Trình bày mạch cảm xúc của bài thơ Sang thu hay nhất

“Sang thu” là một trong những tác phẩm tiêu biểu được Hữu Thỉnh sáng tác vào những năm đầu khi đất nước vừa giành được độc lập. Bài thơ viết về cảnh sắc của đất trời vào lúc cuối hạ đầu thu cùng những thay đổi trong cảm xúc của tác giá, bài viết này sẽ giúp các bạn trình bày mạch cảm xúc của bài thơ một cách chi tiết.

1. Dàn bài phân tích mạch cảm xúc bài thơ Sang thu – Hữu Thỉnh ngắn gọn nhất:

1.1. Mở bài:

Khái quát về Hữu Thỉnh và bài thơ Sang thu

1.2. Thân bài:

Khổ 1:

Những cảm nhận ban đầu về môt không gian mùa thu rất gần, rất hẹp một cách tỉ mỉ – tác giả cảm nhận mùa thu với chất riêng rất đặc sắc thông qua giác quan:

+ Khứu giác (hương ổi) —> xúc giác (gió se) —> thị giác (sương chùng chình qua ngõ) —> cảm nhận của lý trí (hình như thu đã về).

+ Tâm trạng bất ngờ, nỗi lòng bâng khuâng qua các từ “bỗng”, “hình như”.

=> Tác giả thực sự thấy yêu mùa thu, yêu làng quê, gắn bó với quê hương của mình.

Khổ 2:

Không gian mùa thu đã được mở rộng ra về biên độ, tầm nhìn cao và xa hơn, hướng từ đất lên trời:

+ Cảnh vật xung quanh tại thời điểm giao mùa hạ – thu đã có sự thay đổi: sông “dềnh dàng” – chim “bắt đầu vội vã”, đám mây mùa hạ “vắt nửa mình sang thu”.

+ Các từ ngữ “chùng chình”, “dềnh dàng”, “vội vã”, “vắt nửa mình” là những từ ngữ dùng để chỉ trạng thái, tính chất của người, được tác giả dùng để ẩn dụ miêu tả thiên nhiên, vì thế cảnh vật trở nên sống động có hồn.

=> Sử dụng nghệ thuật đăng đối tạo nên hình ảnh giàu tính tạo hình, mở rộng không gian đất trời mùa thu.

Khổ 3:

– Từ cảm nhận thành chiêm nghiệm vào cuộc đời

– Hai dòng thơ cuối bài cần hiểu với hai tầng nghĩa: Hình ảnh tả thực “mưa, nắng, sấm” nhưng gợi cho ta liên tưởng đến một tầng ý nghĩa khác – ý nghĩa về con người và cuộc sống.

1.3. Kết bài:

Khẳng định giá trị nghệ thuật và nội dung bài thơ.

– Giá trị nghệ thuật: Bài thơ viết theo thể năm chữ, sử dụng nhiều hình ảnh đẹp, giàu sức gợi, ngôn ngữ trong sáng => giúp diễn tả trạng thái của sự vật một cách tinh tế cảnh vật đất trời khi Sang thu.

– Giá trị nội dung: bài thơ xoay quanh tình yêu thiên nhiên, quê hương, đất nước.

–  Khái quát cảm nhận bản thân.

2. Bài văn mẫu hướng dẫn cảm nhận bài thơ Sang Thu hay nhất:

Cuối những năm 70, khi chiến tranh đã chấm dứt, hòa bình lập lại, trong một buổi chiều thu, ra ngoại thành Hà Nội, Hữu Thỉnh đã đến thăm một vườn ổi chín, hương vị dịu dịu… Trong ánh nắng hoàng hôn vàng óng, Hữu Thỉnh đã được ngắm nhìn cảnh vật tại nơi đây, rồi chợt có những cảm xúc ngỡ ngàng, xao xuyến. Cũng vì thế mà bài thơ Sang thu ra đời. Bằng những bước chuyển mình đầy tinh tế của vạn vật trước thời khắc giao mùa, Hữu Thỉnh đã miêu tả được bức tranh mùa thu đầy tinh tế và mới lạ. Chính dòng thời gian tạo nên quy luật và tất cả mọi thứ đều phải vận động theo quy luật ấy. Hình như các sự vật trong bài thơ cũng vậy, chuyển mình vào thu một cách đầy chủ động.

