngưu”. Với hình ảnh này đã gợi ra cho người đọc hai cách hiểu. Khí thế hùng mạnh của “tam quân” đến mức nuốt trôi trâu, hay khí thế của quân đội nhà Trần hào hùng ngút trời làm lu mờ cả ánh sáng sao Ngưu có trên bầu trời. Cho dù người đọc có hiểu theo cách nào đi nữa, thì cũng đều thấy được quân đội nhà Trần mang khí thế vô cùng hùng mạnh trước kẻ thù xâm lược gian ác. Một quân đội hùng mạnh như thế có đủ sức mạnh để đánh bại được mọi kẻ thù xâm lược.

Nói tóm lại, bài thơ “Tỏ lòng” của Phạm Ngũ Lão đã giúp cho độc giả hiểu thêm nhiều hơn về vẻ đẹp con người và của quân đội nhà Trần, cũng như khí thế của “hào khí Đông A” đã một vang dội một thời.

Xem thêm: Mẫu kết bài cảm nhận, phân tích bài thơ Tỏ lòng hay nhất

3. Vẻ đẹp con người và quân đội nhà Trần qua bài thơ Tỏ lòng hay nhất:

Trong suốt chiều dài lịch sử của nước ta đã có rất nhiều tác phẩm được sáng tác nhằm cổ vũ tinh thần đấu tranh chống giặc của dân tộc. Bài thơ “Tỏ lòng” của Phạm Ngũ Lão là một trong số đó. Bài thơ đã thể hiện được tinh thần chiến đấu của thời đại nhà Trần, cũng như vẻ đẹp hào khí Đông A và sức mạnh của người dân, quân đội dưới triều Trần.

Bài thơ “Tỏ lòng” đã làm nổi bật lên hình tượng người anh hùng dưới thời đại nhà Trần với vẻ đẹp hùng tráng và bất khuất. Trên nền khí thế hào hùng của thời đại đã khắc họa lên hình ảnh của người anh hùng cứu nước dùng cảm và kì vĩ. Người anh hùng đó thật mạnh mẽ và gan dạ chí vững trong suốt hành trình chiến đấu để bảo vệ đất nước:

“Hoành sóc giang sơn kháp kỉ thu”

(Múa giáo non sông trải mấy thu)

Tư thế và hành động của con người hiện lên qua câu thơ này là rất mạnh mẽ và mang một tầm vóc lớn lao. Câu thơ giúp ta hình dung hình ảnh của người anh hùng cầm ngọn giáo trong tay đang chiến đấu để bảo vệ quê hương, bảo vệ đất nước. Với “giang sơn” và “kỷ thu” tác giả đã đặt người anh hùng của dân tộc vào một không gian rộng lớn và thời gian dài vô tận để càng tô đậm thêm tư thế hiên ngang, anh dũng của người anh hùng. Ở phần dịch thơ sức mạnh cũng như vẻ đẹp của người anh hùng vẫn chưa thể diễn tả được hết so với nguyên tác của câu thơ. Cụm từ “hoành sóc” trong nguyên tác câu thơ với ý nghĩa là chỉ hành động cầm ngang ngọn giáo, đã thể hiện được hết vẻ đẹp cũng như sức mạnh của tráng sĩ. Trong khi ở phần dịch thơ, cụm từ “múaa giáo” thì vẫn chưa thể hiện được hết vẻ đẹp của người anh hùng. Ngoài ra, sự oai hùng và kì vĩ đó còn được tác giả thể hiện qua không gian và thời gian. Với không gian là chiều rộng của sông núi, thời gian là sự kéo dài bằng năm tháng. Không những thế vẻ đẹp ấy càng được nâng lên qua khí thế hào hùng của thời đại:

“Tam quân tì hổ khí thôn ngưu”

    (Ba quân khí mạnh nuốt trôi trâu)

Với hình ảnh của “Tam quân” đã cho ta thấy đó chính là một quân đội tinh nhuệ, được huấn luyện đến trình độ cao cả về số lượng lẫn chất lượng. Không những thế, Phạm Ngũ Lão còn so sánh với “tì hổ” và “khí thôn ngưu” để làm rõ sức mạnh đó. Qua đó cho thấy hình ảnh của con người, của quân đội nhà Trần đầy sức mạnh và có khí thế ngút trời làm lu mờ cả ánh sáng sao Ngưu. “Nuốt trôi trâu” ở phần dịch thơ cũng chưa thể hiện được hết sức mạnh của quân đội nhà Trần như so với nguyên tác câu thơ. Qua hai câu thơ đầu tác giả đã thể hiện được sự chặt chẽ trong gắn kết và mối quan hệ của người anh hùng và một thời đại anh hùng. Không những thế vẻ đẹp của người anh hùng còn được hiện lên với một hoài bão và lý tưởng cao đẹp:

“Công danh nam tử còn vướng nợ

     Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ Hầu”

Đối với đáng nam nhi thì chuyện công danh là điều vô cùng quan trọng:

“Đã mang tiếng ở trong trời đất

Phải có danh gì với núi sông”

(Nguyễn Công Trứ)

“Công danh” trong Nho giáo chính là lập được công trạng lưu danh sử sách và để lại tiếng thơm cho đời sau, đối với nam nhi thời xưa thì đó cũng chính là một món nợ lớn. Trong các triều đại phong kiến thì “công danh” đã trở thành lý tưởng cao đẹp đối với họ. Tác giả Phạm Ngũ Lão là một người đa tài, có thể nói là văn võ song toàn, nhưng bản thân ông vẫn luôn cảm thấy mình còn mắc nợ món nợ công danh. Vũ Hầu là một nhân vật bề tôi có lòng trung thành nhất nhì trong lịch sử Trung Quốc. Phạm Ngũ Lão đã mượn hình ảnh ấy để nói chí tỏ lòng và ông cảm thấy hổ thẹn khi nhắc đến điển tích này. Ông hổ thẹn vì chưa lập được công danh. Điều đó cho ta thấy Phạm Ngũ Lão là một người có nhân cách cao đẹp với hoài bão lớn lao và đáng để người đời ngưỡng mộ.

Bằng ngôn ngữ thơ tráng lệ, Phạm Ngũ Lão đã gợi ra cho người đọc hình ảnh dáng vóc cũng như vẻ đẹp kì vĩ của những người anh hùng và quân đội nhà Trần.

Xem thêm: Phân tích bài thơ Tỏ lòng của Phạm Ngũ Lão hay chọn lọc

Theo dõi chúng tôi trênDuong Gia FacebookDuong Gia FacebookDuong Gia TiktokDuong Gia TiktokDuong Gia YoutubeDuong Gia YoutubeDuong Gia GoogleDuong Gia Google
5/5(1
bình chọn
)

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com