 “Bỗng nhận ra hương ổi

Phả vào trong gió se

Sương chùng chình qua ngõ

Hình như thu đã về”

“Bỗng nhận ra hương ổi”- một trạng thái chưa hề được chuẩn bị, như là vô tình như là ngỡ ngàng, cũng như là cơ duyên để từ đây nhà thơ có thể quan sát xuất hiện của mùa thu trong trời đất bằng tất cả giác quan và cũng chính từ góc nhìn này, hình ảnh của cả sự vật sang thu được nhà thơ đưa vào ống kính.

Mở đầu là một hình ảnh thật quen thuộc của mùa thu Việt Nam, hương ổi – phả vào gió nắng sớm. “Phả” – một động từ mang ý nghĩa chủ động tác động được dùng như một cách khẳng định sự xuất hiện của gió thu trong không gian. Sự góp mặt của màn sương sớm mai cùng với hương ổi làm con người chợt giật mình nhận ra: Hình như thu đã về. Hai đặc điểm để cảm nhận mùa thu hương ổi, làn sương không phải là những hình ảnh đã trở nên ước lệ mà là một chi tiết thật mới mẻ hơn. Với Hữu Thỉnh làn hương ổi rất quen của Việt nam đã được nhà thơ đưa vào bài thơ một cách vô cùng tự nhiên và hòa hợp. Cũng từ đây, một loạt những hình ảnh vừa quen vừa lạ khác sẽ xuất hiện để làm nên một bức tranh mùa thu đẹp đẽ và trong sáng:

“Sóng được lúc dềnh dàng

Chim bắt đầu vội vã

Có đám mây mùa hạ

Vắt nửa mình sang thu”

Tác giả sử dụng những sự vật quen thuộc để miêu tả cảnh đất trời vào thu đang ở trạng thái “ngập ngừng” nhưng sự ngập ngừng đầy chủ động. Mượn những hành động của con người để mô tả sự vật không chỉ hiện lên ở thời điểm hiện tại mà còn dẫn người đọc liên tưởng về quá khứ của chúng, một quá khứ chưa xa “quá khứ màu hạ” và chắc rằng, đó là một quá khứ đầy sôi nổi “Sông được lúc, chim bắt đầu, đám mây, vắt nửa mình” . Điều này khiến cho không gian tạo nên một màu tiếc nuối:

“Vẫn còn bao nhiêu nắng

Đã vơi dần cơn mưa

Sấm cũng bớt bất ngờ

Trên hàng cây đứng tuổi”

Nắng – Hình ảnh quen thuộc và đặc trưng của mùa hè – đang là hiện tại nhưng mưa mùa hạ đã trở thành quá khứ. Trạng thái này của thời tiết lại một lần nữa như khẳng định sự ngập ngừng thì thời gian trôi qua lặng lẽ, và hàng cây sẽ bớt bất ngờ nếu mọi ngày vẫn xanh là thế mà giờ đây đã trở thành “hàng cây đứng tuổi”. Hàng cây đứng tuổi – hình ảnh gợi lên ở người đọc nhiều liên tưởng về sức sống của con người. Thời gian cứ trôi đi ngày qua ngày mà không trở lại, cuộc đời mỗi người là một chứng nhân nhìn mùa thu đi qua. Chính vì vậy nuối tiếc vẫn mãi là cảm xúc của con người trước thời gian. Tâm trạng ấy đã được nhà thơ khéo léo đưa vào cảnh vật, gửi vào trạng thái của thiên nhiên nhằm khắc họa thời khắc mà mọi vật đang chuyển mình sang thu. Điều này lí giải vì sao tất cả các sự vật được khắc họa bằng hành động từ trạng thái với sắc thái nghiêng chủ động. Phải chăng những sự vật đang “sang thu” chứ không phải “à mùa thu tới” hay “thu đã về rồi”. Xưa nay mùa thu thường gắn liền hình ảnh chiếc lá vàng, ngõ đầy rụng, lá khô xào xạc mà ta ngỡ như chỉ những sự vật ấy mới là đặc trưng của mùa thu. Nhưng đến “Sang thu”, người đọc mới nhận ra rằng: Một làn hương ổi, một màn sương, một dòng sông, một đám mây, một tia nắng những sự vật gần gũi thế cũng làm nên những đường nét rất riêng của mùa thu Việt Nam và điều này làm nên sự lôi cuốn riêng cho bài thơ “Sang thu”.

“Sang thu” của Hữu Thỉnh đã mang đến cho người đọc những cảm nhận mới về mùa thu quê hương, thế nhưng cũng làm sâu sắc hơn tình cảm quê hương trong trái tim mọi người. “Sang thu” chính là một tấm gương trong để người đọc có thể nhìn thấy ở đó hình ảnh quê hương xứ sở mình, hình ảnh của thế giới nội tâm của bản thân. Phong cách miêu tả mùa thu bằng những bước chuyển mình của vạn vật, Hữu Thỉnh đã khuấy động một cách nhìn riêng, một lối miêu tả riêng, thoát khỏi những ước lệ để khẳng định vị trí của riêng mình trên con đường sáng tạo nghệ thuật.

3. Bài văn mẫu hướng dẫn cảm nhận bài thơ Sang Thu ý nghĩa nhất:

“Sang thu” là bài thơ được Hữu Thỉnh sáng tác vào cuối năm 1977, được rút ra từ tập thơ ” Từ chiến hào đến thành phố” xuất bản năm 1991. Bài thơ thể hiện những rung cảm, cảm nhận tinh tế của tác giả về những biến chuyển của khoảng khắc giao mùa từ hạ sang thu. Để qua đó tác giả đã có được những suy ngẫm về đời người vô cùng sâu sắc.

Đầu tiên là cảm nhận về không gian giao mùa của làng quê Việt Nam được tả giả cảm nhận bằng những hình ảnh và tín hiệu đặc trưng của mùa thu. Những cảm nhận của tác giả bắt nguồn từ cảm giác ” bỗng” nhận ra ” hương ổi”, đây là một phát hiện bất ngờ, ngỡ ngàng. Một mùi hương ngọt, nhẹ, thơm vàng giòn phả vào trong gió thu. Đây là cơn gió se se lạnh, là đặc điểm của gió thu miền Bắc. Thu đến mà không báo trước khiến tác giả bất ngờ nhận ra chỉ qua mùi hương. Ông sử dụng kết hợp khứu giác và thính giác để nhận ra mùa thu, về những cảm nhận tín hiệu mùa thu qua hình ảnh ” Sương chùng chình qua ngõ”. Sương thu cũng mang những nét đặc trưng riêng, đó là làn khói mong manh bay vờn nhè nhẹ. Nhờ nghệ thuật nhân hóa, làn sương ấy được cảm nhận không còn sự vô cảm, mà lại có hồn. Sương mà lại mang tâm trạng ” chùng chình” như con người,  giống như là đang cố ý đi chậm lại, đợi chờ một ai đó mà lưu luyến. “Hình như” là biểu hiện cảm xúc không chắc chắn, không rõ ràng của Hữu Thỉnh. Như vậy bằng một tâm hồn nhạy cảm, yêu thiên nhiên, Hữu Thỉnh đã có cảm nhận sự giao mùa từ hạ sang thu thật tinh tế. Không chỉ cảm nhận thiên nhiên qua không gian gần và hẹp, Hữu Thỉnh còn cảm nhận những chuyển biến của đất trời sang thu trong không gian rộng lớn hơn kéo dài từ dưới đất lên đến tận trời cao.

Tác giả sử dụng hai hình ảnh đối lập đầu tiên ” sông dềnh dàng” và ” chim vội vã” đã thể hiện sức quan sát tinh tế của mình. Hình ảnh dòng sông trôi chậm chạp được nhân hóa như một con người như đang suy nghĩ một điều gì đó. Đối lập với hình ảnh dòng sông là hình ảnh đàn chim đang vội vã bay về phương nam tránh rét ngay khi chúng cảm nhận được chút gió se se lạnh. Bên cạnh đó có một hình ảnh vô cùng độc đáo được Hữu Thỉnh cảm nhận trong khổ này chính là ” đám mây”. Tác giả vẫn sử dụng nghệ thuật nhân hóa, đám mây mùa hạ lại ” vắt” nửa mình chứ không phải vắt hết. Từ ” vắt” đã cho chúng ta cảm nhận đám mây giống như một dải lụa mỏng lơ lửng trên bầu trời, nó đang vắt một nửa để tạo nên ranh giới chia cắt hai mùa, nửa nghiêng về mùa hạ, nửa nghiêng về mùa thu. Qua khổ thơ, tác giả thể hiện cảm xúc si mê, ngây ngất trước cảnh đẹp của thiên nhiên.

Bốn câu cuối bài thơ ” Sang thu” không những thể hiện những chuyển biến âm thầm của tạo vật mà còn mang theo suy tư về đời người khi chớm thu. ” Vẫn còn bao nhiêu nắng/ Đã vơi dần cơn mưa/ Sấm cũng bớt bất ngờ” những chi tiết như là ” nắng, mưa, sấm” mô tả cảnh đặc trưng mùa thu. Kết hợp với từ chỉ mức độ như là ” vẫn còn, bớt, vơi” đã thẻ hiện sự chuyển biến của tự nhiên hạ đã nhạt dàn và thu đậm nét hơn. Đặc biệt, hai câu cuối mang ý nghĩa biểu tượng cao: ” Sấm cũng bớt bất ngờ/ Trên hàng cây đứng tuổi”. Sấm là hình ảnh của thiên nhiên nhưng nó cũng mang biểu tượng cho sự rúng động, bất biến của đất trời tác động vào con người. Còn ” hàng cây đứng tuổi” là hàng cây đã trải qua bao mùa thay lá, hàng cây đã đi qua nhiều thu, nhiều hạ, trở nên vững vàng, già dặn hơn. Thông qua hai hình ảnh này, Hữu Thỉnh đã gửi cho chúng ta một triết lí về cuộc đời vô cùng sâu sắc: con người từng có nhiều trải nghiệm, từng gặp nhiều thử thách đã có nhiều kinh nghiệm sẽ có sự vững vàng, sẵn sàng đón nhận những biến cố thử thách của cuộc đời, họ sẽ hiểu đời nhiều hơn. Thông qua đó chúng ta cũng nghĩ đến hình ảnh con người Việt Nam đã trải qua bao cuộc chiến tranh xâm lược của kẻ thù, đã có sự hi sinh, mất mát những giờ đây họ vẫn kiên cường để bảo vệ được thành quả của ông cha và những người đi trước.

Thông qua bài thơ, có thể nói rằng Hữu Thỉnh là một nhà thơ vô cùng tài ba khi có những cảm nhận về đất trời vào thời điểm chớm thu. Những câu thơ của ông đã đi vào lòng người và để lại cho người đọc nhiều cảm xúc. Chắc hẳn phải có một tình yêu thiên nhiên, quê hương, ông mới có thể cảm nhận được vẻ đẹp thiên nhiên bước chuyển từ mùa hạ sang thu hay đến như vậy.

Theo dõi chúng tôi trênDuong Gia FacebookDuong Gia FacebookDuong Gia TiktokDuong Gia TiktokDuong Gia YoutubeDuong Gia YoutubeDuong Gia GoogleDuong Gia Google
5/5(1
bình chọn
)

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com